Những tá điền và bài học cho chúng ta

Thứ bảy - 07/10/2023 04:12  628
8304fe4bd4bcaf3b2f08c9652b567eb1Khi tạo dựng con người và vũ trụ, Thiên Chúa muốn san sẻ cho họ một phần vinh quang và sự tốt lành của Ngài. Có nhiều người đã cậy dựa vào ơn Chúa, cố gắng vượt qua những cám dỗ thử thách để nên thánh, như những đứa con sống đẹp lòng cha mẹ, hiếu thảo với đấng sinh thành; nhưng cũng có những người khước từ lời mời gọi của Ngài, cố tình sống trong sự ích kỷ và tội lỗi, giống như những người con bất hiếu phản nghịch. Isaia ai oán vì bọn tá điền không tốt: “Ta mong nó thực hành điều chính trực, nhưng toàn sự gian ác; mong nó thực hành công bình, nhưng toàn là tiếng kêu oan”[1] (Is 5,7). Trong khi đó, bài Tin Mừng kể tá điền hành hung các đầy tớ của ông chủ: “Nhưng những người làm vườn nho[2] bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác” (Mt 21,35). Tá điền tàn ác giết cả con trai ông chủ: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó” (Mt 21,38).

Câu chuyện Tin Mừng[3] đề cập đến người tá điền được tin tưởng. Tá điền không ‘tấc đất cắm dùi,’ được ông chủ thương, thuê làm và trả công, lại còn trao cả vườn nho để toàn quyền canh tác, nhưng con người vốn tham lam ích kỉ, dẫn đến tranh giành, chém giết. Nhiều tổ chức đề cao ‘chí công vô tư,’ nhưng chỉ là ‘khẩu hiệu,’ ‘treo đầu dê bán thịt chó.’ Ông chủ trong dụ ngôn ám chỉ Thiên Chúa luôn tin yêu con người, thứ tha mọi lỗi lầm cho họ và cứu họ khỏi án phạt đời đời. Trái ngược với các tá điền tham lam, ông chủ chỉ bắt nộp một phần hoa lợi khi thu hoạch. Vì lòng tham không đáy, có voi đòi tiên, các tá điền muốn chiếm cả vườn nho, để khỏi nộp phần hoa lợi! Ngày nay, tình trạng người ở nhờ, hay thuê đất canh tác, thậm chí con cái, cố tình tìm cách chiếm đoạt tài sản của chủ nhà, của bố mẹ hoặc của cộng đoàn đang diễn ra khá phổ biến. Lòng tham đã làm cho con người ra mù quáng.

Đàng khác, người tá điền vô ơn và tàn ác cũng được thánh Mátthêu đề cập. Thấy đầy tớ đến thu hoa lợi, tá điền giết sạch, giết cả người thừa tự để chiếm vườn nho. Người ta muốn làm chủ sự sống và thích được hoàn toàn tự do. Họ coi mạng người như cỏ rác. Ngày nay, tình trạng bội bạc, đam mê tội lỗi, bỏ đi nhà thờ, sống trái với niềm tin, ghen tương, tham lam, sát hại lẫn nhau vẫn thường xảy ra.. Người Việt hay nói, ‘ở hiền gặp lành,’ ‘gieo gió gặt bão,’ ‘ác giả ác báo.’ Ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác quản lí vườn nho, để cứ đúng mùa, nộp phần hoa lợi cho ông. Chúa cũng đối xử với những ai phản bội như thế. Chúa dùng dụ ngôn để lên án những kẻ sống trái ý Chúa: “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc ­khác biết làm cho trổ sinh hoa trái” (Mt 21,43).

Quả vậy, Thiên Chúa sẽ đến gặp gỡ chúng ta vào lúc cuối đời, để đón tiếp chúng ta như một người Cha. Tuy vậy, một người sống tội lỗi và đầy mưu mô phản loạn không thể xứng đáng ra trình diện trước nhan Chúa. Cũng như ông chủ vườn nho sai con mình đến thu hoa lợi, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến để phán xét chúng ta vào ngày tận thế. Mỗi người đều là tá điền được Chúa trao vốn liếng sự sống, tài năng, sức khỏe, vật chất, để phát triển vườn nho và sinh lời. Chúa còn củng cố bằng các ơn lành, các Bí tích. Mỗi người phải biết tận dụng để sinh hoa trái cho cuộc sống hạnh phúc trường sinh. Nếu cuộc đời này được sánh như một vườn nho, thì mỗi chúng ta, dù ở địa vị xã hội hay trình độ văn hoá nào, cũng đang là người tá điền trong vườn nho đó. Có những tá điền bất trung nhưng chắc chắn cũng có những tá điền tốt lành, nhân hậu, lắng nghe ý kiến và trung thành với chủ của mình. Chúa Giêsu đã nói về ngày phán xét chung ở tận cùng của lịch sử. Lúc đó, mọi người sẽ bị xét xử về những công việc họ đã làm cũng như về thái độ đối với anh chị em mình, khi họ còn sống trên dương gian.

[1] Bài thi ca của ngôn sứ Isaia rất nổi tiếng mô tả dân Ítraen là vườn nho của Đức Chúa. Trước đây, hình ảnh dân Ítraen là vườn nho của Chúa được ngôn sứ Hôsê phác họa vài nét đơn sơ, nay được ngôn sứ Isaia lấy lại với một nguồn thi hứng phong phú. Vì thế, hình ảnh nầy được lập lại nhiều lần trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 32, 32), Thánh vịnh (Tv 80), bởi ngôn sứ Giêrêmia (Gr 2, 21; 5: 10; 6, 9; 12, 10), ngôn sứ Êdêkien (Ed 15, 1-8; 19, 10-14. Dụ ngôn vườn nho của Đức Giêsu (Mt 21, 33-41) rõ ràng quy chiếu đến bài thi ca của Isaia.
 
[2] Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của cả Cựu ước. Nó thường được liên kết với chủ đề tình yêu đến độ biểu tượng về vườn nho thường hay hòa lẫn, hoán đổi với hình ảnh người đàn bà. Đàng khác, nó lại được khai thác trong một bối cảnh cánh chung, dưới hình thức mùa hái nho hay bồn đạp nho, cùng gợi lên trước trường hợp đó sự ghen tương và trả thù cuồng nhiệt của Thiên Chúa Giao ước, Đấng đổ rượu giận dữ của Ngài trên thù địch của dân Ngài yêu (Is 63). Diễn từ sau bữa Tiệc Ly (Ga 15, 1- 6), cũng như việc Phụng vụ dùng Is 63 trong bối cảnh Tuần thánh, gợi lên một tổng hợp sống động về hai cách sử dụng chủ đề đó: Chúa Giêsu vừa là người hái nho đơn độc làm cho mối tình tuyệt vọng được hả giận hay bớt đắng cay, bằng cách dùng máu mình làm nước nho chua ra dịu ngọt, vừa là vườn nho song động, hiền thê của Đấng Dấu ái duy nhất, chạp nhận vô điều kiện việc gọt tỉa cần thiết cho mình, và sau hết đời đời là gốc nho – là đầu – của một thân thể không ngừng phát triển tứ chi bằng việc chia sẻ giòng máu sống động của Ngài, để dẫn đến cho Thiên Chúa một dân thánh, được hiệp nhất bằng nhiệm cục khải hoàn vinh thắng của tình yêu.
 
[3] Tiếp theo dụ ngôn “hai người con” mà chúng ta đã đọc vào Chúa Nhật vừa qua, thánh Mátthêu tiếp tục kể dụ ngôn “những tá điền gian ác” trong cùng một chiều hướng và cùng nhắm đến một đối tượng: “Các thượng tế và các kỳ mục”.

Đức Giêsu mượn ở nơi bài thi ca của ngôn sứ Isaia hình ảnh về một gia chủ “trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; ông khoét một bồn đạp nho, và xây một vọng gác”, nhưng lại triển khai theo một chiều hướng khác với Isaia. Trong sấm ngôn của Isaia, đối tượng được nhắm đến là vườn nho. Dù được chăm sóc chu đáo, nhưng vườn nho lại sinh những trái nho dại, vì thế, bị bỏ rơi thành hoang phế. Trái lại, trong dụ ngôn, đối tượng được nêu bật là thái độ gian ác của bọn tá điền.

Ông chủ vườn nho “trẩy đi xa” và để vườn nho cho bọn tá điền thuê. Đến mùa thu hoạch, chủ vườn nho sai gia nhân của mình đến thu hoạch huê lợi. Các tá điền không chỉ không giao nộp huê lợi như đã giao ước, trái lại “chúng đánh người nầy, giết người kia, ném đá người nọ”.

Vẫn một mực nhẫn nại, ông chủ vườn nho cố thử thêm một lần nữa: “sai một số đầy tớ khác đông hơn trước; nhưng bọn tá điền vẫn cư xử với họ y như vậy”. Cuối cùng, ông quyết định liều sai đứa con trai một của mình: “Thế là chúng bắt lấy cậu, lôi ra ngoài vườn nho và giết chết cậu”.

 Ý nghĩa của dụ ngôn đối với lịch sử cứu độ

Dụ ngôn nầy diễn tả một cách ngắn gọn cả một lịch sử cứu độ dài, một thiên tình sử giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Vườn nho của Thiên Chúa chính là dân Ítraen. Ngài đã trao cơ nghiệp của Ngài cho các giai cấp lãnh đạo Do thái để họ vun xới và làm trổ sinh hoa trái. Biết bao lần, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở họ phải trung thành tuân giữ giao ước, nhưng họ đã ngược đãi, bách hại và giết chết các ngài. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sai lần lượt các ngôn sứ này đến các ngôn sứ khác, nhưng họ không hề thay đổi, vẫn cư xử các ngài theo cùng một cách như thế. Nhưng sự nhẫn nại của Thiên Chúa vẫn không hề vơi, cuối cùng Ngài sai chính con một của Ngài với hy vọng: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng lòng gian ác của họ đã đạt đến cực điểm. Họ đã tra tay bắt lấy người Con Một của Ngài và lôi ra ngoài thành thánh Giêrusalem mà giết đi để mong chiếm đoạt gia sản của Ngài. Qua dụ ngôn nầy, Đức Giê-su quy trách nhiệm cho giai cấp lãnh đạo Do thái còn cứng rắn hơn dụ ngôn “hai con trai” trước đó. Đồng thời, Ngài cũng kín đáo và thống thiết muốn cho họ hiểu rằng Ngài là Con Một Thiên Chúa và sắp bị giết chết bởi sự gian ác của họ.

Ý nghĩa dụ ngôn đối với Giáo Hội

Như vị ngôn sứ trong bài thi ca vườn nho, Đức Giêsu xin thính giả của Ngài, tức giai cấp lãnh đạo Do thái, phân xử. Những người nầy phẩn nộ trước cách hành xử gian ác của bọn tá điền, không ngờ chính họ lại tự kết án mình. Và như dụ ngôn “hai người con” trước đây, ở đoạn cuối, ý nghĩa của dụ ngôn được Chúa Giêsu giải thích rõ ràng.

Đức Giêsu trích dẫn Tv 118: “Viên đá người thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Ấy là Chúa đã làm nên như vậy, trước mắt chúng ta, thật lạ lùng”. Thánh Vịnh nầy ca ngợi cuộc chấn hưng của dân Ítraen trong tương lai và được giải thích như Thánh Vịnh thiên sai. Giáo Hội tiên khởi đã thấy ở nơi Thánh Vịnh này lời loan báo về sự Phục Sinh của Đức Kitô (x. Cv 4,11 và 1Pr 2, 7).

Con Thiên Chúa can thiệp và bị giết chết, xem ra là một sự thất bại rõ ràng. Nhưng nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người Con nầy, một dân mới chào đời, dân mới này được biểu thị không còn bởi hình ảnh vườn nho nhưng tòa nhà. Toà nhà nầy, Đức Giêsu sẽ là viên đá góc tường hay viên đá chóp đỉnh, sẽ được xây dựng trên nền móng vững chắc: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập252
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm224
  • Hôm nay65,244
  • Tháng hiện tại1,157,801
  • Tổng lượt truy cập71,185,558
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây