Đã hai năm xa nhà, kể từ ngày Hoàng về quê giỗ mãn tang cho ba. Cũng từ ngày ấy, Hoàng được bề trên sai đến phục vụ tại một giáo điểm truyền giáo, miền núi Tây Bắc. Ngày ba mất, Hoàng mới gia nhập Dòng Anh em hèn mọn được ít tháng. Đầu tháng 6 năm nay, Hoàng đã khoác trên mình tấm áo dòng Phanxico khó khăn. Ngày lãnh nhận tu phục, Hoàng rất nhớ ba mẹ. Vì đại dịch Covid 19, nên gia đình, người thân không ai vào dự lễ khấn được. Hoàng nhớ những kỷ niệm về tuổi thơ, những ký ức ắp đầy tình thương của ba mẹ. Là con một nên Hoàng được ba mẹ yêu thương hết lòng. Ba mẹ tạo mọi điều kiện để Hoàng có thể phát triển toàn diện. Hoàng rất cảm kích về sự quảng đại của ba mẹ, khi anh ngỏ ý muốn dâng mình cho Chúa. Ba mẹ không ngăn cản, nhưng tôn trọng quyết định tự do của Hoàng. Nhưng ba vẫn mong Hoàng suy nghĩ thật chín chắn trước khi bước vào đời tu.
Hoàng không thể ngờ rằng ba lại đột ngột ra đi như thế. Cơn bạo bệnh ập đến với ba, gia đình không kịp chuẩn bị tâm lý để đón nhận. Hai mẹ con Hoàng đã cố gắng chạy thầy chạy thuốc để cứu vãn tình thế. Tuy nhiên, mọi sự vượt quá tầm kiểm soát, Hoàng chỉ biết phó dâng ba trong sự quan phòng của Tình Yêu Thiên Chúa.
Hoàng gia nhập lớp ứng sinh của nhà dòng được ba tháng thì nghe tin ba ở quê nhà bị căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Hoàng xin bề trên về để phụng dưỡng ba những ngày cuối đời. Ngày nào Hoàng cũng bên giường bệnh của ba, cùng với mẹ, Hoàng hết lòng phục vụ ba, dẫu biết rằng sự sống đối với ba giờ này chỉ là một phép màu. Ba bị ung thư giai đoạn cuối, những ngày cuối đời ba chẳng thể nói được. Ba chỉ nhìn hai mẹ con bằng ánh mắt mệt mỏi, hơi thở dồn dập, cơ thể dốc dác. Khóe mi ba ứa tràn những dòng lệ, có lẽ ba vẫn thấy, vẫn cảm được tình yêu của hai mẹ con, nhưng chẳng thể diễn tả thành lời. Ba ý thức được thời gian vắn vỏi ở bên gia đình đang trôi qua mà không thể níu kéo.
Năm năm trước, vào chiều thứ Bảy đầu tháng Mười Một ba đã vâng theo tiếng gọi của trời cao. Ba đã mãi mãi về bên Chúa để lại nỗi nhớ thương vô hạn của mẹ góa con côi. Hoàng trải qua một thời gian thật khó khăn trước sự ra đi của ba. Anh đã phân vân có nên tiếp tục vào nhà dòng nữa không. Cuối cùng, anh vẫn giữ một lòng kiên định, dấn thân cho chọn lựa đời Dâng hiến. Ba mất rồi, Hoàng rất thương mẹ. Nhưng tình thương và lòng quảng đại của mẹ thì lớn hơn cả. Mẹ không bận lòng với quyết định của Hoàng, mẹ còn động viên, khích lệ Hoàng vững tin và theo Chúa đến cùng. Hoàng đã khóc, vì anh nghĩ ngày mai ra đi thì mẹ chỉ có một mình ở nhà, cô đơn, quạnh hiu. Rồi trái gió, trở trời, mẹ sẽ cậy dựa vào ai? Nghĩ tới đó, Hoàng quặn đau, Hoàng khóc rất nhiều trước khi chào mẹ để về với nhà dòng.
*****
Lễ các Thánh năm nay, Hoàng được bề trên cho về quê nghỉ phép ít ngày. Hơn năm tiếng đồng hồ ngồi trên xe khách từ Yên Bái về quê. Xe khách đi đường đèo quanh co, Hoàng thấy khá mệt. Chuyến xe hôm nay lại rất đông bà con về quê dự đại lễ, cộng thêm hàng hóa ký gửi làm cho bầu khí trên xe ngột ngạt, khó thở.
Xe về tới đầu làng cũng gần 12 giờ trưa. Hoàng đi bộ, một quãng từ đầu làng về nhà không xa. Nhưng anh rất nhớ cảm giác được đi trên con đường làng thân quen, gió thu se lạnh, phảng phất mùi hương của lúa chín. Anh cảm thấy yêu quê hướng đến lạ. Tới nhà, anh ngó nhà trên nhà dưới không thấy mẹ đâu. Để ba-lô trên chiếc giường của ba. Anh thắp nén nhang và thầm thĩ đọc kinh cho ba. “Con về rồi ba!”. Khóe mắt anh bỗng cay cay. Nhìn tấm di ảnh của ba, anh thấy dâng trào nỗi nhớ ba. Ba vẫn an bình và nở nụ cười thật hiền từ. Hoàng tin ba vẫn hằng dõi theo anh từng bước đường trên đường dâng hiến.
Người trong họ đạo vẫn gọi ba bằng một biệt danh rất thân thương: “Ông Ba chuông”. Vì ba Hoàng từ hồi nhỏ đã theo ông nội kéo chuông nhà thờ, mở cửa, thắp đèn cho nhà Chúa. Sau khi nội qua đời, ba Hoàng vẫn cần mẫn kéo chuông mỗi ngày. Có lẽ vì thế, mà Hoàng được ba tập cho rất nhiều kinh văn giáo lý. Đặc biệt, ba Hoàng luôn mong muốn sẽ có ngày Chúa gieo vào gia đình mình một ơn gọi sống đời Dâng Hiến. Và đáp lại niềm khát mong ấy, Chúa đã nhậm lời khấn xin mà kêu gọi Hoàng đi tu.
Tiếng xe đạp lạch cạch đầu ngõ. Hoàng thấy mẹ dắt chiếc xe đạp về. Chiếc xe ấy, ba đã mua cho Hoàng khi anh đỗ cấp ba. Thấy mẹ về, anh mừng quýnh như ngày còn nhỏ thấy mẹ về chợ, nhưng Hoàng vẫn muốn tạo cho mẹ sự bất ngờ. Anh đợi mẹ dựng xe đạp, rồi mới từ trong nhà chạy ra ôm chầm lấy mẹ. Hơn ba mươi tuổi, nhưng mỗi lần về bên mẹ, Hoàng vẫn như đứa con nít, quấn quýt lấy mẹ. Mẹ Hoàng thấy con về cũng mừng, nhưng cũng lo vì mẹ chưa hiểu được lý do bề trên lại cho Hoàng về dịp này.
- Sao bề trên lại cho con về? Mẹ Hoàng hỏi
- Dạ, bề trên thấy con nhớ nhà quá nên cho về.
- Đã đi tu rồi con nhớ nhà, sao mà tu được ông thầ? Mẹ Hoàng mắng yêu.
- Thưa mẹ. sự thật là bề trên tạo điều kiện để con về thăm mẹ, rồi thắp hương và cầu nguyện cho ba.
- Tạ ơn Chúa. Bề trên của con tâm lý quá. Mẹ Hoàng giọng phấn khởi
Cũng khá lâu Hoàng không về nhà, mẹ anh cũng nhớ anh khôn nguôi, nhưng bà cũng làm ra như rất bình thường vì sợ ảnh hưởng đến việc đi tu của con.
- Con đói lắm rồi mẹ. Hoàng nũng nịu.
- Vậy con tắm rửa đi. Rồi đợi mẹ một thoáng. Mẹ nấu xong ngay thôi.
Hoàng thắc mắc:
- Con tưởng mẹ đi ăn đám ở đâu giờ mới về. Hóa ra mẹ cũng chưa ăn gì sao? Cũng hơn 12h rồi mà mẹ.
- Ah! Mẹ sang nhà chú Long. Mẹ cùng với các bà trong nhóm Legio Mariae vẫn thường sang nhà chú để động viên và đọc kinh cho Trang.
Hoàng ngạc nhiên:
- Trang nhà chú Long bị làm sao thế mẹ?
Giọng mẹ trầm buồn:
Trang mất hai tuần trước con ạ. Khổ thân con bé. Nó đi chụp ảnh với chồng sắp cưới rồi bị tai nạn giao thông. Hai đứa bị chiếc xe đầu kéo cán ngang người. Cả hai đều mất ngay tại chỗ. Gia đình chú Long đau khổ lắm. Có mỗi một mụn con. Nuôi cho khôn lớn. Vậy mà…
Mẹ Hoàng xúc động không nói thành tiếng. Hoàng thì cảm thấy thật bàng hoàng và ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của người bạn rất thân với Hoàng thời Trung học.
Hình ảnh của Trang bỗng chảy về trong tâm trí Hoàng như một dòng suối. Bao nhiêu kỷ niệm thời cắp sách tới trường, những buổi đi tập hát ca đoàn cùng nhau, những buổi sinh hoạt cho các em trong giáo xứ. Trang hát hay, đàn giỏi, lại rất xinh đẹp. Đã có lúc Hoàng cũng say đắm Trang, anh thích vẻ năng động, hoạt bát và tính tình cởi mở của Trang.
Nhưng kể từ khi Trang trở thành sinh viên, lên môi trường thủ đô – với lối sống hoàn toàn khác lạ so với cuộc sống thanh bình trong lũy tre làng, Hoàng cảm thấy Trang thay đổi nhanh chóng. Cô ấy biết nhuộm tóc, sơn móng tay, đi giày cao gót và mặc váy. Cách giao tiếp của Trang cũng đổi thay, không còn hình ảnh của một cô gái thôn quê hiền lành, giản dị, nhưng thế vào đó một tiểu thư thành thị đúng nghĩa. Trang chịu chơi, chịu chi, và cũng thả sức cuốn theo những cuộc vui. Có lẽ môi trường đại học đã làm Trang thay đổi. Trang học trường sân khấu điện ảnh, giao lưu với tầng lớp nghệ sĩ nhiều. Sau bốn năm đại học, Hoàng cảm thấy Trang đã hoàn toàn thay đổi. Cô tránh gặp Hoàng và cũng ít về quê hơn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hoàng đăng ký vào nhà ứng sinh của dòng Anh Em hèn mọn thánh Phanxico. Cũng từ đó, Hoàng không gặp lại Trang lần nào nữa.
******
Trong bữa cơm, Mẹ kể cho Hoàng nghe về chuyện của Trang. Gia đình chú Long cũng khổ tâm vì không làm cách nào khuyên giải được Trang. Mỗi dịp cô về quê là bà con lối xóm bàn ra tán vào. Người này kẻ kia dị nghị, nói to nói nhỏ chuyện cô Trang nhà chú Long thay người yêu như thay áo. Mỗi lần cô về nhà lại là một anh chàng khác. Xe đón, xe đưa tấp nập. Các anh toàn là công tử con nhà giàu, ăn mặc sang trọng, bảnh bao, hào phóng, đi xe sang. Về quê lại quà cáp cho gia đình, dòng họ rất hào phóng.
Ba tháng trước, Trang dẫn một anh chàng khác về ra mắt bố mẹ. Anh chàng này đẹp trai, cao lớn vạm vỡ. Trang giới thiệu với ông bà, bố mẹ anh ấy là đạo diễn của một hãng phim truyền hình nổi tiếng. Anh đạo diễn tên Nhật, người Hà Nội, lại là con thừa tự. Bố mẹ Nhật đều là Đảng viên. Bao nhiêu điều kiện thuận lợi về gia thế gia đình người yêu, cô trưng ra hết. Để rồi cô xin bố mẹ cho cô cưới anh bằng được. Chú Long cũng thấy ấm lòng bởi con gái chọn được một người bạn trăm năm, có nghề nghiệp ổn định, tương lai xán lạn. Ngặt nỗi, gia đình Nhật khác niềm tin tôn giáo với nhà Trang. Bố mẹ Nhật lại là Đảng viên. Họ không thể chấp nhận một đứa con gái nhà quê, theo đạo vào làm con dâu. Cuộc hôn nhân này dường như không có kết quả tốt đẹp bởi sự phản đối từ hai bên gia đình, thế nhưng Trang và Nhật không chịu thua. Họ quyết định có con trước để ép hai bên gia đình.
Chuyện gì đến đã đến. Trang cầm giấy kết quả xét nghiệm về nhà thách thức. Cô đã có thai được ba tháng. Bố mẹ Trang rất xót xa, tủi nhục với làng xóm. Chú Long thì giận con gái, suốt ngày chìm trong men say, uống xong lại chửi, chửi xong lại uống, vừa chửi vừa uống, và tuyên bố sẽ từ mặt con.
Nhưng rồi chú suy đi nghĩ lại, con mình dứt ruột đẻ ra, lỗi là do mình đã nuông chiều, không dạy dỗ con hết trách nhiệm, không chuẩn bị hành trang cần thiết để con ra chốn phồn hoa đô thị, để rồi phải nhận chén đắng. Sau cùng, hai ông bà cũng đành ngậm ngùi đồng ý để cho hai đứa kết hôn. Trang “ăn kem trước cổng” lại kết hôn với người ngoài đạo, đi đến đâu dân làng cũng bàn tán. Còn cô thì dường như làm ngơ tất cả. Trang và Nhật đăng ký kết hôn và sẽ tổ chức thành hôn nhằm ngày 11/11.
Trung tuần tháng 10, Trang và Nhật hẹn nhau đi chụp ảnh cưới ở Tam Đảo. Một không gian lý tưởng của các cặp tình nhân, Trang đã mơ ước ngày này từ rất lâu rồi. Trang thích được mặc bộ váy cưới màu trắng, cùng chàng đứng trước ngôi thánh đường có đá rêu phong, có làn sương huyền ảo. Trang nở nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc. Trang tung đóa hồng nhung lên trời tựa như cảnh của một bộ phim ngôn tình, đẹp lung linh và lãng mạn.
Trên đường từ Tam Đảo về Hà Nội. Xe của Trang và Nhật bị chiếc xe container đâm ngang. Chiếc xe con nát vụn, nằm gọn trong gầm của chiếc xe đầu kéo. Đôi uyên ương tử nạn ngay tại chỗ. Người đi đường xem giấy tờ tùy thân và liên hệ về gia đình nạn nhân. Bố mẹ Trang nghe hung tin, chết lặng. Mẹ Trang bị sốc nặng, lên cơn nhồi máu cơ tim phải đi cấp cứu gấp.
Đám tang của một cô gái trẻ trước ngày cưới thật buồn, u uất và thê thảm. Làng trên xóm dưới xôn xao, bàn tán ra vào. Có người nói: “Hồng nhan bạc mệnh”; có người ngậm ngùi tiếc thương, có người xót xa cho gia cảnh của gia đình chú Long… Bầu trời đã hoàn toàn sụp đổ, mây đen nhuốm màu tang tóc vây bủa gia đình. Chú Long là một hội viên Legio Mariae rất tích cực trong các hoạt động tông đồ. Giờ đây, chú phải gánh chịu bao nỗi tủi nhục, đắng cay. Thế nên từ khi Trang mất, cha xứ và hội Legio phân công công tác cho các thành viên, mỗi ngày chia nhau tới động viên, khích lệ và cầu nguyện cho người mới qua đời.
Nghe mẹ kể về biến cố Trang qua đời và gia cảnh nhà chú Long. Hoàng thấy rất thương Trang, một người con gái tài hoa nhưng bạc phận. Hoàng nhớ đến câu thơ của thi hào Nguyễn Du: “Rằng hồng nhan tự thưở xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”.
******
Chiều hôm ấy, Hoàng chở mẹ ra thắp nhang nơi phần mộ của ba. Vườn thánh chiều nay, tấp nập người qua kẻ lại. Con cháu ra phần mộ của ông bà tổ tiên để thắp hương, để cắm hoa, để cầu nguyện và tưởng nhớ người đã khuất. Cha xứ mới về rất quan tâm tới thánh địa của giáo xứ. Ngài động viên bà con giáo dân trong giáo xứ vệ sinh sạch sẽ, xây lăng mộ theo đúng quy hoạch, đường dây điện được kéo ra tới tận các phần mộ. Giáo xứ cũng xây một nhà mồ khá rộng để tiện cho việc an táng, và mỗi khi có thánh lễ ở ngoài đất thánh. Phía trên nhà mồ, Hoàng thấy rất ấn tượng bởi dòng chữ: “Những người sẽ chết đến viếng những người đã chết”. Hoàng cũng biết, một ngày nào đó, mình cũng phải trở về với lòng đất giống như biết bao người đang nằm yên nghỉ dưới những phần mộ kia.
Kể từ ngày ba mất, chiều thứ Bảy nào mẹ cũng ra phần mộ làm cỏ, trồng hoa. Giờ nơi phần mộ, muôn sắc hoa khoe sắc thắm, như diễn tả cuộc đời chan chứa sắc hương nhân đức của ba. Hoàng hiểu được tình nghĩa phu thê mà mẹ dành cho ba thật sâu đậm. Dường như mẹ chưa thể đón nhận được sự ra đi của ba. Hai mẹ con đọc kinh cầu nguyện cho ba. Hoàng thầm xin: “Khi ba ở bên Chúa ba nhớ tới hai mẹ con ba nhé!”.
Hoàng nói mẹ dẫn anh qua nơi phần mộ của Trang. Đứng trước nấm mồ còn mới, màu của những vòng hoa chưa kịp phai màu. Nhưng dưới kia, nơi ba tấc đất, một bông hoa đang khoe sắc hương bỗng nằm im bất động. Thân phận cát bụi rồi sẽ trở về bụi tro. Khuôn mặt thân thương, tươi tắn của Trang trên di ảnh khiến Hoàng nhận ra mọi thứ trên đời thật phù phiếm. Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp rồi sẽ về đâu khi ta chút hơi thở cuối cùng?
Nghĩ thế, lòng Hoàng dâng lên niềm xúc động, Hoàng mong Chúa sẽ xót thương và đón nhận Trang dù cô ấy có những ngày tháng lãng quên Chúa. Chợt Hoàng ước ao sống và sống thật mãnh liệt. Hoàng không muốn bám víu vào những sự phù vân. Sự ra đi của những người thân làm anh nghiệm ra một điều: Phải sống hết mình cho những điều cao cả. Thời gian trôi qua sẽ không bao giờ có thể lấy lại được. Phải sống để dệt những ước mơ và xây đắp ý nghĩa cuộc đời. Ý nghĩa biết bao, hạnh phúc dường nào khi ra đi, ta để lại một hình ảnh của một đời sống chan chứa tình Chúa tình người.