Mục vụ chữa lành

Thứ bảy - 20/07/2024 03:58  1170
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34 

picture1 3“Chữa lành” (healing) đang là một từ khóa gây bão mạng trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, khi người ta sử dụng theo trào lưu, rất nhiều khi ý nghĩa của từ này bị giản lược hoặc bóp méo. Chữa lành theo nghĩa chung là chữa cho khỏi những vết thương thể xác, tâm hồn hay tâm linh, để phục hồi sức khỏe, năng lượng, sự cân bằng và bình an cho một người hay một nhóm người. Đó là quá trình “hàn gắn, phục hồi sức khỏe tinh thần, thể chất, cảm xúc, tâm lý cũng như tình cảm của bản thân sau các tổn thương hoặc sau một thời gian dài làm việc miệt mài”[1].

Người ta thường phân biệt các loại chữa lành dựa vào các loại vết thương: chữa lành thể lý, chữa lành tâm hồn, chữa lành cảm xúc, chữa lành tâm linh. Tuy nhiên, cũng có người dùng từ “chữa lành tôn giáo” (religious healing) để nói đến một hành động chữa lành nhờ tiếp xúc với Đấng thần linh hơn là dựa vào thuốc men hay liệu pháp nhân loại[2].

Chúa Giêsu là Lương Y “chữa lành thể xác và linh hồn chúng ta”. Ngài muốn Hội Thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần, tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ (x. GLHTCG, 1421). Có thể nói, cơn bão “chữa lành” cũng nhắc nhớ chúng ta về một sứ vụ khá quan trọng như dấu chỉ của thời đại: mục vụ chữa lành. Chúng ta cùng suy niệm ít phút về sứ vụ này.

Chữa lành thể lý

“Bệnh” là một trong tứ khổ[3]: sinh lão bệnh tử. Bệnh thể lý đến từ các vết thương thể lý. Chúng ta ít nhiều có kinh nghiệm về đau bệnh nơi bản thân mình hoặc nơi người thân. Chỉ cần đến bệnh viện, nhất là những bệnh viện đông bệnh nhân trọng bệnh như bệnh viện K chẳng hạn, chúng ta thấy sẽ thấy nhu cầu chữa lành cao biết chừng nào! Nhiều hoàn cảnh thật đáng thương, vì bệnh tật trầm trọng, hoàn cảnh khó khăn!

Để chữa lành thể lý, cần điều trị các vết thương thể lý bằng điều chỉnh lối sống, vật lý trị liệu và chăm sóc y tế[4]. Quá trình trị liệu chắc hẳn cần bác sĩ giỏi, thuốc tốt và sự cộng tác tích cực của bệnh nhân. Tuy nhiên, tác động tinh thần từ ơn trên và người thân cũng rất quan trọng. Nhiều người được mau chữa lành là nhờ phép lạ hoặc nhờ được thân nhân đồng hành tốt. Sự đồng hành của Giáo hội bằng tình thương và lời cầu nguyện đối với anh chị em đau bệnh là cần thiết và thường mang lại hoa trái thiêng liêng rất ngọt ngào.

Chữa lành tinh thần

Những căn bệnh tinh thần đến từ những tổn thương về tinh thần (tâm lý, cảm xúc). Các loại tổn thương khá nhiều tên gọi: căng thẳng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, sang chấn tâm lý, tâm thần phân liệt… Những tổn thương tinh thần thường liên do những áp lực cuộc sống hoặc những đổ vỡ tương quan. Đó có thể là những cú sốc lớn hoặc những tổn thương nhỏ “góp gió thành bão” tạo thành sự mất cân bằng tâm lý hoặc lệnh lạc/rối loạn về cảm xúc.

Để chữa lành tinh thần, cần đến những phương pháp trị liệu tinh thần như tâm lý trị liệu, nghệ thuật trị liệu, giãn xả tinh thần, suy nghĩ tích cực, làm việc thiện, chăm sóc bản thân, sự hỗ trợ của y khoa hoặc người thân… Những tổn thương tinh thần thường khó phát hiện và khó điều trị, nên cần tình yêu và sự kiên nhẫn rất lớn. Sự hiện diện và đồng hành của Giáo hội đối với anh chị em này hết sức quan trọng và hữu ích.

Chữa lành tâm linh

Bên cạnh những căn bệnh về thể lý, tâm lý hoặc cảm xúc, chúng ta còn phải đối diện với căn bệnh tâm linh do những tổn thương trong linh hồn gây ra. Tội lỗi chính là nguyên nhân gây ra những tổn thương về tâm linh, làm xáo trộn hoặc đứt đoạn mối tương quan của chúng ta với Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình. Tội đã làm cho Adam và Eva “sợ hãi” và “lẩn trốn” Chúa, đổ lỗi cho nhau, “xấu hổ” về chính mình và khó nhọc với đất đai!

Để chữa lành tâm linh, cần đến ân sủng chữa lành từ Thiên Chúa. Ân sủng ấy được tuôn đổ trên chúng ta qua cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Việc siêng năng tham dự Bí tích, nhất là Thánh lễ và Bí tích Hòa giải, quan trọng hàng đầu. Việc cầu nguyện chung và riêng, nhất là cầu nguyện với Lời Chúa, cũng vô cùng hữu ích cho sự chữa lành linh hồn[5]. Khi làm việc thiện, linh hồn chúng ta cũng dần dà được chữa lành các thói hư tật xấu, để không còn sống theo “xác thịt” mà sống theo Thần Khí. Một số trường hợp đặc biệt cần đến tác vụ trừ tà hay trừ quỷ, đó là những lúc bệnh nhân có dấu hiệu bị quỷ ám. Thông thường, mỗi Giáo hội địa phương có một số vị được chỉ định để làm công việc này[6].
 
Mục vụ chữa lành

Rao giảng và chữa lành là những công việc chính của người môn đệ thừa sai! S vụ chữa lành là một trong những tác vụ chính yếu của Giáo hội: “Hãy chữa lành bệnh nhân!” (Mt 10,8). Hội Thánh lãnh nhận sứ vụ này nơi Chúa và cố gắng thực hiện qua việc chăm sóc bệnh nhân và cầu nguyện cho họ. Hội Thánh tin Đức Kitô, vị Lương Y thể xác và tinh thần, đang hiện diện và hoạt động đặc biệt trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, bánh ban sự sống đời đời (x. Ga 6,54.58), và theo thánh Phaolô, có liên hệ đến sức khỏe thể xác (x. 1Cr 11,30)[7].

Trong các hoạt động chữa lành, chúng ta lưu ý đến hai Bí tích chữa lành là Bí tích Hòa giải vả Bí tích Xức dầu (x. GLHTCG, 1420-1532). Việc thăm viếng bệnh nhân, trợ giúp bệnh nhân nghèo, hòa giải các mối bất đồng, tổ chức các buổi tĩnh tâm, hành hương, linh hướng,  đặt tay chữa lành, các việc bác ái từ thiện… đều có thể là những hoạt động giúp chữa lành tâm hồn con người khỏi những tổn thương tinh thần thể xác, để giúp họ phục hồi sức khỏe, bình an và niềm vui tâm hồn.

***
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta về việc chạnh lòng thương xót trước niềm đau nỗi khổ của tha nhân. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương các môn đệ vất vả kiệt sức, Ngài mời gọi họ lánh riêng ra một nơi mà nghỉ ngơi. Ngài cũng chạnh lòng thương xót dân chúng lầm than vất vưởng, nên không la rầy xua đuổi, mà còn “dạy dỗ họ nhiều điều”… Ngài tránh gây tổn thương và luôn tìm cách chữa lành cho dân chúng.

Xung quanh chúng ta còn biết bao người đang đau khổ vì bệnh tật thể xác, tâm hồn hay tâm linh. Họ rất cần được thương xót và được chữa lành. Ngày nay, Chúa cũng đang kêu mời chúng ta nối dài cánh tay thương xót của Chúa để thoa dịu và chữa lành những vết thương thể xác, tinh thần và tâm linh ở nơi họ.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Một cách tích cực hơn, chúng ta được mời gọi bồi dưỡng sức khỏe thể xác và tâm hồn, để có thể vượt thắng mọi mầm mống bệnh tật và đạt được sức khỏe toàn diện tốt nhất. Về phương diện tâm linh, đó là sự tránh xa tội lỗi, siêng năng tham dự các bí tích, tích cực làm việc thiện, khởi đầu ngày mới với ít phút tâm nguyện, thường xuyên xét mình xưng tội, dấn thân trong đời sống cộng đoàn, thực hành linh hướng, linh thao… là những bài tập giúp nâng cao sức khỏe tâm hồn những ai chuyên cần thực hành và rèn tập.
 

[1] Xem HelloBacsi, “Chữa lành là gì? Hiểu sao cho đúng về chữa lành (healing)?”, https://hellobacsi.com/tam-ly-tam-than/van-de-tam-ly-tam-than/chua-lanh-la-gi/
[2] Xem Leo Thomas, Jan Alkire, Healing Ministry: A Practical Guide (Mục vụ Chữa lành: Hướng dẫn thực hành), Sheed & Ward, Kansas City, OM 1994, chương 1, tr. 14.
[4] Xem chú thích 1.
[5] X. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1506-1510.
[6] X. Philip Kosloski, “Ai có thể trừ quỷ?”, Aletheia, Khánh Toàn dịch: https://tgpsaigon.net.
[7] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1509.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập110
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay31,647
  • Tháng hiện tại585,122
  • Tổng lượt truy cập78,588,573
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây