Chông chênh đường truyền giáo

Thứ ba - 15/07/2025 22:56  666
unnamed 1Dạo đó, việc Anh tự nguyện xin lên vùng truyền giáo, trở thành một cái tin sốt xình xịch, để người này người kia tha hồ bàn tán trong các cuộc trà dư tửu hậu. Người thì trề môi: “Đúng là ngựa non háu đá. Định nổi máu anh hùng chắc? Ở nhà ngậm thìa vàng quen rồi, chịu sao nổi cái khổ ải trên đấy. Cứ để yên mà xem, chả được dăm bữa nửa tháng lại mò về ngay ý mà”. Người ác ý hơn thì lý luận cách chắc nịch rằng: “Chắc ở nhà dính phốt gì nặng nên chạy lên trên đấy lánh nạn, tẩy trắng lý lịch, chứ tự nhiên chả có ai dại gì đang sung sướng lại mò lên cái chỗ rừng thiêng nước độc làm gì”. Bạn bè thân thiết quan tâm chân thành thì khuyên Anh nên cân nhắc kỹ lưỡng, đừng vì chút hào khí bồng bột mà “chuốc dại” vào thân, bởi đi thì dễ nhưng để đường đường chính chính trở về thì chả phải chuyện đơn giản. Đến vùng truyền giáo, với đủ thứ khó khăn, liệu Anh có thể “trụ” nổi hay vừa thấy sóng cả đã vội ngã tay chèo thì chẳng phải thành cớ cho người ta chê cười hay sao?

Dù đã dặn lòng không nên bận tâm đến những lời bàn ra tán vào đó; nhưng chả hiểu sao chúng cứ lởn vởn trong tâm trí Anh, khiến lòng Anh xao động. Đã có lúc anh muốn chùn chân, và mỗi lần như vậy, Anh lại tìm đến những giây phút lâu giờ thinh lặng bên Chúa. Anh thổ lộ với Ngài hết những lý do người ta và cả chính Anh cho là hợp lý để dừng lại, nhưng rồi trong sâu thẳm lòng mình, Anh nghe được tiếng Ngài thầm thĩ: “Những lý do con đưa ra đều hợp lý cả, nếu con đi bằng tự sức mình; còn nếu con đi trong ơn của Thầy, thì cứ vững tâm, ơn Thầy đủ cho anh. Có điều ơn đó sẽ không tỏ lộ cho ai ở yên một chỗ mà lo sợ, mà chỉ những ai liều lĩnh lên đường, mới dần khám phá được kế hoạch yêu thương và sự quan phòng của Thầy trên cuộc đời người ấy”. Ngọn lửa tưởng đã bị cơn bão dư luận thổi tắt, lại một lần nữa bùng lên trong anh, mãnh liệt hơn, nồng nàn hơn. Anh quyết không ngồi đó đắn đo nữa, bởi Anh biết càng chần chừ, Anh sẽ lại càng vẽ ra nhiều lý do để thoái thác.

Khi có những khoảng lặng để suy nghĩ thấu đáo, Anh hiểu rõ được rằng dư luận muôn đời vẫn thế, kẻ nói thế này, người cho thế khác, mà người nào cũng đều cho thấy cái lý của mình cả! Nhưng nếu ai đó định nhất nhất chiều theo dư luận, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ thấy mình bị tầm thường hóa, như kiếp bèo dạt trôi vô định, bị mất hút vào giữa đám đông vô danh nhạt nhẽo. Anh quyết không để tuổi trẻ của mình vuột mất theo cách đó. Anh hiểu được rằng món quà thanh xuân đâu phải là thứ gì đó chỉ cần cất giữ cẩn thận trong tủ kính, niêm phong kỹ càng là vĩnh viễn có thể bảo toàn y nguyên vẻ rạng rỡ, thanh tân của nó. Dù ta có tận dụng nó hay không, nó sẽ đều vuột mất khỏi tầm tay của ta, mọi nỗ lực níu kéo cũng chỉ tựa như nắm cát trong lòng bàn tay, càng nắm chặt nó càng tuột nhanh qua kẽ tay rơi mất. Nhưng dù thế, vẫn có một điều tạo nên sự khác biệt, đó là nếu ta lấp đầy thanh xuân bằng những trải nghiệm tuyệt vời thì ngay cả khi nó đã đi qua, dư âm còn lại vẫn đủ sức khiến lòng tan ngập tràn một thứ cảm giác tự hào, lâng lâng, vui thỏa, vì đã không cam chịu sống một cuộc đời tầm gửi vật vờ, nhạt nhẽo. Còn nếu thanh xuân lướt qua chỉ để lại trên cuộc đời một khoảng trống rỗng trơ trụi, hay tệ hơn nữa khi để lại những vết ố nhơ, thì ta sẽ phải kéo lê tuổi già của mình trong một điệp khúc bất tận của từ giá như, và những tiếng thở than, oán thán đầy cay nghiệt. Với anh lúc này, nỗi bất hạnh lớn nhất của tuổi già không hẳn là sự già yếu đi của thân xác, nhưng là chẳng có câu chuyện nào đáng để kể  cho người khác về thanh xuân của mình. Hơn nữa, vì tiếng nói đích thực của tình yêu chỉ được minh chứng rõ ràng nhất trong những thử thách, truân chuyên, còn khi mọi thứ đều êm đềm, xuôi chèo mát mái, thì lời yêu có cất lên cách chắc nịch, hùng hồn, nhiều khi cũng chỉ là những lời hời hợt, thoáng qua nơi đầu môi chót lưỡi. Thế nên, Anh quyết tâm sẽ tỏa sáng tình yêu dành cho Đức Kitô, dành cho Giáo Hội Người, ngay trong những khó khăn nơi vùng truyền giáo. Quyết tâm đó trở thành hành trang nâng bước chân anh đến với vùng Tây Bắc.

Mùa Chay năm đó, anh được gửi đến một giáo điểm người H’Mông, để chuẩn bị giáo lý cho những người dự tòng trước khi họ được lãnh nhận các Bí tích Khai tâm vào đêm Vọng Phục Sinh. Giáo điểm này nằm trên đỉnh một ngọn đồi khá cao. Con đường duy nhất lên được đó, chỉ là một con đường đất ghồ ghề đá sỏi, men theo triền đồi, độ rộng vừa đủ để hai xe máy ngược chiều tránh nhau cách khó khăn. Lần đầu lên trên đó, Anh phải nhờ người xuống chở, vì Anh chưa quen địa hình nơi này. Chiếc xe máy cà tàng của dân bản đã rách bươm phần vỏ, nhiều chỗ trơ ra bộ khung xe, cộng với địa hình “khủng bố”, khiến Anh ngồi sau xe mà cứ giật mình thon thót. Ì ạch bò dần từng chút một lên trên cách khó nhọc ngay trên miệng vực sâu, nhiều chỗ lại cua gấp, Anh bấu chặt vào người chở mình, miệng lẩm bẩm rối rít “Lạy Chúa tôi”, khiến anh lái xe cười khoái chí: “Cha yên tâm, đoạn đường này con đi từ bé, quá quen rồi, không cho cha xuống vực đâu mà sợ. Với lại cha đi lần đầu thấy sợ thế thôi. Chứ đi quen lại khoái cái trò này cho coi.

Cuối cùng, chiếc xe cũng dừng lại ở một khoảng đất không quá rộng. Trước mặt Anh là một nhà nguyện đơn sơ nếu không muốn nói thẳng ra là nghèo nàn, lợp mái fibro đã thủng vài lỗ. Bước vào trong, chẳng có bàn ghế cho giáo dân gì cả, phía trên chỉ có một bức tượng chịu nạn nho nhỏ và một bàn dâng lễ sơ sài với cái ghế nhựa bạc thếch đến độ chả còn phân biệt được màu gốc của nó, kê gần đó. Dù đã xác định trên đây chẳng thể đòi hỏi cao được, nhưng so với giáo xứ Anh đã ở trước đây dưới xuôi, cảnh tượng trước mắt không khỏi khiến anh có chút chạnh lòng. Không có cái nào gọi là “phòng riêng” cho Anh cả, tắm thì ra suối, vệ sinh thì tùy nghi tìm chỗ đất trống nào đó, còn muốn ngủ thì trải tấm chiếu ra trên nền nhà nguyện. Thú thực ban đầu Anh cũng hơi ngán ngẩm, nhưng rồi nhìn lên Đức Giêsu trên thánh giá, Anh chợt tự cười mình vì cái yếu lòng vẩn vơ của mình: Chúa của Anh đã ở đây năm này qua năm khác, Ngài đã coi nơi đây là cung điện của mình, vậy mà Anh chưa ở tí nào đã chê ỏng chê eo.

Giáo điểm này mới thành lập, chỉ có ngót nghét năm chục bà con H’Mông, đa số đều cách xa nhà nguyện khoảng hơn ba mươi phút chạy xe máy đường rừng, chỉ có gia đình Dúa gần nhà nguyện nên thỉnh thoảng cô ghé vào giúp Anh chuyện này chuyện kia, nên cuộc sống cũng bớt ngổn ngang hơn. Mặc dù đã đến tuổi lấy chồng và tuy có vài đám đến hỏi, nhưng cô vẫn còn lừng khừng, vì muốn ở nhà chăm người cha già yếu. Cô thu hút Anh bởi nụ cười rạng rỡ, lúc nào cũng đầy tràn năng lượng, dù trong cảnh nghèo khó, vẫn giữ cái nhìn lạc quan về cuộc đời, và nhất là nơi cô, Anh thấy được vẻ ngời sáng của một lòng nhiệt thành đạo đức đơn sơ. Anh thầm ví cô như bông hoa rực rỡ giữa núi rừng, đẹp cách vô tư lự, và tự nhiên Anh thấy mình bị hút vào trong thế giới của cô. Sau nhiều lần tiếp xúc, giữa hai người hình thành một sợi dây thân tình, quý mến, nhưng tình cảm giữa người một người nam và người nữ luôn là điều gì đó rất mong manh, muốn giữ cho nó không bị vấy bẩn bởi dục vọng không hề là một chuyện dễ dàng. Trường hợp của Anh và Dúa cũng không ngoại lệ.

Đêm khuya hôm ấy, giữa núi rừng tối đen như mực, trong tiếng gào rú của gió và tiếng mưa quất rào rào lên mái fibro, Anh phải tất tả chuyển đồ đạc tới chỗ không bị dột. Mệt nhoài với cái bụng sôi ùng ục, mà lại mất điện nên cũng chẳng thể cắm nước để pha mỳ tôm, Anh đành nhai trệu trạo miếng mỳ tôm sống để tạm thời xua đi cơn đói. Anh bật cười với cái vẻ thê thảm của mình. Trước đây, trong cái no thỏa phủ phê, đã nhiều lần Anh nhìn cái nghèo qua lăng kính lãng mạn, khoác lên cho nó đủ vẻ rực rỡ, lấp lánh hão huyền; nhưng ngay lúc này, khi cái nghèo thực sự thò bàn tay đen đúa của nó đụng chạm vào đời anh, khi nghèo đồng nghĩa với cơn đói cồn cào, đồng nghĩa với cái bất tiện, phải vất vả xoay xở giải quyết đến mệt lử cả người, thì nó chỉ còn là cái gai đâm vào da thịt mà anh chỉ ước ao được nhổ quách nó đi. Nếu như ước ao đó là không thể, Anh đành phải chấp nhận sự tồn tại của nó với sự bứt rứt, bực dọc, chứ làm sao có thể vui với nó thậm chí yêu nó được! Giá như lúc này có cho anh nói về vẻ đẹp của đức khó nghèo thì hẳn ngôn từ chưa phát ra thành tiếng đã nghẹn ứ trong cổ họng. Nhìn lên Thầy của mình trên thánh giá, nghèo nàn và thê thảm hơn Anh nhiều, chả cần Người nói gì mà Anh bỗng thấy Người đồng cảm và gần gũi với Anh hơn bao giờ hết. Tìm được người tri kỷ, trong những lúc khốn quẫn của cuộc đời như này, thật là một điều đáng quý và đáng trân trọng biết bao! Đang miên man suy tưởng, thì một giọng nữ vang lên nhỏ nhẹ giữa những âm thanh dữ dội của thiên nhiên, nghe không rõ giọng của ai, gợi lên một cảm giác rất ma mị: “Cha ơi! Mở cửa cho con, mưa to quá, con ngoài này sắp ướt hết rồi”. Cha sởn gai ốc vì nghĩ phen này gặp con ma núi mà cha vẫn nghe dân bản rầm rì kháo nhau. Đặt miếng mỳ tôm đang cắn dở xuống, nắm chặt tràng chuỗi trong tay, gom hết dũng khí, cha quát lớn, cố làm ra vẻ can đảm nhưng giọng vẫn không giấu được vẻ run run: “Ai, ai đấy. Tà ma phương nào cũng đừng dại mà chọc vào tôi, không là tôi lấy tràng hạt quật cho thì đừng có trách”. Tiếng khúc khích cất lên, nghe càng có vẻ quái dị, làm cha chắc mẩm quả này gặp đúng con ma nữ rồi. Nhưng may thay, sau đó không phải là cảnh tượng như trong các phim ma Thái, mà là một giọng trấn an: “Ma nào đâu. Con Dúa đây. Còn không mở cửa cho con, con đứng ngoài này mưa hắt ướt hết rồi”.

Mặc dù không phải ma khiến Anh bớt sợ, nhưng tình huống này cũng thật éo le, cô nam quả nữ trong cái cảnh vắng vẻ này, dù có không xảy ra chuyện gì, nhưng nhỡ đến tai người khác, thì cũng khó tránh khỏi những đặt điều, thêu dệt bậy bạ. Nhưng chẳng lẽ cứ để mặc Dúa ngoài trời mưa gió thế này, vả lại Anh cũng đã biết người ta tìm Anh là vì chuyện gì đâu? Giữa thời tiết khắc nghiệt thế này lại cất công lặn lội đến đây, chẳng quản nguy hiểm, chắc cũng phải chuyện gì khẩn thiết lắm, hay chẳng nhẽ ông cụ bị làm sao, cần Xức Dầu? Nghĩ thế, dù còn đôi chút ngập ngừng, Anh vẫn mở then cửa. Cửa vừa hé mở, mưa theo gió tạt vào lạnh buốt, Dúa lao vội vào khoảng trống nhỏ, rồi chợt vấp vào mép cửa, đâm sầm vào Anh. Cú va chạm không mạnh, nhưng lại làm nội tâm Anh chấn động, như thể một cơn giông bão dữ dội quần thảo trên mặt biển tâm hồn Anh. Chưa bao giờ Anh tiếp xúc với một phụ nữ cách gần gũi như thế, mà lại là một cô gái xinh đẹp nữa. Cảm giác mềm mại, mùi hương dìu dịu, vẻ mong manh, ngại ngùng thiếu nữ, mở toang trong Anh một thế giới cảm xúc mới lạ nhưng cũng rất mãnh liệt. Trước cơn bão cảm xúc đó, một phần trong Anh là sự sỡ hãi, muốn vùng thoát ra, nhưng phần khác lại là sự tò mò, muốn nấn ná, không nỡ rời đi. Dúa không hề biết tác động của cô gây ra trong Anh, vẫn hồn nhiên như không có chuyện gì, rời khỏi vòng tay Anh, cười nói: “Con đoảng quá! May mà có cha đỡ, không con đã ngã sấp mặt” Rồi chưa để Anh hỏi gì, Dúa giơ cái gói đang cầm như để giải thích lý do tại sao đang mưa to gió lớn cô lại đến đây: “Con cho cha này! Mưa gió lại mất điện thế này chắc cha chưa có gì ăn. Để cái bụng đói lên giường là không ngủ được đâu”. Nhìn miếng mỳ tôm sống cắn dở Anh để ở mép chiếu, Dúa cười, nụ cười thật đẹp: “Cha ăn thế sao được. Khổ thân cha, ngoài xuôi sung sướng thế chả ở, lại vào đây chịu khổ. Mà một mình giữa núi rừng mưa gió thế này, cha có sợ không?” Anh định hùng hồn nói không, nhưng nghĩ lại cái điệu bộ sợ ma vừa rồi, Anh lại thôi, chỉ đành lí nhí: “Thú thật với Dúa là cũng hơi sợ”. Dúa nhìn Anh cười, rồi chợt nhớ ra, Dúa dúi vào tay anh giục: “Cha ăn đi, không phải ngại với con đâu, cho con ngồi đây tí, ngớt ngớt mưa con về”. Anh không nỡ giục cô về, mưa to một lúc lâu chắc con đường đất xuống nhà cô giờ cũng nhão nhoét, trơn tuột, nếu đi về trong mưa gió thế này, trượt chân ngã lăn xuống thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho cô. Anh cầm cái gói cô đưa, nói với cô đầy vẻ quan tâm: “Dúa cứ ở đây bao giờ ngớt mưa thì về, chứ về lúc này nguy hiểm lắm”. Củ khoai với vài cái bắp ngô luộc tuy đơn sơ, nhưng trong hoàn cảnh này, lại gói ghém cả một tấm chân tình đằm thắm. Đang đói, cộng với việc cảm được sự quan tâm ân cần, Anh có cảm tưởng như thể đây là thứ ngon nhất Anh từng được ăn.

Nhìn thấy Anh ăn cách ngon lành như thế, gương mặt Dúa bừng lên một niềm vui rạng rỡ, trong ánh nến bập bùng, càng khiến cô trở nên xinh đẹp. Anh sợ nếu mình cứ nhìn vào đó thì sẽ không thể rời mắt ra được, và rồi, tâm trí sẽ kéo Anh lạc xa đến tận đâu đâu. Ngoài trời, gió đã bớt gào thét, nhưng mưa vẫn còn nặng hạt. Anh vừa mong mưa sớm tạnh để Dúa về, và Anh sẽ thoát khỏi tình trạng rối bời này; nhưng đồng thời, Anh lại mong giây phút này cứ kéo dài mãi. Một mình giữa núi đồi, lại giữa cái dậm dọa của sức mạnh thiên nhiên, ai chẳng cô đơn và mong muốn được có người ở bên bầu bạn? Chợt đôi mắt anh hướng nhìn về phía tượng chịu nạn, Chúa của Anh đang ở đó nhìn anh, bình yên và lặng lẽ, hình ảnh đó lôi anh ra khỏi những mơ mộng hồng trần, kéo Anh về với ý thức mình là một linh mục. Nhưng Anh sợ cứ thế này thì sự yếu đuối trong Anh sẽ chiến thắng. Nhìn tràng hạt bên cạnh, chợt Anh nảy ra một ý, rồi quay sang Dúa, Anh dịu dàng: “Cảm ơn Dúa rất nhiều! Nguy hiểm thế mà vẫn nghĩ đến cha. Mà đằng nào thì mưa cũng còn chưa ngớt, cha con mình lần chuỗi bằng tiếng H’Mông nhé. Hôm nọ Dúa dạy cha, cha cũng thuộc được tương đối rồi”. Dúa cười, vén nhẹ lọn tóc qua vành tai, gật nhẹ ra dấu đồng ý, rồi tháo chiếc tràng hạt Anh tặng mà cô vẫn luôn đeo ở tay, và bắt đầu đọc trước như thể cô sợ Anh còn chưa nắm vững bài. Giữa nhà nguyện nhỏ, trong ánh nến bập bùng, tiếng kinh Kính Mừng vang lên, nghe thật ấm cúng, mặc cho ngoài kia mưa gió đang gầm gào: “Zoo siab ntau Mab Liab”. Tuy Anh vẫn bị chia trí bởi hình ảnh về vẻ xinh đẹp, nụ cười của Dúa, bởi chất giọng ngọt ngào của cô bên tai nhưng dù sao, lời kinh cũng kéo anh ra khỏi những tưởng tượng vẩn vơ, ngăn Anh không vì yếu lòng mà làm những chuyện đi ngược với sứ vụ của mình.

Lần chuỗi xong, thì mưa cũng dứt. Đúng là chẳng có cơn mưa nào, dù dữ dội đến đâu, mà lại không có lúc tạnh. Dúa chào Anh ra về. Anh  nhìn bóng lưng cô xa dần, lẫn vào trong màn đêm khuất dạng, mà trong lòng vẫn còn vương lại chút tiếc nuối: Giá như… Mà thôi, lần này, anh đã tạm thời thắng được chính mình, nhưng liệu anh có đủ mạnh mẽ để vượt qua những lần tiếp sau nữa? Đêm đó, nằm trằn trọc mãi Anh mới cố ru mình vào giấc ngủ, và trong giấc ngủ chập chờn, Anh thấy Dúa nhìn Anh, nở nụ cười thật đẹp. Anh choàng tỉnh dậy, nắm chặt tràng hạt trong tay, miệng lầm rầm: “Kính Mừng Maria, Kính Mừng Maria” cho tới khi mệt lử và lại chìm vào giấc ngủ, trong tay vẫn nắm chặt chuỗi tràng hạt.

Tác giả: Văn Hoạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay37,354
  • Tháng hiện tại449,017
  • Tổng lượt truy cập90,377,584
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây