Chúa Nhật 27 thường niên A
Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43
Thời xưa, trái nho là sản phẩm nông nghiệp chính yếu của người Israel. Nho được trồng để ăn trái hoặc chế biến rượu. Có thể nói hình ảnh vườn nho cũng gần gũi với người Israel như hình ảnh cánh đồng lúa của người Việt Nam chúng ta.
Trong Kinh Thánh, vườn nho là hình ảnh biểu tượng của Dân Chúa. Đoạn văn nổi bật nhất được nói đến trong Isaia chương 5 (bài đọc I: Is 5,1-7) với lời khẳng định: “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel”.
Câu chuyện về vườn nho trong Tin Mừng khiến chúng ta ngạc nhiên và khó hiểu về nhiều điều, chẳng hạn: tại sao ông chủ có thể tốt bụng và kiên nhẫn tới mức như thế? Tại sao các tá điền làm vườn nho lại có thể vô ơn bạc nghĩa đến như vậy?... Câu chuyện này mời gọi chúng ta từ bỏ lối sống biếng nhác và vô trách nhiệm, để sống tích cực và dấn thân nhiều hơn.
Bài ca về vườn nho
Vườn nho thân thương với người Israel quá đỗi, nên chẳng ngạc nhiên khi hình ảnh ấy đã đi vào thơ ca nghệ thuật. Bài ca về vườn nho của Isaia tiêu biểu cho điều ấy (Is 5,1-7). Những hình ảnh thơ mộng vẽ lên một vườn nho thật đẹp, trên đồi cao xinh tươi, được rào giậu xung quanh cẩn thận, được nhặt đá, trồng cây chọn lọc, có bồn đạp nho, có tháp canh… Tất cả điều đó diễn tả tâm huyết của ông chủ vườn nho: ông đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể làm cho vườn nho của mình! Thế nhưng, rất tiếc kết quả đã không đến như ông mong đợi, thay vì nho tươi thì là quả dại, thay vì chính trực thì toàn thấy gian ác, thay vì công bình thì toàn thấy oan khiên…
Trong bài Tin Mừng, một hoàn cảnh tương tự cũng đã xảy ra. Ông chủ cũng đầu tư hết tầm, chăm sóc tận tâm, mà kết quả toàn là gian ác, bất công, bội bạc. Sự ích kỷ tham lam đã làm cho lòng người ra u tối, mất hết lương tri và đạo lý, trong đầu chỉ còn là “hoa lợi” và “gia tài”. Rất tiếc, những câu chuyện tương tự như thế vẫn xảy ra nhan nhản trên mặt báo mỗi ngày: từ chuyện chém giết, phóng hỏa vì một vài tấc đất đến những cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài vì tranh giành ngai vàng và biển đảo…
“Ông sẽ cho người khác thuê”
Những người tá điền cũ bị loại bỏ, vì họ không những không nộp hoa lợi mà còn giết chết các sứ giả ông chủ sai đến và tệ hơn, còn giết cả con trai của ông chủ nữa. Đây là những tá điền vừa bất công bất nghĩa vừa bất nhân vô đạo. Vì thế, đúng hơn, họ đã tự loại mình ra khỏi vị trí vì đã đánh mất tư cách của mình. Ngược lại, “người thuê khác” được mô tả là “cứ đúng mùa nộp hoa lợi cho ông chủ”. Anh tá điền này như thế là người trung thành, liêm chính, đàng hoàng, đúng hẹn, uy tín, khác hẳn nhóm tá điền cũ.
Quyết định của ông chủ cho thấy tính nghiêm túc của việc đáp trả trước những hồng ân Chúa ban cho ta. Chúa ban cho ta sự sống, thời giờ, tài năng, của cải… là để vườn nho của Chúa được trổ sinh hoa trái dồi dào. Chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về những hồng ân Chúa đã ban cho ta, vì đó không phải là món quà Chúa ban cho riêng ta mà còn vì lợi ích chung của cộng đoàn, xã hội…
Siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng
Câu chuyện vườn nho khuyến cáo chúng ta về căn bệnh lười biếng. Cổ nhân có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”, giới trẻ thì hay nói: “Rảnh rỗi sinh nông nỗi”. Việc lười biếng, nhất là phương diện tâm linh (lười cầu nguyện, lười đi lễ, lười đọc kinh, lười đọc sách, lười học giáo lý, lười tham gia hội đoàn, lười việc chung…) rất dễ biến chúng ta thành miếng mồi ngon cho quỷ dữ và những thói hư tật xấu khác.
Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy “siêng năng việc Đức Chúa Trời”, nhất là năng tham dự Thánh lễ, năng xưng tội, năng đọc kinh, năng tham gia các sinh hoạt đạo đức, các việc chung, các hoạt động bác ái, các công việc tông đồ truyền giáo… Đó là một lối sống tích cực và dấn thân để góp phần xây dựng một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông-tham gia và sứ vụ.
***
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hồi tâm tự vấn về cách thức sống đạo của mình. Nhịp sống công nghiệp hôm nay đang dần làm cho con người ngày càng bận rộn với những công việc dưới đất mà ít hoặc không còn thời giờ cho những “việc Đức Chúa Trời” (việc thiêng liêng). Chính vì thế, cách sống đạo có thể dễ rơi vào tính chất hình thức và cá nhân, khiến người tín hữu chúng ta xem ra ngày càng vô tâm vô cảm trước những hoạt động của đời sống Hội Thánh.
Hội Thánh là vườn nho của Chúa được giao phó cho tất cả chúng ta. Chúng ta được mời gọi góp phần mình để vun trồng Vườn Hội Thánh, bằng việc tích cực trổ sinh hoa trái và “hoa lợi” đúng mùa. Thánh Phaolô đặc biệt nhắn nhủ chúng ta về những hoa trái thiêng liêng cần trổ sinh (Bài đọc II: Pl 4,6-9): chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền, đức hạnh, đáng khen đáng mến…
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta sống tích cực và tham gia nhiều hơn vào đời sống Hội Thánh. Chúng ta là Hội Thánh và mỗi người đều có vai trò và trách nhiệm lớn lao đối với Hội Thánh. Những hoa lợi mà Chúa chờ mong nơi mỗi chúng ta chính là một đức tin trưởng thành, dấn thân và trổ sinh hoa trái Tin Mừng.