Rộng lòng tha thứ
Thứ bảy - 16/09/2023 06:00
1639
Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A
Hc 27, 33 – 28, 9 ; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35
“Sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai” - Paul Boese đã từng nói rất hay như thế. Quả thật, chính sự không tha thứ của người tôi tớ trong Tin Mừng đã không chỉ khép lại tương lai của tha nhân mà còn đóng kín tương lai của chính anh ta.
Thế giới vẫn đầy dẫy những xung đột và chiến tranh, phải chăng cũng là vì con người thiếu lòng bao dung độ lượng? Hận thù và giận ghét là điều tai hại, đánh cắp bình an tâm hồn và hòa bình thế giới. Chính vì lòng bao dung tha thứ quan trọng như thế, nên Lời Chúa không ngừng nhắc nhở chúng ta rộng lòng tha thứ, để được thứ tha và để kiến tạo bình an cho mọi người.
“Có phải bảy lần không?” (c. 21)
Người Việt Nam chúng ta thường nói “quá tam ba bận”, nghĩa là tha đến lần thứ ba là hết cỡ rồi. Thánh Phêrô đưa ra lý tưởng “bảy lần” cũng là một sự tiến bộ vượt bậc về lòng bao dung so với luật báo thù (lex talionis), “mắt đền mắt, răng đền răng”, của người Do Thái (x. Xh 21,23-25; Lv 24, 19-20). Thực ra, ngay cả luật “mắt đền mắt, răng đền răng” cũng đã là một sự tiến bộ về lòng bao dung vì nó hạn chế sự báo thù man rợ so với luật báo thù trước đó.
Như Phêrô, đôi khi chúng ta cũng đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức mà mình nghĩ là hoàn hảo. Thiên Chúa luôn hướng chúng ta về sự hoàn hảo không giới hạn: trọn lành như Cha trên trời (x. Mt 5,.48). Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ. Giới hạn lòng tha thứ của Ngài là không giới hạn, vì giới hạn tình yêu của Ngài là không giới hạn. Lòng thương xót của Chúa vô biên và lớn lao hơn tội lỗi của loài người chúng ta.
“Bảy mươi lần bảy” (c. 22)
Chúa Giêsu không làm công thức toán học để nói chúng ta phải tha 490 lần, nhưng Ngài muốn nói đến một sự tha thứ vô điều kiện và không giới hạn. Điều này thực sự quá khó đối với chúng ta vốn mang não trạng “quá tam ba bận”, hoặc tệ hơn “mắt đền mắt, răng đền răng”…
Một trong những lý do khiến khó tha thứ là vì chúng ta sống trong một bối cảnh xem ra đề cao hận thù và bạo lực. Những bộ phim hoạt hình (cảnh bạo lực số nhiều/phút), những bộ phim kiếm hiệp (quân tử mười năm báo thù chưa muộn, không báo thù là bất hiếu…), những tư tưởng phân biệt giai cấp thường đẩy cao hận thù, những games bạo lực tích điểm bằng bắn phá hoặc giết chóc... là những thí dụ điển hình cho bầu khí u ám đó…
“sao ngươi không chịu thương bạn ngươi?” (c. 34)
Câu chuyện dụ ngôn chất vấn chúng ta về lòng yêu thương tha thứ trong cuộc sống. Theo cách tính bấy giờ, một “yến vàng” (talentum) tương đương với 6000 “quan tiền” (denarius). Một “quan tiền” tương đương một ngày công, vậy một yến tương đương với 6000 ngày công, xấp xỉ 20 năm lao động. Như thế, mười ngàn nén bạc tương đương với 60 triệu ngày công, xấp xỉ 200.000 năm lao động! Đó là một món nợ không bao giờ có thể trả nổi.
Món nợ người bạn nợ anh ta nhỏ hơn rất nhiều: 100 quan tiền, tương đương 100 ngày công. 100 so với 60.000.000 thì quả là quá đỗi nhỏ bé. Thế nhưng, lòng anh ta đã nhỏ hẹp tới mức không tha thứ, dù trước đó đã được tha hết rất nhiều nợ nần. Lòng thương xót bao dung lớn lao của Chúa đã không cảm hóa được trái tim chai cứng của anh ta. Đó là điều đáng tiếc và Chúa đã phải thốt lên: “Ta đã tha hết nợ cho ngươi, tại sao ngươi lại không thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” (Mt 18,32).
***
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khám phá lại lòng thương xót và ơn tha thứ Chúa đã dành cho chúng ta như chúng ta đã lặp lại nhiều lần trong Thánh vịnh đáp ca: “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Tv 102,8). Mỗi lần sám hối, mỗi lần xưng tội, phải là mỗi lần chúng ta cảm nghiệm sâu đậm lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.
Một khi khám phá ơn tha thứ Chúa dành cho ta, chúng ta được mời gọi đáp trả tình thương Chúa bằng cuộc sống hiền lành, bao dung và tha thứ như đã được Lời Chúa căn dặn trong Bài đọc I: “Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác” (Hc 28,8-9).
Tha thứ là chìa khóa để mở ra chân trời bình an hạnh phúc, vì “chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Thánh Phanxicô Assisi).
Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng