2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
Chúa Nhật IV được gọi là Chúa Nhật “mừng vui” (laetare) hay Chúa Nhật màu hồng, không chỉ vì bài ca nhập lễ bắt đầu với câu “Hãy mừng vui hỡi Giêrusalem, hãy qui tụ lại, hỡi tất cả những người yêu mến thành đô…” (Is 66,10: Laetare Jerusalem et conventum facite omnes qui diligitis eam…), nhưng nhất là vì những lý do sâu xa của hành trình “sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Lý do trước hết, chúng ta đã đi được nửa chặng đường mùa Chay, lòng sám hối dường như đã bắt đầu chín muồi và lòng yêu mến đã tươi hồng lên. Tuy nhiên, lý do thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là chúng ta đã cảm nghiệm sâu đậm hơn tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta vô bờ bến. Đó cũng là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay gửi đến chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,16).
Thiên Chúa đã yêu thế gian
Kinh Thánh mô tả cho chúng ta một dung mạo Thiên Chúa yêu thương. Đó là một Thiên Chúa có tấm lòng của một người Cha bao dung, kiên trì, độ lượng. Trong bài đọc I, sách Sử biên niên, khi đọc lại lịch sử cứu độ, đã nghiệm ra rằng, cho dù con người bất trung, phản bội, sa đi ngã lại, nhưng Thiên Chúa vẫn thành tín yêu thương. Ngài không mỏi mệt xót thương, ngày đêm gửi các sứ giả đến với dân, và còn uốn lòng các vua chúa đến giúp dân, chẳng hạn như vua Kyrô giúp dân hồi hương sau lưu đầy tái thiết đền thờ… Trong lăng kính thương xót, những khó khăn, thử thách, lưu đầy… chỉ như là những lằn roi sư phạm để giúp dân Chúa được thanh luyện và canh tân.
Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ cách hoàn hảo qua công trình cứu độ: Ngài ban Con Một của Ngài để cứu độ chúng ta, cứu chúng ta khỏi chết đời đời và cho chúng ta được sống lại để sống luôn mãi và được “đồng ngự trị” với Đức Kitô trong Nước Chúa. Suy niệm về điều này, thánh Phaolô đã thốt lên trong bài đọc II: “Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi”.
Đến nỗi ban Con Một…
Với quyền năng của mình, Thiên Chúa có thể làm cách khác để cứu độ con người, nhưng Ngài đã chọn cách đắt đỏ nhất: ban Con Một của Ngài. Qua đó, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy khối lòng bao la của Ngài đối với chúng ta. Ngài yêu chúng ta sâu đậm tới mức đã làm tất cả những gì lớn lao nhất, trao tặng những gì quý báu nhất, quý hơn cả bản thân Ngài, vì phần rỗi của chúng ta. Qua mầu nhiệm nhập thể và nhất là qua mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ cách rõ ràng và mạnh mẽ nhất tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa muốn dành cho con người chúng ta.
Suy niệm về điều này, ĐTC Bênêđíctô XVI đã diễn tả rằng: tình yêu ấy mạnh tới mức Thiên Chúa ra như “quay lưng lại với chính mình” (the turning of God against himself): “Cái chết của Người trên Thập giá là đỉnh điểm của việc Thiên Chúa quay lưng lại với chính mình, trong đó Người hiến mình để nâng con người lên và cứu độ con người. Đây là tình yêu ở dạng triệt để nhất của nó. Khi chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô (x. 19,37), chúng ta có thể hiểu xuất phát điểm của Thông điệp này: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1 Ga 4,8). Chính ở đó mà sự thật này có thể được chiêm niệm. Chính từ đó định nghĩa về tình yêu của chúng ta phải bắt đầu. Trong sự chiêm niệm này, Kitô hữu khám phá ra con đường mà cuộc sống và tình yêu của mình phải tiến bước”[1].
Để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ
Thiên Chúa dựng nên con người để thông chia sự sống và hạnh phúc cho con người. Ngài muốn con người được sống và được sống dồi dào, nghĩa là được hạnh phúc viên mãn (x. Ga 10,10). Tiếc thay, sự bất tuân đã làm con người đánh mất hạnh phúc ấy. Bài đọc I kể về một loạt những tội mà con người đã gây ra: bất trung, bắt chước sự ghê tởm, làm dơ bẩn đền thờ, nhạo báng các sứ giả, coi thường lời Chúa, phỉ báng các tiên tri… Những tội này xem ra cũng đang rất thời sự với chúng ta hôm nay!
Dường như Thiên Chúa đã muốn dùng một ngôn ngữ mạnh nhất để thức tỉnh tâm hồn con người: sai Con Một giáng trần, trao nộp chính Con Một vì chúng ta! Ngài chờ đợi nơi chúng ta một sự đáp trả cân xứng: lòng tin vào Con của Ngài và đến cùng ánh sáng. Tin vào Chúa Giêsu là từ bỏ bóng tối và bước đi trong ánh sáng, ánh sáng của sự thật, sự thiện, tình yêu và sự sống. Tất cả những gì dối trá, xấu xa, hận thù và giết chóc đều là bóng tối. Nhìn lên “Đấng chịu treo” để tâm hồn hướng lên cao, vượt qua những gì hạ đẳng đang kéo ghì chúng ta xuống bùn đen tội lỗi. Chúa Giêsu luôn trợ giúp chúng ta: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).
***
Bước vào tuần IV Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta chú tâm vào tình yêu thương xót của Chúa. Lòng sám hối đích thực chỉ được thực hiện khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Mỗi người chúng ta đều quý giá vô cùng trước mặt Chúa. Ngài rất đỗi nâng niu quý trọng mỗi linh hồn chúng ta.
Đáp lại tình yêu Chúa, chúng ta được mời gọi mặc lấy “lòng tin sống động”[2], “gia tăng lòng kính tin sùng mộ”[3], “chân thành yêu mến mọi người” để tâm hồn được đong đầy ân sủng Chúa và “bừng sáng huy hoàng”[4]. Ước gì tình yêu Chúa thắp sáng hành trình sám hối Mùa Chay của chúng ta…
[1] ĐTC Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là Tình yêu), 25/12/2005, số 12.
[2] Lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay.
[3] Lời nguyện tiến lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay.
[4] Lời nguyện kết lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay.