Tha thứ - "Tuyệt chiêu" thực thi lời Chúa dạy

Thứ bảy - 16/09/2023 06:09  1069
7Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta trải qua cảm giác hy vọng rồi thất vọng vì một ai đó. Những đau khổ, tổn thương do bị xúc phạm khiến chúng ta cảm thấy khổ sở và oán hận. Vậy làm thế nào để vượt qua điều này? Câu trả lời chính là tha thứ, nhưng tha thứ là một thách thức.

Có thể nói, đời người được thêu dệt từ vấp ngã đến thứ tha. Tha thứ như dòng chảy cuộc sống, nếu bị chặn lại sẽ bị tù đọng, nhưng khi chảy đến anh em, nó sẽ trong sạch trở lại. Tha thứ là việc khó khan nên người Việt hay nói, ‘sống để bụng, chết đem theo.’ Họ giận lâu, thù dai. Trước đây, không ít người đã gặp rắc rối vì nói yêu kẻ thù là bị kết án phản quốc! Nhiều người cho tha thứ là hành vi thừa, vì ai không yêu mình nữa thì không thể khiến họ quay về. Họ còn biện minh: Phản bội không có giới hạn, ăn vụng sẽ quen, đã có lần một, sẽ có lần hai.

Lật mở các trang sách Cựu Uớc, chúng ta thấy “quan niệm về “thứ tha” bắt dầu được hình thành. Sách Huấn ca[1] khuyên tha thứ sẽ được thứ tha: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”[2] (Hc 27, 28,2).

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phê-rô dành cho Thầy Giê-su: “Lạy Thày, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18,21). Ông hỏi Chúa Giê-su như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình ba lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ bốn thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi! Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy”[3] (Mt 18,22).

Vậy, phải chăng tha thứ chính là “tuyệt chiêu” thực thi lời Chúa dạy?

Trước hết, tha thứ là cách giải thoát chính mình. Giận ghét anh em khiến tâm hồn dằn vặt, ăn không ngon, ngủ không yên, làm xáo trộn đời sống. Có người vào tòa giải tội vẫn đòi hỏi: nó là bề dưới, nó phải xin lỗi trước! Nếu cứ để tâm, bức xúc với kẻ phạm lỗi thì mình là người đau khổ nhất, tâm trạng luôn bất an. Tha thứ làm cho người ta hết oán hờn. Kitô giáo kêu gọi tha thứ vì Chúa đã luôn tha thứ cho mình. Hơn nữa, một khi ta biết tha thứ, người khác sẽ được hoán cải. Hẳn là khi đọc xong bài Tin Mừng, có người đặt vấn đề: Việc tha 70 lần 7 là chấp nhận hành xử bất công, phải chăng là bật đèn xanh cho kẻ xấu lợi dụng? Thực tế không phải vậy, sự tha thứ của Kitô là quyết liệt, tạo mọi cơ hội để người ta sửa sai, tìm cách giúp họ hối cải, trở về cuộc sống ban đầu. Luôn nhớ rằng, một con chó, khi bị dồn vào chân tường, thì nó sẽ tấn công lại! Như vậy tha thứ sẽ giúp thế giới thăng tiến hơn. Giáo Hội luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, để cuộc sống trở nên an bình. Để cho oán hờn kiềm tỏa, cuộc sống con người bị rơi vào khủng hoảng. Tha thứ thúc đẩy tình yêu triển nở tự tin hơn, xã hội sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Được Chúa tha thứ, Phêrô đã hi sinh tất cả cho sứ vụ. Phaolô được tha đã nên tông đồ vĩ đại. Hãy tha thứ, chắc chắn sẽ thành công. Giáo hội phải luôn nêu gương sống yêu thương, hầu giúp tái tạo quả đất.

 Sống trong một thế giới mạnh được yếu thua này, tha thứ tạo ra thế giới hòa bình. Chiến tranh có thắng, thua, nhưng không tránh khỏi chết chóc, thất bại. Hitle với mộng bá chủ, hằn học đối phương, để cuối cùng đã tự tử ê chề. Chỉ có tình thương mới biến đổi cuộc đời, thế giới sẽ hòa bình vì tất cả là anh em con một Cha trên Trời. Có người nói, tha thứ đâu phải dễ. Đúng, rất khó để bắt đầu tha thứ cho người xúc phạm đến ta. Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, tha thứ để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”.

Xin cho chúng con biết vâng nghe lời Chúa, luôn tha thứ cho nhau, để xứng đáng được đẹp lòng Chúa như lời Người chúc phúc: “Phúc ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” 
 

[1] Trào lưu Khôn Ngoan nở rộ trong toàn thể miền Cận Đông xưa: Aicập, Sume, Babylon… Sách Huấn Ca là một trong năm tác phẩm thuộc trào lưu Khôn Ngoan Cựu Ước: Châm Ngôn, Gióp, Giảng Viên, Khôn Ngoan và Huấn Ca.

Tác giả của sách Huấn Ca là ông Si-rác sống vào cuối thể kỷ III đầu thế kỷ IV trước Công Nguyên. Là bậc vị vọng và là hiền nhân ở Giêrusalem, ông đã viết lại những lời dạy khôn ngoan của mình vào khoảng năm 180 trước Công Nguyên. Khoảng năm mươi năm sau, cháu nội của ông đã dịch tác phẩm Hípri của ông sang Hy ngữ và xuất bản.

Sự khôn ngoan, thành quả của suy tư và trải nghiệm, là gia sản chung của toàn thể nhân loại. Nhưng sống vào thời kỳ văn hóa Hy lạp trở nên mối nguy hiểm đối với văn hóa Do thái, ông Sirác, hiền nhân Do thái, ôm ấp một hoài bảo: chấn hưng những giá trị luân lý Do thái giáo. Theo ông, sự khôn ngoan Do thái vượt lên trên sự khôn ngoan Hy lạp, vì sự khôn ngoan Do thái có Thiên Chúa làm khuôn mẫu và Lề Luật của Ngài làm chuẩn mực cho cuộc sống.

Sách Huấn Ca là loại sách kim chỉ nam chứa đựng nhiều lời khuyên dạy cho cuộc sống thường ngày. Sách đề cập đến mọi đề tài. Đoạn trích dẫn hôm nay đề cập đến việc trả thù và tha thứ.

 
[2] Ngược lại với cách hành xử của kẻ gian ác, nhà hiền triết phác họa đức hạnh của người công chính là “lấy ân mà trả oán” hay “Lấy sự tha thứ mà đáp lại oán cừu”.

Sự tha thứ được Lề Luật truyền dạy, như sách Lê vi diễn tả rõ ràng: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình ngươi” (Lv 19, 17-18). Nhà hiền triết nêu lên lý do tại sao phải tha thứ:

“Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,

thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (28, 2).

Theo Hiền nhân Si-rác, sự tha thứ giữa người với người có mối quan hệ hỗ tương với sự tha thứ của Thiên Chúa:

“Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,

thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!” (28, 3).

Vì lẽ người nào hành xử với anh chị em của mình như thế nào, thì Thiên Chúa cũng hành xử với người ấy cũng như thế ấy:

“Nó chẳng biết thương người đồng loại,

mà lại dám xin tha tội cho mình!

Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,

thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (28, 4-5).

Những lời dạy của hiền nhân Si rác về sự tha thứ gợi nhớ lời dạy của Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài trong của kinh “Lạy Cha”:

“Xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6, 12).

Chúa Giê-su còn giải thích cho rõ thêm nữa: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6, 14-15).

Cuối cùng, hiền nhân Si rác nêu lên vấn đề chủ đạo tại sao phải tha thứ cho anh chị em mình. Người công chính phải thanh thoát trên mọi ưu tư thường ngày để nghĩ đến số phận của mình là một ngày kia sẽ từ giả cõi thế, đây không cốt là nghĩ đến phần thưởng của cuộc sống mai sau. Vào thời hiền nhân Si rác, Ít ra en chưa biết viễn cảnh nầy (chỉ xuất hiện muộn thời). Cho dù người công chính không thể biết được khi nào những đau khổ sẽ giáng xuống trên bọn ác nhân – vì Đức Chúa sẽ báo thù – thì phải trung thành với những huấn lệnh và nghĩ đến Giao ước.

“Hãy nhớ đến ngày tận số

mà chấm dứt hận thù,

nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết

mà trung thành gìn giữ các điều răn” (28, 6)

Cách hành xử nầy thật là cao thượng vì chân trời bị giới hạn vào việc thưởng phạt trần thế và kinh nghiệm cho thấy những phần thưởng này khó đáp trả sự mong chờ của người công chính. Nhưng người có niềm tin phải hành xử như thế vì lòng yêu mến Thiên Chúa và Lề Luật của Ngài:

“Hãy nhớ đến các điều răn

mà đừng oán hờn kẻ khác,

nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao

mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (28,7).

 
[3] Trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng vậy, chính thánh Phêrô lên tiếng hỏi Thầy mình: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mầy lần”, đồng thời cũng nhanh miệng đưa ra một lời đề nghị: “Có phải bảy lần không?” Khi đưa ra bảy lần, ông nghĩ là mình quá rộng lượng từ bi nhân hậu lắm rồi, bởi vì theo truyền thống Do thái việc tha thứ cho anh em mình không vượt quá ba hay bốn lần. Kinh sư Hanina dạy rằng: “Ai xin người lân cận mình tha thứ, không được xin quá ba lần”. Kinh sư Jehuna thì dạy tha thứ khoan dung hơn: “Nếu một người phạm tội một lần, hãy tha thứ; hai lần hãy tha thứ; ba lần cũng hãy tha thứ cho người ấy; nhưng lần thứ tư thì không tha thứ nữa!”. Đối với văn hóa Việt Nam: “Sự bất quá tam, một lần tha ba lần chém”. Hơn nữa, “con số bảy” biểu thị sự giới hạn cuối cùng, không thêm được nữa. Trong Cựu Ước, con số “bảy” được dùng để diễn tả mức độ trả thù hết mức: “Bất cứ ai giết Ca in sẽ bị trả thù gấp bảy” (St 4, 15).

Đức Giê-su trả lời: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Trong Cựu Ước, diễn ngữ “Bảy mươi lần bảy” cũng được dùng để chỉ một sự trả thù vô cùng tận, như lời nói đầy sát khí trả thù của ông La méc, hậu duệ của Cain:

“Ca in sẽ được trả thù gấp bảy,

nhưng La méc thì gấp bảy mươi bảy.” (St 4, 25).

Như vậy, Đức Giê su thay thế sự trả thù vô cùng tận bằng sự tha thứ vô giới hạn. Để minh họa tư tưởng của mình, Ngài kể một dụ ngôn mà chỉ mình thánh Mát-thêu tường thuật lại.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập355
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm319
  • Hôm nay18,506
  • Tháng hiện tại995,893
  • Tổng lượt truy cập78,999,344
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây