Hy sinh từ bỏ để hạnh phúc

Thứ bảy - 02/09/2023 05:35  343
CHÚA NHẬT 22 TN A
Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27

3Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng từ bỏ những gì đã gắn bó quá lâu sẽ là sự mất mát và đau khổ lớn lao, nhưng thực tế cho thấy từ bỏ giúp ta đạt được hạnh phúc đích thực mai sau. Chính Đức Giêsu đã kêu mời chúng ta hy sinh từ bỏ để theo Chúa: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Vậy chúng ta phải hy sinh từ bỏ những gì?

Trước hết, chúng ta phải từ bỏ chính mình. Cuộc sống này quá ngắn ngủi, nhưng lại có rất nhiều niềm vui, ai ai cũng muốn phấn đấu vươn lên, từ bỏ chính mình liệu có phải là sự nghịch lý? Thưa, từ bỏ chính mình không phải là huỷ hoại cuộc sống của mình hay huỷ hoại thân xác để mau chóng về với Chúa, nhưng là biết nhìn nhận con người thật của mình, phải chân nhận mình là ai trước Thiên Chúa Toàn năng Chí Thánh đã tạo dựng nên mình. Từ bỏ mình là chết đi cho tội lỗi, cho những thói hư tật xấu, những dục vọng thấp hèn. Thánh Gioan Maria Vianney đã khẳng định: “Chúng ta phải ý thức rõ ràng người Kitô hữu là ai? Là người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu. Chúng ta như tấm gương nhỏ mà chính Thiên Chúa nhìn ngắm mình trong đó. Làm sao chúng ta mong muốn Thiên Chúa nhận ra chân dung mình trong một linh hồn dơ bẩn được? Có những linh hồn chết thối nát trong sự ô uế mà chẳng có chút nhận thức nào về nó cả. Họ chẳng muốn từ bỏ để thoát ra khỏi sự thối nát đó. Những thứ đó đều dẫn họ đến với ma quỷ, trong mắt họ tất cả mọi sự đều xấu xa, thậm chí những gì được xem là thánh thiện nhất, trong mắt họ luôn có những sự ghê tởm, tục tĩu, cũng giống như những con vật dơ dáy có thói quen sống dơ bẩn mà vẫn thấy hạnh phúc, lăn mình trong đống bùn dơ mà ngủ.” Chính những đam mê, dục vọng thấp hèn này khiến con người lầm lạc và khó mà buông bỏ nếu không cố gắng cậy nhờ ơn Chúa.

Tiếp đến, chúng ta phải từ bỏ 3 thù. Ở đời người ta dễ rơi vào 3 cõi mê này: mê của cải, sắc dục và ý riêng mình (kiêu ngạo). Ba thứ sóng mê đó đều nhấn chìm con người vào đáy bể khổ. Để buông bỏ cõi mê đó, các thánh tu đức dạy chúng ta phải chiến đấu bằng 3 lời khuyên Phúc Âm: Nghèo khó - Tiền của; Trong sạch - Dục vọng; Vâng phục - Ý riêng. Chúng ta biết rằng từ thiên nhiên cho tới con người đều bị quy luật từ bỏ này chi phối. Nếu nhìn cuộc đời dưới khía cạnh vật chất thì con người được xếp đặt để đi đến từ bỏ: sinh - bệnh - lão - tử. Để không phải hư mất đời đời, để được hạnh phúc đích thực, con người phải từ bỏ những gì làm cho con người bị hư mất. Nhưng cuộc đời này thật giả lẫn lộn, lòng người khó đoán, trí khôn dễ lu mờ, dễ hướng chiều điều xấu làm sao để phân định điều gì cần buông bỏ. Thưa đã có Lời Chúa hướng dẫn chúng ta. “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20,9).

Tại sao chúng ta biết rõ ý Chúa dạy là phải từ bỏ, mà chúng ta cứ giữ lại cho riêng mình? Có người từ bỏ được ý riêng người khác chứ không chịu bỏ ý riêng mình, cứ cho mình là quan trọng, là mẫu số, là thước đo duy nhất, là mọi người phải nghe theo. Có người từ bỏ nhiều mà không từ bỏ tất cả. Chính vì thế mà chúng ta phải tập cho mình thẩm định giá trị đúng về sự vật. Biết rõ đâu là phương tiện, đâu là mục đích. Đâu là xây nhà trên cát, đâu là xây nhà trên đá, đâu là sự khôn ngoan của 5 trinh nữ có đèn có dầu. Phải kiếm cho mình phần tốt hơn và tốt nhất (Lc 10,42). “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Và nhớ rằng: mỗi hy sinh từ bỏ của chúng ta là một đóng góp vào cho “những thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa nơi nhiệm thể Giáo Hội” (Cl 1,24). Khi chúng ta bị ma quỷ cám dỗ về kiêu ngạo, danh vọng, hãy nghĩ đến vòng gai của Chúa. Khi thân thể ta bị đau đớn, bị dục vọng dày vò, hãy nghĩ đến nơi hoang địa, nơi vườn cây dầu, nơi thập giá Chúa chết khổ đau. Khi phải vất vả đổ mồ hôi vì đồng tiền, hãy nghĩ đến gia đình Thánh Gia đã lao động cần mẫn, sống nghèo khó, hy sinh, gian khổ nhưng vẫn hạnh phúc hết mực yêu thương.

Cuối cùng, chúng ta cần biết rằng sự từ bỏ trong Tin Mừng không phải là một ngõ cụt, nhưng từ bỏ để đi đến một đời sống thanh thoát hơn. Từ bỏ không phải là chối bỏ đời như vô vi của Lão Tử. Cũng không phải là chối bỏ đời sống trần gian, nhưng là hướng dẫn trần gian về tới vĩnh cửu. Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết từ bỏ những tội lỗi, những tham - sân - si, những dục vọng thấp hèn… làm vướng cản con đường nên Thánh - Amen.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay47,359
  • Tháng hiện tại1,139,916
  • Tổng lượt truy cập71,167,673
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây