Hãy khoác vào mình tấm áo sự thiện chí

Thứ bảy - 14/10/2023 04:25  359
Chúa Nhật 28 Thường Niên A
 
ee0694339b3bf0b8697058f0f56d1988HÃY KHOÁC VÀO MÌNH TẤM ÁO CỦA SỰ THIỆN CHÍ
Qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã mời gọi dân Ngài đi vào trong giao ước, chia sẻ tình yêu với Ngài. Nhưng tiếc thay, con người luôn đáp lại một cách khác, ngược đãi, xua đuổi các tiên tri. Giao ước không được đáp trả. Nhưng Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, tiếp tục mở tiệc mời con người tới dự tiệc giao ước mới và đó chính là niềm vui cho mỗi người chúng ta.[1]

Những người đầu tiên được đức vua mời đến dự tiệc cưới, nhưng viện cớ lấy lý do “như đi thăm trại…đi buôn bán” để từ chối (Mt 22, 5-6). Vì họ từ chối, nên những người khác được mời vào chia sẻ niềm vui với gia đình hai bên và đôi bạn trẻ.

Khác với những người được mời trước, những người được mời sau chẳng có công gì cũng được mời dự tiệc cưới. Họ chỉ có cơ may là được các người đầy tớ gặp ở ngã ba đường. Họ thuộc đủ mọi thành phần, bình thường không ai để ý tới. Dụ ngôn trong bài Tin Mừng[2] diễn tả ông vua thiện chí, sống tình người. Vua mời mọi người đến dự tiệc cưới: “Ta dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời đến dự tiệc cưới” (Mt 22,4).” Vua là Chúa Cha, Hoàng Tử là Đức Giêsu, Hôn Thê là Giáo Hội. Hình ảnh trên diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Tiệc cưới nước Trời dành cho toàn thể nhân loại, như lời Isaia: “Chúa tể trời đất sẽ thiết tiệc đãi muôn dân” (Is. 25, 6).Trước hết, những khách mời đầu tiên là minh chứng cho sự thiếu thiện chí. Họ lấy lí do thăm trại, đi buôn, coi thường tiệc cưới hoàng tử. Ngày nay nhiều người coi mùa cưới là mùa trả nợ. Họ như ‘bị mời’ và tìm cớ thoái thác. Họ lo làm giàu, tham lam, giành giật, mê man số đề. Đức Giêsu buồn về các kẻ từ chối Ngài, như Luật sĩ, Biệt phái, Anna, Caipha, Hêrôđê. Nhiều Kitô hữu ngày nay vẫn tiếp tục lẩn trốn Chúa, còn đưa ra nhiều lí do để từ chối đến nhà thờ, dự lễ.

Đối lập với những vị khách đầu tiên, đó là một vị vua sống đầy sự thiện chí. Bị từ chối, vua vẫn sai sứ giả mời gọi mọi người vào phòng tiệc. Cũng vậy, Thiên Chúa như ông vua sai các đầy tớ, các mục tử, qua mọi nẻo đường mời gọi mọi người vào Giáo Hội. Nhiều người coi quyền lợi vật chất quan trọng hơn hồng ân của Chúa. Tuy nhiên, qua mọi thời đại, bất kể họ là ai, tốt hay xấu, Thiên Chúa vẫn mời gọi tất cả vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Còn kẻ không mặc áo cưới thì sao? Trong cuộc sống, dù ‘cái áo không làm nên thày tu,’ nhưng qua tấm áo, mọi người có thể nhận ra được địa vị hay nghề nghiệp, thậm chí cả về nhân cách và đức tính của một người. Điều kiện mặc áo cưới là rất đơn giản, nhưng họ vẫn vô tâm, cục cằn thô lỗ, không theo luật lệ nào. Đó là người dự tiệc của Chúa, nhưng coi thường, vô lễ với Thiên Chúa và Giáo Hội.

Người Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài để chuẩn bị ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng, họ đã từ chối đặc ân. Họ thờ ơ, không đếm xỉa gì đến lời mời gọi dự tiệc cưới :người thì đi thăm trại, kẻ thì đi buôn, người khác thì bắt đầy tớ nhục mạ và giết đi…

Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính hiện sinh. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa Nhật.

Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh họat xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, để khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.

Chắc hẳn Thiên Chúa mời gọi con người là do tình thương và thiện chí của Ngài, không do công trạng của họ. Đó là tình yêu vô vị lợi. Chúa yêu thương mời gọi hết mọi người, nhưng Chúa cũng đòi hỏi con người phải có chút thiện chí với Ngài, là mặc áo cưới để dự tiệc Nước Trời với Ngài đời đời.

Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.

[1]
 
Tiệc thời Thiên Sai (22,1-10)

Như trong sấm ngôn khải huyền của Bài Đọc I, hình ảnh bàn tiệc gợi ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài trong niềm vui cứu độ. Trong dụ ngôn, Đức Vua đại diện Thiên Chúa, Người Con đại diện Đấng Mêsia, và tiệc cưới biểu tượng giao ước mới, giao ước vĩnh viễn của Thiên Chúa với nhân loại. Nhưng các quan khách được mời không thèm đếm xỉa tới giao ước mới này, đó là dân Ítraen, họ từ chối nhận ra Người Con là Đấng Mêsia. Vài khách mời còn đi xa hơn nữa, họ ngược đãi và sát hại các gia nhân của vua, tức là các ngôn sứ thời Cựu Ước và các tông đồ thời Tân Ước.

“Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”: Thái độ như thế được đặt vào trong bối cảnh Kinh Thánh: những án phạt của Đức Chúa, nhưng dường như ở đây là một trong những lời tiên báo trực tiếp của Đức Giêsu về biến cố đạo quân Rôma tàn phá Giêrusalem vào năm 70 sau Công Nguyên. Vài nhà chú giải thấy ở đây không là một lời tiên báo, nhưng lời nhắc nhở về một biến cố đã xảy ra. Tuy nhiên, trong câu chuyện đối chiếu của Luca (14, 15-24), không có chi tiết này. Vì thế, người ta có thể nghĩ chi tiết này đã được thêm vào Tin Mừng Mátthêu sau các biến cố này.

Tiệc thời Cánh Chung (22, 11-14)

Từ tiệc thời Thiên Sai, dụ ngôn chuyển sang tiệc thời Cánh Chung. Vả lại, dụ ngôn ngắn về một khách mời bị loại trừ có thể tự ban đầu đã là một dụ ngôn độc lập. Quả thật, có sự khác biệt đáng kể giữa phần trước và phần tiếp theo này. Trong bàn tiệc thời Thiên Sai, mọi người đều được mời tham dự, dù tốt hay xấu, công chính hay tội lỗi, dân Do thái hay dân ngoại. Thật ra, đó không phải là lời mời gọi của Đấng Thiên Sai đặc biệt gởi đến những người tội lỗi hay sao? Trái lại, trong bàn tiệc thời Cánh Chung, nghĩa là trong Nước Trời, người ta chỉ được phép dự tiệc khi mặc y phục của những người công chính. Đức Vua nói: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có y phục lễ cưới?”. Trong Tin Mừng Mátthêu, lời chất vấn này luôn luôn hàm chứa sắc thái khiển trách, như ông chủ vườn nho đáp lại lời kêu ca của người thợ làm vườn nho ngay từ sáng sớm: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn” (Mt 20: 13), hay Đức Giêsu nói với ông Giuđa, kẻ dẫn người đến bắt Ngài: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi” (Mt 26: 50).

 
[2] Dụ ngôn “tiệc cưới” hôm nay cùng với hai dụ ngôn đi trước: “hai người con” và “những tá điền gian ác”, hình thành nên một bức tranh bộ ba theo cùng một chủ đề: vì bất trung với sứ mạng của mình, dân được tuyển chọn sẽ được thay thế bởi lương dân. Tuy nhiên, có một sự tiến triển: Dụ ngôn “tiệc cưới” nhấn mạnh ơn cứu độ phổ quát. Dụ ngôn này chứa đựng hai bài học: “tiệc thời Thiên Sai” (22, 1-10) và “tiệc thời Cánh Chung” (22, 11-14), cả hai viễn cảnh này rất thường được đặt chồng chéo lên nhau (như trong trường hợp Bài Đọc I). Tin mừng hôm nay là sự nối kết của hai dụ ngôn “hai người con” (CN 26 A) và “các tá điền sát nhân” (CN 27 A) thành một đề tài giáo huấn về tính phổ quát của ơn cứu độ, con người cần phải thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện, phải cố gắng không những vào số những người được gọi, mà còn phải vào số những người được chọn nữa, bởi vì gọi thì nhiều mà chọn thì ít.

Tính phổ quát của ơn cứu độ

Câu chuyện Tin mừng gồm hai phần rõ rệt. Nhà vua mời thực khách dự tiệc cưới của hoàng tử (câu 1-10) và người khách không mặc y phục lễ cưới (câu 11-14). Thái độ của khách mời: Bình thường khi được các bậc vị vọng mời dự tiệc, khách được mời sẽ rất hãnh diện. Ở đây nhà vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử. Vậy mà các khách được mời đều từ chối. Thánh Mátthêu ghi lại hai lý do: “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán“. Thánh Luca thì ghi tới ba lý do: “Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,18-19). Họ khước từ vì lo làm ăn và hưởng thụ cá nhân. Họ bận rộn, mải mê kiếm sống, không còn giờ cho tình người. Một số khách được mời nóng nảy quá khích, đã không dự tiệc vua mời còn bắt đầy tớ của vua, đánh đập, sỉ nhục và giết chết.

Hành động của ông vua: Ông mời khách đến mấy lần, mời đi mời lại, năn nỉ họ tham dự. Ông còn tỏ ra hào phóng là thu nạp mọi người, bất luận tốt xấu, giàu nghèo.Thế nhưng, khi thấy một thực khách không mặc y phục lễ cưới ông đòi ra lệnh trói chân tay, bỏ vào nơi tối tăm bên ngoài mà khóc lóc nghiến răng. Người đọc cảm thấy thật khó hiểu: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo lễ mà mặc.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập262
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm223
  • Hôm nay127,116
  • Tháng hiện tại271,314
  • Tổng lượt truy cập71,637,660
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây