Chiếc áo không làm nên thầy tu
Thứ bảy - 04/11/2023 04:20
753
Trong xã hội ngày nay, nhiều người thích xem trọng vẻ bề ngoài và xem chúng như tiêu chuẩn để đánh giá một người, nhưng nếu là người biết nhìn xa trông rộng, biết suy tính kỹ càng, chúng ta sẽ đánh giá con người về phẩm chất bởi điều ta nhìn thấy chưa chắc đúng về con người của họ như câu thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” hay "manh áo không làm nên thầy tu" cha ông ta đã dạy.
Dường như chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận, đoán định một người từ vẻ bề ngoài, bởi vì hễ mắt nhìn thì ta sinh ra liên tưởng, trong tâm tự nhiên sẽ phát sinh yêu-ghét, hiếm khi không có chút cảm xúc nào. Tuy nhiên, không có hình dáng bên ngoài nào đủ để nhận định giá trị một con người?
Giáo huấn mà Chúa Giêsu nói tới hôm nay trước hết nhằm đả kích thái độ tự tôn và trịch thượng của các đầu mục Do Thái giáo thời bấy giờ. Họ là những kinh sư và nhóm biệt phái, những bậc ‘phụ mẫu chi dân’ nắm trọn quyền hành trong sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bắn thẳng vào lối sống giả hình của họ, những con người bề ngoài cứ hay lên mặt dạy đời, nhưng trong tâm hồn thì hoàn toàn trống rỗng. Trong bài đọc 1, tiên tri Malaki cũng nặng lời khiển trách các tư tế với những lời lẽ răn đe khá cứng cỏi: “Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh danh ta, ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa. Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên con đường luật dạy’ (Mal 1,4-8). Cũng vậy trong bài Tin Mừng, Chúa không những kết án sự kiêu căng nơi các lãnh đạo tôn giáo, nhưng còn khuyên bảo dân chúng rằng ‘Những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng những việc họ làm thì đừng có khuôn rập theo, vì họ nói mà không làm’ (Mt 23,3).
Sự giả dối nơi các đầu mục Do Thái giáo là điều Chúa kinh tởm nhất. Họ đánh lừa được người khác với dáng vẻ đạo đức oai phong bề ngoài, như đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài (c 5), nhưng không thể nào đánh lừa nổi Thiên Chúa, Đấng thấu biết mọi sự ẩn kín bên trong tâm hồn. Những người biệt phái thời xưa xét bề ngoài không thể chê trách: ăn chay tự nguyện còn hơn những gì đòi buộc, đóng góp vào hội đường và đền thờ rất nhiều bằng những đồng tiền dư thừa của họ, và gom tất cả những việc ấy lại như một cuốn sổ chấm công để khoe khoang. “Lạy Chúa, con không như bao người khác: Trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con (Lc 18,11-12).
Chúa đã vạch mặt sự giả dối nơi họ và nói một cách thẳng thừng: “Họ giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết, nhưng bên trong đầy những thối tha”. Nhiều khi trong lối sống hằng ngày, chúng ta cũng rơi vào sự giả dối và chuộng hình thức giống như thế. Chúng ta vẫn thường tổ chức các buổi lễ rất hoành tráng bề ngoài với những cuộc rước sách linh đình, nào kèn nào trống, nào cờ xí bay rập trời…, nhưng trong nội bộ lại có nhiều hiềm khích, chia rẽ hoặc nghi kỵ lẫn nhau. Tình trạng này khá phổ biến nơi các giáo xứ tại Việt Nam, và chúng ta cần phải nhìn lại cách sống đạo mà Chúa nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay. Một vị Giám mục bên Hoa Kỳ đã nhận xét: “Người Việt Nam rất thông minh và giỏi giang. Họ làm việc cá nhân rất hiệu quả, nhưng khi làm việc chung lại hay chia bè chia phái vì ai cũng muốn cho mình là nhất”.
Lời nhận xét đó cũng tương hợp với những lời kết án Chúa nói hôm nay khi nhắm vào các đầu mục tôn giáo thời xưa. Chính vì thế, trong đời sống Đức Tin, chúng ta phải có sự cảnh giác. Trước hết, chúng ta phải cảnh giác lối sống giả dối của quan chức. Sau khi vua Cyrô cho Itraen hồi hương, dân sống giành giật, lãnh đạo quan liêu, dối trá, khoe khoang tài năng, đạo đức, để vơ về cho mình, quên ơn Thiên Chúa, nên Chúa sai Malakhi đến cảnh cáo. Những quan chức sống giả tạo cũng nhan nhản trong xã hội ngày nay. Chúa Giêsu đã lên án loại người này, ‘họ giống như mồ mả tô vôi, ngoài thì sơn phết, nhưng bên trong đầy thối tha.”
Cùng với đó, việc cảnh giác lối sống giả dối của Rabbi cũng là điều cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Đức Tin. Đức Giêsu nói, giả dối là do ma quỷ và Người đã đào sâu vào khối u man trá của Luật Sĩ và Biệt Phái: “Những gì họ nói, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm.” Hãy cảnh giác với những rabbi thời đại. Họ nói hay, xử khéo, ra vẻ nhiệt tình bề ngoài, nhưng trong tâm hồn họ, lại có một lối suy nghĩ hoàn toàn trái ngược với giới luật yêu thương. Xã hội luôn có người ‘miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm.’ Họ giả bộ là quân tử dưới trời nắng, nhưng là xã hội đen trong bóng râm, bên ngoài tử tế, trong lòng thâm độc; như một học giả nói: họ thích làm đầu gà hơn là đít voi. Đúng là ‘thùng rỗng kêu to,’ họ khoác trên người vẻ lịch thiệp bên ngoài để tìm tư lợi, lúc nào cũng vênh vang vì ‘cái tôi hơn người.’
Ngày nay, nhiều nơi thích tổ chức lễ lạy hoành tráng, xây nhà thờ lớn, nhưng sống chia rẽ, bỏ quên đời sống tâm linh, thiếu quan tâm giới trẻ. Nếu Giáo Hội quá chú trọng chức tước, phô trương hình thức là đi ngược lời dạy của Chúa. Giả hình là dễ dãi với mình, khó với tha nhân, biến việc thờ Chúa thành thờ cái tôi. Người ta dễ dàng nhận ra khuôn mặt kẻ giả hình, như thích kể công, được khen, thích được nổi tiếng. Chính vì thế, mỗi chúng ta hãy sống thật với chính mình. Người đạo đức thật sẽ không làm ‘cốt để cho thiên hạ thấy.’ Chúa không dạy phải khiêm nhường bề ngoài, vì đó chính là kiêu ngạo, trá hình, rồi cuối cùng sẽ ‘cháy nhà ra mặt chuột.’ Chúa dạy phải có tâm tình khiêm nhường. Thiên Chúa là Đấng phán xét công trạng mỗi người và đặt họ vào địa vị xứng hợp trong Nước Người.