Chúa Nhật XXVIII Thường Niên A
Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-44
Tiệc cưới là nơi vui vẻ hạnh phúc không chỉ cho cô dâu chú rể mà còn cho tất cả những ai tham dự. Nơi đó, người ta dành cho nhau những lời chúc tụng và dự tiệc rất đông vui. Đám cưới trong bài Tin Mừng hôm nay rất đặc biệt: Một đám cưới lúc đầu rất ít người tham dự, sau lại rất đông, nhưng cuối cùng một người dự lại bị đuổi khỏi bữa tiệc vì không mặc “y phục cưới”. Vậy “y phục cưới” ở đây là gì? Có phải “y phục cưới” là điều bắt buộc phải có khi dự tiệc cưới không?
Trước hết, Tin Mừng hôm nay cho hay: Ông Chủ vào phòng tiệc thấy một người không mặc y phục lễ cưới thì đuổi anh ta ra khỏi phòng tiệc. Điều này làm cho chúng ta thắc mắc: Tại sao kêu mời người ta vào dự tiệc rồi lại đuổi người ta ra, còn trói chân tay lại và quang ra chỗ tối bên ngoài? Nếu nhìn theo cái nhìn thông thường thì đó là điều vô lý. Nếu biết trước như vậy, nhiều người nói: thà không dự tiệc cưới còn hơn. Nhưng hãy để ý chi tiết: bên ngoài tiệc cưới là sự tối tăm, “ở đó người ta sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (Mt 22,13). Như thế, được vào trong, tham dự tiệc cưới mới là hạnh phúc đích thực, ngoài tiệc cưới chỉ là sự tối tăm và đau khổ mà thôi. Ở đó, người ta phải làm một cuộc lựa chọn dứt khoát, một quyết định có liên can đến hậu vận của đời người. Người bị đuổi khỏi tiệc cưới trong bài Tin Mừng hôm nay, không phải vì người ấy không mặc y phục cưới, cũng không hẳn người ấy xấu, vì trong tiệc cưới có cả người tốt lẫn người xấu với rất nhiều hạng người khác nhau. Người ấy bị đuổi khỏi tiệc cưới vì: “Người ấy câm miệng không nói được gì” (Mt 22,12).
Như vậy, “câm miệng không nói được gì” là một sự cố chấp, cố tình từ chối không mặc “y phục cưới”. Chúng ta biết rằng, các đầy tớ, quân lính của nhà vua đã đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới, bất luận tốt xấu cũng đều được tập hợp lại. Điều này cho thấy cũng có rất nhiều người không kịp “mang y phục cưới”. Nhưng tại sao họ lại không bị đuổi? Phải chăng họ đã không câm miệng? Họ đã xin nhà vua cho họ bộ “y phục cưới” chăng? Việc nhà vua cho đầy tớ ra khắp các ngả đường mời tất cả mọi người vào dự tiệc cưới, cho thấy nhà vua – chủ tiệc cưới rất hào phóng, rất quảng đại. Cho nên, việc tặng “y phục cưới” cho khách đối với nhà vua không có gì là khó. Điều cốt lõi là các khách dự tiệc có muốn mặc lấy “y phục cưới” đó không thôi bởi vì các khách dự tiệc cưới rất đông, vậy mà chỉ có một người không chịu mang “y phục cưới”.
“Y phục cưới” ở đây nếu nhìn dưới lăng kính ân sủng luận thì đó chính là ơn cứu độ, là đời sống đức tin. Mặc “y phục cưới” là điều bắt buộc cho những ai vào phòng tiệc. Ơn cứu độ của Đức Giêsu đã được ban phát cho nhân loại cách nhưng không, nhưng nhiều người lại cố tình không đón nhận. Họ đã dùng tự do từ chối ơn Chúa, đã đi ra bên ngoài tiệc cưới và tự chuốc vào mình nơi tối tăm và đau khổ. Chúng ta được mời gọi đến dự tiệc Nước Trời. Hãy chuẩn bị cho bữa tiệc đó bằng cách sắm cho mình “y phục tiệc cưới” là đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. “Con phải can đảm sống đức tin hằng ngày, như các Thánh Tử Đạo can đảm chết để giữ vững đức tin” (Đường Hy vọng số 287- Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận). Đó cũng chính là ngày chúng ta được vào dự tiệc cưới Nước Trời, nơi đó: “Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mợi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân người” (Is 25,7-8).
Hơn nữa, mặc “y phục lễ cưới” cũng chính là mang trong mình tâm yêu thương, mặc lấy tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Tiệc cưới Nước Trời là tiệc yêu thương, mà Thiên Chúa chính là tình yêu. Ai không mang trong mình “y phục” yêu thương hay cố tình từ chối sống yêu thương thì không thể nhận ra sự hạnh phúc trong tiệc cưới được. Dù chúng ta có cuộc sống ra sao: “sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được” (Pl 4,12), điều quan trọng là trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải mặc “y phục lễ cưới”. Đó là mặc lấy tình yêu của Chúa, sống yêu thương như Chúa đã yêu. Mặc “y phục lễ cưới” chính là có sự chuẩn bị cho đời sống mai sau. Đó là những người luôn sống tỉnh thức, sẵn sàng dự tiệc cưới Nước Trời – nơi mà “Thiên Chúa sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô” (Pl 4,19). Nhu cầu của Đức Kitô Giêsu chính là sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa Cha đến muôn thuở muôn đời.
Lạy Chúa, xin rảy nước thanh sạch trên chúng con để chúng con được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Xin ban tặng cho chúng con quả tim mới để chúng con biết yêu thương anh em mình. Xin tiếp tục Thần Khí tốt lành của Chúa để hướng dẫn chúng con tiến vào dự tiệc cưới trên Thiên quốc vĩnh hằng. Amen.