Thánh ý Chúa trong cuộc đời cho tim con vui rạng ngời, nối kết trong tình Trời với đất. Thánh ý Chúa đưa con đi, trong bình an Chúa dẫn con về câu ước thề vẹn nghĩa tín trung.
Xin cho con tìm theo ý Chúa không hoang mang không sợ đau thương, không vấn vương trên con đường trần vui hy sinh quên chính thân mình lo sống đẹp ý Chúa mà thôi. Xin cho con ở lại trong Ngài dẫu nhiều khi lo toan muộn phiền trong đời nhân thế, vẫn một lòng vui sống bên Ngài dù chông gai vẫn một tình yêu không nhạt phai.
Xin cho con một tình yêu mến luôn an tâm thi hành ý Chúa, không đắn đo không lo ngại gì vui cho đi không tiếc thân mình luôn sống đẹp như những lời kinh. Cho con tin vào tình yêu Ngài dẫu ngày mai bao nhiêu trở ngại giữa đời ngang trái, chẳng có gì xui khiến cho con phải nao núng vẫn một đời tôi trung của Chúa.
Con không mong điều chi hơn nữa nhưng mong sao cho đẹp ý Chúa, luôn hết tâm lo kiếm tìm Ngài khi hân hoan hay lúc mỏi mòn thánh ý Ngài tất cả đời con. Con không mong gì ngoài nơi Ngài chốn trần ai con đây miệt mài cho tình yêu Chúa, sống vẹn toàn theo thánh ý Ngài và ngày mai Chúa là niềm tương lai đời con.[1]
Có thể nói, Nhạc sĩ Thái Nguyên đã dệt nên những ca từ này bằng sự cảm nhận sâu sắc về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, khá nhiều lần các tác giả đề cập đến Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài, là chủ tể mọi loài (x. 2Mcb 7,23; Kn 1,14). Đàng khác, chính Ngài là tác giả của quá khứ, hiện tại và tương lai (x. Gdt 9, 5-6). Hẳn là mọi sự xảy đến không ngoài Thánh ý Chúa.
Và sau hết, không ai khác, Chúa Giêsu là khuôn mẫu hoàn hảo nhất trong việc thực hành ý Chúa Cha. Người sống bằng ý Chúa Cha (x. Ga 4,34). Đó là điều duy nhất mà Người tìm kiếm (x. 5,30), và làm mọi sự đẹp ý Đấng đã sai mình (x. 8,29). Dù ý đó mang một hình thức “mệnh lệnh”, nhưng Chúa Giê-su thấy đó là dấu chỉ mà “Cha yêu Người” (x. 10,17). Sự vâng phục của Con là sự thông hiệp với ý Cha (x. 15,19).
Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy lần đầu tiên Ngài nói với các môn đệ về cuộc hành trình đi lên Giêrusalem của Ngài.[2] Tại đây, Ngài sẽ phải đau khổ, bị giết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Một viễn tượng không có gì sáng sủa. Thấy vậy, Phêrô bèn lên tiếng can ngăn.[3] Lời can ngăn ấy có thể đã xuất phát từ niềm tin của ông vào tình thương của Thiên Chúa Cha bởi vì ông đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha đối với từng cánh chim, từng bông hoa. Thiên Chúa là một người cha chỉ muốn những điều tốt cho con cái. Một người cha thế gian còn không nỡ cho con mình cục đá, khi nó xin cái bánh, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho người con yêu dấu của Ngài gặp phải sự khốn khó và như thế, điều Chúa Giêsu vừa mới loan báo, làm sao có thể xảy ra được.
Khi danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi, uy tín Ngài đã bao trùm mọi nơi, khi mọi người chỉ còn chờ Ngài đi vào thành Giêrusalem là sẽ tung hô Ngài làm vua để giải thoát dân khỏi cảnh đói khổ lầm than, thì Ngài lại nói đến đau khổ và sự chết. Ngài còn đòi hỏi các môn sinh của Ngài phải từ bỏ danh lợi lạc thú để đi vào con đường thập giá, con đường mà nhiều người đang muốn vượt ra, nay Ngài lại mời gọi đi vào. Tuy nhiên, con đường Chúa Giêsu đi không dừng lại ở đau khổ và sự chết. Nếu kết thúc cuộc đời của Ngài chỉ dừng lại ở bi kịch thập giá thì cửa mồ của sự chết sẽ khép lại toàn bộ sự nghiệp của Ngài đã vun trồng. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã đi qua sự chết để mở ra cánh cửa phục sinh vinh hiển. Giá trị đau khổ Ngài chịu đã đem lại niềm vui cứu độ cho toàn thể nhận loại. Sự chết của Ngài đã khai mở cánh cửa thiên đàng cho tất cả những ai tín trung theo Ngài.
Con đường Thánh Giá là con đường dẫn đến Phục Sinh[4]. Con đường từ bỏ là con đường dẫn tới vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống, phải qua tủi nhục mới đến vinh quang và phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phaolô đã hiểu biết tường tận con đường của Chúa nên đã nói: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chuá mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 6-11).
Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn nên Người nói tiếp: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo, cao cả và phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.
[1] Lm. Ns. Thái Nguyên, lời bài hát “Thánh ý Chúa”
[2] Tuy nhiên, thánh Phêrô gặp phải một phản ứng quyết liệt của Chúa Giê-su. Trước đây, Chúa Giêsu đã phản kháng triệt để cơn cám dỗ của Xatan trong hoang địa khi nó ra sức thuyết phục Ngài thực hiện sứ mạng của một Đấng Kitô đầy quyền năng chứ không một Người Tôi Trung chịu đau khổ: “Xatan, hãy xéo đi”, giờ đây Ngài cũng đáp lại thánh Phêrô cũng tương tự như thế: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy”. Từ “Xatan” theo tiếng Hípri có nghĩa “kẻ cản lối”, tự nguồn gốc là một danh từ chung.
Với diễn ngữ: “lui lại đằng sau Thầy”, Đức Giêsu không xua đuổi vị tông đồ, nhưng mời gọi thánh nhân hãy sống trong tư thế của người môn đệ chứ không tìm cách cản lối Thầy. Ngài muốn thánh Phêrô hiểu rằng đức tin mà ông đã tuyên xưng, cuộc tấn phong mà ông đã lãnh nhận, đòi hỏi ông phải dứt khoát dấn thân trọn vẹn vào trong cùng một vận mệnh với Ngài. Ngay lúc đó, quay về các môn đệ, Ngài cũng nói với họ một cách như thế: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”
[3] Chúng ta hiểu phản ứng của thánh Phêrô. Thánh nhân quan niệm về Đấng Kitô (Mêsia) vinh quang và toàn thắng. Trong tư tưởng của thánh nhân, những viễn cảnh về một vị vua Ki-tô trần thế bách chiến bách thắng chắc chắn vẫn còn hiện diện.
Rất tế nhị, thánh Phêrô kéo Thầy mình ra khỏi các bạn đồng môn và nói riêng với Thầy: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Chắc chắn thánh nhân lầm khi muốn lôi kéo cả Thiên Chúa vào việc gìn giữ Thầy mình cho “tai qua nạn khỏi”. Tuy nhiên, tiếng kêu của thánh nhân không chỉ bày tỏ những kỳ vọng mà ông đặt vào Đức Giêsu, nhưng cũng gói trọn tấm lòng yêu mến của ông đối với Thầy mình. Chắc chắn chúng ta không thể nào chấp nhận người mình yêu mến phải chịu đau khổ và phải chết.
[4] Lời công bố của Đức Giêsu: “Vì nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” để lại sự phân vân cho người đọc, bởi vì nó diễn tả điều quá thường tình. Tin Mừng không quen với những kiểu nói tầm thường như vậy. Có vấn đề về ngôn ngữ ở đây. Chữ “mạng sống” được dịch từ tiếng Hy lạp: “psyché” có nghĩa “linh hồn”, như cách dịch truyền thống: “Vì nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất linh hồn, thì có lợi gì?”. Bản dịch hiện nay chọn từ “mạng sống” thay cho “linh hồn” bởi vì chữ “linh hồn” gợi lên nhị nguyên thuyết Hy-lạp, xa lạ với tư tưởng Kinh Thánh. Thực ra, Đức Giê-su đã sử dụng tiếng “sinh khí” như trong sách Sáng Thế: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh linh” (St 2, 7). Rõ ràng ở đây Đức Giê-su đối nghịch việc sở hữu của cải vật chất – mà diễn ngữ “người ta được cả thế gian” gói trọn tất cả ý nghĩa nầy – với việc thiệt mất của cải tinh thần, thiệt mất “mạng sống”, được hiểu theo nghĩa mạnh: “sự sống đời đời”. Vì thế, bản dịch sát ý nghĩa nhất phải là: “Vì nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất ơn cứu độ của mình, thì có lợi gì?”. Câu hỏi mà Đức Giêsu nêu lên: “Người ta sẽ lấy gì mà đổi lấy mạng sống mình?”, cũng diễn tả theo cùng một tư tưởng: “ơn cứu độ” đời đời, vô giá. Vả lại, Đức Giê-su kết hợp viễn cảnh chung cuộc nầy với ngày Quang Lâm của Ngài: “Bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.
Vì thế, để sở hữu Sự Sống Đích Thật, một con đường duy nhất được ban cho các môn đệ và sau họ, cho tất cả các Kitô hữu không gì khác ngoài việc noi gương Đức Giê-su, từ bỏ chính mình, như Ngài, cho đến chết. Lời khẳng định nghiêm túc, không hoa mỹ, nhưng chan chứa niềm hy vọng vinh quang. Chúng ta ghi nhận rằng Đức Giê-su không đòi buộc nhưng đề nghị: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.