Chúa Nhật 23 TN A: Sửa sai huynh đệ

Thứ bảy - 09/09/2023 04:25  1339
Chúa Nhật 23 Thường Niên năm A
Ed 33, 7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20

picture1 1Nếu “yêu thương là chu toàn lề luật” thì thực hành yêu thương là “món nợ” chúng ta phải trả hàng ngày và suốt đời (x. Bài đọc II: Rm 13,8-10). Sửa sai huynh đệ cho nhau là một trong những bổn phận quan trọng của việc thực hành yêu thương ấy.

Sửa sai huynh đệ (correctio fraterna) là một việc thực hành đạo đức nhằm nhắc nhở, góp ý với tha nhân để giúp họ sửa chữa một hành vi sai trái hoặc khuyết điểm nào đó. Thực hành này rất cần thiết vì con người chúng ta không ai hoàn hảo cả (nhân vô thập toàn), nên cần được hoàn thiện mỗi ngày, và vì thế, cần được người khác soi sáng, giúp đỡ…

“Hãy đi sửa dạy” (c. 15a)

Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ “hãy đi sửa dạy” khi “anh em mắc lỗi”. Việc sửa lỗi là rất cần thiết, vì một đàng con người “nhân vô thập toàn”, không ai gối đầu từ tối đến sáng, đàng khác, con người chúng ta thường hay chủ quan: “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Cái nhìn khách quan, công tâm, luôn hữu ích cho những ai muốn hoàn thiện bản thân, vì giúp ta thoát khỏi ảo tưởng về bản thân mình.

Đối với người Kitô hữu, việc sửa lỗi cho nhau còn là một đòi hỏi của đức bác ái. Yêu mến tha nhân thì phải mong muốn cho sự thăng tiến thiêng liêng của họ, qua việc giúp họ nhận biết con người thật của mình và không ngừng cải thiện con người mình trở nên tốt lành hơn. Kinh “mười bốn mối” thương người có kể đến bảy mối thương linh hồn, trong đó có ba mối liên quan đến việc sửa dạy: “Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người, thứ hai: mở dạy kẻ mê muội… thứ bốn: răn bảo kẻ có tội…”. Trong bài đọc I còn đẩy trách nhiệm này tới mức “sinh tử” vì mỗi người chúng ta đều có chức năng ngôn sứ: “Ta đã làm cho ngươi trở thành người canh gác Israel”. Nghĩa vụ sửa dạy càng quan trọng hơn đối với những ai có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn, đào tạo, trong đạo cũng như ngoài đời…

“Một mình anh với nó” (c. 15b)

Sửa sai huynh đệ là sửa sai để đắp xây tình huynh đệ, thể hiện tình huynh đệ đích thực, nên cũng cần được thực thi một cách huynh đệ.

Trước hết là phải tế nhị, có ý tốt, cách làm tốt. Sửa sai là để giúp cho họ hoán cải, vì thế phải tìm ngôn ngữ, thời điểm, địa điểm tốt để góp ý, sao cho người nghe dễ đón nhận và lời góp ý mang lại hiệu quả nhất.

Thứ hai là phải kiên trì và tiệm tiến. Một mình không được thì thêm người, thậm chí cả cộng đoàn; một lần không được thì nhiều lần; nhẹ nhàng không được mới dùng đến những phương thế mạnh mẽ hơn…

Sau cùng là phải có lòng bác ái, tức là tình yêu siêu nhiên, lo lắng cho phần rỗi của anh em. Đức bác ái thể hiện không chỉ qua ý hướng ngay lành mà còn qua cách làm ngay lành nữa: tế nhị, cẩn trọng, khiêm tốn, tránh gây tổn thương hoặc làm mất mặt, mất thanh danh... Bác ái, nên sẵn sàng chịu thiệt thòi, hy sinh, khi phải góp ý nhiều lần: “Trung ngôn nghịch nhĩ/Lời thật mất lòng…”      

“hãy thưa cộng đoàn…” (c. 17)

Một khi việc sửa sai huynh đệ một mình hoặc một nhóm không hiệu quả thì hãy thưa cộng đoàn. Điều này cho thấy sự đồng hành của cộng đoàn rất là cần thiết, nhất là trong những việc vượt sức một cá nhân hay một vài người.  Đời sống cộng đoàn không chỉ nâng đỡ về mặt nhân bản hay về phương diện đức tin, nhưng cũng giúp những thành viên được uốn nắn, sửa bảo, để hoàn thiện mình một cách tốt hơn.

Ở trong cộng đoàn Hội Thánh, chúng ta còn được ân sủng của Chúa nâng đỡ, vì “ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” và hơn nữa, “nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó” (xc. 18-20).  Hiệp thông với Hội Thánh, chúng ta được Hội Thánh nuôi dưỡng và giáo dưỡng về đàng thiêng liêng, để tăng trưởng không ngừng về đức tin và lòng mến.

***
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thực hành đức yêu thương cách cụ thể qua việc quan tâm đến lợi ích thiêng liêng của anh chị em và sửa lỗi huynh đệ cho nhau. Đây là nghĩa vụ ngôn sứ và cũng là bổn phận của đức bác ái Kitô giáo. Tuy nhiên, để việc sửa lỗi cho nhau mang tính “huynh đệ” đúng nghĩa, chúng ta cần có thái độ tế nhị, thận trọng, khiêm tốn, chân thành và bác ái.

Về phía mình, chúng ta cũng được mời gọi hãy mở lòng và khiêm tốn để lắng nghe những lời sửa sai đến từ những người hữu trách, bạn hữu, cộng đoàn… Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở chúng ta “đừng cứng lòng” mà hãy nghe tiếng Chúa (Tv 94,8). Tiếng Chúa thường đến với chúng ta qua các trung gian, vì thế rất cần “lắng” để có thể “nghe”…

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập246
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm198
  • Hôm nay55,013
  • Tháng hiện tại71,433
  • Tổng lượt truy cập71,437,779
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây