Khởi sắc đời dâng hiến
Thứ năm - 01/02/2024 04:37
915
Chọn lựa đời tu chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Nếu có dễ chăng là vì “cưỡi ngựa xem hoa” và nếu không khó thì con đường tu trì đã chẳng được mệnh danh là “con đường chẳng mấy ai đi”. Giáo Hội không cần có nhiều linh mục tu sĩ nhưng cần những linh mục tu sĩ hạnh phúc[1].
Hiện nay, số ơn gọi ngày càng giảm sút khi đời sống xã hội ngày càng phát triển có phải là một dấu chấm hỏi? Một chọn lựa đúng đắn, thành toàn khi bước đi trong ơn gọi dâng hiến là an thân - tiến thân - dấn thân hay hiến thân? Câu trả lời sẽ là thừa hay giúp người tu sĩ có được tâm thế vững vàng và làm khởi sắc ơn gọi của mình trong thế giới hiện đại.
- An thân – Dấn thân?
“Chúng con sẽ được gì khi theo Thầy?” – Câu hỏi của Thánh Phêrô hẳn là bao hàm một động cơ nào đó. Dựa vào những nhu cầu của con người, ta thấy ai cũng muốn được ăn ngon mặc đẹp, được tôn trọng, được thể hiện bản thân, cao hơn nữa là được hơn người, thăng quan tiến chức, có được những vị trí,… Khi nói đến “ an thân, yên thân” nghĩa là có được sự yên ổn, không bị quấy rầy, an phận thủ thường, bằng lòng với cuộc sống và ngại thay đổi[2]. Trái lại, “dấn thân, dấn mình” là luôn nỗ lực hết mình với cả những khó khăn trắc trở để hoàn thành những nhiệm vụ được trao phó[3]. Nếu như người an thân luôn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu thì lợi ích của người khác là động lực của những người dấn thân.
Con người tìm gì nơi đời tu: cuộc sống an nhàn, thoát cảnh chân lấm tay bùn, sự bù đắp tình cảm, bảo đảm tương lai hay đây là cả một khát vọng dấn thân cống hiến, không nề hà những bất trắc dù có phải thiệt thân. Một con ốc cứ thu mình trong sự an toàn của lớp vỏ thì làm sao thấy được những sự kỳ diệu của thế giới đang vận hành? Theo Chúa không để có được niềm vui dễ dãi mà là hành trình phấn đấu, đòi hỏi từ bỏ, hy sinh, nỗ lực lâu dài. Hành trình đó có khi âm thầm như sự cưu mang của thai phụ, có khi phải chuẩn bị lâu dài và kỹ càng như xây tháp xây thành, như dàn quân ra trận (x. Lc14, 25-33).
Niềm vui và hạnh phúc của người môn đệ chính là niềm xác tín về vị Thầy mà mình quyết định đi theo để được ở cùng và sống với Ngài. Vị Thầy đó chính là kho tàng, là viên ngọc quý. Nói cách khác, Ngài là lẽ sống, là lý tưởng, là thần tượng. Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 38). “Khi được Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô” (x. Pl 3,7-8). Khi bạn đặt Chúa lên vị trí “fisrt” thì những thứ khác sẽ rơi vào đúng vị trí của nó, bạn sẽ tìm được đích thực niềm vui (JOY): Jesu – Other – You. Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu[4]. Người tu sĩ không bao bọc trong mình trái tim mùa đông nhưng là trái tim không ngủ yên, người có “trái tim” là người sẽ có “con mắt” để dấn mình cho Chúa, cho Giáo hội và anh chị em.
- Tiến thân hay hiến thân?
Trong thực tế, không ít người bị cuốn hút vào vòng xoáy của lối sống thực dụng, họ chọn đời tu để thoát khổ, thóat nghèo, họ chọn nhà Dòng làm điểm tựa để tiến thân, họ chạy theo thời với những toan tính vật chất. Có nhiều người đưa ra những lý luận thật vững chắc để biện minh cho hành động chạy theo lối sống hưởng thụ của mình. Họ nêu lên quyền của cá nhân và đòi hỏi đối thoại đến mức có thể làm tê liệt quyền bính. Hai chữ “tiến thân” và “ hiến thân” không chỉ khác nhau một chữ nhưng trái ngược về mục đích và cùng đích đời tu. Nếu tiến thân là làm cho mình chức vị, danh vọng, được học rộng biết nhiều, muốn được phụv vụ hơn là phục vụ thì hiến thân là dâng thứ quý giá của mình một cách cung kính, trân trọng[5]. Con người có thật nhiều thứ quý giá: thân xác, sức khỏe, trí khôn, gia đình, bạn bè,… Có thể thứ quý giá đối với mỗi người là khác nhau nhưng điều tuyệt diệu là tất cả những gì ta có đều là do Chúa tặng ban.
Có rất nhiều người muốn theo Chúa, hiến thân để sống đời phục vụ nhưng lại không chịu những điều kiện đi đôi với ước muốn đó. Họ muốn cả hai và luôn trong tình trạng sẵn sàng “bắt cá hai tay”; hay “tu sĩ hàng hai”, muốn sự dễ dãi, giảm thiểu khổ chế, đề cao cá nhân. Hoặc thay vì đi theo và chọn Chúa, thì lại chỉ lo làm việc của Chúa! Đến khi không có việc của Chúa hay không ưng ý với công việc được trao thì sinh ra buồn phiền, chán nản và bỏ đi như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng.[6]
Di Linh hiện nay vẫn còn ghi đậm dấu ấn của một Vị Giám Mục đã từ phương trời Tây, đến cùng chung sống với anh em làng Cùi, Ngài trở nên mọi sự cho những con người cùng khổ tại đây. Ngài làm thầy dạy, làm bạn cùng đi săn mồi, làm nhà cho anh em ở, làm y tá lau rửa vết thương, làm người an ủi linh hồn và thân xác….
Không khó để chúng ta có thể thấy rất nhiều tu sĩ và linh mục đang âm thầm phục vụ Chúa và tha nhân một cách không mệt mỏi. Các ngài từng ngày, từng ngày đang mang vào mình “mùi chiên”, liều mình lăn lộn ngoài phố xá, bệnh xá gặp gỡ người anh em, bị nhiễm khuẩn, hay tối thiểu, bị hít bụi đường, chọn một Giáo hội bầm dập hơn là một Giáo hội ốm yếu thu mình trong xó nhà. Có ai biết hay chăng người tu sĩ đang âm thầm quanh vườn rau, góc bếp, làm những công việc âm thầm với một tình yêu thật vĩ đại,… Biết bao tấm gương bằng xương bằng thịt đang lan tỏa năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho đời bằng “một tình yêu cho đi nhưng không là một tình yêu hiến dâng cuộc đời, vì người mình yêu dám quên đời mình….”.
- Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Sống là động mà lại không động
Sống là thương mà chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi ta coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến[7].
Thế giới biến chuyển không ngừng, người thánh hiến cũng không thể dậm chân tại chỗ nhưng trí – tâm – tay tôi phải làm gì để vẫn giữ được tâm sạch lòng thanh?
Cùng tham gia vào đời sống Giáo Hội 2024, cùng điểm lại lời mời gọi của vị Cha chung: nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại cách say mê và hướng đến tương lai với niềm hy vọng tựa như một cây nến cần phải được thắp lên, nối nguồn từ ánh sáng Giêsu. Lửa cháy làm nến tiêu hao, nó tiêu hao để duy trì sự cháy. Cái tồn tại của nó cạn dần nhường chỗ cho cái tồn tại khác được tiếp tục. Để ánh sáng Chúa Kitô được bền bỉ tỏa sáng, họ phải chấp nhận tiêu hao, tiêu hao sức khỏe, thời giờ, năng lực, chất xám, họ không sợ bị giảm bớt hào quang khi chia sẻ kinh nghiệm. Nếu không thận trọng, một lúc nào đó sự nhiệt thành vì Chúa bị tiêu tan, nhường chỗ cho một sự thật phũ phàng là việc tìm danh lợi, tiền tài. Mọi nỗ lực, mọi khả năng được vận dụng để tôn vinh cái tôi, và hệ quả của những tiêu hao đó không đem lại vinh quang cho Thiên Chúa, nó làm tổn thương Giáo Hội và làm xáo trộn cộng đoàn họ chung sống[8].
Trong dịp lễ Quốc tế đời sống thánh hiến, ước mong những người hiến thân cho Chúa làm thành toàn những điều Đức Thánh Cha Fanxico nhắn nhủ: luôn biết gạn đục khơi trong, trở nên dấu chỉ của niềm vui, những chuyên viên của sự hiệp thông, đánh thức thế giới, “bật tình yêu lên”, nhạy bén với những như cầu của thời đại và làm khởi sác mùa xuân dâng hiến – đặc biệt qua dịp về với thân nhân trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc sắp tới.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.
x. https://hoidap247.com/cau-hoi/3377889
Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 1.
x. https://tgpsaigon.net/bai-viet/doi-tu-la-hanh-phuc-32378
Sư huynh Nguyễn Tuấn Kiệt.
x. https://dongtrinhvuongsaigon.org/index.php?language=vi&nv=news&op=suy-niem-ngay-le/ngay-quoc-te-doi-thanh-hien-624.html
Tác giả: Maria Nguyễn Duyên CMR.