LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mt 10,17-22
Nguyên việc các thánh tử đạo chấp nhận cái chết vì đức tin đã là một chứng từ mạnh mẽ đối với mọi người. Thế nhưng, ngoài chứng từ bằng máu đào, cuộc sống của các ngài còn làm chứng cho nội dung Tin Mừng bằng thái độ kính trọng vua quan, bằng việc sống tình liên đới tập thể, giúp đỡ nhau can đảm chịu đau khổ thử thách, và nhất là bằng lời nói, để giải thích về đạo Chúa hoặc rao giảng Tin Mừng ngay trong ngục thất.
1. Thái độ kính trọng vua quan
Bài Tin Mừng của lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay (Mt 10,17-22), Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về những cuộc bách hại và thái độ phải có khi đối diện với những thử thách này: “Các con sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết”. Linh mục thừa sai Jean Louis Bonnard Hương tâm sự: “Trước mặt vua quan, tôi có kinh nghiệm cụ thể lời Đức Giêsu: Chúa Thánh Thần sẽ nói thay các con. Thực vậy, chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt lưu loát và dễ dàng như thế”. Nói chung, tất cả các thánh tử đạo đều tỏ vẻ kính trọng giới quan quyền, các ngài nói năng lịch sự, hòa nhã, thưa bẩm đúng qui cách. Dường như đối với các ngài, phải tìm mọi cách để giúp quan quân gặp được chân lý Tin Mừng. Các ngài ôn tồn, tế nhị giải đáp những thắc mắc, biện bác những quan niệm sai lầm về đạo Chúa.
2. Sống tình liên đới tập thể
Một chứng từ khá đặc biệt các tín hữu thời tử đạo nêu lên với quần chúng là việc họ luôn gắn bó, thông cảm và sẵn sàng san sẻ những khó khăn, cũng như liên đới với nhau để tuyên xưng niềm tin của mình. Không cảm động sao được, cụ Án Khảm vốn là tiên chỉ làng Quần Cống, đang khi quân lính bao vây làng, cụ cho mõ đi rao : "Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng: ai mà quá khóa phải phạt ba roi và bị đuổi khỏi làng". Và ngay trước mặt quân lính, cụ Án đứng ra ngăn cản một tín hữu nhát sợ định đạp lên Thánh giá.
Khi bị bắt, các thánh tử đạo vẫn tìm được nguồn khích lệ từ bên ngoài qua thư từ, thăm viếng, tiếp tế. Các linh mục tìm đủ mọi cách vào thăm các chứng nhân đức tin để đưa Mình Chúa và giải tội cho họ. Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu đã bị bắt khi làm mục vụ cho các tín hữu trong ngục tù Mỹ Tho. Với những chứng nhân đức tin cùng bị giam, tình liên đới của họ còn cụ thể hơn. Một người ra tòa trở về, các người khác xúm vào chăm sóc những vết thương, hỏi han về cuộc điều tra và thuật lại cho nhau những lời đáp khẳng khái khi đối diện với quan quyền. Rồi họ cùng nhau tạ ơn Chúa đã cho anh em mình vượt qua cơn thử thách. Cuộc đời của mỗi thánh tử đạo thường mang tầm vóc tập thể. Sự bền vững đức tin của một người có tác động khích lệ đến nhiều người khác. Ôi, đẹp làm sao hình ảnh linh mục Gioan Đoàn Trinh Hoan tuy tuổi già tóc bạc, cổ mang gông, tay đeo xiềng xích, mỗi ngày đi từ phòng giam này qua phòng giam khác để khích lệ các tín hữu.
3. Nhiệt tâm loan báo Tin Mừng
Nhìn vào các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta thấy mặc dù các ngài bị gông cùm xiềng xích, nhưng Lời Chúa không thể bị trói buộc, rất nhiều mẫu gương nhiệt tâm loan báo Tin Mừng có tính cách sáng tạo.
Linh mục Phanxicô Federich Tế, bảy năm rưỡi trong tù, đã khéo quan hệ với cai ngục để tự do thăm viếng phục vụ các tín hữu ở Thăng Long, đến độ Đức Cha Longer Gia dự định đặt ngài làm cha xứ Thăng Long. Bảy tháng trước ngày xử, cùng với cha bạn là Matthêu Anphongsô Đậu, các ngài rửa tội được trên 100 người. Còn hai cha Castañeda Gia và Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm thì lại có cơ hội tham gia “Hội đồng Tứ Giáo” trong ba ngày, để trao đổi ba đề tài lớn của cõi nhân sinh: Người ta bởi đâu mà có? sống để làm gì? và chết rồi đi đâu? Hai ngài đã làm chứng cho sự thật và đức tin Công Giáo. Còn Đức Cha Hermosilla Liêm bị giam trong cũi trong 10 ngày, tuy lom khom đứng không được mà nằm cũng chẳng xong, nhưng ngài đã giảng đạo và rửa tội cho con trai viên Đội Bái. Về giáo dân, có ông cai Giuse Lê Đăng Thị đã dạy đạo cho một phạm nhân cùng bị xử, buổi sáng ngày ra pháp trường anh đã nhận lãnh bí tích rửa tội, thế là ông Thị có một người bạn đồng hành về Thiên Quốc.
Đôi khi việc loan báo Tin Mừng không bằng lời nói mà bằng việc làm. Cha Giuse Ngô Duy Hiển, 71 tuổi, mỗi buổi tối chăm chú vẽ trên vải những hình thánh giá đẹp với những nét trang trí hoa văn để tặng cho các tín hữu vào thăm. Những hình thánh giá đó được chuyền tay nhau, giúp một số tội nhân thống hối, một số người nhát đảm vì tìm lại được lòng can trường, nên các tín hữu đến xin ảnh rất đông. Vị linh mục phải nhờ anh bạn tù khắc hình thánh giá trên gỗ để in hàng loạt mà phát cho họ. Thế đấy, tuy ở trong tù, cha Hiển đã gây được phong trào kính thánh giá rộng rãi ở Nam Định.
Một trường hợp loan báo Tin Mừng khác cũng khá đặc biệt. Cha Phêrô Nguyễn Văn Tự đến ngày bị xử tử, đã xin phép quan được mặc áo dòng Đaminh và ôm thánh giá ra pháp trường. Trước khi bị chém, cha xin nói đôi lời và ứng khẩu giảng gần một giờ về Đức Giêsu, về ơn Cứu độ, về tình huynh đệ mọi người là anh em.
Là người tín hữu Việt Nam hôm nay, chúng ta ý thức được rằng đức tin mà chúng ta lãnh nhận, đã được gieo trồng trong máu các Thánh Tử Đạo, và được vun xới bằng biết bao công sức gian khổ của tiền nhân. Vì thế, chúng ta phải hết sức trân trọng, giữ gìn và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời của mình, tiếp tục công trình của các ngài trong nỗ lực loan báo Tin Mừng, bằng những sáng kiến mới “trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả” (ĐGH Gioan Phaolô II, ‘Diễn văn tại Hội Nghị thường kỳ lần thứ 19 của CELAM’, 9-3-1983) phù hợp với hoàn cảnh và môi trường sống của mình, để tinh thần Tin Mừng được thấm nhuần vào mọi thực tại xã hội và quê hương Việt Nam thân yêu này.
Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc chúng con được hợp tiếng với các ngài ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen. (Kinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam)