Tháng 11 - sống chậm lại để học tri ân
Thứ năm - 02/11/2023 00:20
834
Tiết trời cuối thu mây mù có chút se lạnh và ảm đảm. Thời gian như chậm lại trong không gian trầm lắng, cảnh vật mang nét trầm buồn. Trong những ngày này, cảm nhận đó phần nào được tô đậm thêm với tâm tình của tháng tri ân, hướng về những người đã ra đi trước về cõi vĩnh hằng.
Việt Nam theo triết lý Á Đông vốn đề cao chữ hiếu. Có hai cách báo hiếu: khi cha mẹ còn sống, con cái phải chu cấp đầy đủ những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần để cha mẹ được an vui; khi cha mẹ qua đời, con cái phải phụng thờ và thực hiện những di chúc để lại.
Ðây là cơ hội quý báu để những người con hiếu thảo báo đáp phần nào công ơn trời bể của tổ tiên, ông bà, cha mẹ: “Cây có cội, nước có nguồn, Con người có tổ có tông: có cha có mẹ, có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy con cháu về đạo hiếu, đạo làm người ấy.
“Biết ơn, tri ân” – đó là nét đẹp nhân bản, là đạo lí ngàn đời mà chúng ta phải sống để làm người trước khi làm thánh. Nó càng trở nên đẹp và cao quí hơn khi đặt vào trong chiều kích tâm linh. Truyền thống Công Giáo dành trọn tháng 11 để đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, những linh hồn đang phải chịu sự thanh luyện. Những ngày đầu tháng 11 này, người Ki-tô hữu được sống sự hiệp thông của mầu nhiệm “các thánh thông công” một cách rõ nét, sống động và cụ thể hơn. Ngày 01 tháng 11, Giáo hội hướng lòng các Ki-tô hữu về Thiên Quốc, ngưỡng vọng chiêm ngắm vẻ đẹp huy hoàng, vinh hiển của các thánh trên trời, để cùng hợp hoan, ca mừng các thánh đã được hưởng phúc vinh quang và cùng các ngài dâng lời tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa. Các ngài là những mẫu gương tuyệt vời, niềm khích lệ lớn lao và là trợ thủ đắc lực cho chúng ta trên cuộc lữ hành trần gian với niềm hi vọng tiến về hợp đoàn trên thiên đàng. Sau đó, ngày 2 tháng 11, Mẹ Giáo Hội lại mời gọi con cái mình – những người người còn đang sống trên trần thế này, cũng hướng tâm tình xuống những anh chị em của chúng ta thuộc Giáo hội đau khổ để lắng nghe và thông hiệp với những tiếng thở than của các linh hồn nơi thanh luyện vì những vướng mắc do hậu quả của tội, có thể cả tội lỗi của chính chúng ta mà các linh hồn phải gánh chịu. Giờ đây họ phải chịu thanh luyện, không còn cơ hội thực hành đức ái để xoá bỏ hình phạt tạm, chỉ còn cậy nhờ vào lời cầu bầu của các thánh, sự giúp sức của chúng ta bằng những việc lành. Những suy tư vụn dại này của người viết xin giới hạn phạm vi suy tư việc sống tinh hiếu thảo trong tương quan cha mẹ - con cái.
Không ai có thể phủ nhận được công ơn cha mẹ trong việc sinh thành và dưỡng dục con cái. Thiên Chúa đã dựng nên con người, nhưng không trực tiếp mà phải qua trung gian cha mẹ. Trước tiên, Thiên Chúa dựng nên ông Adam và bà Evà, rồi từ đó con cháu nối tiếp. Đúng là: “Người ta có cố có ông, Như cây có cội như sông có nguồn”.
Lý thuyết là như thế, nhưng trong ngày nay chúng ta hãy nhìn lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ để yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (theo sách giáo lý Tân định). Đồng thời, Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.
Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm (Ca dao)
Tháng 11 cũng là cơ hội tốt để mỗi người sống chậm lại, lắng đọng tâm hồn để suy nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa của cuộc đời này qua việc suy gẫm mầu nhiệm đau khổ và sự chết. Những ngày này, các nghĩa trang như mang một màu áo mới với nghi ngút khói hương, những bông hoa tươi được đặt ngay ngắn trên những nấm mồ lặng lẽ, thi thoảng lại có những tiếng hát cầu kinh vang lên hòa trong một khoảng trời thanh vắng. Có lẽ, nghĩa trang là nơi người ta cảm nhận được sự vĩnh hằng, nơi tâm hồn thấy nhẹ nhàng, thanh thoát nhất trên trần gian này. Hơn một lần, chúng ta đã ngậm ngùi với sự chia li tử biệt khi chứng kiến những người thân thuộc, bạn hữu của chúng ta ra đi. Một sự ra đi không hẹn ngày về nhưng đó lại là sự chia li có hẹn ngày gặp. Khi cầu nguyện cho các linh hồn chúng ta cũng thức tỉnh đời mình trong cơn mê của tội lỗi và thú vui xác thịt. Điều đó nhắc nhở cho chúng ta về số phận đời mình trong kiếp người tro bụi và hướng đến sự sống vĩnh cữu mai này. Rồi sẽ đến lượt chúng ta ra đi từ bỏ thế gian và những gì thuộc về nó. Liệu rằng chúng ta đã sẵn sàng cho tiếng gọi của Chúa bất cứ lúc nào chúng ta không biết? Chúng ta đã chuẩn bị hành trang được những gì để mang theo và trình diện trước tòa phán xét? Không ai trong chúng ta tự tin và dám chắc rằng mình đã chuẩn bị đủ để được lên hưởng vinh quang ngay sau khi chết! Hơn thế chúng ta lo lắng cho số phận đời mình nếu bị sa lầy và chịu thiêu đốt trong lửa đời đời.
Là con người, chúng ta chỉ có một lần để được sinh ra, có một cuộc đời để sống và một cùng đích để trở về – về với nguồn gốc của chính mình. Nghĩ về cuộc đời, cố nhạc sĩ họ Trịnh đã thổn thức tự hỏi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi…”. Ai trong chúng ta rồi cũng phải bước qua cánh cửa sự chết. Mỗi người đều phải kinh qua quy luật nghiệt ngã của kiếp nhân sinh: “sinh – lão – bệnh – tử”! Không ai được đặc ân thoát khỏi quy luật đó: dù là người giàu có, quyền cao chức trọng hay thường dân nghèo khổ; người gian manh độc ác cũng như người lành đức, v.v., mỗi người mỗi cách và mỗi thời điểm khác nhau, không ai giống ai. Và những gì sẽ xảy ra sau khi chết vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ… vì đó là một bí mật riêng mỗi người tự mình khám phá. Đó quả là một sự thật phũ phàng, một thực tế trần trụi sau tấm áo nhân sinh. Tác giả Sách Thánh Vịnh đã thốt lên những lời chân lí cho chúng ta những cảm nghĩ sâu sắc về kiếp người:
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn ;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49,11-13).
Quả thế, số phận con người thật mong manh, yếu đuối “vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu”, khác nào “vỏ trấu gió thổi bay”. Chúng ta cũng tự hỏi: Phải chăng thân phận con người thật bi đát và buồn thảm? Và đâu là ý nghĩa của cuộc đời này? Tại sao và từ đâu con người được sinh ra và chết rồi sẽ đi về đâu?.. Đối với nhiều người đó là những câu hỏi khó và bế tắc để tìm câu trả lời. Triết lí Phật giáo quan niệm “đời là bể khổ” và khổ là do lòng “tham, sân, si” mà không thành. Giáo lí nhà Phật tin vào luật nhân quả và sự luân hồi. Theo đó, người sống tốt thì được an lạc, người sống gian ác sẽ bị báo ứng, bị đầu thai thành những loài vật.
Nếu đời người sinh ra chỉ để sống mà phần lớn chịu gian nan, đau khổ và rồi kết thúc qua cái chết buồn thảm, tiêu tan, chấm hết thì con người quả là một loài vật đáng thương nhất. Nếu chết là hết thì tội lỗi đâu còn quan trọng, ân nghĩa phúc đức cũng có nghĩa lí gì? Liệu ai còn muốn sống tốt, sống lương thiện hơn là sống buông thả thỏa mãn theo xác thịt, tìm an vui lạc thú cho riêng mình? Cuộc sống đầy những bất công và ai sẽ là vị quan tòa tối cao, công tâm để phân xử đúng sai, trắng đen rõ ràng, tội phúc rành mạch? Vậy nên chúng ta dám khẳng định chắc chắn về niềm tin vào sự sống đời sau. Nơi mà con người sẽ phải trả lẽ với những gì đã làm trong thân xác khi còn sống ở trần gian này. Chính Thiên Chúa sẽ là vị Quan Tòa tối thượng, công bằng vô cùng và rất mực khoan nhân sẽ phân xử tất cả mọi người theo lòng thương xót và những việc chúng ta làm.
Vì thế, sống như thế nào mới là điều quan trọng, đáng để chúng ta lưu tâm. Sống để chuẩn bị cho cái chết là một sự chuẩn bị khôn ngoan. Nhưng chúng chúng ta sẽ sống như thế nào? Và chuẩn bị những gì? Lời khôn ngoan của Vịnh gia đã khuyên dạy chúng ta:
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).
Chính Chúa Cha đã sai Chúa Con đến trần gian để yêu thương con người như Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con. Nên trước khi về trời, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng Chúa Cha đã yêu thương chúng ta như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho những người đã qua đời được ở trong tình yêu của Chúa luôn mãi, và cho chúng con ngay từ khi còn ở dưới thế cũng luôn ở trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.