Bí tích tình yêu

Thứ bảy - 01/06/2024 08:44  1111
Lễ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
 
Trước khi lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha, Đức Kitô ban cho chúng ta, trong bí tích Thánh Thể, bảo chứng vinh quang nơi Người: việc tham dự Thánh lễ uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, nâng đỡ sức lực chúng ta trên đường lữ thứ trần gian, làm cho chúng ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu và ngay từ bây giờ kết hợp chúng ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ diễm phúc và với tất cả các Thánh (GLHTCG, số 1419)

Bí tích Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất, là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh. Chính vì thế, Bí tích Thánh Thể được gọi với nhiều danh xưng nhất, như “Lễ Tạ Ơn”, “Bữa tối của Chúa”, “Tiệc ly”, “Tiệc cưới Con Chiên”, “Lễ Bẻ Bánh”, “Việc Tưởng niệm”, “Hy tế thánh”, “Hy tế thánh thiện”, “Các mầu nhiệm thánh”, “Thánh lễ Misa”, “Những sự thánh”, “Hiệp lễ”, “Bánh các thiên thần”, “Bánh bởi trời”, “Của Ăn Đàng”, “Thuốc trường sinh”[1]

Một trong những tên gọi ấn tượng được sử dụng để chỉ về Bí tích Thánh Thể là “Bí tích tình yêu”. Đây cũng là tựa đề của một tài liệu về Thánh Thể, “Sacramentum caritatis” (Sca)[2], để giúp chúng ta cảm nhận tình yêu vô bờ bến của Chúa được diễn tả qua việc thiết lập Bí tích Thánh Thể: Bí tích tình yêu, Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình; với Bí tích này, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trong Bí tích kỳ diệu này, Chúa đã bày tỏ tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (x. Ga 15,13). Vâng, Chúa Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13,1) (SCa 1).

Tình Yêu bền vững

Tình yêu Chúa dành cho con người là tình yêu bền vững, được chứng nghiệm qua giáo ước Ngài đã ký kết với con người. Giáo ước ấy được ký kết bằng máu tế vật vào thời các tổ phụ và các tiên tri, như trong bài đọc I chúng ta vừa nghe. Giao ước ấy được ký kết cách vĩnh viễn nhờ máu của Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Quả thực, “Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ” (Bài đọc II). Chính vì thế, trong nghi thức truyền phép, chúng ta công bố lại lời của Chúa Giê su khi laajo Bí tích Thánh Thể: “Này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” (x. Bài Tin Mừng).

Tình yêu Chúa dành cho ta không phải là một hợp đồng ngắn hạn, mà là một sự kết giao trọn vẹn và vĩnh cửu. Từ muôn thuở và cho đến ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương. Đây chính là nguồn mạch, chóp đỉnh và khuôn vàng thước ngọc cho tình yêu con người. Con người hay thay đổi, sáng yêu chiều ghét, nhưng Thiên Chúa là Đấng Trung Thành, thủy chung. Tình yêu Ngài dành cho ta không bao giờ mệt mỏi hoặc đổi thay. Tình yêu đó mãi luôn trọn vẹn, hoàn hảo và bất biến. Đó là mẫu gương cho chúng ta trong các mối liên hệ tình yêu: hôn nhân, gia đình, bạn bè, cộng đoàn…

Tình yêu hiện diện

Thánh Thể là tình yêu hiện diện, một sự hiện diện tròn đầy, sâu đậm và sống động. Quả thực, Thánh Thể là sáng kiến tuyệt vời của tình yêu hiện diện. Chúa Giêsu muốn hiện diện trọn vẹn và mãi mãi với những kẻ Ngài thương mến, nên Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể để hiện diện với họ tròn đầy, vĩnh viễn và thâm sâu nhất. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện đặc biệt: thật sự, toàn vẹn, trường tồn. Chúa Giêsu hiện diện thật sự, chứ không phải hiện diện một cách biểu tượng, hời hợt; hiện diện toàn vẹn với “giót tính Đức Chúa Trời cùng tính loài người ta” chứ không phải chỉ một phần thần tính hoặc nhân tính của Ngài; hiện diện trường tồn nghĩa là bao lâu còn hình bánh hình rượu là còn sự hiện diện thật sự và trọn vẹn ấy.

Cách thức hiện diện của Đức Kitô dưới các hình dạng Thánh Thể là độc nhất vô nhị. […]. Trong bí tích Thánh Thể cực thánh, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và như vậy là Đức Kitô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự, và theo bản thể. “Sự hiện diện này được gọi là ‘thật sự’, […], bởi vì đây là cách hiện diện theo bản thể, và qua đó Đức Kitô toàn thể và trọn vẹn (totus atque integer Christus), vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện một cách chắc chắn” (GLHTCG 1374).

Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu không chỉ hiện diện sống động bên chúng ta, nhưng còn là trong chúng ta khi chúng ta hiệp lễ. Qua việc rước lễ, chúng ta được nên một với Chúa Giêsu, được thông chia ân sủng và sự sống của Ngài, được “trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”. Ngài đồng thời cũng trở thành thần lương nuôi sống linh hồn chúng ta, trở thành thần dược để “chữa đã mọi tật linh hồn” chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện diện ấy vừa thật sự nhưng cũng vừa mầu nhiệm (GLHTCG 1357), nên cũng là “mầu nhiệm đức tin”, cần được khám phá với cặp mắt đức tin và lòng mến chân thành. Chính vì thế, Thánh Tôma đã nói: “Không thể nhận biết bằng giác quan Mình thật và Máu thật của Đức Kitô hiện diện trong bí tích này, nhưng chỉ bằng đức tin, một đức tin dựa vào thẩm quyền của Thiên Chúa” (GLHTCG 1381).

Tình yêu hi sinh

Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô tiếp tục hi sinh và hiến mình vì phần rỗi chúng ta. Thân mình Ngài tiếp tục “bị nộp” vì chúng ta, Máu Ngài tiếp tục “đổ ra” cho chúng ta và nhiều người được ơn tha tội. Tình yêu cao cả được thể hiện qua việc hy sinh và trao hiến. Chúa Kitô thể hiện tình yêu cao cả dành cho chúng ta qua việc Ngài trao hiến chính mình cho chúng ta trên thập giá và tiếp tục hiến tế trên bàn thờ Thánh Thể. Đó quả là một tình yêu không mệt mỏi tha thứ, hy sinh và trao tặng.

Vì thế, Thánh Thể là trường dạy yêu thương, tha thứ và trao tặng. Đó phải là thần lương nuôi dưỡng tình yêu chúng ta và thần dược để chữa đã mọi tật linh hồn còn đi ngược lại đức ái trong con người chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ tự mâu thuẫn khi đến với bàn tiệc Thánh Thể mà lòng vẫn còn bất hòa, ganh ghét, chia rẽ, hận thù, ích kỷ… Chúng ta không thể nào “lãnh nhận chính Đức Kitô, Đấng tự hiến vì chúng ta” vào lòng, trong khi chính chúng ta lại khép lòng với anh chị em mình!

Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói rất chí tình chí lý về điểm này: “Bạn nếm Máu Thánh Chúa, vậy mà bạn lại không nhận ra người anh em; ... Bạn làm hổ thẹn Bàn tiệc này, khi người được coi là xứng đáng tham dự Ban tiệc này, lại bị bạn coi là không xứng đáng được chia phần ăn của bạn. Thiên Chúa đã giải thoát bạn khỏi mọi tội lỗi và cho bạn vào bàn tiệc, vậy mà quả thật bạn đã chẳng nhân hậu hơn chút nào” (GLHTCG 1397).

                                                                           ***                                  
Lễ Mình Máu Thánh Chúa (quen gọi là lễ Săng-ti, viết tắt của chữ Latinh: Sollemnitas Sanctissimi Corporis et Sanguinis Christi) là dịp thuận tiện để chúng ta suy niệm về sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích tình yêu nhiệm mầu, là “Nhiệm tích vô cùng cao quý”, mà chúng ta cần phải phục bái tôn thờ. Tôn thờ Chúa Kitô, Đấng hiện diện thực sự, trọn vẹn và mãi mãi vì yêu thương chúng ta. Ngài tiếp tục hiến mình vì chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể, như của lễ hiến dâng đền tội và như của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Người. Tâm hồn các tông đồ phải sửng sốt biết bao trước cử chỉ và lời nói của Chúa trong bữa Tiệc Ly! Mầu nhiệm Thánh Thể phải khơi lên trong tâm hồn chúng ta một sự kinh ngạc biết bao! (SCa 1b).

Suy ngắm Tình Yêu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống linh đạo Thánh Thể trong đời thường: vun đắp tình yêu gia đình, tình yêu cộng đoàn sao cho thủy chung, bền vững; luôn hiện diện tròn đầy, trọn vẹn, tận tâm tận lực cho những người mình phục vụ; không ngừng quảng đại hy sinh và trao tặng trên hành trình sống đức tin nhờ đức ái “như Thầy đã yêu thương” và “yêu thương đến cùng”.

 

[1] Xem GLHTCG, số 1228-1232.
[2] Ban hành ngày 22/2/2017 bởi ĐTC Bênêđíctô XVI.
 

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay52,775
  • Tháng hiện tại248,212
  • Tổng lượt truy cập77,042,460
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây