CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM B
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
“Thập giá minh chứng tình yêu. Ôi thập giá: Là tiếng nói yêu thương vô cùng; Là người bạn tín trung; Là lương tâm nhân loại; Là niềm tin lửa mến.; Là đỉnh cao dâng hiến vinh quang”.
Đây là những ca từ tuyệt mỹ và đầy chân thực, mà linh mục nhạc sĩ Ngọc Linh đã diễn tả về Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, nơi thể hiện tình yêu tận tuyệt của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thánh giá luôn hiện diện trong cuộc đời, để nhắc nhở người kitô cũng biết hy sinh và đón nhận, biết nhìn lên đó để kín múc nguồn sức mạnh và ân sủng để có thể lướt thắng được những những cơn thử thách cám dỗ của cuộc đời.
Càng gần tới lễ Vượt Qua, mầu nhiệm thập giá càng được mặc khải cách rõ ràng, nhất là trong bài Tin mừng hôm nay, qua lời của Chúa Giêsu: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Kết thúc bài Tin mừng, Ngài còn khẳng định: “Phần tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Thế nhưng, đâu là điều kiện để có thể được hưởng nguồn ơn cứu độ được tuôn tràn từ thập giá Chúa Giêsu Kitô?
Trước hết là sống vâng phục và tuân giữ lề luật Chúa
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Giêrêmia cho chúng ta biết: Khi dân Chúa bất tuân, không sống theo đường lối của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã thiết lập giao ước mới với dân: “Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng và chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta (x. Gr 31,31-33). Như vậy, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến, Ngài đã đi bước trước để đến với dân Ngài. Ngài đã trung tín với lời hứa và trao ban lề luật để nuôi dưỡng, ấp ủ và bảo vệ cho dân. Đối lại, dân Chúa cũng phải sống vâng phục và tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Đó chính là điều kiện để thuộc trọn về Thiên Chúa, được hưởng nguồn ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban.
Kế đó là nên một với Chúa
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người kitô hữu chúng ta được mời gọi nên một với Chúa trong sống, trong suy nghĩ và trong hành động. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta một con đường cho chúng ta noi theo. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hữu hạn là hạt lúa được gieo vào lòng đất, để diễn tả về mầu nhiệm tự huỷ cao cả của Ngài qua cuộc tử nạn và Phục Sinh: “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trụi một mình; nhưng nếu nó chết đi, thì nó mới sinh được nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống của mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12:23-25). Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh rất quen thuộc để diễn tả ý nghĩa đích thực về cái chết của Ngài: hình ảnh của một hạt giống bị chết đi trong lòng đất, để trổ sinh nhiều mầm sống mới và đem đến một mùa gặt phong phú. Cũng vậy, những đau thương Chúa Giêsu sắp trải qua sẽ không kết thúc ở một cái chết cằn cỗi mà sẽ dẫn đến sự phì nhiêu sung mãn của sự sống lại, một sự sống có khả năng tập họp mọi dân nước trong Nước Trời. Đây cũng là điều Thiên Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta bước đi trên hành trình của đời sống đức tin. Hạt giống đức tin của chúng ta sẽ trơ chọi một mình, nếu chúng ta không đủ can đảm bước ra khỏi vỏ bọc an toàn của mình để đến với Chúa và tha nhân. Chúng ta sẽ chẳng thể giống Chúa, nếu đời sống của chúng ta vẫn còn đó với những đố kỵ, ghen tuông và bất hoà. Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô tông đồ đã mời gọi chúng ta hãy sống theo gương Chúa Giêsu: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; rồi khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người” (Hr 5,8-9).
Qua bài Tin mừng hôm nay, Lời Chúa mời gọi mỗi kitô hữu ý thức về bổn phận qua việc sống vâng phục và tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi nên một với Chúa trong đời sống hy sinh và đón nhận, bác ái và yêu thương. Đó là con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua, và Ngài cũng muốn các môn đệ của Chúa tiếp tục bước đi trên con đường ấy. Một cách cụ thể, khi Mùa Chay dần khép lại, lời mời gọi của Chúa càng trở nên khẩn thiết hơn, chúng ta hãy trở về với Chúa, trở về với Bí tích Hoà Giải để được giao hoà với Chúa và với anh chị em mình, để giá máu cứu chuộc của Chúa đã đổ ra trên Thánh Giá, sẽ trở nên nguồn sống và ơn cứu độ cho mõi người chúng ta.
Lạy Chúa xin giúp mỗi người chúng con luôn biết can đảm bước ra khỏi con người cũ của mình để được đến gần với Chúa và anh chị em mình hơn. Đồng thời, xin giúp mỗi người chúng con có được một tâm hồn bình an và một tâm tình sốt sắng để đón mừng đại lễ Phục Sinh sắp tới. Amen.