Các thánh Tử đạo Việt Nam - Dòng máu anh hùng

Thứ bảy - 18/11/2023 08:16  708
CHÚA NHẬT XXXIII
Kn 3,1-9; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26
 
21470846431448437138Dân tộc Việt Nam có truyền thống anh dũng, sản sinh nhiều vị anh hùng dân tộc. Có những vị hy sinh để bảo vệ quê hương đất nước và cũng có rất nhiều vị đã đổ máu đào cho một tình yêu bất diệt, cho một Đức Tin mãnh liệt. Đó chính là các anh hùng Tử Đạo Việt Nam, những tôi tớ anh dũng của Thiên Chúa, những người con trung hiếu của Giáo Hội và dân tộc Việt nam. Các Ngài đã hy sinh, đổ máu đào để minh chứng cho tình yêu Chúa sắt son, tình yêu nhân loại nồng nàn và yêu cuộc sống thắm thiết.

1. Tình yêu Thiên Chúa sắt son

Trước hết, vì yêu Chúa sắt son nên các ngài là chứng nhân của Chúa: “Vì Danh Thầy anh em bị mọi người thù ghét” (Mt 10,22), đặc biệt các Ngài đã: “Giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh7,14). Các Ngài đã chia sẻ niềm tin của chúng ta, đã hiên ngang sống và làm chứng cho đức tin, thà chết không thà chối bỏ đức tin. Các Ngài đã nghe và thực hiện Lời Chúa: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì” (Lc 9,24-25). Và một ngày kia, các Ngài đã phải chọn lựa: chọn lựa giữa một mất một còn, giữa trung thành và phản bội, giữa sự sống và cái chết. Các Ngài đã chọn Chúa Giêsu, lấy máu đào làm chứng cho Thiên Chúa.

Như thế, các thánh tử đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa sắt son. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó và chỉ muốn được ở mãi trong tình yêu ấy. Đúng như lời của thánh Phaolô đã khẳng định: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8:35-39).

2. Tình yêu nhân loại nồng nàn

Tiếp đến, các ngài là những người yêu mến nhân loại nồng nàn. Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình, yêu mến tha nhân và yêu cả kẻ thù. Chúng ta gọi là kẻ thù, nhưng với các thánh họ lại là những công cụ của Chúa sớm đưa các ngài về quê hương Thiên quốc. Chính tình yêu Chúa sắt son đã thúc đẩy tình yêu nhân loại của các ngài. Các ngài không hận thù hay nguyền rủa những kẻ đã bắt bớ đánh đập, tù đày hay gông cùm các ngài. Đọc hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta thấy thánh Lê Văn Phụng đã chữa bệnh cho cả người cai tù của mình. Hay thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan dù bị tra tấn, nhưng vẫn khoan dung trong ngôn từ, hay kiên trung hiếu nghĩa như Cha Thánh Nguyễn Văn Tự: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ và kính song thân như hạ phụ. Tôi không thể nghe cha ruột để hại vua, và cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết, không có ai tỏ lòng oán hận, và nhất là không có vị nào thù ghét, nguyền rủa các lý hình. Vì đâu mà các ngài lại có thể yêu thương cả người bắt bớ, hành hạ mình như vậy? Thưa là vì yêu Chúa sắc son, yêu Chúa nên đã thực hiện Lời Chúa dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Chính tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa, nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. “Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó” (Fulton Sheen). Như gương của Cha Thánh Vũ Bá Loan, niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng “Cụ”, ngài không bị đánh đòn, và trong ngày xử, mười lý hình bỏ đao chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép: “Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé”. Những lời trên, gợi cho chúng ta nhớ lại lời của người trộm bị đóng đanh bên hữu Đức Giêsu, vì được Tình Yêu của Đức Giêsu cảm hoá nên đã kêu xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42).

Như thế, khi minh chứng Tình Yêu Chúa nơi nhân loại, tình yêu ấy sẽ lan toả và có sức cảm hoá con người. Chỉ có Tình Yêu mới cảm hoá được con người cách sâu sắc. Chết cho Tình yêu là cái chết hạnh phúc nhất. Đổ máu cho tình yêu là sự hy sinh bao dung và cao thượng nhất. Vậy các thánh vui vẻ sẵn sàng hy sinh đổ máu đào làm chứng cho Tình Yêu, cho Đức Tin son sắt, có phải vì các ngài không yêu cuộc sống này nữa chăng?

3. Yêu cuộc sống thắm thiết

 Cuối cùng, các thánh tử Đạo không những yêu Chúa sắt son, yêu tha nhân nồng nàn mà còn yêu cuộc sống cách thắm thiết. Các ngài không chán ghét cuộc sống, ngược lại từng phút giây trong đời, các ngài luôn trân quý sự sống và tất cả những gì Chúa đã ban. Các ngài luôn yêu quê hương đất nước với tinh thần bao dung hoà hiếu. Chính Đức Cha Feliciano Alonso Phê trong thư chung năm 1798 khuyên các tín hữu ứng phó với nhà cầm quyền bách hại: “đừng dùng súng ống gươm giáo, mà là Đức tin, lời cầu nguyện và đức ái”. Dù bị tù đày, bắt bớ, gông cùm, các ngài vẫn không quên bổn phận với gia đình với những lời di chúc lại cho con cháu như Y sĩ Phan Đắc Hoà đã khuyên: “Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và chăm lo việc nhà…”
Như thế, động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Dù rất yêu cuộc sống, nhưng vì Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng, cho nên các ngài vẫn chấp nhận hy sinh để bảo vệ Đức Tin chân chính của mình. Chắc hẳn ngày hôm nay chúng ta không còn phải Tử Đạo bằng đổ máu như các thánh cha ông xưa. Nhưng sẽ là một cuộc Tử Đạo liên lỉ trong việc lựa chọn: hoặc chọn gia nghiệp là Nước Trời hoặc chọn những sự thuộc về thế gian. Chọn lựa thánh giá hoặc chọn những dễ dãi an nhàn; chọn phục vụ anh em hay chọn hưởng thụ. Điều quan trọng là chúng ta có dám can đảm tiếp nối dòng máu anh hùng của các thánh cha ông xưa hay không? Khi mà trong xã hội hôm nay đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền. Và để có tiền, nhiều người đã không từ chối một phương tiện nào như: lừa đảo, trộm cắp, làm hàng giả, buôn bán ma tuý, tham nhũng hối lộ.

Đứng trước nhu cầu và sự ham mê tiền bạc, người Công Giáo chúng ta muốn trung thành với Tin Mừng, muốn sống trọn vẹn cho Đức tin theo gương các thánh cha ông thì buộc phải có “tử đạo” bằng lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn hơn là đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và luật Chúa. Tất cả những chọn lựa đó đòi chúng ta phải chiến đấu quyết liệt không kém gì chịu tử hình.

Mừng Lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta cùng cầu xin các Ngài, xưa đã anh dũng hy sinh cuộc sống, dâng hiến máu đào làm chứng cho Đức Kitô, xin giúp chúng con hôm cũng có được dòng máu anh hùng của các Ngài, để làm chứng cho Tình Yêu và chết vì yêu. Amen.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay52,775
  • Tháng hiện tại252,177
  • Tổng lượt truy cập77,046,425
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây