“Tết tết tết là tết là tết
Tết vừa đến đây dưới mái hiên nhà
Tết tết tết là tết là tết!
………………………
Con cháu ông bà quây quần bên nhau”
Những lời ca thân thuộc ấy đã đi vào tiềm thức của người dân Việt trong những ngày đón Tết cổ truyền. Ai đi xa cũng mong đến ngày Tết để được xum họp bên gia đình ông bà bố mẹ, nhưng không phải ai cũng có được cái may mắn ấy.
“Dì ơi! đã 14 năm rồi con không được về quê ăn Tết”
Đó là tâm sự của một cụ bà hơn 70 tuổi.
Trước khi về nghỉ Tết, tôi dành chút thời gian tới giúp một cộng đoàn của Hội Dòng ở Mái Ấm Hồng Ân, nơi đây có hơn 40 cụ bà đang được các Dì chăm sóc. Trong những ngày giáp Tết này, một số cụ đã được con cháu đón về để cùng vui xuân với anh em họ hàng. Còn những cụ không còn con cháu thì vẫn ở lại với những sinh hoạt và công việc thường nhật nhưng dường như trong ánh mắt ai cũng có chút đượm buồn. Nhưng cũng có những cụ khi được các cháu đến đón về, lại không muốn về, chỉ muốn ở lại Mái Ấm thân thương và coi đây như là nhà của mình.
Tôi được biết có cụ đã xếp đồ từ mấy hôm nay: nào quần áo, nào bánh kẹo, nào đôi giầy người ta cho. Cụ vui vẻ nói với tôi là bánh kẹo để về phát cho các cháu. Càng vui khi nhìn thấy nụ cười móm mém của cụ với gói hành lý bao nhiêu tôi lại càng lặng lòng khi biết rằng cụ chẳng có ai đến đón về cả, năm nào cụ cũng xếp đồ, rồi mong, rồi chờ rồi những ngày Tết cũng qua đi…
Thế đấy! Có thể bạn và tôi có nhiều điều phải lo lắng, nhất là trong những ngày giáp Tết này, nhưng ít ra chúng ta còn có một người để yêu thương, để quan tâm và một ai đó nhớ đến chúng ta. Còn các cụ ở đây thì không! Vì phần lớn là các cụ neo đơn: không nhà, không con cháu ruột thịt, không anh em họ hàng, cái mà các cụ có chỉ là ký ức và niềm hy vọng đời sau. Có những ký ức thật đẹp về thời tuổi xuân, có ký ức về công việc sau thời giải phóng và có cả những ký ức của chiến tranh mất mát cha mẹ người thân. Người già sống bằng ký ức và kinh nghiệm, nhưng họ cho tôi thấy sự dịu dàng và sự kiên nhẫn. Sự hiện diện của các cụ nơi đây không phải là nhân chứng của một “văn hóa vứt bỏ” cho bằng họ là những chứng nhân của niềm hy vọng đời sau. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Người cao tuổi là một lời hứa, một chứng nhân của lời hứa. Điều tốt đẹp nhất vẫn chưa tới. Điều tốt nhất vẫn chưa đến”.
Ước mong sao trong dịp Tết này, có nhiều người, nhất là các bạn trẻ đến với những người cao tuổi, như trong sứ điệp Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm 2023 Đức Thánh Cha Phanxico đã mời gọi: “Như Đức Maria đã làm cho bà Elizabeth, Thiên Chúa muốn những người trẻ mang lại niềm vui cho tâm hồn của những người cao tuổi, và rút ra sự khôn ngoan từ những trải nghiệm của họ”. Hãy đi, hãy đến và cùng cảm nhận, chắc chắn chúng ta sẽ học được nhiều điều mà trường lớp không thể dạy vì cầu nối giữa người trẻ và người già “ là sự chuyển giao sự khôn ngoan trong nhân loại”.
Dòng Trinh Vương Bùi chu