Làm dâu đạo người
Thứ tư - 01/11/2023 05:34
1010
Nàng là một cô gái xinh đẹp, với gương mặt trái xoan thanh tú, luôn tỏa rạng vẻ tươi tắn đầy sức sống trên nền da trắng hồng, điểm xuyết cách hài hòa bằng nụ cười duyên dáng mà chẳng mấy khi người ta thấy vắng bóng trên đôi môi trái tim chúm chím, đỏ mọng. Không chỉ xinh đẹp, nàng lại còn có tiếng là thông minh, ngoan hiền; nên chẳng cần nói cũng biết, ở tuổi cập kê, mỗi khi xuất hiện trước đám đông là ngay lập tức nàng trở thành trung tâm điểm, thu hút mọi ánh nhìn, đặc biệt là của đám thanh niên còn độc thân trong xứ đạo. Không ít anh chàng bị cuốn vào sức hút của nàng và thầm ôm giấc mộng xuân là được cùng nắm tay nàng sánh bước trong giáo đường, cùng nói lên câu thề nguyền kết duyên cầm sắt, thế nhưng mãi vẫn chưa có ai có thể khiến trái tim thiếu nữ của nàng rung rinh, dù chỉ là đôi chút nhè nhẹ.
Mẹ nàng, một bà mẹ nhà quê đạo đức, không chỉ chăm chút cho nàng về chuyện cơm ăn áo mặc đời thường, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn nàng bằng những lời kinh, những câu chuyện đạo đức, và nhất là đã truyền sang cho nàng tinh thần nhiệt thành sống đạo của bà. Bà chưa bao giờ có mơ ước là phải gả con gái mình vào gia đình trâm anh thế phiệt, phú quý giàu sang mà chỉ có một niềm mong mỏi rất đỗi bình dị là nàng lấy được người chồng ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn, con nhà đạo nghĩa tử tế, và nếu được gần nhà nữa thì đúng là chẳng có điều gì khiến lòng bà sung sướng hơn. Chỉ có thế thôi, mà đứa con gái đã ngót nghét hai nhăm tuổi đầu vẫn chưa thể chiều ý bà, vẫn khiến lòng bà đêm ngày thấp thỏm. Ở cái tuổi của nàng, người ta đã con bồng con bế, đàng này nàng cứ bình chân như vại, lần nào bà giục thì nàng cũng dở cái điệu bộ nũng nịu quen thuộc mỗi khi muốn mẹ chiều một điều gì đó, rồi thỏ thẻ với bà: “Chưa gì mẹ đã muốn tống con gái đi cho rảnh nợ rồi. Chuyện hôn nhân đại sự, quyết định đến hạnh phúc cả đời đâu có thể qua loa cho xong chuyện được. Mẹ cứ chịu khó nuôi con ít lâu nữa, đảm bảo sẽ rước về cho mẹ một chàng rể tuyệt vời”. Nàng đã nói thế thì người làm mẹ như bà còn biết nói gì hơn. Bà chỉ biết thở dài, tự nhủ với lòng rằng: “Thôi thì phận con gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu, hơn thua là ở tấm chồng, nó có hơi kén chọn tí cũng là điều có thể thông cảm được; nhưng chỉ e thanh xuân của người con gái cứ qua đi vùn vụt, chẳng may quá lứa lỡ thì, không có đám tử tế nào chịu rước đi cho thì cũng lôi thôi, rách việc; rồi ngộ nhỡ cái câu ‘hồng nhan bạc mệnh’ nó ám vào con gái bà, thì đúng là cái số bà đến lúc cận kề miệng lỗ vẫn còn chưa hết lo”.
Thế rồi bẵng đi ít lâu, đùng cái nàng khiến mẹ nàng bật ngửa, khi nằng nặc đòi lấy một người ngoại giáo. Mẹ nàng bực mình, cật vấn: “Biết bao đám đạo nghĩa hẳn hoi thì không chịu, sao lại nhất định lao đầu vào chỗ ấy? Bộ mày ăn phải bùa mê thuốc lú gì rồi hả con?” Nhưng ngặt nỗi, trăn trở tại sao “Trên thế giới có muôn vàn gương mặt; tương tư sao chỉ một bóng hình?”, vẫn mãi là bí nhiệm vĩ đại của tình yêu, mà dẫu cho bao bộ óc tinh hoa có lao tâm khổ tứ, vất vả sớm hôm cũng chẳng thể đưa ra câu trả lời rốt ráo; huống chi là một thiếu nữ như nàng. Nàng chỉ biết lí nhí: “Con chỉ yêu mình anh ấy thôi!”
“Ngọn lửa tình là ngọn lửa thần thiêng, nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp”, sự mãnh liệt đó chẳng ai có thể nghi ngờ! Nên một khi câu chuyện tình yêu đã bước sang những chương mặn nồng, vương vấn; khi mà người ta đã để mình hoàn toàn chìm ngập trong biển cả của ái tình, thì chỉ trừ “cú tát nảy đom đóm” của thực tại nghiệt ngã, may ra mới có thể khiến họ bàng hoàng giật mình bừng tỉnh, thất thểu lê bước khỏi cơn mê cuồng dại; chứ còn thiên hạ có nói này nói nọ, thậm chí có chê bai, dè bỉu thì cũng chỉ là chuyện công cốc, gió thoảng ngoài tai. Ngay cả có ai thiện tâm, nhìn thấy cái éo le, trắc trở của cuộc tình, thương tìm cách kéo họ ra, có lẽ họ cũng chẳng mảy may coi đó là thành ý, mà chỉ thấy một rào cản, một sự xâm phạm trắng trợn đến cái hạnh phúc to lớn của mình.
Mẹ nàng đã thử mọi cách để khuyên can: mềm mỏng, tỉ tê có, mắng chửi nặng lời cũng có, thế mà cái ngọn lửa quyết tâm hừng hực của nàng chẳng hề có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy là nó đã hạ nhiệt. Có khi bực lên bà gắt: “Mày mà đã nhất quyết như thế thì đừng nhìn mặt tao, đừng gọi tao là mẹ nữa”. Bà giận thì nói thế thôi, chứ mẹ nào mà chẳng thương con, nước mắt chảy xuôi chứ đời nào nước mắt chảy ngược, nàng có trót dại dột đi nữa thì vẫn là con gái của bà, sao bà lỡ bỏ nàng được chứ? Nhưng bà vẫn cứ phải gắt lên thế, biết đâu vì thế mà nàng suy nghĩ lại.
Lúc ấy, nàng chỉ biết tu lên khóc, một cảm giác ấm ức cứ trào lên nghẹn ứ trong cổ họng, chẳng khác gì đứa trẻ con đang chơi với thứ đồ chơi yêu thích của mình thì đột nhiên bị người ta giật mất. Nhiều lần nàng đã cố thử chiều theo ý mẹ, nhưng đều thất bại, lòng nàng tựa như mặt biển giữa cơn bão dữ đang quần thảo, mây đen vần vũ, sóng gió rít gào. Khi ấy, nàng tưởng chừng như có thể nhìn thấy bàn tay của thần chết đang trỏ ngón tay vào cuộc đời mình, làm cho nó trở nên lụi tàn, rồi đây sẽ chẳng có bất cứ cái gì đáng để gọi là niềm vui và cuộc sống với nàng sẽ chẳng còn gì khác ngoài một chuỗi những tháng ngày lê thê, tẻ nhạt. Trong thâm tâm nàng cứ lởn vởn mãi cái thắc mắc là tại sao mẹ lại có thể vô lý đến thế, tại sao lại có thể đang tâm tước đoạt cái tình yêu, mà nàng coi là hạnh phúc là lẽ sống của đời nàng? Lý do của mẹ nàng quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những điều cũ rích, nào là lấy người ngoại giáo thì khi về nhà chồng sẽ bị cấm cản, không giữ được đạo nghĩa hẳn hoi, con cái có khi cũng chẳng được hưởng tí gì phần hồn; thậm chí còn quá đáng đến mức giả thiết rằng biết đâu anh ấy sẽ bỏ nàng, và nàng sẽ phải lủi thủi cả đời trong cô độc.
Mà những lý do đó, dựa trên những gì nàng cảm nhận về anh ấy, nàng tin rằng đó chỉ toàn là những lo lắng viển vông. Bởi lẽ, trước mặt nàng, anh ấy luôn là một người biết quan tâm chu đáo, luôn cố gắng hết sức để nàng vui; đến độ dù trong cơn mộng mơ cao hứng nhất thời, nàng muốn hái những vì sao trên trời xuống để ngắm nghía vui đùa, thì anh ấy cũng chẳng bực tức coi đó là một đòi hỏi gàn dở, khùng điên, mà chỉ bày ra một bộ dạng tiu nghỉu, rồi xin lỗi nàng vì chẳng thể chiều nàng một việc quá khả năng như thế! Rồi khi nàng nói với anh ấy rằng để cưới nàng sẽ phải tốn công, vất vả, nào là học giáo lý, kinh sách này kia, mắt anh ấy ngập tràn tình yêu, nhìn nàng quả quyết: “Lấy được em, dù có lên núi đao, xuống biển lửa, anh cũng cam tâm, huống chi chỉ là một chút chuyện cỏn con đó”. Rồi cái cách anh ấy đều đặn đến đón nàng đi lễ mỗi Chúa nhật, dù rằng mỗi lần đến là lại phải chạm trán với thái độ thiếu thiện cảm, lạnh lùng, lãnh đạm của mẹ nàng. Bằng đấy thứ như thế, thử hỏi làm sao nàng có thể nghĩ rằng một người yêu nàng, chiều nàng cỡ đó lại có thể khiến nàng phải đau khổ, khi ép nàng một chuyện vô lý là phải từ bỏ niềm tin tôn giáo vốn đã ngấm vào máu thịt của nàng? Và nếu những câu chuyện rành rành ở chỗ này chỗ khác đã được đưa ra nhằm thuyết phục nàng, thì nàng cũng chỉ cho rằng những cô gái xấu số kia đã chẳng có được cái may mắn như nàng, chẳng được yêu thương chiều chuộng theo cái cách mà nàng đang được. Huống chi, cũng giống như nàng, người yêu nàng cũng bị gia đình cấm cản, vì không chỉ lấy người bên đạo, mà để chiều ý nàng, anh ấy còn đồng ý theo đạo nữa. Dù có tiếng là nhất nhất nghe lời mẹ, nhưng riêng chuyện này, anh ấy đã quyết tâm nghe theo tiếng gọi con tim, và hơn ai hết, nàng hiểu quyết tâm đó cũng gây ra cho anh ấy không ít hơn những đau khổ mà nàng đang phải chịu. Chợt nàng thấy cái câu người ta vẫn đọc “Tôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, cho tôi lấy vợ tôi thôi nhà thờ” thật phiếm diện và ngớ ngẩn hết sức. Tình yêu của nàng sẽ có sức mạnh giữ anh ấy gắn kết với đạo, anh ấy sẽ yêu điều nàng yêu, chẳng phải người ta vẫn nói khi yêu hai trái tim sẽ cùng chung nhịp đập là gì? Và biết đâu, nhờ cuộc hôn nhân này mà cả nhà anh ấy cũng hiểu biết hơn về đạo, có cảm tình với đạo và rồi theo đạo thì sao; như thế chẳng phải là quá viên mãn sao? Mỗi lần nghĩ như thế, nàng lại thấy dâng lên một cảm giác ngọt ngào, sung sướng và thấy những đau khổ mà nàng phải trải qua để bảo vệ tình yêu ấy chẳng thấm tháp gì. Ôi, thật hạnh phúc thay những kẻ đang yêu, bởi dẫu có phải chịu hy sinh, thiệt thòi đôi chút để minh chứng cho tình yêu của mình, họ cũng chẳng mảy may coi đó là một điều sầu khổ; mà trái lại, chính trong cái hoàn cảnh mà người ngoài cuộc nhìn vào ắt sẽ cho là gàn, là dở ấy, những người trong cuộc lại đọc thấy trong đó một điều gì đó vô cùng hệ trọng với họ, tựa như cái cách mà những thương tích của người chiến binh trở nên vòng nguyệt quế vinh quang đội trên đầu họ.
Không thể lay chuyển quyết tâm sắt đá của nàng, mẹ nàng cuối cùng cũng đành tặc lưỡi chiều theo ý nàng, dù rằng trong lòng bà vẫn canh cánh nỗi lo cho tương lai của nàng. Ít lâu sau, lễ cưới được diễn ra trang trọng, sốt sắng trong bầu khí linh thánh. Nàng có cảm tưởng sau bao nhiêu nỗ lực, giờ nàng đã được hưởng trái ngọt của tình yêu, lâng lâng trong cảm giác bồng bềnh, ngây ngất của người đang có cái hạnh phúc được đặt chân vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thế nhưng ngay lúc người ta có cảm tưởng đang nắm chắc hạnh phúc trong tay, cuộc sống thường lập tức gửi đến cho họ những lời đe dọa rằng cái hạnh phúc kia nó mong manh biết là chừng nào! Chính thức bước vào đời sống hôn nhân, nàng dần dần nhận ra rằng mình đang từ từ bị kéo ra khỏi giấc mộng màu hồng, ngây thơ thiếu nữ, để bước đi với đôi chân trần trên những con đường đời rải đầy sỏi đá mấp mô, ghập ghềnh, sắc nhọn.
Bữa cơm đầu tiên tại nhà chồng, vẫn cung cách đã quen thuộc từ nhỏ, nàng trang nghiêm đưa tay làm dấu. Chợt má nàng đỏ bừng, bàn tay đang nâng lên làm dấu dường như có một sức mạnh vô hình ghì lại, bởi những ánh nhìn chằm chằm như đang muốn ghim chặt lấy nàng. Những ánh mắt ấy chứa đựng sự ngạc nhiên pha lẫn sự không hài lòng, như thể nàng vừa làm chuyện gì lạ đời, kinh dị lắm. Bố chồng nàng chỉ thở dài nhưng không nói gì. Còn bà mẹ chồng thì buông mạnh đôi đũa xuống bát cái cạch một phát, mặt cau có, lườm nàng sắc ngọt, giọng trách móc:
- Cái thói từ xưa vẫn là nhập gia tùy tục, huống chi thuyền theo lái gái theo chồng, cô đừng đưa mấy thứ phù phép ấy về cái nhà này, ngộ nhỡ người ngoài nhìn thấy lại chê cười tôi không biết dạy dỗ con dâu!
Nàng sợ hãi, ngơ ngác, chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào mà tự dưng “sấm động giữa trời quang”, lấm lét quay sang chồng, tìm kiếm một sự trợ giúp, nhưng chỉ thấy anh vẫn đang bình thản bưng bát cơm, cắm mặt và lấy và để, như thể anh đã quá quen với việc im lặng trước cơn giận của mẹ, và thừa biết cách tốt nhất là không nên chọc tức bà thêm. Nàng đành phải tự mình đối diện, nem nép nhìn bà, rụt rè:
- Thưa mẹ, đó chỉ là cầu nguyện trước bữa ăn của người bên Đạo chúng con, chứ có phải thứ bàng môn tà đạo gì đâu mẹ? Với lại con nghĩ việc đó cũng đâu đến nỗi gây ảnh hưởng gì đến ai đâu ạ!
Có vẻ bà không ngờ cô con dâu dám cãi lại mình, đôi tròng mắt lồi ra, những nếp nhăn trên trán xô lại, túm tụm với nhau, giọng bà gay gắt:
- Ở nhà cô thì cô thích làm gì thì làm, chứ về cái nhà này thì đừng dở cái thói đó ra. Chắc cô còn định khoe khoang cái dấu đấy dịp cúng tế, giỗ chạp của nhà này để bêu rếu tôi đấy phỏng?
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, chồng nàng kéo nhẹ áo nàng, ra chiều nên nhịn mẹ là hơn. Mà thực ra, trước sự “hiển lộ thần oai” của mẹ chồng, nàng cũng mặt mày thất sắc, chẳng còn dám hé răng nói một lời. Bữa cơm cứ thể diễn ra trong sự nặng nề, gượng gạo, chỉ có tiếng bát đũa va vào nhau lạch cạch, những câu trao đổi qua lại cụt lủn, nhạt nhẽo. Nàng muốn phá vỡ bầu khí căng thẳng đó, nhưng chẳng biết mở lời thế nào, đành lẳng lặng ăn cho xong bữa. Thu dọn xong xuôi, trở về phòng riêng, chồng nàng thủ thỉ:
- Lần sau ăn cơm chung với bố mẹ, em đừng làm dấu nữa, các cụ bảo thủ, cố chấp lắm, không chịu đâu. Em thấy thái độ của các cụ hôm nay rồi đấy. Ăn cơm mà như đi đánh giặc, căng não chết đi được.
Nàng bực mình, quạu lại, giọng hờn dỗi, trách móc:
- Chẳng phải anh đã nói với em là về nhà anh, mọi nếp đạo nghĩa em đã quen thì em cứ việc giữ là gì? Anh cũng đã được Rửa tội, đã chẳng cùng em làm dấu thì thôi, lại còn nói thế.
Chồng nàng xoa dịu, giọng êm như gió thoảng:
- Thì em cứ thử nghĩ mà xem, bênh em lúc đó có khác gì chữa cháy bằng cách đổ thêm dầu? Thôi mà em… trời không chịu đất, thì đất cũng phải chịu trời chứ? Mới đầu cứ chịu khó chiều mẹ chút, về sau mẹ quý em rồi, làm gì mà chả được. Chứ cứ căng cả với nhau, lợi bất cập hại, mẹ mà đã ghét, vợ chồng mình cũng chẳng lúc nào được yên thân.
Sau bữa đó, lần nào đầu bữa ăn, mẹ chồng cũng quay nhìn nàng, xem nàng có coi lời bà ra gì không, rồi tìm cớ bắt bẻ, gây chuyện với nàng. Dù trong lòng chẳng muốn, nhưng để giữ hòa khí, nàng cũng đành chịu theo ý bà, tuy vậy, nàng vẫn không quên thầm thĩ cám ơn Chúa trong lòng. Dù bên ngoài nàng có bị trói buộc bởi đủ thứ áp dặt lễ giáo, nhưng tâm hồn nàng vẫn mãi là chốn riêng tư của mình nàng, mẹ chồng có muốn quản cũng đâu làm gì được!
Rồi chuyện đi lễ cũng gây cho nàng không ít khổ tâm. Mới đầu chồng nàng còn vui vẻ chở nàng đi lễ, nhưng dần dần anh ấy viện hết lý do này đến lý do khác để né tránh, và cuối cùng tuyên bố thẳng với nàng: “Em thích thì cứ đi một mình, anh không đi đâu, mất cả tiếng đồng hồ chôn chân một chỗ, chán chết đi được”. Nàng bực lắm, nhưng mà làm căng lên cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ tổ vợ chồng lại to tiếng cãi vã, nên đành phải kiên nhẫn, để từ từ lựa lời khích lệ, “lạt mềm buộc chặt, mưa dầm thấm lâu” may ra mới có hiệu quả. Nhưng khổ nỗi, anh ấy mà không chở nàng đi thì mẹ chồng lại lấy cớ đó xách mé nàng, bóng gió: “Đi đâu không có chồng bên cạnh, mà ăn mặc như gái tân kiểu đó, cô không sợ thiên hạ chê cười không đứng đắn à?” Rõ ràng là bà đang kiếm cớ gây sự với nàng! Biết mẹ chồng khó tính, nàng đã không chọn bộ áo dài lộng lẫy nàng yêu thích, mà chỉ mặc những bộ trang phục hết sức trang nhã, kín đáo, ấy thế mà bà vẫn trách nàng “cong cớn, xẽo xợt”; lại còn tiện thể lên lớp nàng về tiết tháo, đức hạnh của người làm vợ, như thể nàng đã làm điều gì không đứng đắn không bằng. Nàng ấm ức lắm, nhưng cũng phải bấm bụng chịu vậy. Nhưng rồi, thấy nàng hàng tuần đều đi lễ đều đặn, coi bộ bà có vẻ không được thuận mắt, mắng nàng đủ thứ, nào là “hạng ăn no dửng mở, vô công rỗi nghề”, nào là “nhà này không chứa cái loại lười biếng trốn việc”… Những lời mắng nhiếc ấy mặc dù như những chiếc gai nhọn đâm vào tim nàng, nàng vẫn đủ sức để gạt nó sang một bên nhưng khi bà ác khẩu vu cho nàng là đi lễ chắc chỉ để “liếc mắt đưa tình” với tình cũ, “làm chuyện lén lút sau lưng chồng, bôi tro trát chấu vào cái danh dự nhà này”, thì nàng không thể chịu nổi nữa, vừa cãi lại nước mắt vừa ứa ra:
- Mẹ vô lý cũng vừa vừa phai phải thôi chứ? Trước giờ, con làm gì đều trên chẳng thẹn với trời, dưới không thẹn với lòng. Giả như mẹ mà bắt được con làm gì trái luân thường đạo lý thì cứ cạo đầu con đi, còn không thì đừng bôi nhọ danh dự của con như thế mà phải tội!
Bà tức giận, giậm chân bình bịch, răng nghiến ken két, đay nghiến:
- Đúng là cái loại gái đĩ già mồm. Vô phúc cho cái nhà này. Vô phúc.
Tai nàng lùng bùng, nàng ù té chạy thẳng vào phòng. Từ bé đến giờ, chưa có bất cứ ai nói này nói kia về đức hạnh của nàng mà giờ nàng phải chịu cái oan ức lớn như vậy. Hôm đó nàng bỏ lễ, nằm ở nhà khóc thút thít, đến bữa ăn cũng chẳng dám chường cái mặt sưng húp ra, vì sợ mẹ chồng ngứa mắt rồi lại chì chiết nàng.
Trong cơn bế tắc, đã nhiều lần nàng có cái ý nghĩ hay chỉ cần đơn giản gạt Chúa sang một bên, biết đâu đời nàng sẽ yên ổn hơn. Nhưng rồi nàng lập tức gạt phắt cái ý nghĩ đó đi. Chẳng phải cuộc sống này chính nàng đã nhất quyết lựa chọn sao, tại sao nàng có thể đổ lỗi cho Chúa như thể chính Ngài là nguyên nhân của cái đống lộn xộn này? Rồi nữa, nếu cái hạnh phúc mà nàng đang xây dựng hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa, thì đó là thứ hạnh phúc gì? Phải chăng đó chỉ là tấm xiêm bào rực rỡ khoác lên bộ xương khô, một thứ hào nhoáng phỉnh phờ, ngụy trang cho sự mục ruỗng, chết chóc của cái vực thẳm hư vô luôn há ngoác cái miệng to lớn, đen đúa của nó, hau háu chờ đợi những con mồi dại dột tội nghiệp của nó lao đầu vào? Không, cuộc đời của nàng sẽ không thể diễn ra theo cách ấy. Nhưng nếu không thế, thì nàng biết phải thế nào?
Nàng đã nghĩ chỉ cần sống tốt, cố gắng trở nên vợ hiền dâu thảo, là mọi thứ sẽ an yên, ai dè mọi cố gắng của nàng dường như chỉ là “công dã tràng xe cát”. Nàng dần dần nhận ra rằng cuộc sống không đơn giản như ăn một trái cam ngon, chỉ cần nhẹ nhàng bóc đi lớp vỏ mỏng bên ngoài là ngay lập tức có thể ung dung thưởng thức những múi cam mọng nước, dịu ngọt. Trái lại, cái thành quả của sự tử tế chẳng đến ngay tức khắc thậm chí cũng chỉ nhìn thấy mờ mờ bằng niềm tin tưởng, do vậy, sống tốt không phải là việc của một ngày hai ngày, nhưng là một thái độ sống liên nỉ. Tất nhiên điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ của một nội tâm đầy mạnh mẽ mà nếu không có nó thì người ta sẽ bị vắt kiệt, teo tóp và để mình bị cuốn trôi vào vực thẳm không đáy của sự tuyệt vọng. Thế nhưng ở đâu có thể cho nàng sức mạnh đó? Tiếng nói sâu thẳm trong tâm hồn thôi thúc nàng tìm đến với cầu nguyện. Trong khi mọi thứ bên ngoài đều bị cấm cản, thì chẳng có gì có thể ngăn cản lòng nàng hướng lên Chúa, một cách đầy thành tâm, tín thác. Dù chỉ là lời cầu nguyện bị ngắt quãng bởi tiếng nấc uất nghẹn, tiếng thút thít nghẹn ngào, vọng lên từ tâm hồn nhàu nhĩ vì bị chà đạp, dù với gương gặp lem luốc bởi những giọt nước mắt lã chã rơi, nàng tin đó vẫn là lời cầu nguyện đẹp nhất, bởi khi ấy, kẻ đáng thương chạm được vào trái tim của Đấng thương xót, và hơi ấm tỏa lan từ tình yêu của Ngài sẽ là linh dược xoa dịu mọi đớn đau, tăng cường thêm sức mạnh, để giúp nàng vượt qua cái ngặt nghèo trước mắt.
Đêm đó, trong giấc mơ, nàng thấy mình tươi tắn trong bộ áo dài phấp phới, đang bế con đến nhà thờ để cha xứ làm phép Rửa tội, có gia đình hai họ hiện diện, nét mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui. Trong giấc mơ đẹp ấy, chẳng hiểu sao nước mắt nàng cứ thế lăn dài, ướt đẫm cả gối. Nàng khóc vì hạnh phúc chăng? Hay nàng sợ cái viễn cảnh tươi đẹp đó ở quá xa tầm với của mình? Trời đã tờ mờ sáng, tiếng chuông nhà thờ chập chờn, tan loãng vào khoảng không bao la tĩnh mịch, gợi lên một nỗi niềm cô liêu, xa vắng.