Thứ Sáu tuần XXXI thường niên
Rm 15,14-21; Lc 16,1-8
Đứng trước sứ mạng truyền giáo mà Hội Thánh đặc biệt mời gọi chúng ta trong thời đại hôm nay, nhiều lúc chúng ta cũng cảm thấy bế tắc, đôi khi nản lòng nữa. Nhưng may mắn thay, Lời Chúa hôm nay như khích lệ chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kể về câu chuyện người quản gia bất lương đã biết khôn ngoan tiên liệu cho cuộc sống tương lai. Đối với văn hóa xã hội và cách quản lý của người Do thái thời đó, thì người quản gia không hưởng lương hay tiền công, nhưng có quyền được hưởng phần trăm doanh thu, nghĩa là được hưởng một phần lợi tức của tài sản mà mình đã làm lợi cho chủ, kể cả các khoản ông đã cho vay nợ để lấy lời cho chủ.
Người quản gia trong dụ ngôn đã có điều gì đó không đẹp lòng chủ. Ông dự đoán trước rằng mình sẽ bị đuổi việc nên đã hành động cách khôn khéo để có được một tương lai tốt nhất. Nên ông đã tìm cách dàn xếp, điều chỉnh số nợ cho các con nợ của chủ mình, bởi vì ông hy vọng rằng việc làm của ông sẽ được những con nợ biết ơn mà đón tiếp ông khi ông bị mất việc. Thực ra, trong trường hợp này, việc làm của ông không tốt nhưng không lỗi công bằng, vì ông chỉ ghi bớt phần đáng ra ông được hưởng phần trăm theo hiểu ngầm, mà ông đã không hưởng trước đó.
Chắc chắn Đức Giêsu không đề cao sự gian dối bất lương, nhưng Người khen ngợi sự khôn khéo của người quản gia này, biết sử dụng hoàn cảnh hiện tại để tiên liệu cho cuộc sống tương lai. Điều này càng đúng khi chúng ta suy về vấn đề truyền giáo, những ai có thao thức truyền giáo chắc có kinh nghiệm này: biết bao lần chúng ta đã cảm thấy mình bất lực trước một trường hợp cứng lòng, trước một thói hư nết xấu, hay trước một hoàn cảnh vô vọng... Những lúc ấy, nhiều khi chúng ta tìm được một giải pháp mà bình thường chúng ta không nghĩ ra, hay không dám nghĩ tới... tất nhiên về phương diện này, chúng ta gọi đó là ơn linh hứng. Chính Chúa Giêsu đã có lần nói với chúng ta. “... Lúc đó chúng con đừng nghĩ mình phải nói gì, vì chính Thánh Thần sẽ nói trong các con” (Mt 10,10-20). Như vậy, chúng ta không bao giờ được nản lòng buông xuôi, trước những khó khăn trên bước đường truyền giáo, vì trong tình huống nào cũng có thể có giải pháp, nếu chúng ta nỗ lực tìm kiếm.
Ước gì mọi Kitô hữu chúng ta đều trở thành tông đồ truyền giáo, bằng những sáng kiến mới “trong nhiệt tình, trong các phương pháp, trong cách diễn tả” (ĐGH Gioan Phaolô II, ‘Diễn văn tại Hội Nghị thường kỳ lần thứ 19 của CELAM’, 9-3-1983). Đó là điều mà thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại muốn nói với chúng ta trong thư gởi cho tín hữu Rôma mà chúng ta vừa nghe: “Tôi đã rao giảng đầy đủ Tin Mừng của Đức Kitô” để “Những ai chưa hề nghe loan báo về Người, thì sẽ xem thấy Người; và những ai chưa hề nghe nói về Người, thì sẽ hiểu biết Người”, lời này phải thôi thúc chúng ta, như đã từng thúc đẩy thánh nhân hăng say rao giảng Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Amen.