Chúa Nhật 24 TN A
Hc 27,30 -28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35
Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng: Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa luôn xuất hiện như một Đấng đi bước trước đến gặp gỡ con người: Chính Ngài tìm kiếm con người và thường tìm kiếm chính trong lúc con người nghiệm thấy cay đắng và bi thương về việc phản bội Thiên Chúa và chạy trốn Ngài. Ngài đã đến, đã đồng hành, đã tha thứ và dạy chúng ta phải biết tha thứ cho nhau: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).
Thật vậy, trong cuộc sống, nhiều lần nhiều cách Chúa đã đến với chúng ta, đồng hành với chúng ta và luôn tha thứ tội lỗi cho chúng ta, nhưng chúng ta lại không nhận ra sự tha thứ Chúa. Nói đúng hơn là chúng ta chưa thực sự nhận ra sự hiện diện của Ngài trong đời sống thường ngày bởi vì chúng ta bị nhiều thứ như: tiền tài, danh vọng, lòng hẹp hòi hay cái tôi quá lớn… làm mờ lý trí. Đây có lẽ là những cám dỗ thường tình đối với loài người. Do đó, con người vẫn đau khổ và khó tha thứ cho nhau. Chính lòng tham, sự ích kỷ, thiếu bao dung mà con người không tha thứ cho nhau. Đôi khi chúng ta để cho lòng thù hận ngấm vào xương máu, trở thành nỗi đau khổ truyền kiếp với quan niệm hẹp hòi, ích kỷ qua câu nói có vẻ quân tử nhưng lại không quân tử: “quân tử 10 năm trả thù chưa muộn”. Thực tế cho thấy, oan oan tương báo, chỉ có yêu thương mới hoá giải được lòng thù hận. Thần học gia Reinhold Niebuhr đã chia sẻ với chúng ta: “Sự tha thứ là hình thức cao nhất của yêu thương”. Vậy mà nhiều khi ta lại không muốn trao yêu thương, cứ để cho lòng thù hận làm sầu héo con tim chúng ta và giết chết tâm hồn chúng ta, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên nhơ uế. Bài đọc thứ nhất trích sách Huấn ca cho chúng ta biết: “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài” (Hc 27,30). Chính vì lẽ đó, chúng ta chưa cảm nếm được tình yêu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa rất nhân hậu và hay tha thứ.
Chúng ta chỉ được Thiên Chúa tha thứ khi chúng ta biết tha thứ cho người khác và phải cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Có câu chuyện kể rằng: “Satan đã có lần trách Chúa: “Ngài thật không công bằng chút nào! Loài người phạm biết bao tội ác, làm biết bao điều xấu, thậm chí chúng còn giết Con của Ngài. Vậy mà lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón và tha thứ cho họ. Trong khi tôi đây chỉ phạm tội có một lần, vậy mà Ngài tuyên phạt tôi đời đời. Ngài thật không công bằng chút nào! Tôi không phục Ngài”. Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi lại Satan, “Thế có bao giờ ngươi đã mở miệng xin Ta tha thứ chưa, trong khi loài người luôn xin Ta tha thứ. Hãy cút đi hỡi loài kiêu ngạo và sảo quyệt”.
Như thế chỉ khi tha thứ, người ta mới không sai lầm… và chúng ta có thể nói “không tha thứ là một cái gì luôn luôn sai lầm”. Bernanos, một nhà tu đức, nhắc nhở chúng ta: “Khốn khổ duy nhất không thể vãn hồi cho một con người là một ngày sống trôi qua mà người ấy không biết tự hối trước thánh nhan Đấng luôn tha thứ”. Hơn nữa, tha thứ cho người đã làm ta đau khổ là món quà của ta cho họ. Quên đi người đã làm ta đau khổ lại là món quà cho chính ta. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là cơ hội để chúng ta sám hối và xin thứ tha. Tại sao đây là cơ hội tốt cho chúng ta mà chúng ta không làm? Hãy tận dụng khi ta còn có thể. Đừng để đến khi không thể, lúc đó không làm được đâu.
Vì vậy, khẩn nài sự tha thứ và thứ tha cho người khác là đôi cánh thiên thần giúp con người bay bổng lên chân trời yêu thương diệu vợi của Thiên Chúa. “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8). Vậy Chúng ta đừng quên điều Chúa Giêsu đã nói hôm nay, “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Lạy Chúa Giêsu, chúng con may mắn vì Chúa đã chủ động đến gặp gỡ từng người chúng con, tại một thời điểm cụ thể, một nơi chốn riêng tư, một biến cố cuộc đời và đã đến để tha thứ cho chúng con. Xin Chúa ban tình yêu và Thần Khí của Ngài cho chúng con, để dù sống, dù chết, chúng con vẫn thuộc về Chúa đến muôn đời. Amen.