Tình yêu đền đáp ân tình

Thứ bảy - 18/11/2023 08:28  472
psx 20201124 220358 2Mừng thay Giáo hội Việt Nam
Máu đào Tử đạo nét vàng quang vinh
Suốt ba thế kỷ chứng minh
Hơn trăm hiển thánh hy sinh anh hùng

Những dòng thơ ấy đã nói lên lòng dũng cảm của 117 vị tử đạo được tôn phong hiển thánh, một vị được tôn phong chân phước, cùng hơn một trăm ngàn nhân chứng đức tin mà Giáo Hội Việt Nam mừng kính ngày hôm nay. Các ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi. Làm sao những ngôn từ như “ngọn lửa đức tin”, “chứng nhân can đảm”, “niềm tin kiêu hung”… có thể diễn tả cho hết phẩm chất phi thường của các ngài khi các ngài đối diện với những đau khổ, cơ cực, với những lần tra tấn khủng khiếp, với những cái chết tàn bạo, dã man? Thế hệ con cháu chúng ta không chỉ dừng lại ở việc tưởng niệm và ca ngợi các ngài nhưng còn cần noi theo các ngài để duy trì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã nung nấu.

Có thể nói, các thánh Tử đạo đã biểu lộ tình yêu thanh cao. Các Ngài yêu mến cuộc sống, bằng tinh thần cao thượng, trung thực, không bị lệ thuộc vào vật chất, không dối gian. Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đổ ra lênh láng, nhưng không tanh tưởi, không chảy trong hờn căm oán ghét. Các ngài viết nên trang sử huy hoàng, làm cho Giáo Hội Việt Nam phát triển. Đàng khác, các thánh Tử đạo biểu lộ tình yêu với Chúa. Máu chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo Việt Nam. Các Ngài yêu Chúa khi bình an, cũng như lúc gặp thử thách. Máu các vị tử đạo Việt Nam chứng tỏ niềm tin mạnh mẽ của các tín hữu nơi đây. Cũng như thời Giáo Hội Sơ khai, các Ngài đã hi sinh để làm chứng về tình yêu của Chúa với nhân  loại.

Việc thể hiện tình yêu tha nhân cũng là một đặc trưng nơi các Thánh Tử đạo. Các Ngài dành tình yêu đặc biệt cho gia đình. Như thánh nữ Lê thị Thành an ủi dặn dò con cháu trước khi ra pháp trường. Các thánh Tử Đạo Việt Nam đã thực hiện lời Chúa Giêsu đã nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Bất chấp bị kết án, không oán hận, còn thuyết phục lính gác, cai tù, lý hình nhận ra sự thật. Các ngài sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa và đã để lại nhiều gương sáng rất thuyết phục đối với những người đã làm hại mình, giúp họ nhận ra giá trị Tin Mừng và chân lí vĩnh cửu.

Để thực sự trở nên một hành vi làm chứng cho đức tin, việc tử đạo, một mặt khởi phát từ con người, mặt khác phải do ân sủng của Thiên Chúa tác động. Và ân sủng mới là điều quan trọng hơn cả, nếu không, ta sẽ ngộ nhận, và vướng vào lối lập luận của phái Ngộ giáo và Pelagio, khi cho rằng, chỉ cần con người yêu mến và nỗ lực nhiều là đã có thể nên thánh và đạt được sự sống đời đời. Giáo hội dạy, chỉ có ân sủng mới có thể làm cho con người được nên công chính và được cứu độ, chứ bản thân con người không thể tự mình đạt được[1]. Chính ân sủng của Thiên Chúa “kiện toàn chính linh hồn để nó có khả năng sống với Thiên Chúa và hành động vì tình yêu của Ngài”[2].

Nhưng làm sao một tín hữu có thể lãnh nhận ân sủng khi họ phân định, lựa chọn và quyết định đón nhận phúc tử đạo? Trước hết, để đón nhận ân sủng cách trọn vẹn, con người phải chuẩn bị. Chỉ riêng sự chuẩn bị ấy đã là “một công trình của ân sủng”[3], và sự chuẩn bị này có nền tảng từ việc con người, tự bản tính, luôn quy hướng về Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã ban cho con người lý trí, để con người nhận biết Thiên Chúa nơi công trình tạo dựng, và ý chí, để con người luôn hướng mình tới điều thiện hoàn hảo nhất.[4]

Như thế, việc chuẩn bị đón nhận ân sủng được thực hiện nơi việc con người rèn luyện lý trí và ý chí. Điều này cũng có nghĩa, các vị tử đạo khi phải suy xét thiệt hơn của việc lẩn tránh hay đối mặt với quan quyền, các vị cũng được ân sủng tác động, chứ đó không đơn thuần là sự hoạt động của lý trí và ý chí. Nhưng điều cốt yếu nhất chính là sự khao khát nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Thực tế cho thấy, các vị tử đạo vẫn luôn cầu nguyện, dù khi đang lẩn trốn hay khi đứng ở pháp trường. Nhờ cầu nguyện, các ngài có thể lắng nghe và nhận biết thánh ý của Thiên Chúa cách rõ ràng hơn cả. Những cuộc bách hại thảm khốc bao giờ cũng vượt quá sức chịu đựng của con người. Nhiều người đã không chịu được sự khốc liệt đó mà đã chối bỏ đức tin. Còn đối với những tín hữu nào, tuy chưa đủ can đảm đối mặt với quan quyền thế gian, thì ân sủng vẫn hoạt động hiệu quả nơi họ. Vì họ đã không bỏ Chúa, vẫn kiên trì gìn giữ và thông truyền đức tin cho người khác. Đó đã là việc họ tự do đáp trả lời mời gọi làm chứng cho Đức Giêsu rồi. Và ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ mạnh mẽ nhất nơi lời cầu nguyện của các ngài trước khi các ngài chịu hành hình. Sau khi đã suy xét bằng lý trí, vì yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội, thậm chí yêu mến cả những kẻ bách hại mình, được ân sủng tác động, các ngài can đảm và tự do đón nhận phúc tử đạo. Lúc đó, nhờ ân sủng và sự tự do đáp trả từ phía con người, mà chính họ được Thiên Chúa trao cho triều thiên vinh hiển.

Ý nghĩa nguyên thuỷ từ “tử đạo” (tiếng Hy lạp “μάρτυς”, tiếng anh “martyr”) là “làm chứng”. Những tín hữu ngày nay có lẽ không còn phải chịu những bách hại, hoặc chí ít là không còn những hình thức bắt đạo gắt gao như thời của các vị tử đạo cha ông. Tuy nhiên, chúng ta cách nào đó vẫn còn phải đối diện với muôn vàn thử thách trong hành trình làm chứng cho Tin Mừng.

Chủ nghĩa duy vật

Xã hội hôm nay ra như đang đắm mình vào trào lưu duy vật dưới nhiều hình thức – hoặc là trong tư tưởng (chủ nghĩa vô thần) hoặc là trong cách sống (chủ nghĩa tiêu thụ) – đã chối bỏ hoặc không quan tâm đến sự hiện hữu của Thiên Chúa. Khi gạt Thiên Chúa ra bên lề cuộc sống, thì cũng chính là lúc con người cũng phải đối diện với những vấn nạn ngày càng trầm trọng hơn của xã hội: phân cách giàu nghèo, bất công, khủng bố, nhân phẩm bị xâm phạm, quyền sống bị tước đoạt... Thay vì dùng tiền của như phương tiện để phục vụ cuộc sống, người ta có thể biến nó thành mục đích, như là “chủ nhân” của mình. Người Kitô hữu nhiều lúc không khỏi lung lay đức tin khi bị trở thành nạn nhân của trào lưu duy vật này. Trước thách đố ấy, Lời Chúa luôn nhắc nhở chúng ta rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” (Mt 6, 24).

Chủ nghĩa cá nhân

Không thể phủ nhận rằng, cuộc sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở các Kitô hữu thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, biết đâu có khi chúng ta lại dễ dàng rơi vào một cách sống phản chứng, đối nghịch với niềm tin Kitô giáo. Đó là khi người ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi người ta vi phạm cam kết hôn nhân; đó là khi những người ta giết chết các thai nhi, không cho chúng quyền được sống trên đời; đó là khi những người trẻ sống một cách buông thả; đó là khi người ta lao vào những cuộc nhậu nhẹt say sưa, những vụ cá độ, đề đóm; đó là khi người ta gây chia rẽ, hận thù giữa người với người, v.v.. Mỗi Kitô hữu, dù sống trong bậc sống nào, đều được mời gọi “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” bằng một lối yêu thương và tôn trọng người khác như chính mình (x. Mt 22,38-39).

Sự gian dối

Có lẽ chưa bao giờ sự gian dối lại trở nên vấn đề lớn như thế đối với xã hội Việt Nam. Gian dối trong việc đưa thông tin sai lệch, vu cáo để trù dập, làm hại người khác hoặc đối thủ. Gian dối trong làm ăn kinh tế, bất chấp quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng, như sản xuất thuốc giả, làm ra thực phẩm bẩn, độc hại... nhằm thu lợi nhuận bất chính. Đau đớn thay, sự gian dối ở ngay trong môi trường giáo dục, biến nó thành một thị trường đổi chác bất minh: mua bán bằng cấp, chứng chỉ, chạy điểm, chạy ghế giáo sư, chạy biên chế, chạy trường, chạy lớp… Người tín hữu hẳn sẽ phải gặp nhiều thử thách khi chọn “con đường hẹp” của Tin Mừng, bằng một cách sống trung thực, liêm chính: “có thì nói có, không thì nói không.” (Mt 5,37). Đức Giêsu cũng chỉ cho ta biết nguyên nhân của sự gian dối này là “do ác quỷ” mà ra.

Những môn đệ của Đức Kitô trong mọi thời đại được mời gọi làm chứng cho Người bằng một đời sống nên thánh. Trên hành trình cuộc đời, người môn đệ không khỏi gặp những hiểm nguy và thử thách, nhưng với tình yêu của Chúa và sự chuyển cầu của các thánh Tử đạo, chúng ta tin tưởng sẽ cập bến bình an.

Lạy các Thánh tử đạo Việt Nam xin cầu cho chúng con!
 

[1] X. GLHTCG, số 1996.
[2] GLHTCG, số 1999.
[3] GLHTCG, số 2001.
[4] X. GLHTCG, số 1704.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập470
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm452
  • Hôm nay54,211
  • Tháng hiện tại173,698
  • Tổng lượt truy cập71,540,044
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây