Đến vùng ngoại biên…

Thứ bảy - 19/08/2023 09:31  965
Chúa Nhật 20 Thường Niên năm A
Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15, 21-28

https://i0.wp.com/archive.ccwatershed.org/media/photologue/photos/canaanite-MED2.png?ssl=1Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là những cuộc đảo ngược ngoạn mục làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Thái độ khiêm tốn, lòng tin, sự kiên nhẫn và tình hiền mẫu của một người đàn bà xứ Canaan, là một người nữ và là một người ngoại, đã như thể thuyết phục Chúa Giêsu, thuyết phục các môn đệ và chinh phục chúng ta.

Thực ra, qua câu chuyện này, chúng ta thấy được tấm lòng bao la của Thiên Chúa nơi Con Một chí ái, chí thánh của Ngài: Ngài muốn yêu thương và cứu độ tất cả.  Càm nghiệm khối lòng thương xót hải hà ấy, chúng ta sẽ được mời gọi có một tầm nhìn rộng mở hơn về chân trời sứ vụ hôm nay…

Từ miền Tyrô và Siđon, một người đàn bà Canaan từ vùng ấy…

Những câu nói trên đây cho thấy người phụ nữ là “dân ngoại” chính gốc… Chúa Giêsu đã đến vùng “ngoại biên” và gặp gỡ họ… Sau đó Ngài sẽ tiến tiếp tới miền Thập Tỉnh. Điều này cho thấy ý định và chương trình cứu độ của Thiên Chúa mở rộng cho tất cả mọi người, như lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Hết những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta… (vì) Nhà Ta sẽ là Nhà cầu nguyện cho muôn dân” (x. Bài đọc 1: Is 56,1.6-7).

 

Hành trình của Chúa Giêsu ở vùng Thập Tỉnh (Decapolis)

Chúng ta tuyên xưng Giáo hội “Công giáo”. Chữ “Công giáo” (Catholica) ở đây có nghĩa là “phổ quát, rộng khắp”. Giáo hội là “Ngôi nhà chung” được lập ra để đón tiếp mọi người. Đó cũng là thái độ niềm nở ân cần phục vụ của mọi người mang danh “Công giáo” cần có trong  mình khi thi thành sứ vụ.

“Lạy Ngài là Con Vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi!”

Người phụ nữ tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa (Kyrie, Kyrios) và là “Con Vua Đavid”. Hai tước hiệu này đều tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế… Niềm tin của một người ngoại tuy đơn sơ chất phác, nhưng lại rất bền bĩ và vững chắc, đủ để vượt qua ba lần thử thách của Chúa Giêsu: làm ngơ “không đáp lại lời nào”, khước từ giúp đỡ gián tiếp: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel” và từ chối trực tiếp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Niềm tin ấy đã thuyết phục Chúa Giêsu, con gái bà đã được chữa lành.

Đức tin của chúng ta đã được ươm mầm và nuôi nấng từ tấm bé, nhưng đã đứng vững như thế nào trước các cơn thử thách? Những khi phải đối diện với gian nan trắc trở, lời của thánh tông đồ Giacôbê nhắn nhủ chúng ta: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo…” (x. Gc 1,2-4)

“Này Bà, lòng tin của Bà mạnh thật…”

Người phụ nữ Canaan là một người mẹ thật tuyệt vời. Bà rất thương con, can đảm, khôn ngoan và có lòng tin mạnh mẽ, biết tìm đúng địa chỉ để con mình được cứu thoát. Niềm tin, lời cầu nguyện và lòng kiên nhẫn đã giúp bà vượt qua tất cả để con mình được chữa lành. Quả là một người mẹ hết lòng thương con, nhưng cũng hết mực khôn ngoan và can đảm.

Cổ nhân thường nói: “Phúc đức tại mẫu”. Người mẹ khôn ngoan là người mẹ biết dẫn con mình đến với Chúa, là nguồn thật, nguồn sống, nguồn phúc. Người mẹ can đảm là người mẹ dám vượt qua tất cả mọi trở ngại khó khăn để bảo vệ và cứu vớt con mình. Nhìn vào xã hội hôm nay, rất nhiều khi chúng ta thấy con em mình bị bỏ mặc cho “quỷ ám”. Phải chăng các “bà mẹ” của chúng quá lơ là và bạc nhược? Có thể, chúng ta cũng thấy một phần trách nhiệm của mình trong các “bà mẹ” ấy…

***
Dõi theo bước chân của Chúa Giêsu hôm nay chúng ta được lôi kéo ra khỏi não trạng hẹp hòi của tâm thức bảo tồn, để cất bước mạnh mẽ hơn đến vùng ngoại biên. Vẫn còn đó những khoảng vắng, vùng tối rất cần được ánh sáng Tin Mừng soi rọi.

Hình ảnh Chúa gặp gỡ dân ngoại hôm nay và khen ngợi lòng tin của một bà mẹ dân ngoại cũng giúp khai sáng cái nhìn có thể còn hẹp hòi thiển cận của chúng ta về anh chị em ngoài Công giáo. Mang trong mình “căn tính Công giáo”, chúng ta được mời gọi có cái nhìn cởi mở và trân trọng hơn với những người không cùng niềm tin, và có gắng trở thành cầu nối để góp phần xây dựng Giáo hội như là “ngôi nhà chung” cho mọi dân tộc.

Xã hội hôm nay rất cần những “người mẹ”, những “bà đỡ” cho đời sống đức tin của con cái trong nhà cũng như những anh chị em bên ngoài. Trách nhiệm của chúng ta không hề nhỏ, khi nhiều anh chị em thiện chí muốn tìm “những mảnh vụn” mà cũng không có! Những anh chị em ấy rất mong được nghe Tin Mừng về một Thiên Chúa “thương xót họ” (x. Bài đọc II: Rm 11,13-15.29-32). Vì thế, niềm thao thức phải luôn canh cánh trong lòng chúng ta là: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!” Vâng, “ước chi toàn cõi đất kính sợ Chúa” (x. Thánh Vịnh Đáp Ca, Tv 66).

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập337
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm305
  • Hôm nay19,578
  • Tháng hiện tại996,965
  • Tổng lượt truy cập79,000,416
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây