Chúa Nhật 25 thường niên A
Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a
Hôm nay Chúa Giêsu cho thấy đường lối của Chúa khác hoàn toàn với tất cả những gì chúng ta dự đoán và chờ đợi. Dựa theo cách xử thế thông thường của loài người, những người thợ được mướn vào giờ thứ nhất chờ đợi sẽ được trả công nhiều hơn những người thợ làm vào giờ thứ mười một, nhưng họ cũng chỉ lãnh được có một quan tiền như đã thoả thuận với ông chủ. Phải chăng Thiên Chúa không công bằng hay là Ngài quá hào phóng?
Trước hết, Thiên Chúa là Đấng công thẳng. Ngài là Đấng công thẳng vì Ngài đã thoả thuận, giao ước với con người (người làm công) mỗi ngày một quan tiền và Ngài đã thanh toán sằng phẳng không thiếu một xu. Quả thực, Thiên Chúa rất công bằng, Ngài cho mưa xuống và nắng lên trên cả người lành và kẻ dữ. Ngài ban ân sủng qua sự quan phòng của Ngài trên toàn thể nhân loại. Ân sủng của Thiên Chúa là vô biên, tình yêu của Ngài với con người là không thay đổi. Ngài đã trao cho con người món quà vô giá là chính Con Một của Ngài. Đó chính là quà tặng tình yêu cho toàn thể nhân loại, dù họ sinh trước hay sinh sau, dù sống bất cứ thời đại nào, môi trường nào cũng đều được hưởng ân sủng cứu độ của Đức Giêsu. Việc ông chủ “thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền” (Mt 20,2) cho thấy Thiên Chúa luôn quan phòng, luôn ban ân sủng cho toàn thể vũ trụ, trong đó có con người. Nếu nhìn dưới lăng kính cánh chung học thì việc “trả công” mỗi người một quan tiền đó chính là phần thưởng Nước Trời cho những ai làm việc. Để được thưởng công thì thợ phải làm việc trong vườn nho. Để được cứu độ, được thưởng Nước Trời thì phải thực hiện Lời Chúa dạy. Hình ảnh: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất” (Mt 20,8) hướng chúng ta đến ngày chung thẩm, ngày Chúa quang lâm, ngày mà Chúa ban thưởng Nước Trời cho tất cả những ai làm theo Lời Chúa. Đây chính là cùng đích của nhân loại, là “quan tiền” mà ông chủ vườn nho đã thoả thuận, đã giao ước với thợ.
Tiếp đến, Thiên Chúa là Đấng hào phóng, giàu lòng thương xót, quảng đại vô biên, luôn yêu thương con người hết mực. Vì hào phóng, nên Ngài không so đo tính toán với con người. Ân sủng nơi Ngài chan chứa trên cả người lành và kẻ dữ. Giáo Hội của Ngài đón nhận tất cả, người vào trước, người vào sau, người sinh trước, người sinh sau…. đều được Mẹ Giáo Hội ấp ủ yêu thương, hướng dẫn và chăm sóc. Nước Trời mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho hết mọi người cho dù họ hoán cải trở về với Chúa sớm hay muộn cũng đều được đón nhận, miễn sao họ biết sám hối ăn năn trở về với Chúa. Lòng thương xót, sự hào phóng của Chúa được thể hiện qua hình ảnh ông chủ trở ra, trở vào liên tục mời thợ vào làm vườn nho và hứa: “tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Chúng ta cứ nghĩ vào cuối ngày, Ngài sẽ trả cho những người thợ làm giờ đầu tiên trước hết rồi mới đến những người thợ làm giờ sau hết với số tiền giảm đi. Nhưng “ông chủ” lại làm ngược lại, Ngài trả cho người làm giờ sau hết một đồng quan và những người làm giờ trước hết cũng như thế. Đây là đường lối và là tư tưởng của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất trích sách Isaia cho biết: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8). Chính sự hào phóng này của “ông chủ” đã làm cho những người làm giờ đầu tiên cằn nhằn.
Những người này cằn nhằn ông chủ, không phải vì ông đã trả lương công bằng xứng với việc làm của họ, mà họ cằn nhằn vì ông đã đối xử tốt với những người thợ làm vào giờ cuối cùng. Đây chính là phản ứng của con người trước lòng quảng đại của Thiên Chúa. Con người hay những người thợ được ông chủ vườn nho mướn vào làm vườn nho đã có thái độ hẹp hòi, ganh tị, đặt giới hạn cho lòng quảng đại nhân từ của Thiên Chúa. Chính vì sự hẹp hòi, ích kỷ của con người đã làm cho “ông chủ” phải thốt lên: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đam ra ghen tức?” (Mt 50,15).
Cuối cùng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mà Chúa Giêsu muốn ghi khắc vào tâm trí các tông đồ năm xưa và cho chúng ta hôm nay là: Lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với con người vượt quá điều con người có thể nghĩ đến, nhưng không vì thế mà lỗi luật công bằng. Tình thương của Chúa vượt quá mức độ công bằng, nhưng không hủy bỏ sự công bằng. Sự công bằng của Thiên Chúa không như sự công bằng mà con người chúng ta tưởng nghĩ.
Qua lòng tốt của Chúa, xem ra như là Thiên Chúa thiên vị, nhưng sự thật lòng tốt, sự quảng đại, hào phóng vô biên ấy đã phơi bày tật xấu, lòng ganh tị của những kẻ đến trước ỷ lại vào công nghiệp riêng của họ, làm việc cực mệt, nhọc nhằn suốt ngày để yêu sách Thiên Chúa phải thế này, thế nọ, phải cho họ hơn những người khác, những kẻ đến sau, những kẻ không có công trạng gì, những người tội lỗi, những người thấp kém trong xã hội. Chính sự ganh tị làm cho con người mất đi lòng biết ơn đối với người thi ân. Thiên Chúa là Đấng thi ân cho con người theo chương trình Ngài muốn, Ngài ban cho mỗi người chúng ta biết bao nhiêu hồng ân, những nén bạc khác nhau, người thì năm nén, người thì hai nén, người thì một nén, nhưng nếu chúng ta ghen tị thì thay vì chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, vì những hồng ân mình đã nhận được, thì chính lúc đó chúng ta quay lại trách móc Thiên Chúa bất công, thiên vị. Vì vậy, “chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” (Pl 1,27a). Có như thế, chúng ta mới nhận ra ân huệ bao la của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta sống trong tâm tình tạ ơn, khi đó chúng ta mới bỏ được sự ghen ghét, đố kỵ, hẹp hòi nơi con người chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi người chúng con biết vượt qua được những thái độ ganh tị này. Xin Ngài mở rộng tâm hồn chúng con, để chúng con được sống khiêm tốn và quảng đại như Chúa, luôn biết nhìn ra những hồng ân của Chúa ban cho chúng con mà cảm lạ tri ân, chúc tụng Ngài. Xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng con trong đức tin hàng ngày - Amen.