Lãnh đạo phục vụ

Thứ bảy - 04/11/2023 03:55  1471
Chúa Nhật 31 Thường Niên năm A
Ml 1,14b-2,2b.8-10; 1 Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12

“Ai làm lớn phải phục vụ”
 

Lời Chúa hôm nay như một gáo nước lạnh dội xuống trên đầu chúng ta. Trong cuộc sống thường ngày và trong đời sống Giáo hội, chúng ta cũng thường xưng hô với nhau là “thầy” , “bố”, “cha”, “bề trên”… Cách xưng hô như thế có ngược lại với Tin Mừng của Chúa không? Chúng ta phải xưng hô như thế nào?

Nhiều anh em ngoài Công giáo không thích cách xưng hô “cha”, “thầy”… và thường nại đến Mt 23,8-10 mà chúng ta vừa nghe công bố. Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bác bỏ cách xưng hô hay những cơ chế thông thường. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh đến tinh thần khiêm tốn phục vụ của những người có trách nhiệm cũng như nêu cao vai trò trổi vượt của Đấng Kitô và vị trí tối thượng của Thiên Chúa. Chính thánh Phaolô cũng từng nói đến tư cách làm cha thiêng liêng khi “sinh ra” các tín hữu (1 Cr 4,14-7; Gl 4,19) và gọi họ là con.

Thực ra, nếu hiểu một cách sâu xa, danh xưng “cha”, “thầy”, “bề trên”… mà các tín hữu dành cho các thừa tác viên thánh là một danh xưng “đáng sợ” vì danh xưng ấy bao hàm một thiên chức và trách nhiệm rất lớn lao: mục tử cần sống và phục vụ đoàn chiên theo tinh thần của Cha trên trời và theo cung cách của Thầy chí thánh: yêu thương phục vụ và trao hiến mạng sống cho anh em.

Họ nói mà không làm…

Trong bài đọc I (Ml 1,14b-2,2b.8-10), các tư tế bị cảnh báo sẽ bị chúc dữ nếu không lo tìm vinh quang Thiên Chúa. Điều này diễn ra nơi các luật sĩ và biệt phái, vì họ không lo tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ lo tìm hư danh trần gian: làm mọi việc cốt cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, được chào hỏi, ngồi chỗ nhất… Họ mâu thuẫn với chính mình khi “ngôn hành bất nhất”: nói mà không làm, chất gánh nặng lên vai người khác mà mình chẳng đụng một ngón tay!

Đây là lời cảnh báo trước hết được gửi tới những người đóng vai trò lãnh đạo, khi họ chỉ lo củng cố địa vị, quyền lực mà không lo tu dưỡng và phục vụ. Nhưng đó cũng là lời cảnh báo cho tất cả những người tin Chúa, vì vẫn còn đó một khoảng cách rất xa giữa những gì chúng ta tuyên xưng và cử hành với những gì chúng ta cư xử và hành động trong cuộc sống. Đức Phaolô VI đã từng nói đến nguy cơ lớn nhất của thời đại là “hố ngăn cách giữa đức tin và văn hóa”. Làm sao đức tin có thể trở thành văn hóa, tức là trờ thành cuộc sống thực của các tín hữu, khi đức tin ấy vẫn chỉ đóng khung trong lời kinh và nhà thờ?

Là anh em với nhau

Từ “anh em” (adelphoi) ở đây rất quan trọng. “Là anh em” nên bình đẳng về phẩm giá, ngang hàng về tư cách. “Là anh em” nên không có khái niệm “chủ tớ”, “trên dưới”, “to bé”… Những khác biệt về chức vụ, địa vị , sứ mạng… không nhắm đến sự phân cấp mà nhằm đến sự phục vụ: “Trong anh em, ai quyền thế hơn là người phục vụ anh em” (Mt 23,11).

Ở đây, Chúa Kitô không chủ trương xóa bỏ quyền bính và phẩm trật, Ngài chỉ muốn hướng quyền bính và phẩm trật về đúng hướng phục vụ. Chính Ngài cũng đã nêu gương phục vụ, khi “là Chúa và là Thầy” mà đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ tiên trưng về tình yêu thương khiêm nhường và phục vụ tới mức trao hiến mạng sống mình (x. Ga 13,1-15). Quyền bính trong Giáo hội xuất phát từ Đức Kitô, phải quy hướng về Ngài và phải được thực thi theo tinh thần và mẫu gương của Ngài (x. GLHTCG, số 1550-1551)

Lãnh đạo phục vụ

“Ai làm đầu phải hầu thiên hạ” là kim ngôn làm thay đổi não trạng của chúng ta. Chúa Giêsu đã có lần giải thích rõ ràng về sự khác biệt giữa tinh thần thế tục và tinh thần của Chúa trong việc sử dụng quyền bính: “Giữa anh em thì không phải thế… Ai muốn làm lớn giữa anh em, phải làm người phục vụ anh em…” (x. Mt 20,20-28).  Thánh Phaolô trong bài đọc II (1Tx 2,7b-9.13) cũng đã nêu gương lãnh đạo phục vụ khi tình nguyện “trở nên như những kẻ bé mọn giữa anh em” để mang không chỉ Tin Mừng mà cả “mạng sống” cho họ nữa.

Đây là phong cách lãnh đạo được gọi là “lãnh đạo phục vụ” (servant leadership), trong đó một cá nhân tương tác với những người khác dựa trên uy tín hơn là quyền lực, vị tha chứ không vị kỷ, nhắm tới công ích chứ không tư lợi. Người lãnh đạo phục vụ nhắm tới việc giúp đỡ cấp dưới và giúp họ phát triển và thực hiện tốt công việc của họ. Kiểu lãnh đạo này thể hiện sự đồng cảm, sẵn sàng lắng nghe, điều tiết công việc và tận tâm giúp người khác tiến bộ hơn. Phong cách này có đặc tính cởi mở đối thoại, tận tình quan tâm, khuyến khích làm việc chung, đẩy mạnh tinh thần tham gia, đồng trách nhiệm và sáng kiến[1].

***
Giáo hội đang trong tiến trình xây dựng con đường hiệp hành. Lãnh đạo phục vụ là một trong những yếu tố không thể thiếu cho sự “hiệp hành” trong Hội Thánh, vì trong số những cản trở lớn nhất của hiệp hành phải kể đến “chủ nghĩa giáo quyền” và “lạm dụng quyền bính”.

Ước gì Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta để chúng ta sống “đặc tính phục vụ” (indoles serviti) là đặc tính “gắn liền cách nội tại với bản chất thừa tác vụ của Hội Thánh”. Thật vậy, “các thừa tác viên hoàn toàn tùy thuộc Đức Kitô là Đấng trao sứ vụ và thẩm quyền, nên họ thật sự là ‘những nô lệ của Đức Kitô’, theo gương Đức Kitô, Đấng đã tự nguyện nhận lấy ‘thân nô lệ’ (Pl 2,7) vì chúng ta” (x. GLHTCG, số 876).

“Lãnh đạo không phải là chịu trách nhiệm mà là quan tâm và phục vụ những người mình chịu trách nhiệm”. Lãnh đạo đúng nghĩa là yêu thương đến cùng và khiêm nhường phục vụ như Đức Kitô. Trong ý nghĩa đó, lãnh đạo cũng đồng nghĩa với tử đạo…

[1] X. “Lãnh đạo phục vụ như một lối sống”, https://www.twu.ca/about-us/commitments/core-values/servant-leadership-way-life#:~:text=of%20all%20concerned.-,Servant%2Dleadership%20serves%20others%20by%20investing%20in%20their%20development%20and,a%20task%20for%20God's%20glory.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập343
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm312
  • Hôm nay19,499
  • Tháng hiện tại996,886
  • Tổng lượt truy cập79,000,337
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây