Chia sẻ quà tặng tình yêu qua đời sống phục vụ

Thứ bảy - 21/10/2023 04:49  931
LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO NĂM A
Dcr 8,23; Cv 1,3-8; Mc 16,15-20

image evangile 21e dimanche toa 27082023Trước khi về Trời, Đức Giêsu Phục Sinh đã truyền lệnh cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Nhận thức được sự cần thiết về vai trò, tầm quan trọng của sứ mệnh truyền giáo Đức Giêsu truyền, thánh Phaolô đã dành cả cuộc đời rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Vị Tông đồ dân ngoại này cũng khuyên các tín hữu: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2). Chính vì thế, Giáo Hội tha thiết mời gọi chúng ta thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu đem Tin Mừng Yêu Thương đến cho muôn loài.

Thật vậy, giữa các hoạt động có tính cách lịch sử của Giáo Hội, hoạt động truyền giáo là hoạt động số một: “Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ (epiphania) hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa cùng hoàn tất ý định ấy nơi dương thế, trong lịch sử trần thế”[1]. Ý định của Thiên Chúa là “quy tụ mọi sự về cùng một Thủ Lãnh duy nhất”[2] đang được thể hiện qua công cuộc truyền giáo. Bởi vậy, “mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ cao cả này là phải làm sao để ý định cứu độ của Thiên Chúa đạt đến được ngày càng thiết thực hơn, với hết mọi người ở khắp mọi nơi và trong mọi thời đại”[3].

Trước hết, truyền giáo chính là tiếp tục kế hoạch của Thiên Chúa. Như Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu thế nào, Chúa Giêsu cũng sai các Tông đồ như vậy (x. Ga 20,21) khi Người phán: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Lệnh truyền này được Chúa Kitô Phục Sinh truyền dạy cho các Tông đồ, và Giáo Hội đã nhận lãnh lệnh truyền này từ các Tông đồ để chu toàn khắp cõi đất (x. Cv 1,8). Chính vì thế, Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Tin Mừng cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Phúc Âm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn thành trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thanh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhận họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn[4].
        
Tiếp đến, hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là sự biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa, sự bày tỏ và thực hiện kế hoạch đó trong thế giới và trong lịch sử. Chính trong lịch sử này, rõ ràng Thiên Chúa đưa dẫn lịch sử cứu độ đến cùng đích nhờ việc truyền giáo[5]. Truyền giáo chính là loan truyền tình thương của Thiên Chúa đến với con người. Vì thế, sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội cốt yếu là loan truyền tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc đời, cái Chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó chính là việc loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa yêu chúng ta và muốn mọi dân tộc hiệp nhất trong lòng thương xót yêu thương của Người[6].
        
Tiếp theo, truyền giáo còn là chia sẻ quà tặng (Đức Giêsu Kitô) mà Giáo Hội nhận được. Đây chính là quà tặng tình yêu. Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là Giáo Hội tin vào Chúa Giêsu Kitô. Do đó, Giáo Hội có sứ mạng chia sẻ ánh sáng đó với mọi người. Giáo Hội muốn dâng tặng đời sống mới Giáo Hội đã gặp được trong Chúa Giêsu Kitô, khi họ tìm kiếm sự viên mãn của sự sống, để họ có thể hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa Giêsu Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Giáo Hội cũng như mỗi Kitô hữu trong Giáo Hội không thể cất giữ hay độc quyền chiếm giữ cho mình sự mới mẻ và phong phú mà họ đã nhận được do lòng nhân từ Thiên Chúa ban cho, để thông chia cho tất cả mọi người. Vì thế, sứ vụ truyền giáo không chỉ phát xuất do lệnh truyền chính thức của Chúa Cứu Thế, mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Những ai gia nhập Giáo Hội Công Giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân, và do đó, họ càng phải dấn thân làm chứng, bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là việc phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả cho Thiên Chúa. Đồng thời, họ cũng phải nhớ rằng: “Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng, nhưng do đặc ân của Đức Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn”[7].
        
Cuối cùng, truyền giáo là “vấn đề của đức tin, là thước đo lường của lòng tin vào Chúa Kitô và tình yêu của Ngài đối với chúng ta”[8]. Đó chính là sự hy sinh phục vụ. Tin vào Chúa Kitô không đơn thuần là chấp nhận một hệ thống giáo điều hay một lý thuyết, nhưng chính là sống gắn bó với Chúa Kitô và để cho tinh thần của Ngài thấm nhập vào tất cả cuộc sống mình. Cũng như cành nho phát sinh và tăng trưởng tùy thuộc vào việc chúng gắn liền với cây nho (x. Ga 15,4-5). Trong chiều hướng này, mỗi tín hữu truyền giáo trước tiên bằng đời sống hơn là lời nói hay những hình thức bên ngoài[9]. Đó là một đời sống đã được thấm nhập và đổi mới nhờ Lời Chúa, nhờ đó góp phần thăng tiến xã hội theo tinh thần Phúc Âm. Để từ đó nhiều người thuộc mọi dân tộc, ngôn ngữ, màu da, giai cấp… mà nói: “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em” (Dcr 8,23). Vâng, chỉ khi nào Thiên Chúa ở với chúng ta và chúng ta có Chúa, khi ấy chúng ta mới truyền giáo được.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con ý thức hơn về bổn phận cũng như trách nhiệm của mình trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Cố gắng canh tân đời sống, quyết làm gương sáng để loan truyền Tình yêu của Thiên Chúa cho những người mà chúng con gặp, để nhiều người cùng hiệp nhất và hưởng kiến Tôn Nhan Thiên Chúa muôn đời. Amen.
 

[1]  Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, (7/12/1965), số 9.
[2] Thánh Irênêô, Adversus haereses, 3, 22, 4: SC 211, 440 (PG 7, 959), Gerhard L. Mller, Ân sủng luận qua các tác giả, chuyển ngữ: Nguyễn Văn Hòa, OP, tr. 156.
[3]  Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, (7/12/1965), số 33.
[4] X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen gentium, số 17.
[5] X. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 9.
[6] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2000.
[7] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số11.
[8] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sđd.., số11
[9] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 23.

Tác giả: Lm. Jos. Duy Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập224
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay66,286
  • Tháng hiện tại312,889
  • Tổng lượt truy cập71,679,235
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây