CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Ed 2, 2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
“Vinh quy bái tổ” là một nếp nghĩ của người Việt chúng ta, nói đến một cuộc trở về quê hương trong vinh hiển của sự thành danh đỗ đạt hoặc thành công phú quý, làm rạng rỡ gia tộc, quê hương. Cũng vì mục tiêu này, nhiều người đã dành hết thanh xuân hay cuộc đời của mình để phấn đấu, học hành hoặc lao động.
Cuộc “vinh quy bái tổ” của Chúa Giêsu hôm xưa xem chừng không diễn ra suôn sẻ, nên Chúa Giêsu phải thốt lên: “Không một ngôn sứ nào không bị rẻ rúng/khinh bỉ tại quê hương, họ hàng, gia đình mình” (Mc 6,5). Bài học đắt giá ở đây là sự “cứng lòng tin” của những người đồng hương. Bài học ấy phản ảnh hành trình đi đến đức tin của dân riêng của Chúa và của mỗi chúng ta.
Một dân phản loạn
Thực ra, thân phận ngôn sứ luôn phải đối diện với thử thách khi thi hành sứ mệnh của mình. Thử thách ấy có thể đến từ bên ngoài. Sứ điệp của Chúa không phải lúc nào cũng xuôi tai dễ nghe, mà thường là “trung ngôn nghịch nhĩ”. Lời Chúa là “lời thật”, lời soi sáng và thiêu đốt, lời thanh tẩy và cắt tỉa, nên không khó hiểu khi gặp phản ứng chống đối của bóng tối và nguội lạnh, giả dối và gian díu, đam mê và tội lỗi. Trong bài đọc I, ngôn sứ Êdêkiel đã được báo trước là phải đối diện với một dân “nổi loạn và phản nghịch”, “dầy mặt cứng lòng”; một dân chai lì trong tội lỗi, “vi phạm giao ước từ thời cha ông đến con cháu”.
Môi trường chúng ta đang sống, nói cách chung, không phải là môi trường “trung tính” hoặc thuận lợi cho việc đón nhận đức tin. Môi trường ấy có nhiều và thậm chí ngày càng nhiều những yếu tố nghịch với Tin Mừng, như chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa tương đối, sự dửng dưng vô cảm mang tính toàn cầu… Không dễ để nói về giá trị thánh thiêng của sự sống trước một xã hội mà phá thai đã được hợp pháp hóa! Không dễ nói về phẩm giá của hôn nhân gia đình trước trào lưu sống chung, sống thử, ly dị, mẹ đơn thân… tràn lan trong xã hội và được số đông ủng hộ!
Cái dằm đâm vào thịt
Những thử thách cũng có thể đến từ bên trong. Chúng ta không xác định rõ được cái “dằm’ (gai) mà Phaolô muốn nói tới là gì, nhưng rõ ràng có một cuộc tấn công bên trong khiến cho Ngài thấy rõ sự “yếu đuối” của mình, thấy mình cần khiêm nhường cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, thấy mình khó chịu và muốn thoát khỏi nó tới mức “đã ba lần tôi nài xin Chúa để nó rời khỏi tôi”. Một cuộc giằng co và chiến đấu nội tâm là điều khó tránh khỏi khi đón nhận và sống đúng chuẩn mực đức tin.
Tuy nhiên, thử thách bên trong giúp người tin có đức tin sâu sắc và trưởng thành hơn. Những đêm tối tâm linh thường giúp cho người tin định vị bản thân và vững tin vào Chúa sâu đậm, cá vị và dạn dày hơn. Phêrô, Phaolô, và nhiều vị thánh đã trải nghiệm điều đó. Một cái “dằm’ nào đó có thể là liệu pháp giúp chúng ta khiêm nhu và phó thác nhiều hơn, “để sức mạnh của Đức Kitô được biểu lộ” nơi chúng ta.
Bước nhảy đức tin
Dân làng Nazareth đã không thể tin nhận Chúa Giêsu vì “quen quá hóa nhàm”. Ngôi làng này vào thời ấy chỉ có vài trăm người, uống chung một giếng nước, họp chung một hội đường. Có cái gì mà đầu làng cuối xóm chằng hay; có ai mà không biết anh chàng thợ “con bà Maria”, sinh trưởng hơn kém ba chục năm ở ngôi làng nhỏ bé này! Sự hiểu biết “ngọn nguồn” ấy đã làm cho họ kiêu ngạo và bị mắc kẹt trong sự “thông thái” của mình. Họ đã không “nhảy qua” được điều đã biết để đón nhận sứ điệp mới mẻ của đức tin.
Để có đức tin, cần đến một bước nhảy, vượt lên những gì đã biết, đã quen, đã yên trí… Cần một bước nhảy vươn lên trên sự tự mãn của mình về tri thức, đạo đức, tôn giáo. Phaolô đã phải nhảy qua sự “thông thái” và vị thế chót vót trong đạo Do Thái của mình trước đây để tin vào Chúa Giêsu. Đứng trước một vật cản, hoặc là nhảy qua để tiến tới, hoặc không chịu nhảy và sẽ bị “vấp ngã”. Dân làng đồng hương đã không chịu nhảy nên họ đã “vấp phạm vì Ngài (Chúa Giêsu)”.
***
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta nâng cao đức tin của mình. Để có thể sống và làm chứng đức tin, chúng ta chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách từ bên trong cũng như bên ngoài. Những vật cản trên đường đức tin đôi khi lại khoác lên mình những vỏ bọc rất sang trọng và đẹp đẽ mang danh truyền thống, đẳng cấp, đắc thắng.
Chúng ta được mời gọi làm một bước nhảy đức tin, vượt lên trên những nếp nghĩ và lối sống đã quá sáo mòn tới mức ù lì, thậm chí chai lì. Ở phạm vi cá nhân là sự hoán cải không ngừng để sống đức tin gắn bó và dấn thân theo Chúa hơn. Ở phạm vị cộng đoàn, đó là điều mà Đức Thánh Cha gọi là “hoán cải mục vụ”: đi từ mục vụ bảo tồn sang mục vụ loan báo Tin Mừng.
Chúa Giêsu, dù rất ngạc nhiên về thái độ cứng lòng tin của những người đồng hương và không làm được nhiều phép lạ tại quê hương, nhưng không hề mỏi chân chùn bước. Tin mừng nói “Ngài đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy”. Chúa Giêsu đã làm một bước nhảy trong sứ vụ của Ngài và đó là hình ảnh rất tích cực truyền cảm hứng cho chúng ta.