CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
Càng đi sâu vào Mùa Chay, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn “Giờ” của Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Vậy, “Giờ” của Chúa là gì? Và chúng ta phải có thái độ nào đối với “Giờ” của Chúa?
Bài đọc 1: Ngôn sứ Giêrêmia đã giúp dân khám phá, ngày giờ Thiên Chúa khắc ghi vào tâm khảm của dân Chúa về Giao Ước mà Thiên Chúa luôn tín trung, giàu lòng nhân nghĩa, hay tha thứ và rất mực khoan nhân đối với tội lỗi của con người: “Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới” (Gr 31,31). Như thế, Sách ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo về ngày “giờ” của Thiên Chúa chính là lúc Thiên Chúa lập với dân Ngài một Giao Ước Mới, Giao Ước vĩnh cửu. Ở đó, Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả các tội của dân Chúa và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa vì tình yêu của Chúa đã phủ đầy tất cả: “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa (Gr 31,34).
Ở Bài đọc 2: Trong thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói tới giờ của Thiên Chúa chính là lúc bản thân Con Thiên Chúa tới mức thập toàn: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,9).
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết “giờ” của Thiên Chúa qua các cụm từ chỉ thời gian: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23), “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Thánh sử Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay đã dùng rất nhiều từ chỉ về “giờ”. “Giờ” trong Tin Mừng theo Thánh Gioan không phải là thời gian đo đếm theo nghĩa vật lý của kim đồng hồ, nhưng “giờ” ở đây là nói đến thời khắc quyết định tuyệt đối tự do của một mình Thiên Chúa. “Giờ” được hiểu theo nghĩa tất cả mạng sống, vận mệnh của Đức Giêsu chỉ có một mình Thiên Chúa Cha mới có quyền.
Lời khẳng định của Đức Giêsu: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23) đã nhắc nhớ cả một dự án lớn lao của Thiên Chúa Cha trên cuộc đời Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu biết “đã đến giờ” của Ngài, “giờ” đối diện với cái chết để về cùng Thiên Chúa Cha, “giờ” của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, “giờ” Vượt Qua của Đức Giêsu, “giờ Con Người được tôn vinh”. Một số người Hy Lạp, đại diện cho dân ngoại đến gặp Chúa Giêsu. Đó là dấu hiệu cho thấy chương trình hoạt động (“giờ”) của Ngài sắp kết thúc và đạt đên cao điểm.
Mục đích của Chúa Giêsu đến trần gian là cứu nhân loại, cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Nhưng để cứu nhân loại, Chúa Giêsu phải trải qua đau khổ, chết và phục sinh. Ngài chết “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về cùng một mối” (Ga 11,52). Đứng trược cuộc thương khó, đối diện với cái chết, Đức Giêsu cũng rơi vào cảnh xao xuyến. Nhưng cuối cùng Ngài đón nhận tất cả: “Chính vì giờ này mà con đã đến”. Ngài cũng xác tín giờ đó chính là “tôn vinh Danh Cha”. “Giờ” trong Tin Mừng Gioan là giờ tôn vinh, mà trước khi tôn vinh bên Chúa Cha là tôn vinh trên Thập giá, để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, ơn giao hoà với Thiên Chúa, chính giờ đó thủ lãnh thế gian bị tống ra ngoài. Với cái chết của Ngài, Chúa Cha được tôn vinh. Tất cả mọi sự Chúa Giêsu quy hướng về vinh Danh Chúa Cha. Nhưng tại sao Đức Giêsu lại nói: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến (Ga 12,27)? Liệu có mâu thuẫn không? Và đâu là thái độ của chúng ta đối với “giờ” của Chúa?
Quả thật “giờ” của Thiên Chúa là một “chén đắng”, nhưng “chén đắng thần linh” này lại mang ơn cứu độ, có sức chữa lành cho toàn thể nhân loại. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho thấy rõ nhân tính của Ngài cũng như sự can đảm chấp nhận theo Thánh ý Chúa Cha cho dầu phải hy sinh cả mạng sống mình. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vâng theo Thánh Ý Chúa qua việc thông phần vào “giờ” của Chúa. Thái độ cần phải có chính là mọi phút giây trong cuộc đời phải quy hướng về Chúa Giêsu mà tôn vinh Chúa Cha.
Chính Chúa Giêsu đã tôn vinh Thiên Chúa Cha trong tất cả cuộc đời và ngay cả trong “giờ” tử nạn, Ngài cũng dâng nó để tôn vinh Danh Cha. Nhìn vào cuộc sống của con người, thời xưa và nay cũng thế, có lẽ họ tìm cách vinh danh cá nhân mình và đổ trách nhiệm lầm lỗi cho người khác và khi được quyền lợi hay thành công thì họ đã quên người đã đồng lao cộng khổ với họ.
Mùa Chay chính là cơ hội tốt để chúng ta nhìn lại mình, soi vào “giờ” của Chúa để biết giờ tôi là ai? Đã làm được gì? Đang đi trên con đường nào? Có đúng thánh ý Chúa không? Xin cho Mùa Chay này in dấu nơi chúng ta gương mặt dễ thương của Đức Giêsu khi đón nhận đau khổ mà không muốn theo ý mình, và xin Chúa thêm sức cho những người đang gặp trắc trở, khổ đau để giúp họ biết thông phần với “Giờ” của Chúa với lời thưa “Xin vâng” như Mẹ Maria xưa đã xin vâng và tôn vinh Thiên Chúa bằng lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”. Amen.