CN 34 Thường Niên A: Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ
Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46
Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ. Giáo hội hướng chúng ta về ngày cánh chung, ngày tận thế, cũng gọi là ngày quang lâm, ngày Chúa Kitô sẽ ngự đến trong uy nghi vinh hiển để xét xử thế giới. Đó sẽ là “ngày hồng phúc” cho những ai trung thành phụng sự Chúa như “đầy tớ tốt lành và trung tín”, ngược lại sẽ là “ngày kinh hoàng” cho những kẻ bất trung như “đầy tớ xấu xa và biếng nhác”.
Ngày lễ Chúa Kitô Vua được thành lập năm 1925, trong bối cảnh độc thuyết thế tục hóa lan tràn. Đây là lập trường sống chủ trương gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi nếp nghĩ và lối sống của con người, rồi tổ chức một lối sống như thể không có Thiên Chúa hiện hữu. Trước vấn nạn ấy, ngày lễ được lập ra nhằm kêu mời một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn, ngõ hầu vương quyền của Chúa được thấm nhuần sâu đậm vào nếp nghĩ, lối sống của cá nhân cũng như cộng đoàn.
Nói đến “vua” là nói đến quyền lực và thống trị. Thời phong kiến, vua là “thiên tử”, người đứng đầu một quốc gia, với toàn quyền trên thần dân, tới mức “quân sử thần tử thần bất tử bất trung”! Ngày nay, chữ “vua” cũng thường được hiểu là người đứng đầu hoặc thống lãnh về bất cứ lĩnh vực nào, chẳng hạn “vua dầu hỏa”, “vua phá lưới”, “vua bất động sản”, “vua từ thiện”…
Khi chúng ta tôn xưng Chúa Giêsu Kitô là “Vua Vũ Trụ”, chúng ta phải hiểu danh xưng “vua” ấy theo nghĩa nào? Thưa, danh xưng ấy vừa nói lên uy quyền tối cao của Ngài trên toàn thể vũ trụ, vừa nêu cao mẫu gương tuyệt hảo về cung cách lãnh đạo và sử dụng quyền bính ở nơi Ngài.
Vương quyền vô biên và vĩnh cửu
Chúa Kitô được tôn vinh là “Vua muôn vua”, vì vương quyền của Ngài tối cao, vô biên, vĩnh cửu, thiêng liêng. Vương quyền ấy bao trùm mọi dân mọi nước, vượt lên trên mọi vua chúa trần gian, vạn đại trường tồn, vừa tối cao vừa sâu tận đáy lòng. Trong Tin Mừng nói đến ngày quang lâm, “khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người…”. Tận thế chính là lúc mọi “danh dự, uy lực và vinh quang” đều quy về Đức Kitô. Nơi Ngài, tất cả vũ trụ tìm thấy sự viên mãn.
Nói cách khác, sau khi đã “trút bỏ vinh quang” và “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” thì Đức Kitô đã được siêu tôn làm Vua muôn vật muôn loài. Mọi thù địch, kể cả sự chết là kẻ thù cuối cùng, cũng phải làm bệ dưới chân Người (x. Tv 110, Pl 2, 9-11, 1Cr 15, 26-28).
Như thế, chúng ta thấy lịch sử của mỗi người và lịch sử của vũ trụ có một cùng đích. Tận thế chính là lúc muôn loài, muôn vật đạt đến sự viên thành của mình: muôn loài quy phục Đức Kitô và Đức Kitô quy phục Thiên Chúa.
Vua yêu thương phục vụ
Chúa Kitô đến trần gian để làm cho Vương Quốc của Chúa Cha được hiển trị. Đó là Vương Quốc của tình yêu và phục vụ. Trong Vương Quốc ấy, mọi sự được vận hành và thẩm định theo luật yêu thương. Người lãnh đạo sẽ là “mục tử” để quan tâm, săn sóc, dẫn dắt, bảo vệ, tìm kiếm, băng bó… đoàn chiên (x. Bài đọc I: Ed 34, 11-12.15-17). Việc xét xử cũng được phân định theo mức độ yêu thương và phục vụ (x. Mt 25,31-46).
Trong Kinh Tiền Tụng, chúng ta ca ngợi đó là Vương Quốc “tràn đầy tình thương, công lý và bình an”. Vâng, vương quyền của Chúa không nhắm đè bẹp con người, nhưng hướng con người tới sự viên mãn của ơn gọi làm người là trở thành công dân Nước Trời.
Ơn gọi của mỗi Kitô hữu chính là làm sao để cho mỗi ngày thuộc về Đức Kitô hơn, làm sao để những giá trị của Tin Mừng mỗi ngày một lan tỏa trong cuộc sống nhiều hơn. Cách chúng ta làm cho “Nước Cha trị đến” (Mt 6,10), không là gì khác, ngoài việc chúng ta làm cho sự thật, tình yêu và sự sống của Chúa được sáng tỏ và lan tỏa trong cuộc sống của chúng ta.
Công dân Nước Trời
Là công dân của Nước Chúa, chúng ta được mời gọi ý thức phẩm giá và trách nhiệm của mình qua việc sống “chức năng vương giả”, sống tư cách công dân Nước Trời của chúng ta. Điều này được thực hiện qua việc thánh hóa bản thân, phục vụ tha nhân và nhiệt thành truyền giáo.
Thánh hóa bản thân là cuộc phấn đấu không ngừng nghỉ để làm cho ân sủng chiến thắng tội lỗi, nhân đức vượt thắng tính mê tật xấu, để cho Chúa Kitô làm chủ tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Điều này chắc hẳn đòi hỏi nhiều hi sinh, từ bỏ và sự phấn đấu kiên trì.
Phục vụ tha nhân là để cho “tình yêu” chiến thắng “ích kỷ”. Đó là lối sống quảng đại vị tha, nhất là tình yêu chân thành và cụ thể đối với “những người bé mọn nhất”. Tình yêu cụ thể được nói đến trong Tin Mừng: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà… (x. Mt 25, 34-40).
Nhiệt thành truyền giáo là đỉnh cao của lòng bác ái: chia sẻ phúc lộc thiêng liêng cao quý nhất là đức tin cho tha nhân. Sự nghèo túng lớn nhất là không có đức tin, bấp bênh về số phận đời đời. Là công dân Nước Trời, chúng ta ý thức sứ mệnh truyền giáo vì yêu thương và lo lắng cho phần rỗi của anh chị em mình.
*****
Mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta cùng hướng lòng về Trời, nơi Đức Kitô đang ngự trên ngai vinh hiển, bên hữu Chúa Cha, để một lần nữa tuyên xưng lòng trung thành của một công dân Nước Trời. Đồng thời, chúng ta nguyện đem hết sức mình để làm cho “Vương Quốc vô biên vĩnh cửu, Vương Quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an” mau được trị đến trong chính tâm hồn và cuộc sống của chúng ta cũng như trên toàn thế giới này.
Chúa Kitô đã không sử dụng quyền lực để thống trị và hưởng thụ, nhưng để yêu thương và phục vụ. Đó cũng là khuôn mẫu cho chúng ta trong việc sử dụng những khả năng, sức mạnh và tầm ảnh hưởng Chúa ban, để xây đắp tình thương, công lý và bình an, qua những nỗ lực yêu thương, chia sẻ và phục vụ. Nước Cha sẽ có thể bắt đầu hiển trị, khi yêu thương nở hoa trên mặt đất này…
“Chớ gì tinh thần của Chúa thấm nhập vào tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng con… xin cho chúng con được ơn hiểu biết , mến Chúa hơn và làm tôi Chúa không hề bê trễ”. “Chớ gì khắp tứ phương thiên hạ tung hô CHÚA LÀ VUA!”