Sức mạnh nơi vùng sơn cước [1]

Thứ bảy - 07/12/2024 21:27  194
a father and his sonCơn mưa ngang qua. Cơn mưa rừng đến bất ngờ, đi bất chợt đã trở thành một thứ đặc sản của miền sơn cước. Sự mệt mỏi vì quãng đường quá xa, vòng vèo khiến tôi chếnh choáng, và thiếp đi lúc nào chẳng hay. Xe chậm dần, tôi lờ mờ nhận ra cung đường đã thay đổi nhưng chưa kịp lấy lại ý niệm về thời gian. Đường xóc hơn, ngoằn ngoèo và đang đi lên cao hơn. Những áng mây đen trắng ẩn hiện, hòa quyện vào nhau, rồi lại tách ra nhường lại cho những tia nắng yếu ớt sau cơn mưa. Không khí dịu mát, cái nóng cái nực của Hà Thành dần trở thành mảng kí ức của ngày hôm qua. Thì ra xe chậm dần không phải sắp tới nơi mà vì đường xấu và dốc hơn, cua gấp hơn. Đúng như câu “ngạn ngữ vùng này”, “cứ đi rồi sẽ đến”, quãng đường mười tám cây số sau gần một giờ đồng hồ chính thức đưa tôi đến với sứ vụ đầu đời linh mục, nơi mà sau hơn một năm giờ đã là nhà. Trời đất mênh mông, tôi đã chính thức đặt chân tới nơi mà có lẽ chỉ có trên màn ảnh hay trong trí tưởng tượng nhiều người, một nơi rất cao của núi rừng mà xung quanh cũng chỉ là rừng núi, đặc trưng cho nơi cư ngụ của cộng đồng người dân tộc H’Mông. Thiên nhiên hữu tình, suối nước róc rách lượn quanh, khiến tâm hồn tôi như nhẹ lại, như tươi mát hơn, tỉnh táo hơn dù khó khăn thực sự còn phía trước. Tôi đang ở Giáo xứ xa nhất của Giáo phận, điểm cực Tây Tổ Quốc, nơi mà trước khi đến, tôi thử đánh địa chỉ trên Google, chỉ hiện ra một vùng đất trống hoang sơ của một Giáo điểm thuộc xứ tôi sẽ giúp, cách đó khiêm tốn hơn bảy mươi cây số đường rừng. Thế nhưng, thực tế không đến nỗi bi đát như vậy, xung quanh ngôi nhà nguyện, khu nhà ở và khuôn viên khá khang trang giúp tôi an tâm. Hướng ánh nhìn xa hơn, tôi nhận ra lấp ló trên những triền đồi, sườn núi những ngôi nhà của giáo dân toàn người H’Mông, mà ở đây từ nay cũng chỉ có tôi và hai thầy già là người Kinh, một linh mục Kinh giữa bản làng H’Mông.

Dù đã được chuẩn bị tinh thần, được sự chia sẻ và động viên chân tình của cha xứ, cũng là đồng hương, nhưng sau khi tận hưởng chút hữu tình của núi rừng, tôi vẫn hơi sốc và hụt hẫng vì sự mênh mông bất chợt khiến mình trở nên thật nhỏ bé và lạc lõng. Lục tục mấy người giáo dân cùng với ông, mà đúng hơn là anh chủ tịch với khuôn mặt đen sạm, dáng người gầy gầy, theo sau là mấy ông, mấy bà, mấy cô, mấy chị khá lếch thếch, mà trên lưng thấp thoáng địu mấy đứa nhỏ đang ngủ say, cùng mấy đứa trẻ con lớn lớn nhếch nhác lẽo đẽo theo sau. Tất cả đều mang dáng dấp và trang phục đặc H’Mông, trên tay là những bó hoa rừng tươi cười đến chào cha xứ, đón tôi và đoàn người. Tôi thấy vui vui và cảm nhận được sự hồn nhiên, gần gũi của họ, nhưng tôi vẫn hơi ngỡ ngàng, nhất là khi họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của họ. Những hình ảnh người dân tộc, nhất là người H’Mông không phải quá xa lạ với tôi, nhưng vẫn có chút gì đó trong tôi là một sự xa cách, chưa thể hòa nhập... Sau khi cha xứ giới thiệu trong Thánh Lễ tối được tổ chức rất đơn sơ, khác xa với những Thánh Lễ ra mắt cha mới hoành tráng như dưới xuôi hay ngay tại xứ quê tôi, tôi chào có lời chào và ra mắt cộng đoàn trong những tiếng xì xèo, những tràng vỗ tay và cả sự tò mò mà cộng đoàn. Thay vì thứ tiếng Kinh chọ chẹ, nhưng vẫn còn hiểu được đôi  chút, họ nói với nhau, phát sóng với nhau bằng tiếng H’Mông mà tôi nghe như vịt nghe sấm, chẳng hiểu mô tê gì, dù đã được học qua. Cú sốc đầu tiên dội lên trong tôi cảm giác của kẻ ngoài cuộc, một khách lạ giữa một thế giới khác mà tôi bị ném vào nhưng buộc phải làm quen và chấp nhận. Tôi bắt đầu sứ vụ của mình tưởng không khó mà thực tế lại khó không tưởng.

Là con trai duy nhất trong gia đình, mà người đời thường gọi là cậu ấm, quả thực cuộc sống của tôi, ít là về vật chất có chút gì đó “khớ” hơn nhiều bạn bè hay các cô chú, anh chị thế hệ trước, bởi đã qua rồi cái thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ. Thế nhưng, vẫn gia đình thuần nông, quanh quẩn bên mấy sào ruộng, vài đàn gà với cái ao, tuổi thơ của tôi vẫn là những tháng ngày học tập, mài đũng quần trên ghế nhà trường và những buổi rong chơi cùng chúng bạn quanh xóm bên gốc đa, sân đình, nơi những con sông quê hay trên những cánh đồng bạt ngàn, nhất là nơi ngôi Thánh đường, hay các lớp giáo lý. Cái tuổi thơ đáng nhớ ấy cũng được dệt bởi bao kí ức đẹp như bao bạn bè cùng trang lứa, cũng vui vầy, nô nghịch đủ trò trong những đêm trăng không ngủ quanh ngôi thánh đường hay tại các đường dong, ngõ xóm. Là con nhà có đạo, đức tin của tôi cũng được tắm gội, nuôi dưỡng, lớn lên và trưởng thành cùng với đức tin tinh tuyền và sống động của ông bà, bố mẹ, xóm giềng vốn được tiếng là đạo đức. Vẫn còn đó trong tôi những ấn tượng cũng những Thánh lễ, những buổi đọc kinh liên gia, đi thờ, học giáo lý hay những hình thức đạo đức thấm nhuần từ tuổi nhỏ. Để rồi, qua hình ảnh các cha cố, từ cậu giúp lễ choai choai, trong tôi đã len lỏi lúc nào chẳng hay một động lực ghê gớm ơn gọi muốn đi tu làm cha đạo.

Cứ như thế, những ngày tháng học trò, nhất là khi được ở trong nhà xứ cùng với mấy “cu trâu” với tư cách cậu giúp lễ, được ăn cơm nhà Chúa, được học kinh bổn, rồi nhân bản, nhất là được hướng dẫn bởi cha cố, tinh thần đạo đức và cái máu đi tu cứ lớn dần và ăn sâu theo năm tháng. Rồi những ngày đầu tập tu, tập sống nếp sống nhà chung thật là khó nhất là với “công tử như tôi”. Thế nhưng cuộc đời cứ êm trôi dù đôi khi gợn sóng, ngả nghiêng, nhất là khi được gán mác “soái ca”. Nhưng mỗi ngày, dù có chút thay đổi từ vóc dáng tới nếp nghĩ, tôi qua cấp ba rồi vào đại học, trải qua lớp Tiểu Chủng viện rồi vào Chủng viện cách nhẹ nhàng trong sự quan phòng của Đấng mà tôi đã chọn và bước theo. Ngẫm cũng thấy lạ, ơn gọi mà chính Chúa đã gieo trong tâm hồn cứ âm thầm lớn lên và mãnh liệt hơn mỗi ngày để rồi, dù bất cứ thứ gì cũng chẳng ai cản ngăn được cái “máu tu” ấy. Nhớ lại những ngày đầu chập chững trong nhà xứ bên cha cố là cái gì đó thật khó phai và như một phép màu.

Quả thật, lý tưởng đi tu lúc đầu không được sự ủng hộ nhiệt tình lắm của gia đình, nhất là mẹ. Tôi có thể tưởng tượng ra những tiếng thở dài, thậm chí những giọt nước mắt hay những đêm trắng của bố mẹ vì chút buồn buồn vì đứa con trai duy nhất muốn làm linh mục. Như bao bố mẹ quê, chắc chắn bố mẹ tôi cũng mong mỏi gieo niềm hy vọng nơi người con trai duy nhất về một người con dâu ngoan hiền và những đứa cháu nội, để lúc về già có người lo lắng chăm sóc hay lúc chết đi có đứa lo mộ phần, hương khói, xin lễ ngày giỗ chạp. Thế nhưng, không phải vì tôi muốn đi tu mà bố mẹ tôi quyết tâm ngăn cản, hay tiêu cực. Trái lại họ vẫn rất đạo đức, vẫn động viên, vẫn sống mến Chúa yêu người và là mẫu gương đầu tiên giúp tôi biết Chúa, yêu Chúa và quyết đi tu. Thế rồi, nỗi đau nào cũng qua, sự kiên nhẫn, tình yêu và lòng nhiệt tâm vì Giáo hội, vì ơn gọi của cha cố, cùng sự ủng hộ dù lúc đầu có chút miễn cưỡng của bố mẹ và bao người, tôi nhẹ nhàng vượt qua những khó khăn, cũng như duy trì nhịp sống đạo đức của bậc tu trì. Nhờ đó, dù khi phải sống nơi phố phường thời sinh viên hay khi đã vào Chủng viện, tôi vẫn đứng vững dù đôi lúc có chút mệt mỏi hay chán nản như một điều tất yếu của thân phận con người. Đồng thời, mỗi khi về nhà, bố mẹ và mọi người nhận thấy tôi lớn hơn và trưởng thành hơn mỗi ngày, để rồi từ đôi chút buồn và cản ngăn, không muốn tôi làm cha, thì giờ đây khi tôi đã chịu chức thành ông cha, còn bố mẹ nghiễm nhiên được làm cố thì các cụ lại rất vui và tự hào vì có con làm linh mục. Nhưng tôi luôn ý thức sự tự hào ấy cũng là động lực để nhắc tôi sống tốt thiên chức cao cả, nhất là nơi vùng truyền giáo này.

Những ngày tháng trăng mật của ngày chịu chức dần khép lại, niềm vui nào cũng có hồi kết, kéo tôi về với thực tại trong sứ vụ phía trước. Tôi nhận thức rõ niềm vui ngắn ngủi chóng qua trên trần gian này. Nhờ các bậc tiền bối, tôi luôn nhắc mình và tâm niệm, sứ vụ linh mục không hệ tại nơi những niềm vui chóng qua ấy, nhưng hệ tại nơi niềm vui nội tâm sâu sắc khi có Chúa và khi được ở bên Chúa. Như thánh Phao-lô, tôi luôn ý thức tôi có là gì cũng là nhờ ơn Chúa và tôi luôn cố gắng để ơn đó không ra vô hiệu (x. 1Cr 15, 10) . Vì thế, dù được sinh ra và lớn lên ở một giáo xứ có thể nói là miền xuôi và không đến nỗi trắc trở khó khăn, lại được ăn học đàng hoàng, không phải xuất chúng nhưng cũng thuộc loại chấp nhận được, nhưng đứng trước lời mời gọi của Đức Giám mục Giáo phận, hoặc đi học ngay hoặc sẽ trải nghiệm một thời gian rồi đi học, tôi đã khảng khái xin đi truyền giáo. Không những thế, tôi xin Đức cha cho tôi đến một nơi xa nhất và giữa người dân tộc… Và rồi tôi đã ở đây và sau hơn một năm tôi vẫn ở đây.

Tôi đã từng nghe các cha cố hay các cha giáo kể rất nhiều về những khó khăn nơi các vùng truyền giáo nhất là nơi cộng đồng dân tộc, không chỉ về địa lý, nhưng còn về vấn đề phải lo toan đất đai, chính quyền, xây dựng và chăm lo cho cả đời sống và việc học hành của người giáo dân. Theo kinh nghiệm của các ngài thì sự kiên nhẫn và một đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa là điều quan trọng nhất giúp cho một linh mục có thể ở cùng và truyền giáo cho người H’Mông. Chính tôi trong những năm chủng viện, cũng đã có những dịp đến thăm chơi hay mục vụ ngắn hạn, nhưng đó chỉ là những kinh nghiệm thoáng qua, bởi tôi thuộc diện “hàng tuyển” nên những năm Thử hay Tập Vụ, tôi luôn được ưu ái phục vụ tại giáo xứ Chính Tòa hoặc giúp Đức Ngài tại Tòa Giám mục. Do đó, có lẽ vì chưa ở lại và ở với người dân tộc, nên những cảm nhận của tôi còn rất mơ hồ và thật nghèo nàn. Cho đến khi tôi bắt đầu sứ vụ linh mục một mình giữa núi rừng và giữa bà con dân tộc, tôi mới cảm được thế nào là truyền giáo, mới thấm được thế nào là những khó khăn và cảm được cảm giác bị nỗi cô đơn cắn xé, gặm nhấm đúng như những lời trong kinh cầu cho các linh mục: bởi các ngài cũng chỉ là tạo vật yếu đuối thấp hèn... nỗi buồn chán cô đơn và đau đớn ê chề…” mà nếu không có Chúa, chắc chắn tôi đã buông xuôi bỏ cuộc. Trong tư cách một cha Phó, nhưng là Phó biệt lập và đặc trách, nghĩa là quyết định hầu như mọi thứ như một cha xứ, lại là linh mục mới toanh chưa đầy tháng, tay vẫn còn thơm mùi dầu, kinh nghiệm mục vụ chỉ là con số 0 tròn trĩnh, tôi cũng có chút lúng túng và lo sợ. Nhưng với khí chất của một người trẻ, trong người hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết truyền giáo, luôn nung nấu ước nguyện lên đường phục vụ tại những miền xa xôi để tiếp bước sứ mạng mà Thầy Chí Thánh luôn mời gọi, tôi nhanh chóng bắt tay vào việc, lập tức xả thân với bà con nơi đây...

Thế nhưng, đời chẳng như mơ, đứng trước sứ vụ đầu đời đầy khó khăn, tôi đã tưởng rằng với khả năng mà mọi người vẫn tấm tắc khen và tâng bốc, mình có thể nhẹ nhàng vượt qua. Nhưng tôi đã sai và hối hận vì chút kiêu ngạo và ảo tưởng ấy. Những ngày đầu nơi đây, tôi như một kẻ hoàn toàn xa lạ, một kẻ bị ném vào một thế giới khác. Vẫn có nụ cười, vẫn có sự niềm nở, vẫn có niềm vui, nhất là sự chân thành và đơn sơ của bà con giáo dân H’Mông, nhưng đó là cả một khoảng cách lớn mà tôi chưa thể lấp đầy, nhất là khi cha tiền nhiệm đã làm quá tốt sứ vụ, nhưng chỉ vì sức khỏe mà ngài không thể tiếp tục sống chết cùng bà con ở đây. Khó khăn đầu tiên của tôi là địa bàn quá rộng, đời sống thiếu thốn xa chợ xa phố, bà con thưa thớt, đi lại khó khắn vì đường khúc khuỷu, gập ghềnh, nhất là những ngày mưa hay mùa lũ. Khó khăn chồng chất khó khăn khi sự khác biệt về ngôn ngữ, lối sống, nếp suy nghĩ và văn hóa của những con người nơi đây. Những Thánh Lễ bằng tiếng H’Mông khi mới tới thực sự là cơn ác mộng và một cái gì đó có thể nói là nhạt nẽo vì thiếu sốt sắng, chẳng chút tâm tình vì không hiểu ngôn ngữ. Cũng vậy, việc đi lại khó khăn, dóc dách để mục vụ khiến tôi nhiều lúc cảm thấy thực sự mệt mỏi, sự hăng hái lúc đầu đôi khi chỉ cón là sự rã rời và chán nản. Không những thế, sự tiếp xúc, thăm viếng mà tôi cố gắng bước đầu dường như chẳng mang lại mấy hiệu quả bởi sự ngại ngùng, và nhất là sứ khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa mà mãi về sau tôi mới dấn nhận ra và thấu hiểu đôi chút… Hơn nữa, việc mục vụ nơi đây còn gặp nhiều trở ngại, đôi khi bất lực vì chính quyền, cùng với thực trạng khó khăn trong đời sống của bà con cả về giáo dục, nhận thức, lẫn đời sống vật chất mà một ông cha muốn họ đến nhà thờ, thì cũng phải lo toan phần nào về cái ăn và nhất là việc giáo dục cho con cái họ, và còn nhiều khó khăn nữa…

Khi đó, những thách đó trong mục vụ cùng với sự cô đơn như một kẻ thù đáng sợ âm thầm gặm nhấm, bào mòn và khiến tôi như có lúc mất phương hướng. Để rồi, nhiều khi tưởng chừng muốn buông xuôi, thì luôn có một tiếng gọi, một bàn tay đẩy tôi vào nhà nguyện, trước Chúa dù đôi khi chỉ như một thói quen vô thức. Những lúc ngồi trước Chúa mà vô hồn, ngồi dưới Thánh Thể mà không thấy Chúa, nhất là khi phải dâng lễ bằng tiếng H’Mông, chỉ đọc như cái máy hay những cuộc gặp gỡ, thăm viếng mà mình như kẻ lạc loài… Khi ấy đã có lúc tôi tưởng như bị sự cô đơn nuốt chửng, nhất là khi những tiếng kêu, tiếng cầu nguyện của tôi như thể bị lãng quên, như những tiếng hét vào mênh mông vô tận, vào hố đen, cứ vang lên rồi vụt tắt hay vọng lại là chỉ là sự im lặng đến đáng sợ. Nhưng dù khô khan, nguôi lạnh, chính thói quen nguyện gẫm, đọc kinh Phụng vụ và nhất là viếng Thánh Thể mà tâm hồn tôi vẫn còn sót lại chút bình an. Tôi như mặc lấy lời kêu của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, khi ông miễn cưỡng đáp lại lời kêu gọi của Đức Chúa: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !” (x. Gr 1,6)… Để rồi, chính lúc tưởng như sức cùng lực kiệt, tôi muốn bỏ cuộc, mấy lần định xin Đức Cha về xuôi, khi những lời khẩn thiết của tôi tưởng như tiếp tục được đáp lại bằng sự thinh lặng rợn người, thì trong sâu thẳm vọng lại một tiếng êm ái nhưng vô cùng quyết liệt: “Ơn Ta đủ cho con” (x. 2Cr 12, 9). Như bừng tỉnh, một làm gió mát, một hơi ấm lan tỏa tấm thân, giúp tâm hồn thực sự đã rệu rã của tôi nhẹ lại, một nguồn sức mạnh âm thầm nhấc tôi lên và đẩy tôi tiếp bước mạnh mẽ hơn bao giờ hết…

Giờ đây, sau hơn một năm, nhiều người giáo dân chân chất đã nói tôi ngày càng giống người H’Mông. Thật sự niềm vui và nguồn trợ lực của Chúa cũng như nơi những con người đơn sơ ấy giúp tôi vượt qua tất cả để rồi ngày một tôi coi đây là nhà và mọi người là người nhà của tôi. Giờ đây, tôi mỗi ngày trưởng thành hơn, dạn dĩ hơn, kiên nhẫn hơn, bình tâm hơn và nhất là cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng đã gọi, đã trao cho tôi sứ mạng này trong cầu nguyện và qua những con người hiền hậu, đơn sơ mà tôi đang được phục vụ. Hơn nữa, sứ vụ của tôi như nhẹ hơn, vui hơn khi giờ đây đã có thêm một cha cùng lớp và quý sơ dòng Saledieng cùng chung sống và chia sẻ công việc mục vụ nơi đây…

Hướng mắt nhìn xuống khu vực lòng chảo, nơi ngôi nhà nguyện mới dự kiến được xây dựng, vì ngôi khu đất tôi đang ở thuộc diện phải di dời vì lý do chính trị và nhất là để quy tụ bà con giáo dân dễ hơn, tôi thầm tạ ơn Thiên Chúa và tôi xác tín chỉ có Ngài và nơi Ngài, tôi mới có đủ nguồn nghị lực sống đúng căn tính linh mục của mình cũng như vượt qua khó khăn để chu toàn sứ vụ của mình. Một làn gió tươi mát ùa tới, những tia nắng dịu nhẹ làm tâm hồn tôi thư thái. Tôi bình tâm tiến bước vì tôi tin rằng phía trước là Bầu Trời. Tôi hạnh phúc với ơn gọi, với thiên chức linh mục và tôi cầu mong niềm vui niềm hạnh phúc ấy sẽ tiếp mãi cho đến hết cuộc đời dâng hiến, dù ở đâu và bất cứ nơi nào vì tôi luôn có Chúa và Chúa cười cho con an tâm…

[1] Dựa trên ơn gọi của một linh mục trẻ thuộc Giáo phận Hưng Hóa

Tác giả: Lăng Nguyễn

Nguồn tin: Tạp chí Ra Khơi số 31

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay32,791
  • Tháng hiện tại1,017,844
  • Tổng lượt truy cập80,249,682
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây