Đức Maria, Người truyền cảm hứng
Thứ năm - 22/02/2024 20:49
4966
Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta hay đọc thấy cụm từ “người truyền cảm hứng”. Đó là những người cố gắng cống hiến để mang lại động lực, sự say mê cho khán giả về một lãnh vực nào đó. Sự cống hiến hay dâng hiến được hiểu theo hai nghĩa đạo và đời. Đó là một sự cho đi, phục vụ với khả năng, sức lực, tình yêu và hơn thế nữa là bằng cả con người. Dù là nơi đâu, trong lãnh vực, nghề nghiệp hay bậc sống nào, sự hy sinh, phục vụ của con tim là một hình ảnh đẹp, đáng trân trọng và "truyền cảm hứng". Người truyền cảm hứng là người mà ngoài việc trao cho người khác kiến thức hữu ích, họ còn mang lại niềm tin, hy vọng, tình thương, hoặc nguồn năng lượng và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người. Đôi khi cảm hứng không phải là một thứ gì đó quá lớn lao, nhưng nó có thể xuất phát từ những điều nhỏ bé và đơn giản. Người truyền cảm hứng giống như ngọn lửa thắp lên những tia sáng hy vọng trong người khác, hay chính là ánh nắng bình minh dẫn lối cho ta vươn lên, sau cơn mưa bão khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy, kết thân với một người truyền cảm hứng, sẽ khiến con đường thành công được rút ngắn lại, hay tuyệt vời hơn nữa, khi tiếp xúc với họ chính chúng ta trở thành người truyền cảm hứng cho người khác.
Đời sống thánh thiện của Đức Maria là một gương mẫu cụ thể cho chúng ta noi theo. Mẹ là một thiếu nữ vùng quê nghèo, sống đơn sơ, bé nhỏ, nhưng đức tin của Mẹ lại chất chứa một tình yêu rộng mở, truyền cảm hứng cho nhiều người bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Cuộc đời Mẹ truyền cảm hứng cho ta biết lắng nghe tiếng Chúa. Cách cụ thể trong biến cố truyền tin, trước lời sứ thần nói với Mẹ, dù có băn khoăn bối rối, nhưng sau khi được giải thích, Mẹ đã mau mắn xin vâng. Mẹ đã suy ngẫm Lời Chúa để sống lạc quan, tin tưởng, chứ không dừng lại ở suy nghĩ của con người. Trong tiệc cưới Cana, khi ngỏ ý với Chúa Giêsu họ hết rượu rồi, Mẹ nghe Chúa nói lại rằng: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? (Ga 2,4). Là một người luôn lắng nghe tiếng Chúa cách sâu sắc, Mẹ không dừng lại ở lời nói của Chúa, để than trách hay phàn nàn về thái độ của Chúa, nhưng thing lặng, tin tưởng vào Con của mình. Đứng dưới chân thập giá, mang trong mình tình mẫu tử, Mẹ cũng đau khổ như bao bà mẹ khác khi thấy cái chết oan uổng của con mình, Mẹ đón nhận Thánh ý Chúa trong niềm tin tưởng, không lý luận hay mất niềm tin. Cả cuộc đời dương thế của Mẹ truyền cho ta cảm hứng suy nghĩ tích cực trong cuộc sống, bằng cách lắng nghe nhiều hơn, để hiểu sâu hơn về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Mọi thứ xảy ra chung quanh Mẹ đều được suy niệm trong thẳm sâu tâm hồn: những ngày tràn niềm vui, cũng như những giờ khắc đen tối nhất khi Mẹ phải đấu tranh, để hiểu được con đường cứu chuộc mà Con của Mẹ phải trải qua. Mọi thứ đều kết thúc trong tâm hồn Mẹ. Mẹ ghi nhớ mọi sự và đưa nó vào trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa”. Bởi chính Mẹ cũng đã trải qua nhiều biến cố không thể giải thích theo suy nghĩ con người. Mẹ đã đón nhận với tất cả niềm tin và suy đi nghĩ lại trong lòng. Nhờ đó, Mẹ thông hiệp vào sứ mạng cứu độ của Chúa ngay trong những biến cố hằng ngày.
Mẹ truyền cảm hứng cho ta biết chăm sóc những người chúng quanh. Trong tiệc cưới tại Cana, có rất nhiều người hiện diện: các tông đồ, các đầy tớ, chủ tiệc, đôi tân hôn, Chúa Giêsu và những vị khách mời khác… Khi tiệc cưới hết rượu, các khách mời rất có thể không nhận ra. Bởi đây cũng là điều bình thường tại tiệc cưới, rượu có thể hết vì tiệc cưới thời Chúa Giêsu kéo dài liên tục bảy ngày đêm. Khi hết rượu, chính Đức Maria là người đầu tiên nhận ra điều đó. Mẹ đã rất để tâm đến những gì xảy ra xung quanh, đến những nhu cầu của người bên cạnh dù họ chưa nói ra. Vào lúc đó, Mẹ có thể chọn lựa nhiều cách, Mẹ có thể làm lơ đi vì điều đó cũng không ảnh hưởng gì tới Mẹ, nhưng Mẹ đã lo lắng cho tình huống xấu hổ của đôi tân hôn. Bởi cũng như nước cần thiết cho cuộc sống thế nào, thì rượu cũng vô cùng quan trọng cho niềm vui của tiệc cưới như vậy. Vì thế, Mẹ đã nói với Chúa Giêsu về tình huống khó khăn của đôi tân hôn. Mẹ truyền cho ta cách sống biết nhạy cảm, quan tâm, chăm sóc tới những nhu cầu của người xung quanh.
Không chỉ dừng lại ở những quan tâm chăm sóc chúng ta về thể xác, khi Mẹ về trời, Mẹ vẫn tiếp tục chuyển cầu cho con cái trần gian trước toà Chúa, những nhu cầu thiêng liêng cho mỗi tâm hồn. Như lời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Với đặc tính của sự “chuyển cầu”, được thực hiện lần đầu tại tiệc cưới Cana ở Gallilê, vai trò trung gian của Đức Maria tiếp tục trong lịch sử Giáo hội và trong thế giới. Chúng ta biết rằng: bằng “tình mẫu tử”, Đức Maria chăm sóc những người anh chị em của Con Mẹ đang còn lữ hành trên trần gian đầy hiểm nguy và gian nan, cho đến khi họ được hưởng hạnh phúc trên quê hương vĩnh cửu. Bằng cách này, vai trò làm mẹ của Đức Maria tiếp tục không ngừng trong Giáo hội”.
Mẹ Maria truyền cảm hứng sống đức tin. Đức Maria là một người nữ đã tin rằng những gì không thể sẽ trở thành có thể. Mẹ là một người nữ luôn tin vào Chúa, Đấng luôn yêu thương những điều bé nhỏ nhất trong cuộc đời Mẹ. Đức Maria lắng nghe Lời Chúa một cách sâu sắc đến độ để cho Lời mặc lấy xác phàm trong lòng Mẹ, để cho Lời trở thành tất cả trong lòng Mẹ. Trong bàn tay của Thiên Chúa tự do và giải thoát, mọi sự đều trở thành có thể và đạt được. Niềm vui được giải thoát, mọi rào cản được phá đổ, và khát vọng chia sẻ những hồng ân mà chúng ta lãnh nhận thì được nảy sinh. Một tác giả đã nói rằng: “Như là thần tượng và là người đem lại động lực cho chúng ta, Đức Maria khuyến khích chúng ta đừng ép buộc Chúa ở trong những khu vực tiện nghi của chúng ta, nhưng xác tín rằng Ngài muốn dẫn chúng ta vượt qua mọi rào cản: vì đối với Thiên Chúa, không nơi nào là xa xôi hay bị lãng quên. Đức Maria truyền cảm hứng cho chúng ta để tin rằng, không ai là quá trẻ, quá già, quá hạn chế hoặc quá tội lỗi để giới hạn quyền năng của Chúa. Đức Maria dạy chúng ta đừng sợ hãi để dành chỗ cho Chúa, để lắng nghe Lời Chúa một cách sâu sắc. và để tin tưởng hết mình vào sự hiện diện của Ngài”.
Tài liệu tham khảo: Sách Đức Maria - Hình ảnh hiệp hành của Giáo hội
Tác giả: Nt. Dòng Trinh Vương