Bỏ mình – Vác thập giá – Theo Chúa

Thứ bảy - 02/09/2023 10:48  1420
Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A
Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27

picture1Thánh Rôsa Lima, một vị thánh kết hợp sâu xa với mầu nhiệm thương khó của Chúa Giêsu, đã từng nói: “Thập giá là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời” (x. GLHTCG, số 618).

Thật là một sự trùng hợp đẹp khi chúng ta bắt đầu tháng suy tôn Thánh Giá với bài Tin Mừng hôm nay. Liền sau lời tuyên xưng rất long trọng của Thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu đã “cấm ngặt” các ông không được tiết lộ điều ấy, vì Ngài biết họ chưa hiểu đúng tước hiệu “Kitô” của Ngài.

Điều này được thấy rõ khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất và Phêrô đã lập tức can ngăn Chúa. Thầy Chí Thánh đã kiên nhẫn đưa dẫn các môn đệ tiến dần vào mầu nhiệm vượt qua...

Lạy Thầy, không thể thế được!

Vẫn là kiểu nói bộc phát của Phêrô. Ông vừa tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, nhưng chưa hiểu ý nghĩa tròn đầy của lời tuyên xưng ấy. Quan niệm về Đấng Cứu Thế vẫn còn nặng tính trần gian. Ông không thể chấp nhận cuộc thương khó của Thầy, vì quan niệm Đấng Thiên Sai phải là đấng uy hùng đánh đông dẹp bắc, xóa tan áp bức nô lệ và mang lại giải thoát ấm no cho toàn dân. Lời tiên báo về cuộc thương khó như một gáo nước lạnh dội lên tâm trí bốc lửa của Ông.

Chúng ta có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự khi chối từ thập giá. Có thập giá nơi bản thân mình, khi phải đối diện với khó khăn thử thách, ốm đau bệnh tật...; có những thập giá từ tha nhân, từ cộng đoàn, khi có sự xung khắc, hiểu lầm, ganh ghét, vô cảm… Đôi khi chúng ta cũng ngại đối diện thập giá mà thét lên: “Lạy Chúa, không thể thế được!”.

Thập giá minh chứng tình yêu

Kitô giáo không phải là một tôn giáo tôn thờ đau khổ. Đau khổ tự nó không có giá trị. Kitô giáo là tôn giáo của tình yêu. Tình yêu đích thực luôn có hi sinh và đó là ý nghĩa của thập giá. Vì yêu thương con người quá đỗi, Con Thiên Chúa đã đón lấy thập giá để chuộc tội nhân loại. Thập giá là ngôn ngữ mạnh nhất để Thiên Chúa bày tỏ tình yêu đến tận cùng của Ngài dành cho con người: “Không ai có tình yêu lớn lao hơn tình yêu của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nơi thập giá, Thiên Chúa đã bày tỏ cho thế gian biết Ngài yêu họ dường nào: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình, để những ai tin vào Con của Ngài, thì được cứu độ” (Ga 3,16).

Thập giá, vì thế, từ biểu tượng của đau khổ và chết chóc, trở thành biểu tượng của tình yêu đại lượng, tình yêu hiến mình, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đây quả là mầu nhiệm lớn lao vì “Thiên Chúa đã yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (x. Rm 5,9). Thập giá, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, người Hi Lạp coi là điên dại, lại trở thành “sức mạnh” và “sự khôn ngoan” của Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,16-31). Sự khôn ngoan ấy chỉ hiểu được bằng tình yêu đại lượng chứ không thể hiểu được bằng sự tính toán theo kiểu khôn ngoan loài người.

Bỏ mình, vác thập giá, theo chân Chúa

Để trở thành môn đệ của Chúa, cần “vác thập giá” đi theo Ngài. Điều này đòi hỏi một sự “bỏ mình”. Bỏ mình là ra khỏi cách suy nghĩ và tính toán của cái tôi ích kỷ, tham lam và kiêu căng của mình, để bước theo Chúa trên con đường tình yêu trong sáng: vị tha, quảng đại, phục vụ. Bỏ mình là quên mình để sống cho Chúa và cho tha nhân. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta điều đó, vì Ngài “vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, trở nên giống phàm nhân… hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x. Pl 2,6-11). Chúa Giêsu đã bỏ mình triệt để (kenosis) để sống đến tận cùng tình yêu dành cho Chúa Cha và cho phần rỗi nhân loại.

Đó mãi là mẫu gương và là động lực cho chúng ta tiến bước. Con đường thập giá là con đường chấp nhận những hi sinh, vất vả, thiệt thòi vì tình yêu Chúa và vì tha nhân. Theo chân Chúa, có biết bao vị Thánh đã sống luận lý “đành mất mạng sống mình vì Thầy” để đạt đến ý nghĩa viên mãn của sự sống. Mẹ Maria sầu bi là mẫu gương điển hình cho chúng ta trong hành trình theo Chúa. Mẹ đã hiệp thông với Chúa trong đau thương để hiến tế đời mình cùng với Con Yêu Dấu vì phần rỗi nhân loại: “(Việc kết hiệp vào hy tế cứu chuộc) được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác” (GLHTCG, số 618).

***
Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ra khỏi luận lý trần gian để đi vào luận lý của Tin Mừng: chết đi để được sống. Đó là hành trình thập giá mà chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày, để vượt qua con người ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo với những tính toán trần tục của chúng ta, hầu trở nên con người giống Chúa Kitô: quảng đại, hiến thân và khiêm nhường phục vụ. Đó là hành trình “hoán cải” từ não trạng hưởng thụ sang tâm thức phục vụ, một hành trình rất dài và rất cần nhiều nỗ lực.

Lời của Thánh Phaolô khích lệ chúng ta trong bài đọc II: Anh em “đừng có rập theo đời này” nhưng hãy “biến cải tâm hồn” và “hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa”.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm105
  • Hôm nay46,206
  • Tháng hiện tại1,138,763
  • Tổng lượt truy cập71,166,520
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây