Tu sĩ, người giàu có

Thứ năm - 02/02/2023 22:44  1376
main qimg 7a6f24a39e64dba3b353c29324576257 lqNói đến Tu Sĩ là ta nghĩ đến những con người được Chúa mời gọi dâng hiến cuộc đời cho Chúa sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khó Nghèo, Thanh Khiết và Vâng Phục trong các cộng đoàn Dòng Tu theo các điều kiện của Giáo Luật. Nhờ tự nguyện tuyên khấn sống ba lời khấn, người tu sĩ họa lại nếp sống của Chúa Giêsu với sự đơn sơ, khó nghèo, tin tưởng và phó thác. Kho tàng mà người tu sĩ tìm kiếm không phải là sự giàu có, quyền lực và danh dự, nhưng là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (Mt 6:33). Dưới con mắt người đời, tu sĩ là người sống nghèo, sống khổ, là người chẳng có của cải gì. Liệu tư tưởng này có hoàn toàn đúng không? Nhìn vào lịch sử Giáo Hội, nhất là các dòng tu thì phải nói ngược lại mới đúng, tu sĩ là người giàu có vô cùng.

Người Tu sĩ giàu có ơn phúc. Trong tông huấn Vita consacrata, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã trình trình bày đời sống dâng hiến phát xuất từ nguồn mạch Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Chúa Cha kêu gọi những người nam và nữ bước theo dấu chân của Chúa Kitô, là con đường dẫn đến Chúa Cha. Họ được Chúa Thánh Thần thánh hiến, ban ân sủng để được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và nhận lấy sứ mạng của Người làm của mình. Trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, người tu sĩ kín múc dồ dào ân sủng, và tình yêu, nhờ đó họ sẵn sàng lên đường loan báo tình thương của Thiên Chúa. “Đời thánh hiến loan báo những gì Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Thánh Thần đã thực hiện do tình yêu, do lòng nhân lành, do vẻ đẹp của Người. Quả thế, bậc sống tu trì đặc biệt cho thấy Nước Thiên Chúa vượt lên trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi cao cả biết bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Đức Ki-tô và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội (VC, 35). Với quyền năng, và ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa, người tu sĩ ký thác đời mình cho Chúa, và trung thành với sứ vụ của mình. Họ làm chứng về Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói, mà bằng những việc làm cụ thể, dấn thân trong các môi trường khó khăn, thử thách, họ tiếp xúc gặp gỡ, nâng đỡ những con người bị xã hội bỏ rơi, loại trừ. Thế giới đã phải ngạc nhiên trước những chứng từ cao đẹp của những người tu sĩ như Thánh Gioan Don Bosco, Thánh Gioan Thiên Chúa, và Mẹ Têresa Calculta, cùng rất nhiều vị Thánh khác.

Người tu sĩ giàu có các mối tương quan. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định sự giàu có của những người dám từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa, “Chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18:29-30). Đồng thời, việc theo sát Chúa Giêsu và tuân giữ thánh ý của Ngài giúp họ gia nhập vào gia đình của Chúa Giêsu, nên anh chị em với Ngài, “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mt 12:50). Quả vậy, người tu sĩ đã từ bỏ gia đình nhỏ bé của mình để gia nhập vào gia đình Phúc Âm rộng lớn hơn, gia đình Thiên Chúa, gia đình Giáo hội, gia đình Dòng tu. Họ không ngừng làm giàu và xây dựng các mối quan hệ, cũng như mở rộng gia đình của mình nơi những nhiệm sở, những người họ được sai đến để phục vụ. Họ nhiệt thành, dấn thân mang Tin mừng đến với mọi thành phần trong xã hội. Sự hiện diện của họ mang lại niềm vui, bình an cho nhiều người như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Như vậy người tu sĩ đã chia sẻ sự giàu có niềm vui, năng lượng tích cực, sức lao động, lòng hăng say, sự sáng tạo và tình yêu đến những người anh chị em sống xung quanh mình.

Tu sĩ giàu có về nội tâm. Khi tuyên giữ các lời khấn thì mọi việc lành của người tu sĩ có giá trị của đức thờ phượng. Mọi việc họ làm nhắm tới mục đích là vinh danh Thiên Chúa, thánh hóa bản thân, và cứu các linh hồn. Với sự dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, họ thuộc trọn về Chúa, là người của Chúa, được Chúa yêu thương, bảo vệ, và nâng đỡ. Họ có cơ hội dành nhiều thời gian ở bên Chúa, sống kết hợp mật thiết với Chúa khi cử hành phụng vụ, cũng như lúc lao động, giải trí, vui chơi. Chúa và linh hồn thánh hiến ví như những người bạn thân luôn bên nhau, và luôn làm các việc cùng nhau. “Gần đèn thì sáng” người tu sĩ cũng phản chiếu rõ hơn tấm lòng nhân hậu yêu thương của Chúa. Hơn nữa, họ không ngừng rèn luyện bản thân, luyện tập nhân đức để trở nên những chuyên viên cầu nguyện, chuyên viên hiệp thông, và nối kết tình người. Họ được mời gọi thức tỉnh thế giới bằng lối sống riêng của mình, “Hãy đánh thức thế giới! Hãy trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này” (ĐTC Phanxicô). Lối sống khác ở đây chính là lối sống của Tin mừng, đặt Thiên Chúa lên trên các giá trị trần gian, là “hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

Tu sĩ giàu có về sự tự do. Tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm, người tu sĩ tự tình cam kết từ bỏ tất cả để thuộc trọn về Chúa. Họ khước từ những sự ràng buộc của tiền bạc, danh vọng, địa vị mà người đời đang tìm kiếm. Họ thanh thoát trong các khát vọng trần thế, giản dị trong lối sống, và bình tâm trong cõi lòng. Họ theo sát Chúa Giêsu, Đấng vốn giàu sang vô cùng, nhưng đã từ bỏ tất cả, sống nghèo tận tuyệt từ thể chất đến tâm hồn để làm cho con người nên giàu có. Đáp lại tình yêu của Chúa, và để nên giống Chúa, người tu sĩ tự nguyện tuyên khấn sống khó nghèo, tham dự vào đức nghèo cứu độ của Ngài. Cuộc sống nghèo đích thực dẫn đưa họ đến sự tự do hoàn toàn đối với của cải, tín thác đời mình cho Thiên Chúa và làm chứng địa vị ưu tiên của Nước Thiên Chúa trong đời sống của mình. Với lời khấn Thanh khiết, người tu sĩ tự tình hiến dâng cho Chúa toàn thân, nhất là khả năng yêu thương để tâm hồn nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người. Trái tim họ không bị ràng buộc bởi tình yêu trần tục, họ yêu mọi người bằng một trái tim không chia sẻ, yêu mọi người như Chúa yêu và thuộc trọn về Chúa. Lời khấn Vâng phục dẫn đưa họ tới sự tận hiến ý chí mình cho Thiên Chúa. Họ từ bỏ mọi ý riêng, sự sắp đặt cá nhân vào thánh ý Thiên Chúa. Họ nhìn nhận ý Chúa qua các bề trên hợp pháp, hiến chương và quy luật dòng. Sự vâng phục trong tự nguyện và khiêm tốn thể hiện qua việc đối thoại và lắng nghe lẫn nhau. Họ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi được sai đi. Tâm thế tự do, thanh thoát của người thi hành sứ vụ tông đồ luôn thường trực trong họ. Họ chia sẻ sự tự do của con cái Chúa cho những người họ gặp gỡ và phục vụ.

Còn rất nhiều điều để nói về sự giàu có của người tu sĩ mà mỗi người có thể khám phá và cảm nghiệm khi gặp gỡ, và tiếp xúc với họ. Nhưng có lẽ sự giàu có nhất mà người tu sĩ có được là sự giàu có Thiên Chúa, và có Chúa là có tất cả. Trong xã hội hôm nay khi kinh tế, khoa học phát triển, người ta thích nói về những thành tích, quảng bá sản phẩm, trưng bày thương hiệu, thì sự âm thầm phục vụ, sự lặng lẽ nguyện cầu, sự đơn sơ nghèo khó của người tu sĩ đánh thức thế giới và con người trở về với căn tính và cùng đích của đời mình.

Ngày lễ quốc tế Đời sống Thánh hiến nhắc nhở chúng ta về đời sống cao quý của người Tu Sĩ được Chúa yêu thương, tuyển chọn và thánh hiến dành riêng cho việc thờ phượng và yêu mến Chúa. Chúng ta cảm tạ Chúa về ơn gọi thánh hiến Chúa đã ban cho trần gian. Ước chi ngày càng có nhiều bạn trẻ nhận ra tình thương và lời mời gọi của Chúa, và quảng đại dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa trong đời sống thánh hiến.

Tác giả: Nữ Tu Trinh Vương

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay45,184
  • Tháng hiện tại905,545
  • Tổng lượt truy cập78,908,996
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây