Truyện ngắn: Hồi ức

Thứ năm - 01/02/2024 21:58  550
images1916791 kyuctuoithoKhi những hạt mưa xuân phảng phất chạm nhẹ lên từng đầu lá, cơn gió cuối đông hơi se lạnh nhẹ hôn lên mái tóc và khiến lòng người như nhẹ lại, từng cánh én bay về mang một mùa xuân cho đất và người. Có lẽ chỉ trong văn hóa Á Đông, cách riêng tại miền Bắc Việt Nam, trong những tiết trời đổi thay, vận hành của năm Âm lịch, người ta mới cảm nhận rõ nét nhất thời khắc giao mùa và khoảng khắc thiêng liêng của sự giao thời. Một năm lặng lẽ dần bước những bước chân cuối cùng dù nuối tiếc, trước khi nhường lại cho một năm mới. Thời gian vẫn tiếp tục vòng quay của nó và phận người tiếp tục vần xoay theo thời gian, để rồi mỗi ngày qua đi là mỗi ngày để lại những hồi ức, những kỉ niệm dệt lên cuộc đời bởi chỉ con người là sinh vật hồi ức và kỉ niệm. Những đám mây đen kéo về cùng với cơn gió phấp phới len lỏi giữa những đám cỏ phất phơ trước gió, một không khí sâu lắng đượm chút trầm buồn của thời khắc giao thời. Người người muôn ngả trở về quê sau một năm bươn trải, tạm thành gác lại những lắng lo, những vất vả, nổi trôi của phận tha hương, để trở về, để đoàn tụ, để gặp gỡ, để ôn lại khi trao cho nhau hơi ấm của tình người, tình gia đình cũng như chuẩn bị cho cái xuân mới và những dự án tương lai với hy vọng kinh tế và cuộc sống sẽ khởi sắc hơn… Với những cành đào, cây quất, những chậu lan… những nét đẹp đậm ngày tết cùng những cây mía lộc, cây nêu, câu đối đỏ, bánh chưng xanh… làm nên những nét văn hóa đặc trưng và vẫn tiếp tục tỏa mình trong tâm thức người Việt mỗi dịp tết đến xuân sang.

Tách mình khỏi nhịp điệu của những khúc ca xuân, những sự nhộn nhịp vốn có của ngày tết, khi người người nhà nhà đang tất bật chuẩn bị đón tết: tiếng cười nói, tiếng chào, hỏi thăm, tiếng xe cộ, tiếng nhạc xuân, hòa nhịp cùng phiên chợ tết sôi động và đủ màu sắc…, tôi dành cho mình một khoảng lặng để đưa mình vào trong sự hồi tưởng. Giữa một không gian mênh mông của miền quê thân thuộc, của xứ đạo thân thương, tôi nhẹ bước lang thang nơi đây, nơi con đường quen thuộc dù đã đổi thay được rải nhựa bằng phẳng, bên cạnh con sông quê vẫn xuôi dòng từng gắn với bao kỉ niệm dù đã qua của cái tuổi thơ... Trong sự trầm tư và sự thinh lặng hiếm hoi của một nhịp sống xô bồ, để hồi tưởng và ngẫm về những gì đã trôi qua, những cảnh vật, nhất là những con người đã ngang qua và làm nên cuộc đời mang tên tôi…

Hồi ức! Từng ngày nào nồng nàn từng câu ca dao, từng ngày lặng lẽ sống với kỉ niệm ngọt ngào, bình yên như giấc chiêm bao[1] của một thời đã qua, mà vẫn còn in dấu những vết chân. Những câu chuyện với những quang cảnh và xoay quanh những con người đã khắc lên trên cuộc đời tôi, như sống lại trong từng thớ thịt và trong trái tim mà chỉ trong sự thinh lặng của dòng suy tư tĩnh tại, tôi mới có thể ngẫm và nghĩ về cái cuộc đời với biết bao kỉ niệm, nơi thời khắc của tuổi thanh xuân, nhất là cái tuổi thơ, cái thời đẹp nhất nhưng cũng nhanh nhất ấy giờ chỉ còn là cái “ngày xưa”. Cuộc đời vẫn tiếp tục mỗi ngày chầm chậm bước qua với bao kí ức vẫn gặm nhấm cuộc đời, đẩy con người, trong đó có tôi dần đi vào hồi ức và sự quên lãng. Nhưng những hình bóng tưởng như đã bị chôn vùi trong kí ức giờ đây lại hiện về rõ như mới ngày hôm qua, những cảnh vật, sắc trời và những con người như vẫn còn đó, như vẫn hồn nhiên vô tư, vẫn đơn sơ để cùng nhau dệt lên bầu khí đơn giản của xóm giềng, nhưng không thiếu sự linh thiêng làm nên đức tin của xứ đạo mà tôi và chúng bạn đã từng được hít thở và lớn lên trong bầu khí ấy… Thời gian cuốn đi tất cả để đẩy chúng tôi vào những chặng đường khác nhau làm nên cuộc đời mỗi người, để lại phía sau là kí ức đẹp của cái tuổi thơ, nhất là những di sản đức tin được vun trồng nơi mảnh đất, xóm đạo, bên ngôi thánh đường thân thương, giúp chúng tôi đủ vững vàng giữa cuộc đời đầy cuồng phong, đôi khi muốn nuốt chửng và phá nát đức tin của chúng tôi, những người con của Chúa. Để rồi dù đã qua rồi một thời vội vàng rong chơi… rồi một thời yêu đương sớm tối, dù mỗi người phải lớn lên và bước đi bằng chính đôi chân của mình, thì sau tất cả, chúng tôi vẫn đang tiếp tục gìn giữ và làm giàu di sản đức tin nhờ những câu kinh tiếng hát thuở nhỏ cũng như chung tay xây dựng quê hương, xứ đạo thân yêu này tiếp tục tiến về Quê Hương đích thực. Và giữa thênh thang bầu trời, nơi nắng gió muôn nơi, tôi có thể ôn lại những gì đã trôi qua để tạ ơn Chúa và cám ơn cuộc đời, biết ơn mọi người đã và vẫn đang cùng tôi làm nên cuộc đời này…
Tiếng xe máy như phá tan bầu khí tĩnh lặng, tạm kéo tôi khỏi hồi ức của những ngày đã qua…
  • Thất, mày về bao giờ đó? Không thấy báo cáo anh em chiến hữu gì cả? Tôi giật mình, quay lại phía tiếng gọi.
Trước mắt là thằng Nghĩa, thằng bạn nối khố trong nhóm bốn thằng bạn thân, gọi là chiến hữu. Những đứa từng chia sẻ với nhau bao kỉ niệm ngày thơ bé, nhất là những buổi tâm sự những đêm sáng trăng trên mái nhà tôi, bên cạnh là những điếu thuốc hút dở hay mấy chai bia Nada của cái thời chọ chọe mới lớn, cùng những câu chuyện của những cu cậu mới lớn và đang định hình tương lai và tán gái. Nó mới về sau 8-9 năm sống cảnh “Nước ngoài”, “vì khi biết quê ta nghèo, rủ nhau bước đi muôn nẻo, tìm đất khách mong làm giàu mai sau ngẩng đầu…” Nó có lẽ thuộc thành phần may mắn trong số phận tha hương vì “trong lớp thanh niên làng người maу mắn đi vững vàng còn ai trắng taу quaу về”[2]  Nó trở về từ Đài Loan theo dạng xuất khẩu lao động. Nó cũng chắt góp được chút vốn, xây nhà xong rồi mới cưới vợ dịp Giáng Sinh vừa rồi. Có lẽ giờ hai đứa cũng vẫn còn đang say nồng trong tình yêu ấy. Nó vẫn thế, có chăng trắng trẻo và béo hơn, chín chắn hơn nhưng vẫn khuôn mặt vẫn nụ cười và vẫn sự thân thuộc của những thằng bạn dù lâu ngày không gặp nhau…
  • Ừ, tao mới về hồi sáng, người hơi oải chút nên đi dạo, hít thở chút hương đồng gió nội… và để ngẫm chút về cái đời. Tôi trả lời, mỉm cười, lòng dậy một niềm vui.
  • Ui dồi, ông cụ non, học cho lắm vào xong rồi suốt ngày suy với chả tư. Xem sang tao làm tý đê, anh em lâu ngày không có cơ hội ngồi với nhau rồi, để tao thiết kế chút đồ nhậu rồi alo thằng Huỳnh với thằng Dũng nữa, chúng nó về mấy hôm rồi… Nó vẫn cộc cộc cái giọng vậy, nhưng đó là sự chân thành của tình bạn mà tiền không mua được.
  • Ờ, đương nhiên rồi, phải trả nợ hôm cưới mày tao không về được… Tôi ngập ngừng khi chợt nhớ ra… Nhưng chắc để tối đi, trưa tao phải ở nhà ăn cơm với ông bà già, mấy anh chị và mấy đứa cháu…
  • Mất trí luôn, ô-sờ-kê con dê, tối nhá, không say không về mà say thì vẫn phải về… Nó cười ha hả đặc trưng. Ờ đấy, cưới mong mỗi bạn về chút… Nhưng thôi công việc mà, cuộc sống nó thế, mỗi người mỗi bậc… Cảm ơn bạn về món quà cưới thật ý nghĩa nhá! Nói rồi nó chỉ tay vào cô gái phía sau: “Bà xã tao đấy.” Nó nói với vẻ đầy kiêu hãnh và tự hào. Rồi nó chỉ tôi nói giới thiệu: “Đây là thằng bạn nối khố của anh, nó vẫn đang… đi học…” Nó cười!
Cô bé bẽn lẽn chào tôi rồi lại nấp mặt sau lưng nó, tôi khẽ cúi đầu và mỉm cười chào lại…
Cái thằng, sau bao năm vẫn thế, nhưng giờ nó đã có vợ, đã có gia đình, có sự nghiệp và chín chắn hơn nhiều, nhưng cái tình bạn với sự chân thành giữa chúng tôi có lẽ chưa thể phai mờ.
  • Ờ, có gì đâu, tao chả có gì, gọi là có chút mừng bạn, chúc bạn luôn hạnh phúc thôi…
  • Thì tao cũng có cần gì hơn thế đâu, anh em gặp nhau khỏe mạnh vui vẻ là tạ ơn Chúa rồi. Thôi, mày nghỉ ngơi lấy sức tối chiến đấu và tâm sự sau. Giờ vợ chồng tao cũng ra chợ sắm tết chút Tết lo phết…
  • Ok. Chốt đơn nhá!
Tiếng xe máy xa dần, hai vợ chồng trẻ dần khuất xa tầm mắt tôi. Chúng nó đang hạnh phúc và tôi mong hạnh phúc ấy bền vững mãi mãi như các bậc tiền nhân chúng tôi thuở trước, nhất là giữa một thế giới tục hóa mà nền tảng hôn nhân đang bị đe dọa nghiêm trọng và khi có lẽ tụi chúng lại tiếp tục sống cảnh “nước ngoài”…

Trả lại không khí tĩnh lặng với những cơn gió nhẹ và những hạt mưa sương, tiếp tục đưa tôi vào những mảng kí ức bềnh bồng. Tôi tập trung, thả hồn trong từng bước đi để nối kết lại những mảng kí ức rời rạc nơi những con người và của cái thời đã qua ấy… Những bước chân chầm chậm như níu lại những kí ức đang dần phai dấu trong cuộc đời. Một không gian vừa lạ và vừa quen. Trước mắt tôi vẫn là cánh đồng dường như vô tận, ngập nước để chuẩn bị cho vụ mùa mới sau tết. Nhưng dọc cánh đồng, cạnh con đường đê đã từng lầy lội và sình lầy nhão nhoét, giờ là con đường nhựa thẳng băng mà mọc lên thấp thoáng những ngôi nhà trên nền những khoảng ruộng đã từng gắn với tuổi thơ của tôi trong những ngày gặt, những buổi cấy hay những ngày làm cỏ bờ, cuốc ruộng khó nhọc nhưng đáng nhớ. Hiện lên trong tâm trí tôi vô số hình ảnh lúc hỗn độn lúc rõ ràng những con người chất phác, những ông những bà, những cô chú, anh chị đủ lứa tuổi và cả mấy đứa loi nhoi chúng tôi, những con người cả đời hay một thời chỉ biết đến cánh đồng, sống cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Mọi người cùng nhau canh tác, cùng nhau làm lụng, cầy xới, trồng trọt vất vả nhưng cũng đầy tình người nơi xóm giềng, nhất là bầu khí phong phú của một xứ đạo sầm uất nơi những dịp lễ, những câu hát, câu kinh sớm tối… mà giờ đây sự công nghiệp hóa đã phần nào cướp mất bầu khi thân thương đó. Giờ đây, khi ngày càng ít người bám ruộng để sống, nhiều cánh đồng đã được phân lô bán nền và trở thành những công ty, xí nghiệp hay những ngôi nhà của những người xa xứ, sau một thời gian trở về may mắn có chút vốn mua đất xây nhà. Thế nhưng, dù bao đổi thay, như vẫn còn đó bao hình bóng con người, những người đã khuất hay còn sống dù tuổi thanh xuân và ngày xưa ấy đã đi vào dĩ vãng đã, đang và sẽ tiếp tục tác động lên cuộc đời, lên xứ đạo và lên miền quê thân thương này…
Ai cũng nhớ tuổi thơ, ai cũng nhớ ngày xưa. Tôi cũng có tuổi thơ, tôi cũng có ngày xưa[3]. Vẫn còn trong kí ức tôi mồn một hình ảnh những ngày vô tư trên những con đường làng, trên những dòng sông mỗi trưa hè cùng chúng bạn. Vẫn còn đó những kí ức thật dịu mát của những buổi chiều lộng gió nơi những cánh diều vút cao mà tuổi thơ như được chắp cánh những ước mơ, mà hầu hết những ước mơ ấy có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực, khi mà giờ mỗi người mỗi lối đi, mỗi cuộc đời mà có gặp nhau cũng chỉ kể lại cái ngày xưa ấy. Tuổi thơ của chúng tôi có lẽ chỉ vỏn vẹn trong bán kính một cây số. Ngoài những giờ tới trường, cả tuổi thơ chúng tôi chỉ gắn với mái nhà, cái sân, nhất là nhà thờ-ngôi nhà thứ hai, hay nơi các cánh đồng, con sông, ao hồ, sân bãi với bao trò nghịch ngợm hay những sinh hoạt của xứ đạo đã từng ngày dệt lên những trang đẹp nhất và đáng nhớ nhất của chúng tôi… Trên cánh đồng, nhất là vào mùa ải, những trận chiến giữa lớp to lớp bé, làng trên làng dưới, hoặc bên “Lương” bên “Giáo” thật ác liệt nhưng chẳng có chút hận thù hay thương vong nào nào; những mảnh vườn dong, vườn sắn, vườn chuối cũng trở thành những chứng nhân đau khổ của những “cuộc giao tranh” chất chưa đầy niềm vui và kỉ niệm; rồi trên những dòng sông quê, hay hồ nhà xứ, nhất là vào những ngày hè, luôn sôi động và nhộn nhịp những đoàn lũ trẻ con đủ lứa tuổi, chơi đùa, tắm gội, nô nghịch từ nhảy cầu, đóng bè, mò cua bắt cá tới bơi thi và nhiều trò khác nữa; nhưng có lẽ thú vị nhất và đáng nhớ nhất là tại sân nhà thờ hay lớp giáo lý, bên những gốc cây bóng rộng là những tụ điểm của bao lớp học trò và của bao lớp thiếu nhi quy tụ mỗi giờ tan học trước những giờ đi thờ, đi khấn hay đi lễ để cùng nhau chơi những trò chơi đậm chất ngày xưa ấy…

Không những thế, trong tôi vẫn còn như in kí ức về những ngày xưa, thời mà ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, học chưa đủ sâu dù đã qua rồi cái thời bao cấp của thế hệ đi trước. Ngày đó, khi quê nghèo, nhà khó khăn, của ăn của để chưa có, thì đối với chúng tôi những ngày thơ bé, dù thịt cá không còn khan hiếm hay xa xỉ như thời bao cấp, nhưng những món ăn “tầm thường ấy” cũng hiếm khi có trong thực đơn hay được nghiền nát dưới hàm răng và tiêu hóa trong dạ dày rỗng tuếch của chúng tôi. Thay vào đó, những món cao lương mĩ vị của chúng tôi là những quả bàng, những cây hồng quân, những chùm du da, những quả chay, những chùm nhãn hái trộm, những quả ổi chát lè hay mấy cái dái mít, cùng những thứ quả, thứ lá mà giờ có còn cũng thực sự trở thành hàng quý hiếm…

Ngày ấy, chúng tôi chơi với nhau thân lắm, không đứa nào là không biết nhau vì giáo xứ, giáo khu chỉ vỏn vẹn quanh ngôi thánh đường. Những lũy tre, những sân bãi, những gốc cây nhãn, gốc đa, cổ thụ, những ao, hồ nhà xứ và nhất là sân nhà thờ, lớp giáo lý… là những tụ điểm nuôi dưỡng và làm tình bạn chúng tôi lớn lên và khắng khít mỗi ngày. Ngày ấy chúng tôi không chỉ gọi nhau bằng tên, nhưng luôn đính kèm theo tên là biệt danh. Kể cũng lạ đứa nào cũng có biệt danh, đứa thì do đặc điểm nhận dạng trên cơ thể, đứa thì do thể lý thể hình, có đứa thì cái biệt danh chả ăn nhập gì, chỉ là cho nó vần, có đứa không có gì nữa thì gán ngay cho nó tên bố hay tên mẹ cho nó “soang” và tức, nhất là biết được tên mẹ thì lại càng làm cho thành tích vẻ vang. Nào là Huỳnh mũi hàn, Huynh phổng, Hài cốt, Công rác, Dương đoác, Huế ngọng, Thiện Cớn, Mèo hoang, Đào cà chua, Thìn ngoác, Đông điếc, Hữu tồ… Vậy mà chúng tôi cứ vô tư gọi nhau như thế mà chẳng có gì gọi là để bụng hay tức tối, hay có tức thì cũng chỉ trong ngắn hạn rồi lại hòa mình vào trong cái tuổi thơ ấy. Cái tuổi thơ cứ bồng bềnh nhẹ trôi và đưa chúng tôi vào giấc mơ và lớn lên mỗi ngày mà khi ý thức, nó cũng đã qua như một giấc mơ…

Tôi nhớ đến thằng Huynh, gọi là Huynh Phổng vì cái mũi to. Nó hơn tôi hai tuổi nhưng vẫn chơi với nhau vì cùng lứa. Nó học hành thì không có gì đặc sắc nhưng lại lắm tài vặt và nhiều “thủ đoạn”, để rồi dù là đi mò, hay chơi bi, bơi lội, chơi bất cứ môn gì, nó đều là đứa dẫn đầu và giỏi nhất. Tôi vẫn còn nhớ nó được gọi là “rái cá” vì lần nào đi mò nó cũng “đầy vịt” trong khi chúng tôi thì lọ mọ vài ba con cá, con tôm kiểu “baby”… Vậy mà, giờ đây có lẽ nó đã thành Mục Sư rồi. Đó là một câu chuyện buồn vì không tại sao, chả hiểu thế nào mà nó lại bỏ đạo theo Tin Lành, nhưng dù sao đó cũng là tự do của nó và tôi vẫn trân trọng… và hy vọng ngày nào đó, nó sẽ quay về với đức tin Công giáo, đức tin đã nuôi nấng nó và ăn sâu vào cuộc đời nó và tôi…

Tôi cũng nhớ cái thằng mà có lẽ đến thần chết cũng chê nó và ma cũng sợ nó. Thằng Hài cốt, cách nhà tôi cũng phải đến ba cái ao. Nó đen nhánh, nhưng khỏe và rất “hài” như cái tên nó vậy. Nó học có lẽ thuộc dạng “dốt”, nhưng được cái khỏe và trâu bò nên nhà nó cũng được nhờ. Nó có cái sẹo hình bán nguyệt trên má, cùng một chiếc răng sứt do “nghịch ngu”. Theo tương truyền thì nó từng bị “ma nhập” mấy lần, khi đi học giáo lý và bắt chuồn chuồn ở sau vườn thì bị ma kéo, rồi móng tay dài ra mà phải dùng đến nước phép với tỏi nó mới khỏi. Vậy mà nó chả sợ gì, đúng là chỉ ma sợ nó thôi. Nghĩ đến nó, tôi chỉ biết…cười. Nó còn bị điện giật văng từ mái nhà xuống trúng “đống rơm” rồi bị ngã từ cây đa cao cả vài mét xuống đất, vậy mà chẳng xi nhê gì khi thần chết vẫn cứ “chê nó”. Nó vẫn khỏe như trâu, vẫn chăm chỉ và chịu khó và giờ thì yên bề gia thất hạnh phúc bên vợ và hai thằng cu “sinh đôi”.

Đúng là… tuổi thơ của tôi cứ như vậy dần trôi với bao người bạn, bao kiếp người mà mỗi người mỗi cảnh, mà giờ đây mỗi người mỗi phận mỗi công việc mỗi cuộc đời, nhưng vẫn còn chung một đức tin.

Thật vậy, đức tin của chúng tôi lớn lên mỗi ngày nhờ các việc đạo đức bình dân, những hoạt động mỗi ngày làm dày lên cảm thức đức tin và tình yêu của chúng tôi với Thiên Chúa. Các lớp giáo lý, các lớp kinh bổn, ca đoàn, thiếu nhi, dâng hoa, dâng hạt, đi thờ… tất cả dìu bước chúng tôi lớn lên mỗi ngày. Vì ngày ấy chưa có cha nên đức tin của chúng tôi hoàn toàn được nuôi dưỡng và giàu lên nhờ những câu kinh tiếng hát của những giờ đi thờ, đi khấn… Cùng với đó là biết bao trò chơi mà nghĩ lại chỉ biết cười, biết nhớ và kể lại cho nhau những kỉ niệm xoay quanh những trò chơi mà giờ đây ở thế hệ gen Z đã không còn hoặc được số hóa, văn bản hóa trên mạng hay trong sách vở: nào là chơi khăng, ném cóng bò, nhảy dây, chơi chuyền, đá bóng, nào là nấp đập, kéo có, chơi Ù, đuổi tường hoa, đá bóng, bắn chão chuộc, súng tre, pháo vôi, bếp lò bằng gạch, đập chuột, đâm cá,… và vô vàn những trò chơi dù rất đơn sơ nhưng lại làm nên tuổi thơ thật sống động, phong phú giàu sắc màu, cũng như giúp chúng tôi gần nhau và gần Chúa, gần nhà thờ hơn…

 Dù vui vậy, dù hồn nhiên thế nhưng có lẽ cũng vì hồn nhiên vô tư mà ngày xanh trôi nhanh hơn khi xưa ta nghĩ… Để rồi dù chả phải lo chẳng phải nghĩ, chẳng phải cơm áo gạo tiền, chỉ sống với những mộng ước bay bổng, nhưng đứa nào đứa ấy chả ai thích mình trẻ con mãi. Thật lạ là lúc ấy chỉ muốn mau lớn lên, để không ai gọi trẻ con… Thế nhưng, khi thời gian đẩy mỗi đứa vào một bậc sống, một cuộc đời, để rồi khi bao bon chen ưu tư cuộc sống, ta mơ trở về ít phút thôi, tiếc những tháng năm êm đềm. Rồi lại nhớ đến những lúc mới biết trước sau, mấy đứa cuối xóm chơi rất thân, mà mỗi đứa nay một nơi. Chẳng biết nghĩ đến những khi ta cười đùa, có thấy rất vui hay chạnh lòng, vì chỉ còn dĩ vãng… Ngồi buồn tôi hát…Tôi cũng có tuổi thơ, tôi cũng có ngày xưa…[4] (Thoáng thở dài…)

Thời gian cứ lầm lì, cứ vô cảm nhưng lại có sức mạnh phi thường khi đẩy mọi thứ vào quá khứ của nó và biến tất cả trở thành dĩ vãng. Thời gian đưa người ta lớn lên mỗi ngày nhưng lại nhanh chóng đẩy con người vào sự già nua, cằn cỗi và tiễn con người sang phía bên kia bầu trời…Thời gian trôi qua những đứa bé lớn lên, nhưng ai ngăn mái tóc phai màu, ốm đau rồi đi mãi. Phải chăng ai yêu thương bên ta một thời cũng sẽ sang bên kia bầu trời. rồi tìm nơi đâu[5].

Thế nhưng, dù vẫn biết “đời ngắn lắm, đừng ngủ dài,” dẫu vẫn biết sức mạnh của thời gian vẫn âm thầm cuốn và nuốt chửng tất cả, nhưng con người còn hiện hữu là còn phải cố gắng, còn hiện hữu là còn phải gian khó với đời và với người. Thật vậy, với con người, trong đó có tôi thì đường còn dài và còn nhiều hơn chông gai. Rồi thì lặng lẽ những tháng ngày buồn ở lại,  ngày vui dễ lắng… mau phai. Mai về nhìn lại cuộc đời vui ghê… về nhìn lại yêu thương vẫn thế,  giữa cơn đau nặng nề, khốn khó lê thê…[6] Nhưng dù thế nào, dù ra sao, thì sau tất cả,  tình bạn, tình người của chúng tôi vẫn còn và nhất là đức tin của chúng tôi vẫn sắt son và sẽ gặp được Đấng mà chúng tôi hằng tôn thờ phía cuối con đường…
***
Giữa thênh thang của buổi cuối năm, thời khắc quý báu để con cháu quây quây quần và để nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ và để nhớ đến nhau với niềm tri ân. Dù giữa bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng dịp tết đến xuân về vẫn là dịp người người thu xếp và gác lại tất cả để trở về quê, trở về bên cái nôi đã nâng niu và chắp cánh cho cuộc đời bên những người thân yêu nhất, dù họ còn sống hay đã khuất núi… Từng tốp người rủ nhau ra mộ để sửa sang, thắp hương, cắm hoa tươi và để cầu nguyện tưởng nhớ nhớ ông bà tổ tiên, như thể hiện chữ hiếu, một nét đẹp  của người Công giáo nói riêng và người Việt nói chung. Tôi cũng muốn đi thắp nén nhang những ngày đầu năm[7], nhưng trong tay không nhang, chẳng cờ chẳng hoa mà vỏn vẹn nén hương lòng… Từng bước chân đưa tôi gần hơn Thánh địa giáo xứ, nơi bao thế hệ làm nên xứ đạo này đã nằm xuống, tạm gửi thân xác nơi các nấm mồ đơn sơ này chờ ngày Phục sinh. Phấp phới phía trên là cây Thánh giá cùng lá cờ tím đặc trưng của người Công Giáo cùng với hoa, hương như lòng thành kính thảo hiếu của con cháu. Nơi đây là nghĩa trang bao nhiêu người nằm, nơi đây rồi cũng sẽ đến lúc mà những người thân yêu nhất là cha mẹ, anh chị của tôi an nghỉ và chính tôi một ngày kia cũng phải gửi tấm thân nơi an bình này. Nghĩa địa giáo xứ luôn là nơi gắn bó và làm nên một mảnh ghép trong kí ức tôi. Những con người đã từng đến và đi trong cuộc đời, mà giờ đây chỉ còn là một nấm mồ, nơi niềm tin vào sự Phục sinh và niềm hy vọng vào ngày cánh chung vẫn tiếp tục.

Trước mắt tôi là tấm bia của một người mà kí ức của bao lứa thiếu nhi – Ông quản Giang. Hình ảnh một ông quản nghiêm khắc như tràn về cái thời mà bao lớp trẻ cùng đi thờ, cùng đọc kinh cùng dự lễ mà phía sau luôn phải để ý chiếc roi thật dài của ông. Thế mà, nhờ chiếc roi ấy, nhờ những sự nghiêm khắc và nhất là lòng đạo đức bình dân đơn sơ nhưng không thiếu sâu sắc ấy, mà đức tin của chúng tôi lớn lên mỗi ngày, để rồi thay vào những tâm tình bực tức hay sợ hãi, là sự biết ơn. Ông quản đã mất khi tôi còn đang học trung học, sau một thời gian chống trả cơn bệnh ung thư. Giờ đây, nơi Thiên Chúa, có lẽ ông cũng mãn nguyện mỉm cười khi một người con đã dâng mình cho Chúa.

Dù nơi đây, bên cạnh ông quản, những tấm bia của bao người dù có thể đã cũ, nhưng những kí ức đẹp về một thời đầy kí ức của giáo xứ vẫn như mới nguyên và tràn về để rồi nhờ đó, đức tin và tâm tình đạo đức lớn lên mỗi ngày nhờ những câu kinh những lớp giáo lý đã làm nên cả bầu khí đạo đức của một xứ đạo thân thương mà hình bóng các sơ, các ông trùm bà quản vẫn hằn lên trái tim và kí ức mỗi người chúng tôi…

Xa xa là một nấm mộ như đã hoen mờ cái tên, phong rêu và đã bạc màu. Đó là mộ bà cụ Tha. Cụ là một người mà từ thời có lẽ mới có trí khôn tôi được biết đến dù tôi không biết quá khứ của cụ vì cụ đã quá già khi biết đến cụ. Nhưng dù chẳng biết nhiều về cuộc đời và con người cụ, chỉ biết khi tôi còn rất nhỏ, hình ảnh và những câu chuyện về cụ đã vang vọng trong kí ức của tôi mà thời đó có cả nỗi sợ cụ nữa... Một bà cụ không biết có gắn bó cả đời với nhà xứ không, nhưng đã đi hết chặng đường trần gian trong thinh lặng và chút cô liêu, nơi mái nhà nhỏ bé, lụp xụp trong khuôn viên nhà xứ, thời chưa có cha xứ và giáo xứ còn rất nghèo. Nhưng tôi tin cả đời, tài sản quá giá nhất của cụ là Chúa mà giờ đây cụ đang hạnh phúc hưởng kiến dung nhan Ngài. Giờ đây, nơi Thánh địa này, cụ có lẽ đã không còn cô đơn khi bên cạnh cụ là những cụ ông, cụ bà cùng thời hay sau đó ít lâu mà có lẽ cụ đã từng sống cùng và thân thiết: Cụ Bất, cụ Sỡi, cụ Thuận, Ông Chẩn, ông Tăng… Các cụ đã hoàn tất con đường nơi dương và đã an nghỉ trong Chúa với niềm tin vào sự bất tử và sự sống muôn đời trong Đức Ki-tô. Giờ đây, tôi tin các cụ đang bầu bạn với nhau trên Thiên Đàng, đang dõi theo và chuyển cầu cho hậu thế, trong đó có tôi.

Thánh địa cũng là nơi mà ai mỏi bước chân tìm về nương náu, nhẹ gối đầu, ngừng nỗi đau…
Tôi đi qua tấm bia không in hình dung, không in có lẽ không phải vì không in nhưng đã phai mờ. Trước mắt những cái tên xa xôi lạ lùng, những con người mà tôi chưa từng quen, chưa từng gặp và không có một mảng kí ức nào. Thế nhưng, tất cả những tâm hồn, những con người ấy vẫn và đã cùng nhau làm nên cuôc đời này, lịch sử này và nhất là gầy dựng nên xóm đạo và giáo xứ này để lưu truyền đức tin và Tin Mừng cho hậu thế bằng sự âm thầm và một đức tin mãnh liệt. Cuộc đời là thế, sinh ra hay chết đi giờ như dĩ vãng, người ghé ngang, rồi biến tan. Vẫn còn trong kí ức tôi những bà lão không tên xa rồi, những người cũ như cơn gió trôi. Để rồi hồi ức nơi tôi như đong đầy những ấm áp chưa vơi. Cuộc đời tôi sẽ vẫn tiếp hành trình và tiếp tục xoay vần theo thời gian. Cuộc đời tôi sẽ vẫn tiếp tục được dệt lên giữa mênh mang bao điều chưa biết tới. Với lòng biết ơn và sự tưởng nhớ, người hãy cho tôi cúi đầu nghe dẫn lối. Ngày sau lúc tôi như là một cơn gió bay thoáng qua. Đời nhắc hay quên người lạ vội vã…

Mỗi nấm mồ là một cuộc đời, một câu chuyện dài mang tên một người đã đến và đã đi trong cuộc đời. Có những cuộc đời góp phần dệt lên kí ức trong tôi cũng như phong phú hóa cuộc đời tôi, nhưng có những cuộc đời đã đến và đi trước hay sau khi tôi hiện hữu, mà tất cả những gì về họ mãi chỉ là dĩ vãng và lãng quên trong cuộc đời này, nhưng sẽ mãi còn trong một mình Thiên chúa mà thôi…

Tiếp tục nhẹ bước tới khu mộ của dòng tộc, nơi ông bà, bác, chị và các cháu tôi đang an nghỉ, tôi hướng tầm mắt để thả hồn vào khung cảnh xung quanh. Một không gian yên bình và thanh thản như khiến tâm hồn vốn chộn rộn của tôi như nhẹ lại… Bên kia những đám cây bé như mầm tươi, sau bao năm vút cao lớn che mặt trời, nhăn nheo quanh khóe môi thanh xuân đâu nữa. Tuổi hết thơ, đời hết mơ. Sẽ đi qua bao buồn vui kiếp sống, hạnh phúc đau thương không còn nhiều trông mong, người tay bế tôi xa rồi, hình bóng khuất sau đá núi, hằn in trí khôn nụ cười và những tiếng nói xa khơi. Dù là ai, rồi tất cả mọi người đều sẽ băng qua con đường chia thế giới, mọi dấu chân xưa phai mờ trên khắp lối… và tất cả sẽ trở thành dĩ vãng và một kí ức của thời đã qua.

Tạ ơn phút giây tương phùng, người xưa khiến tôi nhớ nhung… Sau tất cả, mỗi người phải tạ ơn, tạ ơn người đã qua hay vẫn còn hiện diện và ở bên chúng ta và cùng hẹn nhau lúc trái đất ngưng tận cùng. Thật là một khoảng khắc thiêng liêng khi tôi đứng đây, giữa thênh thang, trong hồi ức và trong sự tĩnh tại để nhớ, để thương và nhất là để cầu nguyện cho mọi người đã khuất mà trong đó có bao người thân yêu đã làm nên cuộc đời tôi. Đây cũng là khoảng khắc tuyệt vời để nhìn lại chính mình, nhìn lại tôi như lá cây trên cành, từ chồi non dần xanh rồi khô héo… Cuộc đời thấm thoát trôi để rồi đẩy con người ta vào thời gian, nhưng cũng nhanh chóng kéo con người khỏi vòng xoáy thời gian… Định mệnh cho đôi khi ta lưu nơi tim nhau, hay có khi bâng quơ không vết dấu. Hãy ở đây gần tôi một đoạn đường, rồi mỉm cười chào nhau khi khác hướng, yêu thương nhé trước khi vô hình trước gương…

Gió xuân sang lay nhẹ bay mái tóc, và nắng trên vai ai buồn ai đứng khó. Dịu đi nỗi đau trong lòng, rồi biết đâu ai ngoái trông. Hồi ức nay mai chỉ còn lại mỗi quá khứ hư không. Những cơn gió như mạnh hơn tiếp tục làm cờ bay phấp phới. Cơn mưa như thêm nặng hạt như đang hòa với tôi trong hồi ức về những ngày và những người đã đến và qua trong cuộc đời…
  • Chú Thất, sao chú còn đứng đây! Về ăn cơm, qua trưa rồi… Tiếng gọi khiến tôi giật mình và trở về với thực tại.
  • Vâng, em về luôn đấy ạ, em đi ra thăm các cụ chút. Tôi gãi đầu, hơi ấp úng khi thấy anh trai thứ ba của tôi xuất hiện. Những người anh người chị cũng là một phần trong hồi ức cuộc đời tôi mà mỗi khi nghĩ về tôi lại thấy dậy trong mình bao nỗi nhớ. Dù rằng giờ đây mỗi anh mỗi chị đã yên bề và có cho mình một cuộc sống riêng, dù vất vả nhưng vẫn vững một niềm tin…
  • Ừ, mọi người đang chờ chú đấy, về ngay nhé! Anh nói rồi ra về, bên tay anh là đứa chắt lên bốn đang chập chững, con thằng cháu đít tôn của tôi. Ôi bao con người, bao tâm hồn đã đang và sẽ đến và đi để làm nên cuộc đời này… Tôi cũng đã bắt đầu bước sang phía nửa bên kia của cuộc đời.
  • Vâng… Tôi nói rồi quay lại trầm lắng đôi chút như gửi lời chào đến mọi người nơi thánh địa này cũng như tạm xa những hồi ức đẹp về một thời đã qua…
Tôi quay bước trở về với thực tại, với cuộc đời mà tôi đang tiếp bước với những con người mà tôi đang sống cùng. Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi, trái đất chuẩn bị một vòng quay mới và cuộc đời vẫn tiếp tục vần xoay…

[1] Cf. https://www.youtube.com/watch?v=wUI6IMdxyHA Dòng thời gian, Nguyễn Hải Phong, Ca sĩPhan Đinh Tùng
[2] Cf. https://zingmp3.vn/bai-hat/Nuoc-Ngoai-Phan-Manh-Quynh/ZW6E6EUO.html
[3] Cf. https://zingmp3.vn/bai-hat/Ai-Cung-Co-Ngay-Xua-Phan-Manh-Quynh/ZW6Z9WCD.html
[4] Cf. ibid.
[5] Cf. ibid.
[6] Cf. https://zingmp3.vn/album/Phan-Dinh-Tung-10-Phan-Dinh-Tung/6BWD0EUF.html
[7] Từ đoạn này, người viết dùng những câu hát trong bài Hồi Ức của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh
Cf. https://zingmp3.vn/album/Album-Sing-My-Song-season-1-Team-Nguyen-Hai-Phong-Bui-Cong-Nam-Phan-Manh-Quynh-Vicky-Nhung-Ung-Dai-Ve-GREY-D-TDK-Hong-Ngoc/ZOA8FO8A.html

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay30,267
  • Tháng hiện tại486,284
  • Tổng lượt truy cập77,280,532
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây