Chúa Nhật XIV TN B, ngày 07.7.2024
Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
Vinh quy bái tổ là ngày vui mừng. Niềm vui không chỉ của người con trở về quê hương nhưng còn là của những người đồng hương nữa. Thế nhưng, việc Đức Giêsu trở về quê hương sau những ngày tháng rao giảng Tin Mừng khắp nơi, sau khi đã làm được những phép lạ vĩ đại, và danh tiếng Người đồn ra khắp nơi, lại có một kết thúc không vui chút nào.
Thánh Máccô cho chúng ta biết rằng, khi người đồng hương nhận ra ông Giêsu nổi tiếng khắp nơi đó lại là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn - họ đã vấp ngã vì Người (x.Mc 6,3). Bởi lẽ, họ không thể nào tin được người mà họ quen biết, người đồng hương với họ, chẳng có một chút gì danh gia vọng tộc lại có thể là Đấng Mêsia được. Đối với họ, Đấng Mêsia phải có một xuất thân siêu phàm chứ không thể nào là một anh thợ mộc quê ở Nadarét.
Cứ ngỡ rằng, người dân làng Nadarét sẽ luôn tự hào về một người con nổi tiếng, đã mang lại danh thơm tiếng tốt cho quê hương. Nhưng không, chính vì biết rõ gốc gác, họ hàng, nghề nghiệp của Đức Giêsu và họ chỉ muốn dừng lại ở những hiểu biết hạn hẹp đó, cho nên họ không thể nào chấp nhận những lời quyền năng và những phép lạ Đức Giêsu làm là bởi Thiên Chúa. Một loại câu hỏi mà dân làng Nadarét đặt ra: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6,2-3).
Những câu hỏi họ đặt ra không phải nhằm tìm câu trả lời cho bằng họ muốn nói cho người khác thấy rằng, ông Giêsu này chẳng có chi là nổi bật cả, vì chúng tôi biết rất rõ về ông ấy: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27).
Cũng chính vì họ khép kín lòng mình, và cố chấp trong những thiên kiến đó, nên họ không thể đón nhận được tình thương và ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến: Người không làm được phép lạ nào tại đó, vì họ không tin (x. Mc 6,6).
Quả đúng như lời Đức Giêsu khẳng định: Ngôn sứ không được chấp nhận tại quê hương mình (x.Mc 6,4). Như bài đọc I, Thiên Chúa phán với ngôn sứ Êdêkien rằng: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng… Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng” (Ed 2,2-5).
Như vậy, trở nên ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa là phải luôn lắng nghe điều đến từ Thiên Chúa và trung thành truyền đạt lại cho dân những điều đã nghe, không thêm bớt, không thay đổi, không bóp méo. Dẫu biết rằng dân có thể không nghe, không đón nhận lời sửa dạy, nhưng không vì thế mà được phép thoái lui. Trái lại, phải can đảm nói sự thật, can đảm đón nhận sự thiệt thòi về mình.
Chính vì điều này, mà Phaolo không bao giờ tự hào về nguồn gốc, học thức hay địa vị của mình, hoặc về những gì mình đã làm được cho bằng tự hào về những yếu đuối của mình. Thánh nhân luôn xác tín rằng: tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh (x. 2 Cr 12,9-10).
Nghĩa là xuyên qua công việc rao giảng và cả những bắt bớ, ganh ghét, hận thù, Tin Mừng về Đức Kitô vẫn phải được rao giảng, và việc mọi người tin vào Đức Kitô không tùy thuộc khả năng người rao giảng cho bằng đó là do Thiên Chúa lôi kéo. Vì chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy (x. Ga 6,44).
Sở dĩ ngày hôm nay chúng ta có được đức tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô, không phải tự sức chúng ta, cho bằng đó là ơn Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì tình thương cao vời Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã được trở nên con cái của Người, được trở thành ngôn sứ cho Người. Hãy sống sao cho xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Hãy luôn trung thành với sứ vụ ngôn sứ trong đời sống hằng ngày của mình, dẫu gặp những bất lợi, chống đối, hận thù, chém giết. Vì những khi ấy, sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ nơi con người yếu đuối, mọn hèn của chúng ta.
Xin Chúa luôn nâng đỡ và thêm sức cho mỗi người chúng ta.
Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu