Bánh ban sự sống

Thứ bảy - 10/08/2024 04:06  1224

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B

1V 19,4-8; Ep 4,30 – 5,2; Ga 6,41-51
 
19tnbchadangBánh là một loại thực phẩm được làm từ bột mì hoặc ngũ cốc, theo phương pháp lên men tự nhiên và thường được nướng chín. Có thể nói, đây là thực phẩm lâu đời và phổ biến nhất, đến nỗi người ta dùng chữ “bánh” tương đương với “lương thực”: “Xin Cha cho chúng con bánh hằng ngày”, “mua đâu ra bánh cho đám đông này”…

Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng đã dùng bánh và hơn nữa, trong Tin Mừng Gioan, Ngài còn dùng một diễn văn dài để nói về bánh bởi trời, ban sự sống đời đời cho nhân loại. Qua đó, Ngài mạc khải cho chúng ta biết Ngài “là Bánh Trường Sinh” làm cho mọi đói khát của chúng ta được thỏa nguyện.

Sự sống thể lý

Những người Do Thái, kể cả ngôn sứ Êlia, cũng chỉ nghĩ đến giá trị vật chất của bánh. Họ kêu trách, than phiền vì Ngài không quan tâm chiều chuộng nhu cầu thực phẩm theo ý họ muốn. Chúa Giêsu cho họ thấy cái nhìn thiển cận của họ và gợi mở cho họ một tầm nhìn sâu rộng hơn về giá trị tinh thần và tâm linh của bánh (lương thực).

Tầm nhìn của chúng ta cũng thường bị bó khung trong những vấn đề thế sự: cơm áo gạo tiền, vật chất lợi lộc… tới mức không còn thời giờ cho giá trị tinh thần và tâm linh. Vì thế, xem ra rất cần một sự chú tâm nhiều hơn cho lương thực tinh thần và tâm linh.

Sự sống tinh thần

Bánh là biểu tượng cho ân phúc mà Thiên Chúa ban cho con người: “Những kẻ Chúa thương dầu có ngủ, Ngài vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127,2). Sự dư giả vật chất được coi như sự chúc lành của Thiên Chúa. Trong thời Cựu ước, bánh (cùng với rượu) được coi là tinh hoa của ruộng đất, được dâng lên như dấu chỉ của lòng biết ơn, được sử dụng trong nghi lễ như lời nhắc về sự giải thoát, phúc lành, sự dưỡng nuôi và tình yêu trung tín mà Chúa dành cho Dân của Ngài (x. GLHTCG, số 1334).

Trong cuộc sống, không ít lần những giá trị vật chất trói buộc con người, làm cho họ trở thành nô lệ cho vật chất của cải. Nhiều gia đình mất đi tình nghĩa họ hàng, thân thuộc, thậm chí cả tình nghĩa anh em, cha con, vợ chồng, cũng chỉ vì những lợi lộc vật chất. Vì thế, con người được mời gọi giải thoát khỏi cái nhìn quá nặng về vật chất, để vươn cao lên những giá trị tinh thần. Đây thực sự là một thách đố trong thời đại quá đề cao tiện nghi và phát triển kinh tế hôm nay. Chúng ta cũng từng được nghe nói đến nhiều những vụn vỡ tinh thần vì lý do kinh tế: vợ chồng phân ly, con cái hư hỏng vì giao cho ông bà nuôi, đánh đổi văn hóa và môi trường để phát triển kinh tế… Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta vượt lên trên giá trị bề mặt của vật chất, để tìm thấy giá trị tinh thần trong đó.

Sự sống tâm linh

Chúa Giêsu đã nhắc cho dân chúng về tầm quan trọng của sự sống tâm linh. Phép lạ hóa bánh ra nhiều phải là hình ảnh tiên báo về sự phong phú dồi dào mà Lời Chúa và Thánh Thể đem lại cho dân Chúa (x. GLHTCG, số 1334-1335). Chúa Giêsu là “Bánh hằng sống” vì Ngài có “Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68) và “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,29). Lời Chúa và Thánh Thể là hai bàn tiệc nuôi sống linh hồn chúng ta.

Nhiều người hỏi tại sao chúng ta phải đi dự lễ hàng ngày, nhất là buộc dự lễ Chúa Nhật? Câu trả lời thực tế là linh hồn chúng ta cần được nuôi dưỡng bởi Lời hằng sống và Bánh trường sinh. Thánh lễ cung cấp cho chúng ta hai bàn tiệc thịnh soạn làm lương thực để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Thật là ngược đời khi chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta “lương thực hàng ngày” nhưng lại không dành thời giờ để lãnh nhận lương thực ấy. Đừng quên rằng, Thánh lễ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta được bổ dưỡng và tiến triển trong đàng thiêng liêng.

 
*****

Trong cuốn “Năm chiếc bánh và hai con cá”, Đức hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, đã chia sẻ rằng sức mạnh giúp Ngài lướt thắng những năm tháng lao tù mà vẫn tràn đầy hy vọng chính là Thánh Thể mà Ngài cử hành hằng ngày với một mẩu bánh và một giọt rượu trên lòng bàn tay. Thánh Têrêsa Calcuta cũng đã thay đổi cuộc sống từ một nữ tu Dòng Loreto để trở thành “bạn của người nghèo” là nhờ được đánh động bởi câu Lời Chúa: “Ta khát” (Ga 19,28).

Đó chỉ là những thí dụ điển hình của sức sống mà Lời Chúa và Thánh Thể đem lại. Đó cũng là điều mà Thánh Phaolô đã nhắn nhủ chúng ta trong bài đọc II: “loại bỏ khỏi chúng ta mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác” để trở thành con người “hiền hậu, thương xót, bao dung, như Thiên Chúa” và “sống trong tình thương như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình vì chúng ta” (x. Ep 4,30 – 5,2).

Quả thực, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, các tín hữu được mời gọi lớn lên từng ngày trong ơn gọi Kitô hữu của mình để sống một đời sống mới trong Chúa Kitô: “Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn, và đã được thông phần bản tính thần linh, bạn đừng quay trở lại với sự thấp hèn trước kia (…) Khi bước theo Đức Kitô và kết hợp với Người, các Kitô hữu có thể cố gắng bắt chước Thiên Chúa, như những người con rất yêu dấu và bước đi trong tình yêu, bằng việc uốn nắn các ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, sao cho họ có nơi mình tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu và sống theo gương Người” (x. GLHTCG, số 1691-1696).

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập373
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm337
  • Hôm nay21,470
  • Tháng hiện tại998,857
  • Tổng lượt truy cập79,002,308
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây