Chúa Nhật Lễ Lá B
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, các bản văn Lời Chúa của Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay giúp chúng ta hồi tâm, nhìn lại đời sống của mình trong tương quan với Chúa và anh chị em. Đặc biệt, qua thái độ sống của những người Do thái trước tiếng lương tâm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng nói của lương tâm nơi sâu thẳm lòng mình, và nhìn lại cách sống của chúng ta.
Đám đông
Trước hết, những người tố cáo Chúa Giê-su với quan Phi-la-tô là các thượng tế, các kỳ mục và kinh sư. Họ đã họp bàn với nhau cách cẩn thận trước khi nộp người (x. Mc 15,1). Họ chuẩn bị cả một bản án với nhiều tội danh để tố cáo Chúa Giê-su với quan tổng trấn (x. Mc 15,3-4). Điều này cho thấy sự nguy hiểm của tội lỗi, nó không những mang tính cá nhân, mà còn mang tính tập thể. Những người này đã toa rập với nhau, bàn mưu tính kế để hãm hại Chúa Giê-su. Chưa hết, chúng còn lôi kéo đám đông cùng tham dự vào âm mưu đen tối này. Các thượng tế đã sách động, xúi dục đám đông dân chúng yêu cầu Phi-la-tô giết Chúa Giê-su mà tha cho Ba-ra-ba (x. Mc 15,11-13).
Chúng ta tự hỏi tại sao các thượng tế, kỳ mục, kinh sư và cả đám đông dân chúng lại nhất quyết tố cáo và giết Chúa Giê-su bẳng mọi cách? Ở đây, đằng sau những bản án chúng đã nhẫn tâm đưa ra để tố cáo Chúa Giê-su, Tin Mừng cho chúng ta biết một nguyên nhân sâu xa xuất phát từ lòng dạ xấu xa của họ, đó là lòng ghen tị. Ngay cả quan Phi-la-tô cũng thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Người (x. Mc 15,10). Lòng ghen tị đã làm cho các thượng tế, kỳ mục và kính sư ra mù tối. Họ không còn khả năng lắng nghe tiếng nói của lương tâm, sự thật và chân lý; không thể đón nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ nhân loại. Thậm chí, họ đã tố cáo để giết Chúa Giê-su.
Phi-la-tô
Còn với Phi-la-tô, ông cũng phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-su. Ông đã không dám nghe và làm theo sự mách bảo của lương tâm. Ông có tội, “bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Chúa Giê-su” (Mc 15,10), mà lại không dám lên tiếng chỉ cho dân thấy sai lầm của họ. Phi-la-tô đã phớt lờ tiếng nói của lương tâm bởi ông sợ dân chúng, sợ rằng nếu không làm theo yêu cầu của dân chúng thì công việc của ông gặp khó khăn, hay dân chúng sẽ không còn ủng hộ ông nữa… Thánh Mác-cô cho chúng ta thấy rõ nỗi sợ ấy của Phi-la-tô: “Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá” (Mc 15,15). Phi-la-tô đã làm một điều mà lương tâm ông không cho phép là giết Đức Giê-su, một người vô tội.
Chúng ta ngày hôm nay
Qua cách đáp lại tiếng lương tâm của các thượng tế và kinh sư khi tố cáo Chúa Giê-su, chúng ta thấy nhiều khi mình cũng đã sống như thế. Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy: chúng ta cũng đồng trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-su khi phạm tội. Như các thượng tế và kinh sư, chúng ta cũng toa rập với nhau để phạm tội. Vì ghen tị với một ai đó, chúng ta bày mưu tính kế để hãm hại họ hay ta lại để cho xác thịt, dục vọng, đam mê xấu, danh, lợi, thú chiếm hữu lòng ta, làm phai mờ tiếng nói của lương tâm.
Có khi chúng ta cũng giống như đám đông để cho người khác sách động và xúi dục mình làm việc xấu. Thiên Chúa ban cho chúng ta có trí khôn để suy nghĩ, xem xét và nhận định, rồi quyết định làm hay không làm một việc nào đó. Vậy mà, nhiều khi chúng ta lại làm theo đám đông: Người ta làm sao, tôi làm vậy; người ta làm bậy, tôi cũng làm theo. Hoặc khi nghe một thông tin không tốt nào đó trên mạng hay ai đó nói, đáng ra chúng ta phải tìm hiểu đúng sai trước, rồi quyết định nên nói hay không nói, chúng ta lại loan truyền thông tin không tốt ấy một cách vô tư. Và rồi sự vô tư ấy của chúng ta lại làm hại cho người khác, khiến họ phải chịu nhiều đau khổ.
Lúc khác, chúng ta hành động như Phi-la-tô khi kết án Chúa Giê-su, không dám sống thật và bảo vệ sự thật vì sợ dư luận, sợ đám đông dân chúng. Hay chúng ta cố tình làm việc xấu, việc bất chính vì chỗ đứng, địa vị, danh dự hay một mục đích nào đó. Trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia mời gọi chúng ta đừng sợ, nhưng hãy can đảm làm chứng cho sự thật, vì có Thiên Chúa phù trợ chúng ta. Ngài xác tín: “Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi đã không hổ thẹn, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (x. Is 50,6-7).
Ước mong, trong mọi hành động, chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm, tiếng của Chúa Thánh Thần; để chúng ta sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.