Sức sống phục sinh

Thứ bảy - 30/03/2024 18:01  1036
CHÚA NHẬT PHỤC SINH năm B
Cv 10,34a.37-43; Tv 117; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
   
picture1 16Chúa đã phục sinh! Alleluia!

Chúng ta đang của hành một mầu nhiệm có tầm quan trọng sinh tử của Đức Tin Kitô, như Thánh Tông Đồ Dân Ngoại đã minh định: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).

Biến cố phục sinh xác nhận tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm và giảng dạy, hoàn thành lời hứa các ngôn sứ, xác định thần tính của Ngài, ban ơn công chính hóa và bảo đảm sự sống đời đời cho nhân loại (x. GLHTCG 651-655). Vậy phục sinh là gì? Chúng ta có thể xác tín vào biến cố này ra sao và đón nhận ơn ích từ đó thế nào?

Phục sinh là gì?

Giáo lý cho chúng ta biết rằng phục sinh không có nghĩa là “trở lại với cuộc sống trần thế” như đã xảy ra với con gái ông Giainô, thanh niên thành Naim hay anh Lazarô. “Sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phaolô đã có thể nói Đức Kitô là một người thiên giới” (GLHTCG 646).

Nói một cách khác, thân thể ấy mặc dù vẫn còn những dấu vết nhân tính (ăn uống, tiếp xúc, thương tích…) nhưng đã được trở nên vinh hiển vì không còn bị lệ thuộc vào những định luật vật lý trần gian. Ngài có thể hiện diện nơi đâu, lúc nào, dưới hình thức nào tùy ý Người muốn, bởi vì “nhân tính của Người không còn có thể bị ràng buộc ở trần thế nữa và chỉ thuộc về quyền năng thần linh của Chúa Cha” mà thôi (x. GLHTCG 645).

Biến cố lịch sử

Mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh là một biến cố lịch sử, nghĩa là một sự  kiện có thật, đã diễn ra trong không gian và thời gian, với những chứng nhân và chứng từ được ghi lại trong lịch sử:
  • Vật chứng: ngôi mộ trống, khăn liệm và khăn che mặt gấp gọn ghẽ, để riêng ra, rất khó kết luận là “ăn cắp xác”!
  • Lời chứng: về những lần Chúa phục sinh hiện ra với Maria Magdala, Phêrô (Kêpha), Nhóm Mười Hai, hai môn đệ Emmaus, Tôma… và cả “năm trăm anh em”! (x. 1 Cr 15,6).
  • Nhân chứng: các tông đồ và môn đệ, nhất là tông đồ Phaolô, được biến đổi sau khi gặp Đấng Phục Sinh, họ can đảm, tràn đầy sức sống, hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh và sẵn sàng hiến dâng mạng sống để làm chứng cho Ngài.
Biến cố siêu việt

Dầu vậy, biến cố phục sinh vẫn mãi là mầu nhiệm đức tin, vì không ai tận mắt chứng kiến sự sống nơi Chúa Giêsu đã biến đổi thế nào, phục sinh ra sao. Tất cả những điều ấy không có ai kiểm nghiệm bằng khoa học hay cảm nghiệm bằng giác quan. Các tác giả Tin Mừng cũng không mô tả lại sự kiện đó. Quả thực đây là “đêm diễm phúc, đêm duy nhất biết được thời giờ (tempus et hora) Đức Kitô từ cõi chết vinh thăng!” (Bài ca Exultet).

Vì thế, biến cố phục sinh là biến cố siêu việt, vì vượt quá khả năng tự nhiên và thông thường. Đây là công trình do sự can thiệp siêu việt của Ba Ngôi: “Sự Phục Sinh của Đức Kitô là đối tượng của đức tin, vì đó là sự can thiệp siêu việt của chính Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử. Trong biến cố này, Ba Ngôi Thiên Chúa vừa cùng hoạt động chung, vừa biểu lộ tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi” (GLHTCG 648).

Phục sinh với Đức Kitô

Qua Bí tính Rửa tội, chúng ta được dìm mình vào trong cái chết của Đức Kitô và được mai táng với Ngài, nên chúng ta được mời gọi phục sinh với Ngài. Phục sinh ở đây trước tiên được hiểu theo nghĩa thiêng liêng: sự phục sinh tâm hồn. Thánh Phaolô (trong bài đọc II) diễn tả sự phục sinh ấy qua việc tưởng nghĩ và quy hướng cuộc đời của mình về trời cao, loại bỏ men cũ là lòng gian tà và độc ác, trở nên bột mới, thành bánh không men, thánh thiện và chân thật…

Sự phục sinh tâm hồn ấy sẽ dẫn chúng ta tới một chung cuộc tốt đẹp: phục sinh với Đức Kitô trên cõi trời, khi “Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang” (x. Cl 3, 1-4). Sự phục sinh của Ngài là “nguyên lý và nguồn mạch cho ngày sau chúng ta được sống lại” (GLHTCG 655). Quả thực, ánh sáng của niềm hy vọng phục sinh luôn có giá trị soi dẫn hướng đi và chỉ vẽ từng chọn lựa của chúng ta trong cuộc đời này, để đạt tới hạnh phúc đời sau.

***
Lời tổng nguyện của Thánh Lễ hôm nay thật ý nghĩa vì hướng chúng ta tới ba tâm tình thật rõ ràng:
  • Sự phục sinh của Chúa “khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời”;
  • Xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới;
  • Ước gì chúng con sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh.

Quả thế, việc đón mừng lễ phục sinh không phải là kỷ niệm một sự kiện quá khứ, nhưng là cử thành sống động một mầu nhiệm có sức biến đổi suy nghĩ, tâm tưởng và hành động của chúng ta. Ước gì ánh sáng của ngọn lửa thiêng Phục Sinh xua tan bóng tối còn vây bủa cuộc đời chúng ta và giúp chúng ta trở thành chứng nhân của ánh sáng phục sinh. Ước gì sức mạnh thần lực của Đấng Phục Sinh luôn hoạt động nơi chúng ta, giúp chúng ta thắng vượt tội lỗi và sống công chính thánh thiện trước nhan Ngài.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay27,772
  • Tháng hiện tại1,178,866
  • Tổng lượt truy cập77,973,114
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây