CN 30 TN A: Đạo yêu thương nhau

Thứ bảy - 28/10/2023 04:13  1371
Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40

picture1Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26-31). Con người “linh ư vạn vật” vì có lý trí, tự do và nhất là, có tình yêu. Càng sống yêu thương, hình ảnh Thiên Chúa càng sáng rõ nơi con người, vì Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4,16). Vì thế, để sống ơn gọi làm người, để nên người đúng nghĩa, để trở thành phiên bản tốt đẹp nhất như Chúa muốn, chúng ta được mời gọi sống điều răn yêu thương.

Đây cũng chính là chủ đề mà Lời Chúa của Chúa Nhật 30 Thường Niên năm A mời gọi chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu làm cho các người phái Sađốc phải im miệng, nhóm Pharisêu muốn tỏ ra đắc thắng, đã hỏi thêm Chúa Giêsu về điều răn trọng nhất. Chúa Giêsu đã trả lời rõ ràng và giúp họ hiểu sâu xa hơn về Lề Luật của Chúa.

Điều răn trọng nhất

Giữa một rừng luật với 613 điều (365 điều cấm và 248 điều khuyên), nhiều người có thể tỏ ra bối rối không biết phải lựa chọn ra sao. Cũng đã có nhiều câu trả lời cho chất vấn này. Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời không mới, vì điều răn mến Chúa hết lòng đã được ghi trong kinh Shema (Hãy nghe) mà người Do Thái đọc hằng ngày hai lần: “Nghe đây hỡi Israel, … hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em!” (x. Đnl 6,4-6), và điều răn “yêu người thân cận như chính mình” cũng được nói tới trong Luật (x. Lv 19,18).

Tuy nhiên, điều mới mẻ mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta là Ngài kết hợp hai điều răn ấy thành một điều răn yêu mến và coi đó là cốt lõi và linh hồn của toàn bộ lề luật: “Toàn bộ lề luật và các tiên tri đều tóm về hai điều răn đó” (Mt 22,40). Điều mới mẻ này thể hiện qua sự nhất quán, tích cực và chiều sâu của Lề Luật. Tất cả luật đều xuất phát từ tình yêu, nhằm thực thi và phát triển tình yêu tới mức hoàn hảo. Vì thế, lề luật được viết ra vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Chúa thích tình yêu hơn của lễ (x. Mt 9,13). Yêu thương là chu toàn luật Chúa (x. Rm 13,10). Lề luật không nhằm cấm đoán, bó buộc, mà hướng tới việc bảo vệ và tăng trưởng tình yêu nơi con người.

Mến Chúa hết lòng

Tình yêu dành cho Thiên Chúa phải là trước hết và trên hết. Lý do không phải chỉ là vì Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, là nguồn cội sự sống và nguồn mạch ơn lành chúng ta đang có, nhưng còn là vì Ngài là suối nguồn yêu thương để nhờ đó, chúng ta có thể kín múc nguồn lực mà yêu thương tha nhân như chính mình. Càng nối nguồn với Chúa, chúng ta càng có nhiều sức sống, bình an và ơn lành để thực thi yêu thương.

Những giờ dành cho Chúa trong cầu nguyện, thinh lặng, Thánh Lễ, vì thế, không hề là lãng phí. Đó là những hành vi thờ phượng để tăng thêm lòng mến Chúa, kín múc ánh sáng, ân sủng và sức mạnh từ nơi Chúa. Có lần có người chất vấn Mẹ Têrêsa tại sao các nữ tu của Mẹ lại dành nhiều giờ chầu Thánh Thể trong khi Dòng của Mẹ là Dòng hoạt động. Mẹ trả lời: vì nếu không thế, họ sẽ không đủ can đảm để phục vụ những người bên lề xã hội bệnh tật, hôi tanh, dơ dáy, cùng khổ…

Yêu người như mình

Yêu người “thân cận” là yêu mọi người và yêu “như mình ta vậy”. Điều này quả không dễ chút nào, vì xu hướng tự nhiên con người chúng ta thường hay vị kỷ, tham lam và sân si. Tuy nhiên, nếu có ơn Chúa, nếu trái tim được Chúa lấp đầy, chúng ta có thể đạt tới tầm cao của đức yêu thương. Chúng ta có thể thấy điều đó nơi đời sống các thánh, như thánh Martino de Porres (1579-1639) với tấm lòng vàng hết lòng yêu thương kẻ túng nghèo, thánh Damien (1840-1889) và đức cha Jean Cassaigne (1895-1973)  là những “tông đồ người cùi”, thánh Maximilian Kolbe (1894-1941) chết thay cho bạn tù, Mẹ thánh Tê rê sa Calcutta (1910-1997) yêu thương phục vụ những người cùng khổ bên lề xã hội…

Chính vì thế, Chúa Giêsu còn đưa ra lý tưởng cao hơn cho chúng ta khi mời gọi chúng ta “nhân lành như Cha trên trời” (Mt 5,48) và “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con” (Ga 15,12). Chúa mời gọi chúng ta tới một tình yêu siêu nhiên, vượt trên khả năng tự nhiên của chúng ta. Tình yêu phi thường ấy giúp chúng ta tiến bước trên đường thánh thiện, vì tình yêu ấy giúp chúng ta làm những việc tầm thường một cách phi thường. Chính tình yêu ấy thánh hóa cuộc sống của chúng ta, nâng tầm cuộc sống chúng ta lên một thang giá trị mới. Chúng ta có thể thấy “mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa” (Rm 8,28).
***
Ngay từ hồi sơ khai, Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam đã được dân thành Thăng Long gọi là “Đạo của những người yêu nhau”. Kiểu gọi ấy rất dễ thương và cũng là lời nhắc nhở về cốt lõi của Đạo là sống Bác Ái như Chúa dạy. Điều răn trọng nhất xem ra cần được thể hiện cách sâu rộng hơn phạm vi nhà thờ, xóm đạo, để thấm nhuần vào trong cuộc sống ở những vùng “ngoại vi” như xí nghiệp, công ty, công quyền, trường học, bệnh viện, xã hội, văn hóa, chính trị…

ĐTC Bênêđíctô có lần nói đến chiếc kiềng ba chân của đời sống Kitô hữu: rao giảng, phụng tự và bác ái. Xét cho cùng, tất cả đều hướng đến lòng mến Chúa yêu người. Rao giảng là để thúc đẩy lòng mến Chúa yêu người. Phụng tự là cử hành lòng mến Chúa và yêu người. Bác ái là thực hành lòng mến Chúa yêu người. Tuy nhiên, nếu chỉ nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó, thì đời sống đức tin sẽ khó triển nở. Có lẽ tình trạng đó phần nào đang phảng phất khi chúng ta chú trọng nhiều đến cơ sở và lễ nghi mà ít quan tâm đến rao giảng và thực hành? Vì thế, chúng ta cùng xin Chúa giúp chúng ta sống đạo một cách toàn diện và triển nở hơn…

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập445
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm420
  • Hôm nay49,112
  • Tháng hiện tại909,473
  • Tổng lượt truy cập78,912,924
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây