Qua sa mạc để tự do

Thứ sáu - 16/02/2024 20:50  932
CHÚA NHẬT I mùa chay năm B
St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15

 
4Năm nào cũng thế, cứ vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Giáo hội cho chúng ta suy niệm về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Trình thuật năm B theo Tin Mừng Marcô viết rất cô đọng, nhưng cũng đủ cho thấy những yếu tố và ý nghĩa nền tảng cho một hành trình “qua sa mạc”.

Chúa Giêsu được Thánh Thần “đẩy vào” sa mạc; ở đó Ngài “chịu thử thách”; các thiên sứ hầu hạ Ngài... Chúa Giêsu đã vượt qua thử thách, chiến thắng ma quỷ, để mang lại sự thái bình của Thiên Đàng cho nhân loại. Lời hứa tự do đích thật cũng được ban tặng cho những ai bước theo Chúa Giêsu và gắn bó với Ngài.

Vào sa mạc…

Chúa Giêsu được Thánh Thần “đẩy” vào sa mạc. Sa mạc, hoang địa, đồng vắng… là những từ thường gặp trong Kinh Thánh (khoảng 300 lần!)[1] để diễn tả một khung cảnh khô cằn, thử thách, nhọc nhằn. Xét về phương diện tự nhiên, đó là môi trường khắc nghiệt, rất bất lợi cho sự sống và sự phát triển, vì khí hậu nóng rát cháy khô ban ngày và lạnh buốt thấu xương ban đêm, lại thiếu nguồn nước và bóng mát, cộng thêm những cơn bão cát bỏng da và đe dọa tính mạng… Nhưng xét về phương diện tâm linh, thì đó lại là môi trường lý tưởng để siêu thoát, cầu nguyện và tôi luyện. Con người vào sa mạc để buông bỏ tất cả những gì là rườm rà, thứ yếu, tùy phụ, để tập trung vào những gì là trọng tâm, chính yếu, cốt lõi.

Sa mạc, vì thế, như là khung cảnh lý tưởng để kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa, xác định căn tính và xác tín sứ mệnh của mình[2]. Đó là một thời gian chuẩn bị cần thiết cho việc lãnh nhận và thực thi một sứ mạng lớn. Chúa Giêsu trước khi công khai thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó, cũng đã dành ra bốn mươi ngày trong sa mạc để thực hiện cuộc chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là mẫu gương cho chúng ta trong hành trình thực thi sứ mệnh. Những cuộc tĩnh tâm dài ngày trước các sứ vụ mới (khấn dòng, chịu chức, đại lễ…) đều rất quan trọng và cần thiết. Bốn mươi ngày sa mạc của Mùa Chay là chặng đường chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh, quan đó chúng ta gặp gỡ trò chuyện với Chúa, được Chúa huấn luyện mài dũa nhờ Lời Chúa và các Bí tích, được tôi luyện qua những thực hành khắc khổ… hầu xứng đáng hơn cho ngày lễ lớn nhất trong năm phụng vụ này.

Chịu cám dỗ…

Chúa Giêsu vào sa mạc không phải để nghỉ ngơi mà là để chiến đấu. Nếu như Adam cũ đã không chiến đấu và bị ngã gục, đánh mất Địa Đàng, thì Ađam mới đã chiến đấu và chiến thắng, mở cửa Thiên Đàng cho nhân loại. Muốn chiến thắng cám dỗ, chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Giêsu chiến đấu kiên cường bằng: vũ khí Lời Chúa, lòng khiêm nhường phó thác, và đức tin vững vàng nơi Chúa.

Những cơn cám dỗ ngày nay ngày càng tinh vi. Chúng luôn hứa hẹn những điều ngọt ngào và hấp dẫn. Chúng luôn tô vẽ những ảo ảnh về của tự do, hạnh phúc, sung túc qua những lợi lộc vật chất, thú vui xác thịt và quyền lực thế gian. Cần một cuộc chiến đấu thực sự và liên lỉ để có thể vượt thắng những cám dỗ, đứng vững trong lý tưởng và trung thành với sứ mạng của mình. Như Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi luôn sống tỉnh thức theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và mở lòng cho ân sủng trợ giúp của Chúa.

Để được tự do

Một trong những ảo ảnh mà xu hướng ngày nay đang chạy theo chính là những hình thức tự do ảo. Việc hiểu tự do như là “muốn làm gì thì làm” sẽ dẫn con người đến tình trạng nô lệ mới: nô lệ cho bản năng của mình! Nhiều thứ tự do ảo đang biến con người thành nô lệ cho tiền bạc, lạc thú, tự ái, phe phái, quyền lực…

Mùa Chay như là một “khung cảnh sa mạc” giúp chúng ta đi vào một cuộc tôi luyện chiến đấu thiêng liêng, để nhờ ơn Chúa, giải thoát mình khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và đạt tới sự tự do của con cái Thiên Chúa. Ăn chay giúp chúng ta được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ cho đam mê, lạc thú. Cầu nguyện giúp chúng ta quy hướng về Chúa, thoát khỏi thói yêu mình và đề cao mình thái quá. Làm phúc giúp chúng ta gỡ mình khỏi tình trạng nô lệ vật chất, tiền của.
***
Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay[3], Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta qua sa mạc để được giải thoát và tự do, như lời Chúa nói với dân Israel xưa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Ngài lưu ý chúng ta về những sự nô lệ của những thực hành đang làm hủy hoại trái đất và gây ra bất bình đẳng lớn lao. Ngài kêu mời một sự nỗ lực phấn đấu để loại bỏ sự dửng dưng toàn cầu đối với ngôi nhà chung và hòa bình thế giới. Theo Ngài, “cuộc xuất hành từ nô lệ đến tự do không phải là một hành trình trừu tượng”, nhưng đòi hỏi những nỗ lực để nhìn thấu, hoán cải, hành động, chiến đấu, quyết định…

Ước gì Mùa Chay là khung cảnh thuận tiện cho chúng ta thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi mình, ra khỏi những thói quen cũ mòn, ra khỏi những bận tâm thế gian, để cõi lòng được tự do thi hành ý Chúa. Một hành trình sa mạc phía trước đang mở ra cho tự do đích thực, chúng ta được mời gọi lên đường và bước đi trong thinh lặng và cầu nguyện, trong chay tịnh và sám hối, trong dấn thân và phục vụ.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập176
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay37,686
  • Tháng hiện tại201,524
  • Tổng lượt truy cập79,433,362
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây