Truyện: Tôi và bà!
Thứ tư - 26/04/2023 04:59
784
Nắng nhạt dần. Ngày dần khép lại. Gió hiu hiu thổi… Mọi người lục tục ra về, bóng dần khuất sau rặng tre hiếm hoi của thời bê tông hóa… Một khoảng trời mênh mông mở ra, lạnh lẽo, đơn côi… Tôi quay trước ngó sau để biết chắc chẳng còn ai, ngoại trừ những người hàng xóm vô cùng lịch sự, vô cùng kín tiếng của bà đang lặng lẽ nhìn tôi, nhìn bà… Tôi ngồi đây, bên cạnh bà, à không bên trên bà chứ nhỉ… Cũng như ngày đầu tiên cách đây hơn năm mười năm, nhưng nếu hôm đó là ngày đầu tiên tôi với bà trở thành người một nhà, thì hôm nay là ngày đầu tiên mà bà bỏ tôi đi theo “người khác”… Bà còn nhớ cái ngày đó, cái ngày thoáng cái đã hơn năm mươi năm? Tôi tin với một kẻ “nhớ dai” như bà thì chắc là nhớ... Cái ngày đó, ngày mà mà hai bên gia đình cùng bạn bè thân thích xa gần cũng lần lượt nói lời chia tay để ra về, sau một ngày vất vả mới dẫn được bà về với tôi. Tôi vẫn còn nhớ… khi ấy, những giọt nước mắt nũng nịu của một cô thiếu nữ vẫn còn đó nét ngây thơ đỏng đảnh của tuổi mới lớn lăn dài trên má trong buổi tối đầu tiên phải xa mẹ, xa em... và gần người mà bà sẽ mãi gọi là chồng hay “ông nhà tôi”. Chắc lúc đó bà cũng như tôi, dù đã chính thức thành vợ chồng, nhưng ở cái thời mà học không đến nơi, hiểu không đến chốn ấy thì hai đứa cũng mới chỉ lờ mờ về chuyện vợ chồng, nên chưa hiểu hết chuyện gì đang xảy ra, dù nhà hai đứa và hai đứa chẳng lạ lẫm, chỉ cách nhau có một con sông… Thế nhưng khác với cái ngày đó, cái đêm đó, cái buổi tối mà hai đứa ngồi bên cạnh nhau trên chiếc giường tân hôn chẳng giống ai của một thời ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm ấy, để rồi tìm hiểu nhau và nên một với nhau… Bây giờ tôi cũng ngồi cạnh bà, nhưng giờ này, bà đang nằm sâu dưới ba tấc đất, bình yên đi về với Đấng mà bà với tôi đã suốt đời tin tưởng và tín thác, để lại mình tôi ngôi đây, trên thế gian này…
Kể cũng lạ bà nhỉ! Thiên Chúa kì diệu thật đấy, Ngài tạo ra con người trong đó có bà và tôi, để rồi Ngài phú bẩm cho con người mọi thời những khả năng tự nhiên học được và làm được những cái chẳng cần dạy cũng thành kĩ năng... trong khi có những thứ tưởng chừng không khó thì lại khó không tưởng mà con người phải bất lực và đầu hàng. Đấy, cái chuyện sinh con đẻ cái, có ai dạy đâu, có biết cũng chỉ nói vậy chứ ai có biết nó ra làm sao như cái thời bấy giờ, cứ lấy nhau vậy rồi “chả biết làm sao” cứ tự tìm đến nhau, cũng lễ cưới, cũng đón dâu, cũng đám cưới đàng hoàng mà có biết gì mấy đến chuyện đẻ đái nó như thế nào, rồi chuyện vợ chồng nó ra làm sao cho đến ngày về một nhà. Vậy mà về với nhau rồi, thì ngay sau cái đêm tân hôn ấy, mà cũng chẳng nhớ rõ làm sao và bằng cách nào mà hơn chín tháng sau, cái thằng cả nó ra đời vậy thôi, rồi cứ vậy lần lượt từng đứa một được bà mang nặng đẻ đau rồi cho nó được làm người vậy… Đúng là…kì diều thay con người và kì vĩ thay Tạo Hóa…
Ủa… họ về hết rồi bà ạ, còn mỗi tôi ở lại với bà thôi, chắc giờ bà chẳng còn đau đớn cũng chẳng còn sợ hãi nữa nhỉ? Tôi ngồi lại với bà, để lần đầu tiên sau rất nhiều năm tôi nói, tôi khen, tôi chê hay nói dóc, nói xấu bà mà bà không “cãi” câu nào… Hời, cái bà này, cái tính của bà có chịu thua tôi bao giờ, dù đúng dù sai, lần nào tôi nói bà cũng phải góp vài câu cãi cho nó… gọi là vui cửa vui nhà mà chẳ cần biết đúng sai hay “ất giáp gì”... Ấy vậy mà có lẽ cũng nhờ “cái cãi ấy”, cái tính lèm bèm ấy mà bà với tôi ngày càng thắm thiết và hiểu nhau hơn, thương nhau hơn để rồi sau bao thăng trầm, những đứa con lần lượt ra đời, lớn lên và cất cánh bay xa, bà với tôi vẫn là một, dù tôi biết bà phải chịu đựng tôi, chịu đựng cái gia đình này rất nhiều…, nhưng bà phải biết tôi cũng phải chịu đựng bà nhiều lắm đó nha…
Cái bà này, bà tốt tính thật nhưng chao ôi, sao mà tôi khó chịu mỗi khi bà kêu ca phàn nàn về đủ sự, về cái đời, nhất là khi bà quát tháo, đánh đòn mấy đứa nhỏ khi nó nghịch ngợm hay trái ý bà. Nhưng có lẽ khó chịu nhất, nhưng cũng thương bà nhất, là khi nghe những tiếng rên rỉ, ỉ ôi lúc bà đau ốm hay bệnh tật… Đã bảo là kiêng cữ đi không sau này hối hận, vậy mà bà đâu có chịu nghe, vốn tính tham làm, tất cả vì miếng cơm manh áo và vì con vì cái nên có kiêng khem gì đâu, sức gái mà vừa mới đẻ cái thằng cả, thằng hai… khi chúng nó còn đỏ hỏn, bà đã dám bỏ nó trên chiếc võng lẽo đẽo theo tôi lao ra đồng mà cấy mà gặt, mà cuốc mà xới… như chưa hề có chuyện gì xảy ra.. Đấy, bà hối hận chưa, không chịu kiêng rồi đến lúc có tuổi bệnh tật nó cứ viếng thăm hoài à, để rồi lại kêu ca rên rỉ mà nhiều khi tôi và cả nhà thấy sốt hết cả ruột thậm chí bực hết cả mình, dù thật lòng tôi vẫn…rất thương bà… Nhưng đến tuổi này rồi, tình tứ gì nữa, mình đâu còn đôi mươi mà tôi phải nựng bà như cái thời mà vẫn còn giận thì giận mà thương thì thương ấy… Nghe bà đau đớn, lòng tôi cũng xót xa lắm chứ, thương lắm chứ nhưng biết làm sao được bây giờ, chỉ biết cầu xin Chúa cất đi những đau đớn của bà, rồi động viên thậm chí nặng lời bảo bà đón nhận những đau đớn ấy như điều tất yếu của kiếp người thôi…
Cái đời này lạ thật bà nhỉ? Con người ta cứ sinh ra, lớn lên, gặp nhau, cho bằng được rồi lại phải chấp nhận già đi, bệnh đi chẳng hãm được, để rồi như ngày hôm nay lại phải đầu hàng trước cái quy luật tất yếu của phận người và phải chia ly cho tới ngày gặp lại nhau trên Thiên Đàng, nơi mà bà và tôi đã sống để tin và tin để sống cũng như xác tín vào lời Đấng Toàn Năng mà chúng ta tôn thờ. Ôi nhớ lại cái thời bà với tôi còn phải chạy vạy khắp nơi để lo miếng cơm từng ngày ấy, có kể nghề gì đâu, đồng áng đã vậy, lại còn đủ thứ nghề, tôi thì xẻ cưa, đóng mộc… rồi đủ thứ. Còn bà thì có kém đâu đi buôn nọ, buôn kia... mà tôi nghĩ lại thấy nể cái bà này, người thì có cao hơn ai đâu, mấy mặt con mà cứ leo cây hái nhãn đi buôn như khỉ vậy. Nhưng rồi tôi mới thấy là bà với tôi cũng vì cái gia đình này, vì mấy thằng nhóc với cô công chúa cứ lần lượt ra đời, lớn lên, ăn học rồi lại dựng vợ gả chồng, đủ thứ trên đời phải lo và đè lên hai vai bà và tôi… Nghĩ lại mà thấy hay thật, chả ra làm sao, giờ chúng nó chẳng chịu đẻ đái gì, mà nhiều khi thấy tụi trẻ tội nghiệp, vất vả quanh năm suốt tháng mà cũng chẳng giàu hơn ta, chẳng hạnh phúc, vui vẻ hơn ta, nhất là đến già mà chả có mụn con nào phụng dưỡng vì thấy có đứa muốn đẻ có đẻ được đâu… Đời lạ vậy… Thôi không dông dài tào lao chuyện thiên hạ nữa…
Mà đấy, nghĩ lại tôi thấy… kể ra bà với tôi cũng giỏi thu xếp rồi vun vén thật... Cái thời ấy, đất đai có đắt đỏ hiếm hoi như bây giờ đâu, nhưng cũng mấy nhà lo cho mỗi đứa con mình một mảnh để sau này có chỗ mà cắm dùi. Vậy mà cái bà này, tôi vẫn nể cái khoản lo xa của bà, đúng là gái cả vất vả từ nhỏ nên quen rồi, tháo vát lắm… Tôi thấy thương bà, tội nghiệp cho bà vì bà không được đi học, không được biết đến cái chữ, chứ không thì bà cũng thuộc dạng đầu óc lắm. Không biết chữ mà đi buôn đi bán thì bà tính có chậm hơn ai đâu. Hơn nữa, tôi chịu bà cái khoản thu xếp, đổi chác cho hàng xóm, rồi người nọ người kia bơ gạo, thùng thóc, để rồi bên cạnh mảnh đất bố mẹ để lại cho, tôi với bà cũng thu xếp cho bảy tám đứa con, mỗi đứa một mảnh đất để bây giờ thằng nào đứa đó có cho mình một ngôi nhà, một mảnh vườn mà chui ra chui vào. Cái đó giờ lũ trẻ phải chịu thua mình… Ngẫm mà cũng thấy tự hào đấy bà nhỉ? …
Bà chắc cũng còn nhớ ngày tôi phải đi quân đội ấy, bà khóc hết nước mắt ngày. Một thân một mình, cùng với lũ con nheo nhóc, bà cáng đáng cái gia đình ấy trong nỗi nhớ nhung mòn mỏi chờ ngày tôi trở về. Chắc lúc đó bà vất vả lắm, năm, sáu cái miệng ăn, một mình bà phải lo lắng bon chen chuyện đồng áng, chuyện gia đình hai bên để rồi cái ngày tôi trở về thập tử nhất sinh vì cơn sốt rét rừng, bà cũng khóc đâu còn giọt nước mắt nào… nghĩ tôi càng thấy thương bà hơn. Có lẽ những khoảng thời gian ấy, chỉ có sức mạnh của Chúa và niềm tin dù đơn sơ nhưng sắt son của bà, cùng với niềm tin nơi cộng đoàn giáo xứ và gia đình mới giúp bà kiên cường vượt qua tất cả vì tôi và vì cái nhà này... Tạ ơn Chúa…
Cuộc sống cứ vậy trôi, nghĩ lại mà đủ thứ chuyện nhưng chắc chắn chỉ có Chúa mới có thể giúp bà với tôi có thể lèo lái cái gia đình này đi qua hết ngày này tháng nọ, hết biến cố này đến sự cố kia, đủ thăng trầm vui buồn sướng khổ của cuộc đời… Bà và tôi đã vui mừng khôn siết khi từng đứa con ra đời trong sự bình an, trong bàn tay nâng niu trìu mến. Nhưng lại phải đau đớn khôn tả khi chứng kiến đứa con gái yêu dấu của mình chết đuối, bà ôm chặt đứa con gái nhỏ nhắn đáng yêu của chúng ta mà gào khóc như chính bà cũng cùng chết với nó vậy; hay nỗi dằn vặt đau khổ khi đứng trước lựa chọn bỏ hay không bỏ thằng út…Thật khó để cảm được nỗi đau ấy... Rồi tôi cũng biết bà phải chịu đựng rất nhiều để cùng tôi trải qua rất nhiều những niềm vui, sướng khổ, buồn phiền vì đủ thứ chuyện trong cuộc đời này... Niềm vui, niềm hạnh phúc khi bà vui mừng đón từng đứa con dâu khi những đứa con trai khôn lớn và tìm được cho mình ý chung nhân cũng như lần lượt những đứa cháu đáng yêu ra đời. Nhưng với bà có lẽ không thể quên những giọt nước mắt khi đứa con gái duy nhất rời xa bà và tôi để nên một với chồng nó, người mà nó yêu... Đời là thế và vẫn mãi như vậy… chẳng ai tránh khỏi quy luật ấy của cuộc đời và của Tạo Hóa…
Thời gian trôi đúng nhịp nhưng nhanh vậy đấy, mái tóc của bà với tôi thi nhau đổi màu, những căn bệnh và những quy luật của tuổi tác cứ ngày càng ghì đôi vai, làm mỏi đôi chân của bà và tôi cũng như đẩy bà với tôi ngày càng về sau bức rèm sân khâu cuộc đời… Vậy đấy, con thì đông nhưng rồi một quy luật tất yếu là về già cũng chỉ còn lại bà và tôi trong căn nhà mà thôi. Cũng may còn có tiếng ríu rít của mấy đứa cháu tuy nghịch ngợm nhưng vui cửa vui nhà giúp bà với tôi phần nào khỏa lấp nỗi cô đơn và được an ủi tuổi già cùng những đứa con cũng loanh quanh gần mình thôi… Thế nhưng rồi thời gian xóa nhòa và đẩy con người ta về với cái ngày phải ra đi, phải lên đường theo tiếng gọi của Chúa, Đấng mà trong niềm tin tôi bà hay tất cả mọi người đang đi về… Giờ này chắc chắn bà đã thấy Ngài rồi, bà đi trước và tôi một ngày chắc không xa sẽ đến với bà… Đời là thế, phận người là vậy… có sinh tất có tử, có ra đi đến cuộc đời ắt hẳn có ngày trở về với Chúa, Suối Nguồn sự sống…
Tôi biết, cái tính của bà thì có yên tâm bao giờ, bà phiền muộn vì con vì cái cho đến lúc chết mà... Bà phiền lòng lắm với và không yên với mấy đứa con dù mấy đứa đã thành ông nội bà ngoại rồi, nhưng vẫn khổ cái nỗi sao mà chúng nó thay tính đổi nết nhanh quá, bé thì hiền như cục đất mà sao càng lớn lại càng…lắm sự ra… Chắc có lẽ cũng một phần do cách giáo dục của bà và tôi chưa đúng nên bị phản đòn chăng? Thôi thì chỉ biết phó thác và hy vọng cuộc đời và số phận chúng nó đỡ khổ hơn mình… Tôi biết bà lo cho thằng cả, cái thằng nó chỉ biết cách làm bố mẹ nó phải lo lắng, rượu cho lắm vào rồi làm khổ vợ khổ con, nhưng nó cũng vẫn còn lương tâm, cũng đỡ rồi, bà đi thì nhớ đến nó rồi xin với Đấng mà bà đã gặp che chở nó… Niềm tự hào của bà có lẽ đặt trọn nơi thằng út…Tôi thấy nó cái số nó cũng vất vả như bà với tôi vậy, chẳng biết rồi sẽ ra sao, chỉ biết cậy trông và phó thác cho lòng thương xót và tình yêu của Chúa thôi...
Thôi ngồi lại với bà chút vậy thôi, mấy đứa ra tìm rồi kìa, mấy cái thằng, trốn mãi, le mãi mới ngồi lại với bà được chút… Nhưng thôi vậy là chúng nó vẫn còn thương mình bà ạ! Tôi gọi nó ra chào bà mà về, để bà làm quen với những người hàng xóm mới nhé. Mà chẳng mới đâu, toàn người quen, toàn những người đã từng lăn lộn cái đời này với mình vậy. Tôi không sợ bà cô đơn đâu, vì cô đơn gì nữa khi được gặp và diện kiến Thánh Nhan, chỉ có tôi mới thấy trống vắng đây… nhưng sẽ quen thôi… Tôi hứa vẫn đọc kinh cho bà hằng ngày và đến khi nào tôi cũng nhắm mắt xuôi tay mà về với Ngài…
Thôi bà ở lại, tôi về đây, về với căn nhà quen thuộc của chúng ta để từ nay còn mỗi mình tôi trên đời này thôi. Nghĩ đến đây mà sao tôi không ngăn được nước mắt và như không muốn trở về nhỉ… Lạ thật, cái đời này… Trời trở gió…