Những tia nắng dần khuất dạng và bóng tối dần bao phủ không gian. Bất chợt, một luồng sáng lan tỏa ngôi thánh đường và chiếu rọi cả tâm hồn tôi, xua tan đêm tối đã phủ bóng và che khuất ánh sáng Chân Lý đích thực. Từng bước tôi đi lên trong tiếng chuông ngân vang mời gọi, giữa dàn đồng ca thánh thót cùng những bản thánh ca du dương, mà giờ đây đã trở nên quen thuộc. Trái tim tôi mềm lại, tâm hồn tôi dịu mát. Tôi vui sướng bước lên, tiến về Đấng mà tôi đã yêu dù quá trễ nhưng không hề muộn, vì Ngài không biết muộn màng… Ngôi thánh đường cổ kính, nơi mà lần đầu tiên cuộc tình thần thiêng kì lạ của tôi khởi sự, cũng là nơi cuộc tình ấy được viết tiếp và viết mãi trong cuộc đời, khi lúc này, tôi chính thức gia nhập cộng đoàn Giáo hội. Tâm hồn tôi ngập tràn sự bình an, một sự bình an mà tôi chỉ có được sau khi đã trải qua bao nỗi khắc khoải, lo lắng, sợ hãi và cả sự chạy trốn, thậm chí nổi loạn chống lại Đấng đã yêu và luôn kiên nhẫn chờ đợi tôi dù tôi ra sao, dù tôi thế nào…
- Con xin gì cùng Hội Thánh? Cha xứ long trọng, bắt đầu nghi thức khai tâm Ki-tô giáo.
- Thưa xin đức tin. Tôi ngẹn ngào, nước mắt trực trào bởi niềm hạnh phúc quá đỗi ngọt ngào…
Lời mời gọi của vị chủ tế như tưới vào trái tim khô cằn sau bao năm, giờ nhận được suối nguồn tươi mát. Tôi ngập tràn và dìm mình trong bầu khí linh thánh mà chính Chúa đang biến đổi và đưa tôi vào sự sống của Ngài.
- Đức tin sinh ơn ích gì cho con?
- Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời. Vâng lạy Chúa, sự sống mà phải đến lúc này của cuộc đời, sau bao thăng trầm, thành công và thất bại, sau bao lần ngỏ lời của Đấng là Sự Sống, tôi mới đủ can đảm để lắng nghe, đáp trả và đón nhận…
………
- Vậy Giuse! Cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
- Amen.
Những tràng pháo tay, cùng nét cười trên khuôn mặt người thân và cộng đoàn hiện diện diễn tả sự chào đón và niềm vui thánh thiện, khi một người con trở lại với Chúa trong lòng Giáo hội, mà mỗi người là một chi thể và là anh chị em của nhau. Cảm giác lâng lâng, bồng bềnh hạnh phúc ngập tràn trái tim tôi, tâm hồn tôi tràn ngập sự bình an mà tôi chưa bao giờ có trong đời.
Cứ như vậy, dưới sự chủ sự của cha xứ và trước sự chứng kiến, tham dự của cộng đoàn, tôi hoàn tất nghi thức khai tâm Ki-tô giáo. Với tôi, cuộc đời như một phép lạ lớn của chuỗi những tháng ngày hồng ân. Cuộc đời đã qua của tôi như hiện lên trước mắt, từ một kẻ ngoại lai, một kẻ tội lỗi cho tới kẻ được Thiên Chúa ghé mắt nhìn, mà hôm nay và ngay lúc này, tôi chính thức được Thiên Chúa và Giáo hội ôm ấp trong bàn tay yêu thương để được chìm ngập trong nguồn sống đích thực mà tôi đã và đang được thừa hưởng với một niềm xác tín sâu xa, mà có lẽ thật khó có gì có thể lay chuyển. Có niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn hạnh phúc được trở thành con cái Chúa trong lòng Giáo hội!
Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má. Nước mắt rơi không phải bởi sự yếu đuối hay hèn hạ, nhưng là nước mắt của niềm hạnh phúc vô bờ của một tâm hồn cảm được Tình Yêu quá nhiệm lạ đã chạm và làm cho trái tim tan chảy, khối óc và cả tấm thân tôi hoàn toàn biến đổi. Sau bao tháng năm miệt mài tìm kiếm, cách nào đó, tôi cũng đã tìm thấy nơi mình, dù rất mờ nhạt, thấp thoáng hình bóng của thánh Augustinô, một con người đặc biệt, sau bao khắc khoải truy tìm, hoài nghi và nổi loạn, đã tìm thấy Ánh sáng đích thực và nên một vị thánh vĩ đại… Trong tâm trí tôi ngập tràn bao kí ức của lần đầu tiên mà Chúa khe khẽ ngỏ lời, cho tới lúc mãnh liệt và cuối cùng là dứt khoát, sau những tháng ngày nhẫn nại, chờ đợi tôi trở về với Ngài. Nhờ đó, tôi đã tìm thấy Ánh Sáng nơi cuối con đường, điều mà tôi đã là kẻ may mắn được đón nhận sau một cuộc gặp gỡ đầy nhiệm lạ lần đầu tiên ấy.
***
Một buổi chiều muộn! trời chập choạng tối. Trời đổ mưa. Gió rít từng cơn. Những cánh chim lảo đảo tìm nơi trú ngụ tránh mưa, chạy gió. Tôi cắm đầu chạy vào nơi mà tôi cảm thấy an toàn nhất. Mấy đứa bạn “thổ tả” nhanh chân không biết biến dạng chỗ nào, bỏ lại chỉ còn mình tôi với tôi. Tôi áp sát người vào bức tường, dưới mái hiên ngôi nhà thờ mà hằng ngày tôi vẫn đi qua mỗi lần đến trường. Tuy nhiên, ngôi nhà thờ nơi mà tôi ngày nào cũng đi qua ấy chưa bao giờ trở thành dù chỉ là một mảng kí ức nhỏ nhất trong cuộc đời tôi. Bất đắc dĩ tôi phải trú mưa tại nơi đó, nhưng sự ngẫu nhiên ấy dường như đã trở thành tất yếu ấy lại chính là điểm khởi đầu cho cuộc đời mới của tôi hôm nay.
Với chúng tôi thời đó, nhà thờ của người có đạo là cái gì đó có gì đó xa lạ và đáng sợ bởi sự uy nghiêm và lạnh lẽo của nó. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi tôi chưa thuộc về. Cùng với những những lời dè bỉu, đến khinh bỉ người Công giáo, là những câu chuyện (mà sau đó tôi biết là hoang đường) xoay quanh những kẻ có đạo, khiến chúng tôi không muốn, không dám và chẳng thèm xích lại gần họ. Nào là những ngày lễ hội rườm rà, ồn ào, vô trật tự; nào là những tục lệ, lễ nghi mang tính mê tín, dị đoan mà chúng tôi được tuyên truyền và rỉ tai nhau; thậm chí có cả những nghi thức của sự chết chóc, nhất là tục ăn thịt người (Bí tích Thánh Thể) và còn nhiều chuyện hoang đường khác nữa… Những câu chuyện rùng rợn ấy khiến chúng tôi cảm thấy ghê tởm và khinh thường người Công giáo, dù chưa một lần họ làm hại chúng tôi. Nhưng có lẽ điều khiến chúng tôi không ưa kẻ có đạo nhất, đó là một sự lừa dối được tuyên truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, biến nó thành một định kiến cố hữu mà có lẽ cho đến nay vẫn còn không ít người giữ khư khư lập trường đó, dù chiến tranh đã qua hơn nửa thế kỉ. Đó là lập trường gán cho người Công giáo là tay sai cho thực dân Pháp, hay Mỹ ngụy, những kẻ cõng rắn cắn gà nhà, quân bán nước… Tất cả những điều đó khiến chúng tôi, với sự non nớt, thiếu hiểu biết, tầm nhìn hạn chế, cơ hội hạn hẹp và tư duy bị định hướng, đã luôn có định kiến và mặc cảm với người Công giáo. Điều đó khiến việc tiếp xúc với người Công giáo hay đến những nơi tế tự của họ là cái gì đó nguy hiểm và báng bổ…
Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn có cách của Ngài và Ngài đã làm điều đó trên cuộc đời hèn mọn của tôi. Cuộc đời là như thế, có những cuộc gặp gỡ thật tình cờ nhưng làm xoay chuyển cả một cuộc đời, mà bây giờ tôi tin đó là sự quan phòng. Cuộc đời tôi cũng vậy, khi mọi thứ chới với, một tiếng gọi âm thầm nhưng mãnh liệt dù Đấng ấy vẫn để cho tự do của tôi lựa chọn, để rồi với tất cả tự do, cuối cùng, với tất cả niềm xác tín và tình yêu, tôi đã tìm thấy và đã chọn Ngài làm gia nghiệp.
Gió vẫn thổi, mưa chẳng chịu ngừng. Sợ hãi, run rẩy, lo lắng ập xuống và bóp nghẹt tấm thân non nớt và nhầy nhụa của tôi. Tôi co ro, sợ bóng tối, nhất là sợ bị người ta nhìn thấy… nhưng khi định thần, nhất là khi tiếng mưa, tiếng gió không còn át được tiếng kinh cầu râm ran cùng tiếng đàn tiếng hát dịu mát. Tâm trí tôi lại bị thu hút bởi những giai điệu nhẹ nhàng du dương, trầm bổng của những người bên trong ngôi nhà thờ. Họ đang cùng nhau hát gì đó, đọc gì đó rất đều, rất trật tự, trong trạng thái rất tôn nghiêm mà tôi chưa từng thấy. Tất cả thu hút tầm mắt và sự tập trung của tôi qua khe cửa, bỏ lại sau lưng những tiếng rít của gió và sự áo ào của mưa và cả sự sợ hãi của kẻ qua đường… Xen lẫn những lời đọc mà tôi chả hiểu mô tê gì, là những giai điệu trầm lắng, thánh thiêng mà một tâm hồn non nớt như tôi dù chưa thể hiểu và cảm được hết, nhưng lại có một sức hút kì lạ với tâm trí tôi khiến tâm hồn tôi lúc đó nhẹ lại, nỗi sợ hãi như biến tan và sự bình an ngập tràn. Tôi cố gắng để mình lắng nghe và thả hồn vào thứ xa lạ thật du dương và dịu mát, để rồi lần đầu tiên tôi mơ hồ nhận ra phải chăng những gì người Công giáo cử hành không hề đáng sợ hay ghê rợn như những gì tôi được nghe kể và dọa nạt…
Trời đã tạnh. Gió đã ngừng. Trời đã tối mịt. Tôi phải rời bỏ nơi đó để trở về nhà của mình, nơi tôi đang sống với niềm tin của bố mẹ và xóm giềng vào thần phật và những niềm tin mà tôi cũng chưa và không bao giờ hiểu hết. Sự thinh lặng của giờ cầu nguyện khiến tôi giật mình, kéo tôi về thực tại và nhanh chân chạy khỏi đó trước khi phải chạm trán với những người trong nhà thờ đang bắt đầu lục tục ra về trong sự vui vẻ và bình an. Tôi trở về mà lòng ngập tràn nỗi khắc khoải. Cuộc gặp gỡ ấy dường như khiến tôi dậy lên bao thắc mắc, tò mò về người Công giáo đang thực hành những lời kinh hay những cái gì trong ngôi thánh đường ấy.
Thế nhưng, những thắc mắc ấy sớm bị vô tư của trẻ con, cùng sự mặc cảm, cái định kiến cuốn mất. Những cảm nhận đầu tiên ấy nhanh chóng bị nhịp sống hằng ngày với niềm tin cố hữu của gia đình nuốt chửng và chìm sâu vào trong vô thức. Dẫu vậy, mỗi lần đi học qua ngôi thánh đường, thay vì đi qua trong sự vô cảm như bao lần, tôi luôn nhìn vào và tỏ lòng cung kính và vui thích, nhất là những buổi chiều đi học về gặp cảnh hàng đoàn người trong những bộ trang phục trang nhã, nhưng không kém phần đẹp mắt và nghiêm trang đang cùng nhau tổ chức những cuộc rước, những cuộc dâng hoa, hay cung nghinh Thánh Thể... Những hoạt động đó với tôi ngày ấy chỉ là một cái gì đó xa lạ, ngạc nhiên và cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nhưng có một điều gì đó, một sức mạnh âm thầm nào đó cứ lôi kéo, quyến rũ tôi mỗi ngày trong đời, dù rất chậm, dần dần từng bước cho tới ngày hôm nay, tôi đã tiến vào ngôi thánh đường trong chính tâm hồn tôi, ngôi thánh đường mà nơi đó một Đấng đang chờ đợi và kiên nhẫn gọi tôi ngày qua ngày.
Tôi trở về với đời sống thường nhật, tôi lớn dần theo năm tháng mà chẳng mấy ý thức về niềm tin hay tôn giáo. Những ngày tháng tuổi thơ của tôi cứ bồng bềnh, lướt qua như bao bạn bè cùng trang lứa. Những lễ hội, những đền miếu, chùa chiền, những hội làng... nơi mà tôi cũng nhiệt tình tham gia trong những tư cách khác nhau, dù cũng chả hiểu là bao. Nhưng trong tôi dường như vẫn không khỏa lấp được nỗi khao khát sâu kín mà bằng niềm tin của cha mẹ, của xóm giềng vì có gì đó thật mơ hồ, dù tôi vẫn tôn trọng và vẫn tin vào nó như là một điều mang tính bản chất tôn giáo của con người, để rồi tôi tặc lưỡi chấp nhận và buông xuôi để cuộc đời cứ vậy trôi… Những tháng ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường cũng cứ vậy trôi qua mà khi nhìn lại đã qua mất rồi. Trong các lớp hay các cấp mà tôi theo học, cũng có những bạn người Công giáo. Bọn chúng cũng là những người bình thường và không có một điều gì là khác lạ hay đáng sợ như những câu chuyện mà tôi từng được nghe kể. Các bạn cũng học cũng chơi như tôi mà chẳng có một chút biểu hiện nào của sự ngoại lai hay bệnh hoạn. Thậm chí ngược lại, tôi ấn tượng là những bạn người Công giáo nhìn chung ngoan hơn, dù không phải tất cả, nhưng hầu hết đều không chửi tục, đánh nhau, trốn học và phá hoại tài sản chung cùng bao trò “nghịch ngu” khác mà tôi và đồng bọn hay làm. Điều đó lúc đầu tôi còn cho là một sự hèn hạ và nhút nhát của quân có đạo, nhưng dần dà tôi thắc mắc về những gì mà họ được dạy tại các lớp học mà chúng gọi là Giáo lý hay nhà thờ, điều mà mãi về sau tôi mới hiểu. Tuy nhiên ngày đó, việc làm bạn và quen người Công giáo là cái gì đó cấm kị và không được phép chứ đừng nói tới việc tìm hiểu. Nên chúng tôi cũng kệ cho mọi thứ diễn ra như nó là. Ngày ấy, chúng tôi dù có tiếp xúc cũng rất dè dặt trong công việc hay trong việc học tập theo kiểu bất đắc dĩ, bởi cái định kiến thâm căn cố đế mà bao thế hệ đã gieo vào trong đầu chúng tôi. Nhưng nhờ sự tiến bộ và sự mở ra của xã hội mà những định kiến ấy ngày nay phần nào đã bớt đi. Mọi người ngày nay đã có cái nhìn khác về các tôn giáo, tôn trọng hơn, hiểu hơn, cũng như hài hòa hơn với những người không cùng niềm tin…
***
Thời gian thấm thoát trôi, dù vẫn còn sâu trong kí ức tôi những nỗi khắc khoải, nhưng rồi mọi thứ phải tạm chìm vào vô thức để nhường lại cho những dự án tương lai. Tôi hoàn thành chương trình trung học, rời gia đình, mái hiên, sân đình, chia tay mái trường cấp ba thân yêu và lũ bạn nối khố để lên thành phố, sau khi vượt qua kì thi đại học mà thời đó được coi là một kì tích. Bỏ lại sau lưng bao kí ức đẹp của một thời để nhớ và thương, lần đầu phải rời xa miền quê, nơi chôn nhau cắt rốn, để theo đuổi ước mơ trở thành kĩ sư của mình tại một trường Đại học danh tiếng mà nhiều bạn cùng trang lứa ước ao. Tôi lên thành phố và bắt đầu một cuộc sống mới, một môi trường hoàn toàn khác. Nơi đây, rời xa gia đình và ngôi làng thân quen, tâm trí tôi hoàn toàn dành cho việc học và nỗ lực để cho gia đình thoát nghèo. Những mối tương quan mới được thiết lập, những mối tình vắt vai cũng đến và đi mà chẳng có hy vọng thành toàn, bởi ngày ấy còn nghèo, ngố và cũng chưa dám nghĩ đến chuyện gia đình. Những con người mới mà tôi làm quen và dần bắt nhịp với đời sinh viên tại các giảng đường, xóm trọ, vài địa điểm làm thêm, cùng một số khu vui chơi giải trí đậm chất sinh viên. Tôi cũng trải qua thời sinh viên với những thăng trầm, lúc lên voi lúc xuống chó trong học tập và đời sống. Có những khoảng thời gian vùi đầu vào học quên thời gian để đạt thành tích tốt nhất. Nhưng cũng có những khoảng thời gian chán học, chán đời, chới với, chỉ biết vùi mình vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, với những trò điện tử điển hình của dân kĩ thuật, bỏ học liên tục để rồi phải thi lại hoặc học lại cơ số môn. Đó là những khoảng thời gian sa ngã mà một sinh viên thường phải trả qua để trả giá và lớn lên hay gục ngã, để rồi sau tất cả tôi nhận ra mình đã sai và phải đứng lên để bước tiếp. Với tôi, mỗi khi tôi như thể ngấp ngoái, có một sức mạnh vẫn giữ tôi lại, để rồi mọi thứ chưa đủ để đánh gục và phá nát cuộc đời như một số người bạn của tôi. Tôi đã đứng dậy và bước tiếp sau mỗi lần thất bại để hoàn tất cách tốt nhất chương trình đại học của mình.
Cũng thời gian này, cảm thức tôn giáo của tôi gần như bị mai một, có chăng cũng chỉ vài lần về quê dự lễ hội làng hay đi lễ chùa, mà những lúc đó cảm thức của tôi và kí ức của tôi cùng những thắc mắc về niếm tin mới nhen nhóm đôi chút, rồi lại vụt tắt. Trong giảng đường, chúng tôi lần đầu tiên được tiếp xúc với triết học, nhưng đó chỉ là một mớ lý thuyết về chủ nghĩa Mác-xít, vô thần và duy vật. Thế nhưng, dù không thích học môn đó và cũng chẳng hiểu mấy, nhưng với sự định hướng cùng với những giáo sư được đào tạo chuyên nghiệp, chúng tôi cũng phần nào thấm những tư tưởng nghe rất hay và hợp lý của chủ thuyết này, khi nó được nhai đi nhai lại và vỗ vào từng tầng ý thức của chúng tôi. Để rồi, những lý thuyết về chủ nghĩa xã hội, cùng những câu chuyện rất hay và hấp dẫn về tôn giáo, nhất là Công giáo khiến chúng tôi ngày càng tin hơn tôn giáo là thuốc phiện, Công giáo là mê tín, người Công giáo là những kẻ bán nước theo Mỹ, và chẳng có Thượng đế hay Chúa nào hết… Những tư tưởng ấy cũng làm tôi nao núng và ngày càng dị ứng với người Công giáo, thậm chí công kích đạo Công giáo trên mạng xã hội hay giữa chúng bạn, để rồi những kí ức đẹp của tôi ngày thơ bé cũng dần chìm vào dĩ vãng. Ngày đó với tôi, cuộc đời chả nghĩ lý gì vì chết là hết, nên tôi chỉ muốn buông thả và sống theo cái tôi tự do thích làm gì thì làm mà chẳng nghĩ đến ngày mai.
Thế nhưng, cuộc đời vốn được se kết bởi những biến cố, có những biến cố thậm chí làm chuyển bánh và thay đổi cuộc đời. Cuộc đời tôi cũng vậy, những biến cố mà chính Đấng mà tôi lãng quên đã sắp đặt, quan phòng để tôi gặp lại và trở về với Ngài. Vào năm cuối đại học, khi sắp tốt nghiệp, tôi ý thức hơn về cuộc đời và trách nhiệm của một người con trưởng trong gia đình nghèo, khi thấy mình đã lãng phí thời gian và phụ công sức, mồ hôi, tiền bạc của bố mẹ đã chắt bóp cho tôi ăn học, mà nếu cứ tiếp tục sống và học như thế, ra trường đã khó chứ không nói gì đến xin việc và làm giàu giúp bố mẹ và gia đình thoát nghèo. Tôi quyết định chuyển chỗ trọ để rời xa môi trường và xóm trọ, nơi có quá nhiều cám dỗ, để có thể tập trung cao độ cho những môn học quan trọng cuối cùng, nhất là cho cái đồ án tốt nghiệp, với hy vọng đạt được tấm bằng giỏi dù rất mong manh, để ngay sau khi tốt nghiệp sẽ có một công việc tốt.
Số phận đưa đẩy. Thật tình cờ khi chủ nhà trọ mới là một gia đình Công giáo. Không những thế, họ còn là những người Công giáo đạo đức, hiền lành và rất tinh tế trong cuộc sống. Ông bà chủ là những người đã luống tuổi nhưng họ và con cháu là những người rất sùng đạo và sống rất đạo đức, hiền lành. Thoạt tiên tôi cũng hơi e dè và định chuyển nhà trọ vì “ghét”. Nhưng vì cũng chẳng còn chỗ nào thích hợp hơn, nên tôi quyết định ở lại và bắt đầu thực hiện hóa quyết tâm của mình. Tôi cố gạt bỏ mọi suy nghĩ liên quan đến chủ nhà, bởi họ cũng đâu ở cùng mình. Lúc đầu tôi chẳng quan tâm họ là ai và họ sống như thế nào, bởi việc ai người đó làm, đạo ai người đó giữ, nhà ai người đó ở, đèn ai nhà đó rạng, nhất là tôi chỉ là người thuê nhà. Thế nhưng, thời gian chính là vị thầy kiên nhẫn nhất với con người, để rồi điều kì diệu cứ dần xảy đến trong cuộc đời tôi. Chỉ sau một thời gian ngắn, dù lúc đầu còn ngần ngại, và tránh hết sức có thể việc tiếp xúc hay chạm mặt gia chủ. Nhưng mỗi ngày nhìn nếp sống của gia đình chủ nhà, nhất là qua lối sống đạo và cách đối nhân xử thế, tôi dần nhận ra người Công giáo không như tôi nghĩ. Hằng ngày, không khoe khoang hay hình thức, họ sống một cuộc sống bình thường, hòa nhã với hàng xóm và với chúng tôi, những người thuê nhà. Họ siêng năng đến nhà thờ, dự lễ hàng ngày và đọc kinh sáng tối, nhưng rất tế nhị và không làm ảnh hưởng đến người khác. Nếu không có những lần tôi phải dậy sớm để về quê hay tranh thủ cuốc xe ôm hoặc đi làm thêm về muộn, và tình cờ để ý thì có lẽ không bao giờ tôi có thể biết lòng đạo nhiệt thành của họ: những câu kinh, những lời thầm thĩ, những bài thánh ca nhẹ nhàng làm dậy lại trong tôi kí ức của những ngày xưa. Dần dà, tôi tò mò, thắc mắc, cho đến chỗ trân quý và dần có cảm tình. Tôi nấn ná và bắt chuyện. Những cuộc nói chuyện ban đầu, chỉ là những chuyện bâng quơ, xã giao, liên quan tới gia đình, đời sống, học tập hay công việc còn rất e dè và khoảng cách. Thế nhưng, sự hòa nhã, thân thiện và chân thành, cùng sự đơn sơ và rất tử tế của ông bà chủ đã đánh động và dần làm tan chảy những tảng băng của sự mặc cảm và cái định kiến thâm sâu với người có đạo. Không những thế, sự tế nhị, đồng cảm, sự gần gũi, quan tâm và lòng tốt của gia đình với mọi người, trong đó có tôi, khiến tôi thực sự nể phục. Sự tò mò cùng lòng cảm phục khiến tôi ngày càng quý mến gia đình họ cũng như bắt đầu thay đổi ánh nhìn về người có đạo.
Thời gian nhẹ nhàng lướt qua, khi đã quen và có sự tin tưởng, các chủ để về triết học và tôn giáo bắt đầu được tôi đề cập và được ông giải đáp nhiệt tình, vừa đơn giản, sống động, dễ hiểu nhưng không kém sâu sắc và đầy trải nghiệm. Qua đó, tôi hiểu hơn về Đạo và người có đạo. Ông chia sẻ với tôi về Thiên Chúa, về Chúa Giê-su, về Giáo hội, về người Công giáo hay về cách thực hành đạo, những điều mà lần đầu tiên tôi được nghe, bởi không giống với những gì tôi mà tôi được tuyên truyền xưa nay. Ông cũng chia sẻ cho tôi cả những hiểu biết của ông về các tôn giáo khác, nhất là Phật giáo. Qua ông, tôi cũng biết nhìn nhận không phải tất cả người Công giáo đều tốt, nhưng Đạo Công Giáo luôn dạy và hướng họ sống tốt theo Tin Mừng, với niềm tin vào Đức Ki-tô, với hy vọng đạt được ơn cứu độ là Thiên đàng và sự sống vĩnh cửu... Những cuộc bàn hỏi như vậy dần giúp tôi, dù chưa hiểu hết, nhưng tôi dần lột bỏ những định kiến và suy nghĩ tiêu cực của mình. Rồi tôi mon men đến nhà thờ khi có thể, để xem người có đạo làm gì. Tôi chỉ nấn ná phía bên ngoài mà không dám bước vào, nhưng tôi bị choáng ngợp, rung động bởi bầu khí trật tự, trang nghiêm, sốt sắng của cộng đoàn. Những đoạn Lời Chúa mà lần đầu tiên tôi được nghe khiến tôi rung động như Chúa đang nói với chính tôi. Nhất là Thánh lễ tang và lễ cưới, dù chỉ một vài lần tôi được chứng kiến, nhưng cũng đủ khiến tôi thực sự bị đánh động và bắt đầu có cảm tình với đạo, nhất là tôi có một cái nhìn mới về cuộc đời và kiếp nhân sinh. Thời gian này, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi day dứt của kiếp người như tôi là ai? tôi đến từ đâu? tôi sống để là gì hay chết rồi sẽ đi đâu? Để rồi tôi dần khám phá ra những chân lý nơi các tôn giáo, nhất là nơi Đạo Công giáo. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ hay dám mơ đến việc mình sẽ trở thành người Công giáo bởi nơi tôi vẫn còn quá nhiều rào cản, cho tới một ngày…
***
Ngày tôi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, mọi thứ đã sẵn sàng và tôi hoàn toàn tự tin. Điện thoại đã rung liên tục khi tôi đang bảo vệ đồ án tốt nghiệp nhưng tôi lại để quên ở phòng trọ. Tôi đã bảo vệ đồ án một cách ngoạn mục. Tôi mừng khôn siết khi vừa đủ để có một tấm bằng giỏi và bắt đầu mường tượng môt công việc tuyệt vời, một tương lại xán lạn. Tôi nhanh chóng trở về phòng trọ, gọi ngay về nhà để báo tin vui ấy. Khi thấy hàng loạt cuộc gọi nhỡ từ bố và chị gái, thoạt tiên, tôi nghĩ có lẽ họ gọi để hỏi thăm tình hình bảo vệ đồ án, nên niềm phấn khởi càng dâng trào khi thấy mình được yêu thương. Vồ lấy chiếc điện thoại, tôi gọi lại ngay, nhưng đầu dây bên kia liên tục bận khiến sự sốt ruột bắt đầu gặm nhấm tôi. Sau hàng chục lần bất thành, bố tôi gọi lại. Nhưng thay vì lời chúc mừng, điều đáng sợ đang đợi tôi bên đầu dây bên kia.
- Alo! Bố à, có gì hót mà gọi con nhiều thế ạ? Con vừa bảo.... Tôi còn chưa kịp khoe hết câu, thì tiếng hổn hển cùng giọng méo mó của bố tôi đã chen vào.
- Con à, cái Lan, em con… nó…nó. Bố nghẹn lời, những tiếng nấc… Sự hoang mang choán lấy tâm hồn và xé nát niềm vui còn sót lại của ngày tốt nghiệp.
- Lan bị làm sao? Nó bị làm sao ạ… Tôi dồn dập.
- … Nó… nó mới bị tai nạn…đang cấp cứu trên Bạch Mai… đang nguy kịch, không biết có qua khỏi không… Sụt sịt, nấc nghẹn, thở gấp… Một sự im lặng đến đáng sợ tràn ngập. Chỉ có những tiếng thở gấp xen lẫn vài câu méo mó của bố.
Tôi sững người chết lặng, tập đồ án và bản vẽ trong tay tôi rơi tự do… Niềm vui của ngày tốt nghiệp vỡ tan.
Lan là em gái tôi. Tôi quý nó nhất nhà vì nó giống và hợp với tôi nhất. Nó đang học lớp 11 và nó muốn tôi sẽ nuôi nó học khi bố mẹ đã già. Tin sét đánh ấy khiến tôi hoàn toàn không biết nói gì không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ mong là một giấc mơ, chết lặng. Thế giới như đóng sập, bầu trời như đổ xuống đầu tôi, tôi nghẹt thở…
- Bố nói gì cơ ạ, sự thật là gì, em con bị làm sao cơ? Tôi lí nhí, hổn hển.
- Cái Lan bị tai nạn xe máy, đang nguy kịch đang được cấp cứu ở Bạch Mai. Chú Nam đang ở trên đó. Bố tôi nấc ngẹn.
Tôi cố níu kéo chút sự tỉnh táo và sức lực còn sót lại, kìm nén cảm xúc. Nghiến răng, siết từng chữ.
- Vâng, con sẽ đến đó ngay.
Tôi dập máy và lao đến bệnh viện trong vô thức như một kẻ điên dại mất phương hướng. Vừa ra khỏi phòng tôi va vào người ông chủ.
- Cháu xin lỗi, cháu đang vội quá! Tôi hổn hển.
- Có chuyện gì thế, cứ bình tĩnh. Giọng ông ôn tồn, ánh mắt đầy quan tâm.
- Em gái cháu vừa bị tai nạn đang cấp cứu, cháu phải đi ngay ạ! Tôi run rẩy trong từng từ bị dằn lại.
- Lạy Chúa tôi! Ông thảng thốt, đến căng thẳng, như muốn đồng cảm với tôi.
- Xin Chúa chúc lành cho em cháu. Thôi đến với em cậu đi, đi cẩn thận đấy, bác sẽ cầu nguyện cho em cháu. Ông nhẹ nhàng, vỗ vai tôi.
- Dạ, cháu cảm ơn bác! Cháu đi đây ạ!
Ông đứng lặng, nhìn theo bước chạy của tôi… Tôi lao ra con hẻm, cố giữ hết sức sự tỉnh táo lao tới bệnh viện… Nhưng những mớ bòng bong và hỗn độn khiến tôi không thể tập trung. Tôi đi trong vô thức, đi mà không biết mình đi đâu bởi bao hình ảnh, kí ức lộn xộn rối tung trong đầu. Những hy vọng đây chỉ là một giấc mơ khi em tôi bình an vô sự cứ lóe lên rồi lại vụt tắt bởi những hình ảnh đáng sợ về một bi kịch đang xảy đến với em tôi và cả gia đình. Đến giờ tôi cũng không thể hồi tưởng lại những gì diễn ra trong đầu tôi lúc đó. Tâm trí hoàn toàn hỗn tạp, mông lung, bùng nhùng nhưng lại hoàn toàn rỗng tuếch, ý thức nhưng lại hoàn toàn vô thức, vô định mất phương hướng. Tôi cứ đi theo bản năng, thế giới và con người xung quanh như không còn hiện hữu… Sự lo lắng, bồn chồn, vội vã cùng những giọt nước mắt sợ hãi về một tấn bi kịch khiến mắt tôi cay sè. Tiếng còi xe làm tôi giật bắn mình.
Xẹt…xẹt… Tôi phanh gấp, chiếc xe cà tàng của tôi cố gắng dùng chút sức tàn của nó ghì nó và tôi lại, tránh một vụ tai nạn mà chính tôi sẽ là thủ phạm nhưng cũng là bệnh nhân. Tôi giật mình, bừng tỉnh sau cơn mê sảng. Trước mắt đã là chiếc xe máy của một người phụ nữ trung tuổi.
- Ấy ấy ấy… cậu bị mất hồn hả, đi đứng kiểu gì thế, không nghe thấy còi sao? Người phụ nữ cố kìm nén sự tức giận, nhìn tôi với vẻ mặt thất thần.
- Cháu xin lỗi, cháu vội quá ạ! Cháu… cháu. Tôi giải thích, ngập ngừng, mặt cắt không còn giọt máu.
- Đi cẩn thận chứ, vội thì cũng phải để ý vào chứ? Người phụ nữ tiếp những lời trách cứ.
- Dạ… dạ…cháu đang vội vào bệnh viện. Em cháu bị tai nạn đang cấp cứu không biết sống chết thế nào? Cô có sao không ạ? Cháu… cháu xin lỗi cô ạ!
Khuôn mặt căng thẳng của người đàn bà ấy dãn ra, nhìn tôi đầy thông cảm.
- Thật thế sao? Bảo sao như mất hồn. Tội nghiệp. Cô không sao, cũng may cậu phanh kịp. Thôi cậu đi đi, đi cẩn thận, chú ý vào kẻo xe cộ nguy hiểm lắm, cứ bình tĩnh, vội vàng không giải quyết được vấn đề đâu. Tôi cũng đang vội, Chúa chúc lành cho em cậu! Người phụ nữ nhìn khuôn mặt tội nghiệp của tôi, khẽ nhìn tôi gật đầu rồi rời đi.
Tôi ngước mắt nhìn, ánh mắt tôi lén nhìn theo người phụ nữ trong bộ áo dài mà tôi đoán đang đi lễ. Rồi tôi quét qua những thứ xung quanh với vẻ xấu hổ và nghĩ ngợi. Khi ánh mắt lướt qua một thứ gì đó sừng sững, tôi giật mình nhận ra tôi đang đứng trước ngôi thánh đường mà ông chủ trọ vẫn đến mỗi ngày, còn tôi chỉ là kẻ vãng lai. Tôi nhìn vào ngôi thánh đường, khi nhìn lên cây Thập Giá, tôi thấy như có một ánh mắt lặng lẽ đang dõi theo tôi, một sức mạnh kì lạ ghì tôi lại. Tôi lặng người, dù không dám bước vào, nhưng đưa ánh mắt lên cây Thánh giá trên nóc nhà thờ, cố hướng cái tâm thiện hèn hạ của tôi về với Đấng mà tôi chưa dám yêu. Lấy hết can đảm, mở hết tâm hồn, tôi cố thì thào trong cổ họng đắng ngắt của tôi, bởi tâm trí tôi lúc ấy rối tung và hỗn độn: “Nếu Ngài muốn, xin hãy cứu em con!”
Chỉ có thế, nhưng tôi cảm nhận được một điều gì kì diệu trào vào tim tôi. Sự hỗn độn, những mảng kí ức rời rạc và cả những suy nghĩ lung tung, lo lắng dù lại cuốn lấy đầu tôi, nhưng cái đầu tôi như nhẹ lại, tỉnh táo hơn, bình tĩnh và vững tin hơn. Tôi tiếp tục chặng đường đến với em tôi với hy vọng nó sống, nhưng rất sợ hãi xen lẫn sự tuyệt vọng… Khi đến nơi mà em tôi đang phải cấp cứu, sau một số câu hỏi gấp, một vài lời giải thích vội của chú Nam. Những trao đổi nhón nháo của chúng tôi bị bảo vệ nhắc nhở. Chúng tôi xấu hổ, lo lắng nhưng phải im lặng chờ đợi. Hồi hộp, vò đầu, bứt tóc, thở, nghẹn, sợ hãi, lo lắng, bối rối, đứng lên rồi lại ngồi xuống, quanh ra rồi lại quẩn vào, rút điện thoại ra mà không biết làm gì… Thời gian cứ vậy trôi… Trong tôi hiện lên bao kí ức về em gái tôi, những kí ức đẹp của những ngày anh em chơi với nhau dưới quê và bao ước vọng chúng tôi vẽ ra cho tương lai. Mọi thứ giờ đây như những bong bóng xà phòng vỡ tan. Ba mươi phút, một tiếng rồi lại hai tiếng… Chưa bao giờ tôi thấy thời gian trôi quá chậm như thế, tôi như muốn gào lên những rồi sự lo lắng lại nuốt chửng tôi. Tôi rũ người như một kẻ mất hồn, mồ hôi vã ra khiến tôi ớn lạnh. Thời gian vẫn cứ chậm chạp trôi…
Cạch! Tiếng chốt cửa… Phòng cấp cứu từ từ mở, mọi ánh mắt hướng vào cánh cửa nơi bác sĩ đang mệt mỏi bước ra. Tôi giật mình, lao về phía cánh cửa như một thằng điên. Bác sĩ bước ra, hướng về phía chúng tôi, từ từ bỏ chiếc khẩu trang, lộ rõ khuôn mặt đầy mệt mỏi sau ca phẫu thuật lâu giờ…
- Bác sĩ, em cháu sao rồi! Tôi dồn dập, mất kiểm soát.
- Cậu cứ bình tĩnh, cậu là gì của bệnh nhân! Bác sĩ bình tĩnh, dù giọng mệt mỏi, mà hơi thở nói lên tất cả. Ông từ từ bỏ chiếc khẩu trang, mặt lộ rõ sự mệt mỏi.
- Cháu là anh trai của nó. Còn đây đều là người nhà ạ. Tôi vội giải thích, cố để ghìm mình và tôn trọng bác sĩ. Em cháu có sao không ạ? Nó có nguy kịch không ạ… Nó…
- Bác sĩ cắt ngang lời tôi. Cậu cứ bình tĩnh lại, cậu cứ hoảng hốt thế này thì làm sao giải quyết được vấn đề. Chú tôi phía sau vỗ vai bảo tôi bình tĩnh và xin lỗi bác sĩ.
- Cháu xin lỗi… Cháu… cháu lo cho em nó quá ạ…
- Không sao, tôi hiểu cảm giác của cậu. Bác sĩ ôn tồn và nhẹ nhàng với chúng tôi.
- Thế… thế… Tôi ấp úng và xấu hổ không dám hỏi dồn nữa, nhưng lòng tôi thật sự rối bời.
- Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng… Ông dừng lấy hơi.
Hy vọng như vụt tắt, vậy là em tôi đã…đã… Giọt nước mắt trực trào. Hai tay tôi buông thõng. Tim tôi lịm tắt…
- Gia đình cứ yên tâm, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch! Bác sĩ lại dừng lấy hơi rồi nói tiếp. Không còn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn còn phải theo dõi. Thật may vì bệnh nhân được cấp cứu kịp thời. Nhưng vì chấn thương nghiêm trọng, có những lúc chúng tôi tưởng chừng bó tay vì mạch đã về 0 và tim gần như ngừng đập. Nhưng như một phép màu, bản năng sinh tồn đã giúp cô bé vượt qua cách kì diệu. Hy vọng không có những tổn thương và di chứng nghiêm trọng… Bác sĩ mỉm cười dù vẫn rất mệt mỏi.
- Thật ạ! Cháu cảm ơn bác sĩ. Mọi thứ như vỡ òa, tôi cũng chưa dám tin những gì mình vừa nghe, tôi và chú tôi ôm chầm lấy nhau. Tôi lẩm bẩm “em con sống rồi, nó không sao rồi, tạ ơn Thượng đế”…
- Không có gì, đó là bổn phận của chúng tôi mà. Thôi mọi người mệt rồi, nghỉ ngơi chút đi, chào gia đình. Bác sĩ nói trước khi rời bước. Em cậu đang cần theo dõi thêm, chưa tỉnh nên mọi người chưa vào được. Mọi người cứ kiếm chỗ nào nghỉ ngơi đi rồi chiều tối quay lại sau.
- Chúng cháu cảm ơn bác sĩ ạ! Chúng tôi khẽ cúi đầu tỏ lòng biết ơn bác sĩ. Ông nhìn chúng tôi và mỉm cười cảm thông rồi quay bước. Tất cả như một phép màu khiến tôi và mọi người trong gia đình vui khôn tả…
Tôi nhanh chóng gọi điện để báo tin cho bố mẹ để gia đình và mọi người ở quê an tâm. Khi đã định thần, tôi ngước mắt lên trời và thầm thĩ: “Cám ơn Ngài, con đã thấy và đã tin!” Ánh sáng qua mái hiên tỏa lan trên tôi, nhưng có một luồng sáng nhiệm lạ dịu mát đến từ Đấng ấy chói thẳng vào linh hồn tôi, khiến tôi ngập tràn hạnh phúc, bình an và hoàn toàn biến đổi cuộc đời tôi. Tôi hoàn toàn bị khuất phục, vững tin và chân nhận Ngài là Thiên Chúa Hằng Hữu, Đấng đã yêu tôi, đã chết vì tôi và kiên nhẫn chờ đợi tôi mỗi ngày…
***
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi…
- Về thôi anh! Chúc mừng anh nhé! Giọng nói trong trẻo quen thuộc khiến tôi giật mình.
Giọng nói và bàn tay thon thả ấy đã kéo tôi về với thực tại ngập tràn hạnh phúc vô bờ mà tôi đang nếm hưởng. Trước mắt tôi là Lan, em gái tôi. Cô bé đã sống sót kì diệu và tôi tin chính Chúa đã cứu em tôi. Giờ đây, nó đã là một thiếu nữ, một sinh viên năm thứ hai và là người mà tôi tin một ngày không xa cũng sẽ về với Ngài.
Ba năm là thời gian không quá dài, nhưng đủ để tôi hiểu hơn về Chúa, cảm nghiệm về Ngài cách sâu sắc hơn, mến Giáo hội hơn để có thể sẵn sàng lao vào vòng tay yêu thương của Ngài và trên hết là để quyết tâm tận hưởng và sống niềm tin, tình yêu ấy trong suốt cuộc đời, dù phía trước là con đường chẳng hề bằng phẳng.
- Ừ, mình về thôi. Cảm ơn em!
Chúng tôi nhìn nhau, mỉm cười mãn nguyện, rồi cùng nhau quay về phía cung thánh nơi Đấng đang giang tay ra trên Thập giá như luôn chờ đón tôi. Tôi đã yêu dù quá trễ nhưng không muộn, "lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung. Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó. Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa. Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con. Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con. Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa".
Những lời tuyệt vời của thánh Augustinô vang vọng trong tôi, như một nguồn động lực giúp tôi ý thức đức tin và ơn gọi mà tôi mới lãnh nhận để rồi tôi cũng biết theo gương thánh nhân dù bất xứng, có thể giữ vững và sống niềm tin suốt đời tôi dẫu biết chẳng dễ dàng. Chúng tôi quay bước trở về nhà nhưng mang trong tôi chính Ngài. Bóng tối đã nuốt chửng mọi không gian, nhưng Ánh Sáng tình yêu đang chiếu tỏa nơi tôi, mà không thứ bóng tối nào có thể chiếm hữu. Chúng tôi nhẹ bước, thời gian tiếp tục vòng quay của nó. Gió thổi… Lòng tôi bừng sáng!
Cf. Aurelius Augustinô, Tuwh Thuật-Confession, Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, Nxb. Đồng Nai, Quyển X, chương 27, Tr. 394