“Đức Giê-su – Hạt giống chịu mục nát”

Thứ sáu - 15/03/2024 22:16  772
Chúa Nhật V Mùa Chay B
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33

f1dc85e65249194a38fab96168d6fad0Có thể nói thước đo của tình yêu là sự hy sinh. Có những hy sinh tuy âm thầm và nhỏ bé, nhưng lại rất giá trị, vì nó xuất phát từ tình yêu. Tình yêu mạnh đến mức người ta có thể chết vì người mình yêu. Đó là con đường Thiên Chúa chọn để bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta. Con Thiên Chúa đã trở thành hạt giống chịu mục nát: Người đã đón nhận mọi đau khổ và chết trên thập giá vì yêu chúng ta.

Đón nhận đau khổ

Hôm nay, Chúa Giê-su dùng một hình ảnh rất thân thuộc và gần gũi đó là hạt lúa, để diễn tả về tình yêu hy sinh của Người cho chúng ta. Quả vậy, chắc không ai trong chúng ta lại không biết về thân phận của hạt lúa khi nó được gieo vào lòng đất. Để có được những cây lúa với bông hạt trĩu nặng, hạt lúa mẹ đã phải âm thầm chịu mục nát, chịu thối rữa đi, trở thành nguồn thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho cây lúa.

 “Hạt giống Giê-su” đã được gieo vào trần gian, đã từ bỏ mọi vinh quang vốn có và đón nhận mọi đau khổ vì yêu chúng ta. Thánh Phao-lô diễn tả: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Hơn nữa, trong bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Híp-ri, tác giả đã nói với chúng ta: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Hr 5,8). Những đau khổ Chúa Giê-su chịu minh chứng cho một tình yêu tự hủy mình đi vì nhân loại chúng ta.

Vâng phục cho đến chết

Trên tất cả những đau khổ ấy, Đức Giê-su đã đi cho đến cùng con đường của tình yêu khi Người chịu chết trên thập giá. Người đã từ bỏ mọi ý riêng, để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chính Người đã nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Dẫu rằng, có những lúc Người đã phải xao xuyến, khóc lóc khi đối diện với đau khổ thập giá: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Trong bài đọc 2, tác giả thư Híp-ri còn diễn tả mạnh hơn: “Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết”. Tuy nhiên, cho đến cùng của đau khổ, khi cái chết cận kề, Chúa Giê-su vẫn một lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha, Người thưa cùng Cha: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (x. Mt 26,39). Đức Giê-su đã trở thành hạt giống chịu chết đi, chịu chôn vùi vào lòng đất, chịu treo trên thập giá vì yêu chúng ta.

Trổ sinh hoa trái

“Hạt giống Giê-su” đã chết đi để trổ sinh biết bao bông hạt khác là các Ki-tô hữu. Noi gương Chúa Giê-su, các thánh tử đạo, và rất nhiều Ki-tô hữu đã đón nhận đau khổ, đón nhận thập giá, dâng hiến mạng sống mình vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Giáo phụ Tertulianô đã đúc kết hy tế thánh thiện ấy của các ngài bằng câu nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh hoa trái đức tin”.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng thấy biết bao nhiêu hạt giống đang âm thầm chịu chết vì Chúa và mọi người. Đó là sự hy sinh của những người cha cho gia đình. Vì yêu gia đình, ông sẵn sàng hao gầy sức khỏe, đón nhận tất cả vất vả và mệt nhọc của cuộc sống để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Vì đức tin và đời sống đạo đức của con cái, ông sẵn sàng từ bỏ ý riêng, từ khước những đam mê xấu, chăm chỉ chịu khó làm việc, giữ đạo và sống đạo để nêu gương cho con cái. Cũng vậy, có những người mẹ cả một đời tần tảo vì con cái, vì gia đình. Yêu con, bà có thể chấp nhận mọi hy sinh. Bà không còn sống cho mình nữa, nhưng là sống cho chồng cho con. Với ý thức phúc đức tại mẫu, biết rằng đời sống của mình sẽ ảnh hưởng rất nhiều trên con cái, bà cố gắng sống đạo đức, gìn giữ gia phong, để con cái cũng sống tốt hơn, đạo đức hơn.

Cách riêng với các bạn giới trẻ, chúng ta được mời gọi trở thành những hạt giống đức tin trong môi trường sống của chúng ta bằng một đời sống từ bỏ tội lỗi và những đam mê xấu. Như thế, chúng ta cần biết tránh xa những con người, những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Thánh Phao-lô thì mời gọi chúng ta hãy lựa chọn những gì tốt, những gì hoàn hảo, những gì đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,2).

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết và sống lại để cứu chuộc chúng con! Xin cho chúng con biết đến với Chúa qua Bí tích Hòa giải và tha thứ; để chết đi cho con người tội lỗi, được sống lại trong con người mới, thánh thiện và tốt lành hơn. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm125
  • Hôm nay50,336
  • Tháng hiện tại1,142,893
  • Tổng lượt truy cập71,170,650
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây