Thứ Năm tuần XVI thường niên
Dụ ngôn là một câu chuyện trong đời thường hoặc một câu chuyện hư cấu, qua đó tác giả muốn gửi gắm một sứ điệp. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn như “văn dĩ tải đạo” để lôi kéo sự chú ý và cả sự suy nghĩ của người nghe, nhưng cũng nói lên góc cạnh “mầu nhiệm” của việc hiểu hay không đối với Lời Chúa. Phải chăng đây đây là câu trả lời cho vấn đề: Tại sao có người đón nhận, có người chối từ. Rất có thể, lời giảng bằng dụ ngôn mới chỉ như lời mời gọi, gợi ý ban đầu, muốn thấu đáo, muốn hiểu phải tiến thêm một bước “là môn đệ” của Ngài.
Giữa bầu khí nhiều người không tin nhận Tin Mừng của mình, thay vì sầu não, Đức Giêsu lại cất tiếng ngợi khen Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha”. Ngợi khen chính là thái độ đầu tiên khi con người đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, tâm hồn cảm thấy hân hoan nhiệt thành phấn khởi, hoặc khi lòng mình ngỡ ngàng nhận ra những công trình lớn lao vĩ đại của Ngài. Cụ thể, giữa giây phút như thể người đời quay lưng, thì Đức Giêsu lại ca ngợi, lại thấy niềm hy vọng lạ lùng.
Đường lối mặc khải của Thiên Chúa thật lạ lùng: Ngài giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái nhận ra Đức Giêsu, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Người bé mọn theo Kinh Thánh, đó là những người nghèo (anawin) của Đức Chúa. Họ là những người tự nguyện không bám víu vào vật chất và kể cả những khả năng riêng của mình, để cho đời mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Họ là những người thật có phúc vì họ: “được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Chính Đức Giêsu đã ca ngợi: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe” (Mt 13,16). “Thấy” và “nghe” ở đây là hai động từ không những diễn tả cái “thấy” và “nghe” vật lý, mà còn diễn tả cái “thấy” và “nghe” tâm hồn. “Thấy” còn là việc nhìn ra, nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, “nghe” là tiếp nhận và thực hành lời giảng dạy của Đức Giêsu. Những ai “thấy” và “nghe” Lời Chúa dạy, thì người ấy thật có phúc. Tuy nhiên, nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu “nghe” nhưng cố ý không “thấy” hoặc “thấy” nhưng lại cố tình không “nghe”. Họ đã tự đóng kín lòng mình trước Lời Chúa. Cho nên, Đức Giêsu dùng dụ ngôn giảng dạy để cho những ai thật sự muốn đến cùng Chân Lý họ sẽ được diễm phúc biết các mầu nhiệm lớn lao. Còn những ai cứng lòng, cố tình bịt tai nhắm mắt trước Lời Chúa, họ sẽ chẳng bao giờ được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời.
Hôm nay, chúng ta là những người có phúc hơn 6 tỷ người còn lại, chúng ta được trực tiếp “nghe” Lời Chúa, trực tiếp “thấy” những cử hành Phụng vụ tưởng niệm Hy Tế của Con Chúa đã hiến tế vì nhân loại. Hơn nữa, chúng ta còn được “ăn” Thần lương cực Thánh là của nuôi linh hồn chúng ta. Biết bao người công chính đã ra đi trước chúng ta, biết bao người sống cùng thời chúng ta muốn “thấy”, muốn “nghe”, muốn được “dự tiệc Thần Linh” như chúng ta mà không được. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy luôn biết tạ ơn Chúa, biết lắng nghe Lời Ngài và tìm ra ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta là những người cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy biết ơn và tuyên xưng như Thánh Gioan Tẩy Giả: “Đây chính là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian”.
Lạy Chúa Giêsu là nguồn mạch Ánh Sáng, là Nguyên lý tối cao nhờ đó muôn vật được tạo thành. Xin Ngài tuôn đổ ánh sáng thần linh xuống tâm trí u tối của chúng con. Xin xua đuổi khỏi chúng con bóng tối của tội lỗi và mê muội. Xin cho chúng con óc minh mẫn để hiểu sâu, đôi mắt sáng để thấy, đôi tai nhạy bén để biết nghe, trí nhớ tốt để khắc ghi lâu bền những Lời Chúa dạy và đem ra thực hành hầu được diễm phúc có mặt trên Thiên Quốc vĩnh cửu. Amen.