Thiên Chúa và Caesarê - Bạn chọn ai?

Thứ bảy - 21/10/2023 05:02  1022
Chúa Nhật 29 Thường niên A

imagesThánh Giá là chữ T
Người nằm giang tay chữ Y
Là tình yêu, yêu đến tận cùng
Yêu nhân gian chiều ngang
Yêu đời mình chiều sâu
Yêu Chúa là chiều cao
Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu[1]

Nếu để ý, chữ yêu bắt đầu bằng chữ Y, có hình ‘ngã ba,’ được hiểu 3 hướng: Hướng lên Chúa, hương tới tha nhân và hướng về mình. Đoạn Tin Mừng hôm nay[2] mang đầy tính thời sự vì chúng ta đang sống trong một thế giới con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, hoặc nhận tất cả về mình, không còn kể đến Thiên Chúa nữa. Câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay đã trở thành lời bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử, trong tương quan phân chia, sở hữu thường ngày.

Thiên Chúa Ba Ngôi đã khắc ghi vào con người hình ảnh của Ngài. Con người giống Chúa Cha ở điểm trí nhớ, giống Chúa Con ở trí hiểu, giống Chúa Thánh Thần ở chỗ biết yêu mến… khi tạo dựng, con người được dựng nên “giống hình ảnh Chúa” (St 1,26). Hình ảnh trong sự nhận biết chân lý, tương tự trong nhân đức yêu thương. Ánh tôn nhan Thiên Chúa chính là ân sủng công chính hóa chúng ta và một lần nữa cho thấy hình ảnh được tạo ra. Ánh sáng này là tất cả những điều tốt đẹp nơi con người, được ghi dấu, như hình ảnh của nhà vua trên đồng tiền. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Cái gì của Caesarê thì hãy trả cho Caesarê” (Mt 22,21)[3]. Điều này ý nói: phải trả cho Caesarê hình ảnh của Caesarê, trả cho Thiên Chúa linh hồn anh em, đã được điểm tô và ghi dấu ánh sáng tôn nhan Thiên Chúa. Chúng ta không thể trao cho Caesarê linh hồn của chúng ta, nó luôn thuộc về Chúa.

Trước hết, Chúa Giêsu là Đấng nêu gương cho chúng ta về một tình yêu thương phục vụ. Trong cuộc sống, nhiều kẻ cố chấp, đam mê tội lỗi, bội bạc với cha mẹ, coi thường bạn bè, thiếu trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Chúa Giêsu dạy phải biết sống phục vụ trong yêu thương. Chính Người đã nêu gương yêu thương phục vụ qua việc rửa chân cho môn đệ. Thánh Phêrô cũng khuyên, ‘ai phục vụ thì phải phục vụ bằng sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa.’  Trước khi vâng lời con người, chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa và lương tâm chúng ta. Đó cũng là nghĩa vụ của chúng ta phải nói với Caesar, cụ thể với quyền bính thế gian rằng: “hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.

Tình yêu hi sinh cũng là một điều mà Đức Giêsu đã thực hiện. Thế gian coi ‘yêu là khổ, không yêu thì lỗ.’ Còn Chúa dạy: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Ngài đã chịu xỉ vả và bị hành hạ đến chết vì yêu. Noi gương Chúa, thực thi tình yêu tự hiến, sống khiêm hạ hiền hòa, hy sinh thời giờ, sức lực, tiền của, biết quên mình vì nhu cầu anh em. Hơn nữa, Chúa Giêsu nêu cao tình yêu trao tặng. Chúa ban cho con người quá nhiều, từ sự sống, đến thiên nhiên, đất trời. Con người mắc nợ Ngài trong tất cả mọi thứ đang có. Đức Giêsu còn ban chính Mình để phục vụ Bánh hằng sống cho con người: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em.” Kitô hữu hãy tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể, để kết hiệp với Đức Kitô, đáp trả tình thương của Người.

Đức Giêsu còn là Đấng đến để loan báo sự công bằng. Người nói rõ: “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa." Nhiều người lạm dụng chức quyền để bóc lột người khác, đánh cắp món quà mà Thiên Chúa đã ban cho hết mọi người. Kitô hữu phải tuyệt đối xa tránh những hành vi trái đạo lý, nhân bản, như trộm cắp, sát nhân, xảo trá, lỗi phạm đức công bằng  mà Chúa đã đặt ra cho con người. Và cuối cùng, Chúa Giêsu luôn biểu hiện tình yêu tha thứ, phục vụ cho cuộc sống an lành. Người tha thứ cho kẻ trộm lành, tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Xin Chúa giúp chúng con biết thực hành giới luật yêu thương, luôn tha thứ cho nhau để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa là Đấng tạo thành trời đất và là chủ muôn loài, tất cả thuộc về Chúa, xin cho chúng con biết luôn hướng lòng về Chúa và tôn thờ Chúa là Chúa chúng con.

[1] Trích lời bài hát “Học yêu Thánh Giá”
[2] Rào trước đón sau bằng những lời “đường mật”, họ tán dương những lời dạy chí công vô tư của Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”. Chữ “đường lối” là từ ngữ tôn giáo, thành ngữ này có cội rễ trong các Thánh Vịnh, đặc biệt Tv 119, trình bày hai con đường, một dẫn đến việc thực thi đức công chính và một dẫn đến sự hư mất.

Bất chấp ác ý được khéo léo bọc trong những lời ca ngợi, thật ra những lời này diễn tả chính xác nhân cách của Đức Giêsu trong những lời dạy của Ngài. Cuối cùng, viện cớ soi sáng lương tâm của mình, họ nêu câu hỏi có chủ ý gài bẫy Ngài: “Có được phép nộp thuế cho Caesarê, hoàng đế Rôma hay không?”

Vào thời đó, miền Giuđa có một hoàn cảnh đặc thù. Kể từ khi vua Áckhêlao, con của vua Hêrôđê Cả, bị hoàng đế Augúttô phế truất vào năm 6 Công Nguyên, miền Giuđa được đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của chính quyền Rôma, đại diện tại chỗ là một quan Tổng Trấn. Trong khi đó, miền Galilê và những địa hạt phương Bắc vẫn dưới quyền cai trị của hai người con khác của vua Hêrôđê Cả là tiểu vương Hêrôđê Antipa và tiểu vương Philípphê.

Ở miền Giuđa, nhóm Nhiệt Thành khuyến cáo không được nộp thuế cho đế quốc, vì đây là cử chỉ thuần phục chính quyền chiếm đóng. Nhóm Sađuxêô, hợp tác với chính quyền Rôma, ủng hộ việc nộp thuế. Nhóm Biệt phái giữ lập trường trung lập: họ không thừa nhận việc sử dụng bạo lực của nhóm Nhiệt Thành cũng như tinh thần cộng tác của nhóm Sađuxêô. Vì thế, “nộp thuế hay không” là một vấn đề có tính thời sự. Nhưng ý định của các địch thủ của Ngài thì hoàn toàn khác: họ muốn đặt Ngài vào trong một vấn đề tiến thoái lưỡng nan để trừ khử Ngài.

Chính quyền Rôma ban hành ba thứ thuế thông thường. Trước hết là “thuế điền thổ”, mỗi người đều phải đóng thuế cho nhà nước một phần mười hoa màu đất đai của mình. Đoạn, “thuế lợi tức” gồm một phần trăm lợi tức của mỗi người. Sau cùng là “thuế thân” quy định mọi người nam từ mười bốn đến sáu mươi lăm tuổi và người nữ từ mười hai đến sáu mươi lăm đều phải đóng một quan tiền, tức bằng lương công nhật của một người (Mt 20, 1-2). Thuế trong câu hỏi ở đây là thuế thân.

Nếu Chúa Giêsu trả lời “được phép”, Ngài sẽ mất uy tín đối với quần chúng, vì họ đặt ở nơi Ngài niềm hy vọng giải phóng quốc gia khỏi ách đô hộ Rôma. Nếu Ngài trả lời “không được phép”, Ngài tự đặt mình đối đầu với quyền lực Rôma, chắc chắn những người thuộc nhóm Hêrôđê, thân chính quyền Rôma, có cớ tố cáo là Ngài phản động. Nhưng nếu Ngài tránh né không trả lời thì họ đã rào trước đón sau rồi: “Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”.

 
[3] Đức Giêsu không tránh né câu hỏi hóc búa này. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem “một quan tiền nộp thuế”. Điều này rất quan trọng. Chung quy có hai loại tiền tệ hiện hành ở Giêrusalem. Đồng tiền chính thức của đế quốc Rôma mang hình và danh hiệu của hoàng đế Rôma (Caesarê). Mọi hình thức nộp thuế đều phải được quy định bằng đồng tiền chính thức này. Ngoài ra, còn có “đồng tiền đền thờ”, đặc thù của dân Do thái, được dùng riêng cho phụng tự (đó là lý do tại sao có những người đổi tiền trong sân đền thờ).

Cầm lấy một quan tiền mà họ trao cho Ngài, Ngài hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Caesarê”. Ngài trả lời: “Của Caesarê trả về Caesarê; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”.

Về phương diện lịch sử, đây là lần đầu tiên mà sự phân biệt giữa Thiên Chúa và quốc gia được diễn tả rõ nét nhất. Người Ki-tô hữu vừa là công dân trần thế vừa là công dân Nước Trời. Đứng trước một sự phân biệt ấy người ta dễ rơi vào hai thái độ quá khích: hoặc đặt nặng các giá trị Nước Trời mà xem nhẹ các giá trị trần thế, hay quá chú trọng các giá trị trần thế mà hờ hửng với các giá trị Nước trời.

Câu trả lời của Đức Giêsu “Của Caesarê, trả về Caesarê; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa” đặt người tín hữu trước hai bổn phận phải chu toàn: công dân trần thế và công dân nước trời. Cả hai không hề loại trừ nhau nhưng cùng đồng hiện diện cùng nhau và có ảnh hưởng hỗ tương với nhau: tìm cách xây dựng Nước Trời qua nổ lực xây dựng trần thế bằng cách thăng tiến nó và làm cho nó thấm nhuần sự hiện diện của Thiên Chúa để cuối cùng dẫn đưa nó về Ngài. Như thế, phục vụ Thiên Chúa qua phục vụ tha nhân rồi. Đó cũng là lời dạy của Công Đồng Vatican II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (“Vui Mừng và Hy Vọng”, 1).

Các đối thủ của Đức Giê-su nghĩ là đặt Ngài vào trong thế bí không có lối thoát, nhưng lại nhận ra rằng Ngài quán triệt vấn đề đến nỗi khiến họ phải kinh ngạc. Những kẻ muốn Ngài cứng họng phải gặp thấy ở nơi câu trả lời của Ngài một lời dạy rành mạch thấu tình đạt lý: một sự hiệp nhất cuộc sống của mỗi người tín hữu giữa bổn phận công dân trần thế và bổn phận công dân Nước Trời.
 

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập271
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm209
  • Hôm nay41,512
  • Tháng hiện tại1,204,283
  • Tổng lượt truy cập71,232,040
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây