Thắp lửa truyền giáo
Thứ bảy - 21/10/2023 04:17
1747
(x. Lc 24:13-35)
Chúa Nhật 29 Thường Niên năm A
Với chủ đề “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh” được gợi hứng từ câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus của Tin Mừng Luca (x. Lc 24:13-35), Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy tài “bắt mạch” và “kê đơn” của Ngài. Có thể nói, hai căn bệnh trầm kha của công cuộc truyền giáo hôm nay là “thiếu lửa” và “chùn chân”. Vì thế, thật cần thiết một cuộc “tân phúc âm hóa” cho chính các Kitô hữu, nghĩa là canh tân lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng và thúc đẩy những hành động cụ thể để cả Giáo hội “đi ra” khỏi mình và đến với mọi “vùng ngoại vi” đang cần được nghe và “thấy” Tin Mừng của Chúa.
Thiếu lửa và chùn chân
Một ngọn lửa bị tắt ngúm thường là do hết củi (cạn kiệt nhiên liệu) hoặc do gió bão (tác động ngoại lực). Lửa truyền giáo có thể đã bị tắt bởi cơn lốc của lối sống hưởng thụ, tìm kiếm tiện nghi, lạc thú và an nhàn… Lửa truyền giáo cũng có thể đã vụt tắt hoặc leo lét là do chúng ta không tiếp củi cho ngọn lửa này. Củi ở đây là lời Chúa, Thánh Thể, giáo lý, sinh hoạt đạo đức, đời sống cộng đoàn, gương sáng truyền giáo… Hai môn đệ Emmaus thất vọng, tắt lửa lòng, bỏ cuộc, vì họ không còn gắn bó với Chúa Giêsu và với cộng đoàn. Họ tìm một giải pháp “an toàn” nhất cho tình trạng rối ren lúc này: về quê!
Sự thiếu lửa sẽ dẫn đến chùn chân mỏi gối. Chùn chân vì muốn ở yên trong vỏ bọc an toàn của mình. “Về quê” luôn là một cám dỗ của mọi thời đại. Đó là tình trạng của “mục vụ bảo tồn” mà Đức Thánh Cha muốn kêu gọi “hoán cải” để chuyển sang “mục vụ loan báo Tin Mừng”. Mọi suy tư, hành động và chương trình mục vụ phải hướng về loan báo Tin Mừng. Giáo hội cần “đi ra” khỏi “khu vực an toàn” để không “loay hoay” với những vấn đề riêng mình, nhưng ra khỏi mình mà đến với những vùng ngoại vi đang cần được Tin Mừng chiếu sáng.
“Hoán cải truyền giáo vẫn là mục tiêu chính mà chúng ta phải đặt ra cho mình với tư cách cá nhân và cộng đồng, bởi vì “việc tiếp cận truyền giáo là khuôn mẫu cho mọi hoạt động của Giáo hội” (Evangelii Gaudium, 15).
Đốt lòng bừng cháy
Các môn đệ trên đường Emmaus đã thấy “lòng bừng cháy” sau khi nghe Chúa phục sinh giải thích Kinh Thánh. Lời Chúa là ánh sáng, có khả năng soi chiếu và sưởi ấm cõi lòng. Quả thực, “trong hoạt động truyền giáo, lời Chúa soi sáng và biến đổi các tâm hồn”. Tiếp cận với Lời Chúa, được Chúa đồng hành (“lại gần”, “cùng đi”, “hỏi han”, “giải thích”…), các môn đệ trên đường Emmaus đã tìm lại được ánh sáng giúp các ông tái định hướng cuộc đời mình.
“Giống như ngày hôm ấy, hôm nay Chúa Phục Sinh vẫn gần gũi với các môn đệ truyền giáo của Người và đồng hành với họ, nhất là khi họ cảm thấy mất phương hướng, chán nản, sợ hãi trước mầu nhiệm sự dữ bủa vây và tìm cách chế ngự họ” . Vâng, “Chúa Phục Sinh luôn ở cùng chúng ta”. Chính Ngài “là Lời hằng sống, Đấng duy nhất có thể làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trong chúng ta, khi Người soi sáng và biến đổi tâm hồn chúng ta”.
Vì thế, để cho “lòng bừng cháy” chúng ta được mời gọi yêu mến và tìm hiểu Kinh Thánh, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Thánh Giêrônimô) và “một trái tim lạnh lùng không bao giờ có thể khiến những trái tim khác bừng cháy!”. Chúng ta được mời gọi “hãy luôn sẵn sàng để mình được Chúa Phục Sinh đồng hành khi Người giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Sách Thánh. Xin Người làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trong chúng ta; xin Người soi sáng và biến đổi chúng ta, để chúng ta loan truyền mầu nhiệm cứu độ của Người cho thế giới bằng quyền năng và sự khôn ngoan đến từ Thần Khí của Người”.
Để chân bước nhanh
Tuy nhiên, các môn đệ chỉ rảo bước cho sứ mệnh khi “mắt họ mở ra” nhờ tham dự cử hành “bẻ bánh”. Thánh Thể vừa là nguồn mạch vừa là sức mạnh cho bước chân truyền giáo: “Yếu tố quyết định mở mắt cho các môn đệ là chuỗi hành động Chúa Giêsu thực hiện: Người cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông”. Qua và trong Thánh Thể, các môn đệ noi gương Chúa Kitô phục sinh, “vừa là Đấng bẻ bánh, vừa là chính tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta”, để trong Đấng phục sinh và nhờ tác động của Thánh Thần, họ “trở thành người bẻ bánh và là tấm bánh được bẻ ra cho thế giới”.
Sau khi được mở mắt và nhận ra Chúa Giêsu “khi bẻ bánh”, các môn đệ “hối hả lên đường và trở về Giêrusalem” (x. Lc 24:33). Việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa chứng tỏ rằng “niềm vui của Tin Mừng lấp đầy trái tim và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Ai để cho mình được Ngài cứu thì được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn rầu, khỏi trống rỗng nội tâm, khỏi cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh” (Evangelii Gaudium, 1).
Ai đã thực sự gặp Chúa Giêsu phục sinh thì lòng không thể không bừng cháy và chân không thể không bước nhanh, vì “người ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh mà không bừng cháy lòng nhiệt tình để nói cho mọi người về Người”. Hình ảnh “đôi chân rảo bước” nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của sứ mệnh truyền giáo cho muôn dân (mission ad gentes): Giáo hội được Chúa trao cho sứ mệnh rao giảng Tin Mừng tới mọi chân trời góc bể!
***
Sứ điệp khánh nhật truyền giáo hôm nay một lần nữa nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người. Sứ mệnh ấy có lúc đã bị xao lãng và thậm chí lãng quên. Nguyên nhân chủ chốt có lẽ là do “thiếu lửa” và “chùn chân”. Đôi khi chúng ta như đang cảm thấy những dấu hiệu của một Giáo hội mệt mỏi và bi quan? Điều cần thiết là hãy làm một cuộc “hoán cải mục vụ”, để Giáo hội “thường xuyên trong tình trạng truyền giáo” vì “việc quản trị thuần túy” trong Giáo hội đã trở nên bất cập (x. EG số 25).
Để làm cuộc hoán cải này, rất cần trở về với nguồn mạch Lời Chúa và Thánh Thể, để kín múc ánh sáng và sức mạnh cho một đà tiến truyền giáo mới. Kinh nghiệm “lòng bừng cháy, chân bước nhanh” của hai môn đệ trên đường Emmaus soi sáng và khích lệ chúng ta trên hành trình canh tân mục vụ truyền giáo này: “Nguồn lực chính và chủ yếu của việc truyền giáo là những người đã biết Chúa Kitô phục sinh trong Kinh thánh và trong Bí tích Thánh Thể, những người mang ngọn lửa của Người trong trái tim và mang ánh sáng của Người. Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất và những thời khắc đen tối nhất”. Vì thế, “hoán cải truyền giáo vẫn là mục tiêu chính mà chúng ta phải đặt ra cho mình với tư cách cá nhân và cộng đồng, bởi vì “việc tiếp cận truyền giáo là khuôn mẫu cho mọi hoạt động của Giáo hội” (EG,15).
Vì tình yêu Đức Kitô và lòng yêu mến Giáo hội, “tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta”. Điều này đòi hỏi một sự hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ (truyền giáo): “Tính cấp bách của hoạt động truyền giáo của Giáo hội đương nhiên đòi hỏi sự hợp tác truyền giáo ngày càng chặt chẽ hơn về phía tất cả các thành viên của Giáo hội và ở mọi cấp độ”.
“Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng ta chuyển động. Chúng ta hãy lên đường để làm cho những trái tim khác bừng cháy Lời Chúa, mở mắt cho những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường bình an và cứu độ mà, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho toàn thể loài người”.
ĐTC Phanxicô, Sứ điệp truyền giáo năm 2023, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-giao-hoang-phanxico-cho-ngay-the-gioi-truyen-giao-2023-49228
Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng