CHÚA NHẬT V PHỤC SINH năm B
Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
“Kính nhi viễn chi” là cung cách chúng ta thường có đối với bề trên, nhất là với Thiên Chúa, Đấng Tối Cao Thượng Trí. Tuy nhiên, đó xem ra không phải là thái độ Chúa muốn nơi chúng ta. Ngài muốn mọi người và từng người trong chúng ta gần gũi và gắt kết với Ngài để được Ngài yêu thương và đón nhận sức sống dồi dào nơi Ngài.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy có mối tương quan sâu đậm và gắn bó với Ngài. Điều này xuất phát từ tấm lòng yêu thương bao la của Ngài, muốn thông chia sự sống và hạnh phúc dồi dào của Ngài cho chúng ta. Chúng ta cùng lắng nghe những lời ruột gan của Ngài trong diễn từ ly biệt, để tìm ra chìa khóa cho đời sống đức tin của mình.
Cây nho đích thật
Nho là một trong những cây quý, đóng góp quan trọng trong văn hóa và kinh tế của dân Israel. Trong Cựu Ước, hình ảnh cây nho được áp dụng cho Israel (x. Is 5,1-7; 27,2-4; Gr 2,21; 12,10; Ed 15,1-8; 17,6-10; 19,10-14; Hs 10,1; Tv 80,9-17). Như cây nho, Israel được Thiên Chúa vun trồng cẩn thận và chở che bao bọc, nhưng lại làm cho Chủ Vườn thất vọng, vì đã không trổ sinh cành lá tươi tốt, hoa thơm trái ngọt (x. Is 5,4; Gr 2,21) mà toàn cho ra thứ “nho tạp chủng”, “nho dại”, “nho thoái hóa”…
Chúa Giêsu khẳng định: “Chính Thầy là cây nho thật” (Ἐγώ εἰμι ἡ ἄμπελος ἡ ἀληθινή). Đây là một kiểu nói trang trọng (ego eimi: chính tôi là) để mạc khải cho các môn đệ thấy Ngài là “cây nho thật”, cây nho “thuần chủng”, “hảo hạng”, hoàn hảo, lý tưởng, viên mãn, cành lá tốt tươi, hoa trái thơm lành và sức sống viên mãn. Ngài mang đến cho những ai tin vào Ngài nguồn sự sống thuần khiết, phong nhiêu và vĩnh cửu. Những người tin vào Ngài sẽ làm thành một Israel mới, liên kết với nhau mật thiết như những cành nho cùng liên kết với một thân cây nho.
Cành nho tươi tốt
Các môn đệ là những “cành nho”. Muốn tươi tốt và sinh hoa trái, cành nho phải gắn liền với cây nho. Hình ảnh này cho thấy tầm quan trọng của việc gắn bó với Chúa Giêsu. Nếu chúng ta muốn cho đức tin của mình vững mạnh và tăng trưởng, điều kiện tiên quyết và bí quyết hàng đầu là gắn kết chặt chẽ và thân mật với Chúa Giêsu. Động từ “ở lại trong” (μένων ἐν, menô en), được tác giả sử dụng đến 10 lần trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 15,4abc.5.6.7ab.9.10ab), cho thấy tầm quan trọng của mối tương quan sâu đậm và trung thành với Thầy Chí Thánh.
Cành nho cũng cần được “tỉa sạch” để sinh “sai trái hơn”. Động từ “tỉa sạch” (καθαίρειv, kathairein) có hai nghĩa: cắt tỉa và làm cho nên thanh sạch, nên được dịch là “tỉa sạch”. Các môn đệ được tỉa sạch nhờ giáo huấn của Chúa Giêsu (x. Ga 12,48; 15,3). Vì thế, việc lắng nghe và thấm nhuần Lời Chúa trong cuộc sống, việc siêng năng tham dự các bí tích, nhất là bí tích Hòa giải, để thường xuyên sám hối canh tân, là những thực hành rất cần thiết giúp cho cuộc sống đức tin của chúng ta tăng trưởng và lớn mạnh.
Trở thành môn đệ
Chúng ta là môn đệ của Thầy Giêsu. Đó là điều làm Chúa Cha vinh hiển, nhưng thế nào là “môn đệ”? Chúa Giêsu cho chúng ta hai từ chìa khóa: “ở lại” và “sinh nhiều hoa trái”. “Ở lại” là sống gắn bó mật thiết và trung thành với Ngài, thấm nhuần và thực thi giáo huấn của Ngài, nhất là điều răn yêu thương (xem bài đọc 2), yêu mến Ngài và cố gắng nên giống Ngài. Một cuộc sống như thế sẽ “sinh nhiều hoa trái” thiêng liêng: bác ái, vui tươi, bình an, trung tín, hiền hòa, tiết độ…
Môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, vì thế, phải có tương quan thân thiết với Ngài, mang lấy tâm tư của Ngài, yêu thương phục vụ với trái tim và sức sống của Ngài. Là môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi sống gần gũi với Ngài hơn, ở lại trong Ngài nhiều hơn và lâu hơn, để được Ngài biến đổi nên giống Ngài mỗi ngày một hơn. Hình ảnh một Phaolô “lột xác” từ một nỗi sợ kinh hoàng thành một tông đồ nhiệt thành đã cho thấy sức mạnh biến đổi của việc gặp gỡ Đức Kitô… (xem bài đọc 1).
***
Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu phần 2 của diễn từ biệt ly, gồm những lời tâm huyết của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Ngài mời gọi các môn đệ luôn gắn kết với Ngài để có sự sống đích thực, viên mãn và trường tồn. Muốn gắn kết với Ngài, họ cần “ở lại” trong Ngài, nghĩa là gắn bó thân mật với Ngài, thực hành lời Ngài dạy, nhất là điều răn yêu thương, yêu mến Ngài và yêu thương nhau, nỗ lực nên thánh để tôn vinh Chúa Cha và góp phần cứu độ thế giới.
Là môn đệ cũng có nghĩa là họa lại bước chân của Thầy Chí Thánh, không mệt mỏi yêu thương và phục vụ, trở nên những “cành nho thật”, tràn đầy sức sống và trổ sinh hoa thơm trái lành cho thế giới. Vâng, hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay cần đến những Ki tô hữu năng động và tỏa sáng, tràn đầy năng lượng, sức sống, bình an và niềm vui. Nhưng tất cả những điều đó đều cần được tiếp nguồn từ “Cây Nho Thật”: Quả vậy, sự sống là được ở với Đức Kitô, bởi vì ở đâu có Đức Kitô, ở đó là Nước Trời.
Thánh Ambrôsiô, Expositio evangelii secumdum Lucam, 10, 121: CCL 14, 379 (PL 15, 1927). (x. GLHTCG số 1025).